TÒA ÁN NHÂN QUYỀN STRASBOURG: ĐEO SAO ĐỎ KHÔNG PHẠM TỘI

Thứ tư - 09/07/2008 09:03

(NCTG) Ông Vajnai Attila, một chính khách cánh tả Hungary, ba năm trước đã bị kết án vì tội sử dụng biểu tượng của thể chế độc tài, thông qua việc đep ngôi sao đỏ trên áo. Tuy nhiên, Tòa án Nhân quyền Châu Âu Strasbourg, ngày 8-7 qua, đã đưa ra phán quyết cho rằng việc đeo ngôi sao đỏ là biểu hiện cho phép của thể hiện ý kiến. Quyết định này là một cái tát đối với Tòa án Hiến pháp (AB) Hungary!

Ca sĩ của ban nhạc "Green Day" mang ngôi sao đỏ trên ngực trong chuyến lưu diễn tại Budapest, nhưng anh không hề hấn gì - Ảnh: "Tự do Nhân dân"

Như NCTG đã nhiều lần đưa tin, năm 2003, trên tư cách phó chủ tịch Đảng Công nhân Hungary, trong một cuộc hội họp có đăng ký, ông Vajnai Attila đã đăng đàn diễn thuyết và đeo trên ngực một ngôi sao đỏ 5cm. Theo luật định Hungary, hành vi như vậy được coi là sử dụng những biểu tượng độc tài (chữ thập ngoặc, búa liềm, sao đỏ...) và do đó, tại các phiên tòa năm 2004 và 2005, ông Vajnai đều bị coi là có tội, rốt cục ông phải chịu bản án tù treo. Không đồng ý với phán quyết của tòa án Hung, ông Vajnai đã đưa vụ việc của mình lên Tòa án Nhân quyền Strasbourg.

Thứ Ba tuần qua, Tòa án Strasbourg đã đưa ra phán quyết, theo đó, quyền tự do thể hiện chính kiến của ông Vajnai đã bị xâm phạm, khi ông bị án tù do đeo ngôi sao đỏ. Phán quyết này cũng cho rằng, điều 269/b Bộ Luật Hình sự (BLHS) Hungary - cấm sử dụng những biểu tượng của các thể chế độc tài - là đi ngược lại Công ước Nhân quyền Châu Âu.

Về căn bản, Tòa án Strasbourg cho rằng với việc đeo ngôi sao đỏ, ông Vajnai không có ý thể hiện quan điểm ủng hộ các thể chế độc tài: tại Hungary, không một đảng phái chính trị nào muốn tái lập chế độ độc tài cộng sản. Cạnh đó, chỉ có thể hạn chế quyền tự do bày tỏ quan điểm của các chính khách xuất phát từ "nhu cầu" rõ ràng, cấp thiết và cụ thể của xã hội. Mà hiện tại, ở Hungary, không có nhu cầu ấy, theo Tòa án Strasbourg. Tòa còn cho rằng, sự cấm đoán ngôi sao đỏ ở Hungary quá rộng, vì nó không xét tới nhiều ý nghĩa khác nhau của hình tượng sao đỏ. Bởi lẽ, sao đỏ không chỉ là một hình tượng độc tài, mà còn là biểu tượng của phong trào công nhân vươn tới việc tạo dựng một xã hội công bằng hơn. Đồng thời, sao đỏ cũng là hình ảnh biểu tượng của nhiều đảng phái chính thức tại Liên hiệp Châu Âu.

Sự lý giải trên cho thấy rõ ràng là theo Tòa án Strasbourg, sao đỏ khác với hình tượng chữ thập ngoặc, hoặc chữ thập nhọn, bởi lẽ hai biểu tượng này được cả Châu Âu coi là biểu tượng độc tài, bất kể những "ngữ nghĩa" kèm theo. Phán quyết mang tính tiền lệ trên còn đưa Tòa án Hiến pháp Hungary vào một tình thế vô cùng khó xử, bởi lẽ, vào năm 2000, khi xem xét điều 269/b BLHS, AB đã cho rằng nó chẳng những hợp hiến, mà còn phù hợp với Công ước Nhân quyền Châu Âu.

Tòa án Strasbourg bác bỏ yêu cầu bồi thường 10.000 EURO của ông Vajnai, tuy nhiên, 2.000 EURO án phí sẽ do Nhà nước Hung chi trả.

Tòa nhà của Tòa án Nhân quyền Châu Âu ở Strasbourg

Giới luật gia Hungary cho rằng phán quyết của Tòa án Strasbourg là đúng mực, vì nó không nói rằng việc cấm sử dụng biểu tượng ngôi sao đỏ luôn luôn vi phạm Công ước Nhân quyền Châu Âu, mà chỉ cho rằng trong trường hợp cụ thể của ông Vajnai thì sự cấm doán là "hơi quá". Tuy nhiên, cho dù Hungary không bắt buộc phải trực tiếp sửa đổi đạo luật cấm những biểu tượng độc tài trên cơ sở quyết định nói trên, thì nước này cũng phải tính đến những rầy rà do phán quyết ấy gây ra, chẳng hạn, dân tình có thể... ồ ạt dùng ngôi sao đỏ mà cảnh sát sẽ không biết phải sử sự ra sao. Vì nếu trừng phạt họ, thì họ lại vẫn có đường kiện lên Tòa án Strasbourg và với phán quyết mang tính tiền lệ và dứt khoát hiện tại (tất cả các thẩm phán của Tòa án Strasborg đều đồng tình đưa ra quyết định này), Nhà nước Hung sẽ lại thua kiện!

Trong số các đảng đối lập lớn tại Hungary, FIDESZ chưa chưa ra bình luận về phán quyết của Tòa án Strasbourg, nhưng KDNP cho biết họ sẽ không bỏ phiếu để đưa việc cấm ngôi sao đỏ khỏi BLHS Hungary vì theo họ, điều này đồng nghĩa với việc hợp thức hóa "về hậu" sự đày ải, giết hại vài trăm ngàn người ở Hungary và hàng trăm triệu người trên thế giới.

Hai dân biểu Nghị viện Châu Âu - ông Hegyi Gyula và bà Herczog Edit (đều là thành viên MSZP) - hoanh nghênh phán quyết của Tòa án Strasbourg, cho rằng phán quyết đó "làm sáng tỏ một thực tế: sự đánh đồng các lý tưởng phát-xít và cộng sản là đi ngược lại với các giá trị của nhà nước pháp quyền Châu Âu". Theo quan điểm của hai chính khách này, sở dĩ các biểu tượng Quốc xã bị cấm ở tất cả các nước Châu Âu vì chúng kích động hằn thù, còn "các biểu tượng cánh tả truyền thống chỉ bị những thể chế độc tài kiểu Stalinist cướp đi từ các phong trào dân chủ trong một thời gian". Ông Hegyi Gyula và bà Herczog Edit cũng lưu ý rằng sao đỏ là một biểu tượng đã tồn tại từ vài trăm năm nay, ngay thi hào Hungary Ady Endre cũng coi đó là biểu tượng của sự giải phóng nhân loại. Hai dân biểu Châu Âu bày tỏ hy vọng dưới "ánh sáng" của phán quyết này, sự đánh đồng giữa các biểu tượng phát-xít và cánh tả ở Hungary sẽ chấm dứt.

Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn