Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14
Do đã hết chỗ, Ban tổ chức quyết định sẽ tường thuật
các buổi thuyết giảng trên website của họ. Tuy nhiên, do điều kiện kỹ thuật, trong cùng một thời điểm chỉ tối đa 10 ngàn người có điều kiện lắng nghe các bài giảng trực tuyến và giao lưu tương tác với chương trình, nên việc theo dõi trên website cũng cần phải đăng ký trước.
Thiện cảm với đại diện của Phật giáo
Mặc dù được tổ chức thành những chủ đề riêng cho các tín đồ Phật giáo và những người có sự quan tâm đến tôn giáo này, nhưng Ban tổ chức nhấn mạnh rằng những lời dạy, khuyến cáo của Đức Đạt Lai Lạt Ma là dành cho tất cả mọi người. Những ai mở lòng để tiếp nhận cơ hội và sức mạnh trong việc tìm hiểu bản thân và thế giới một cách sâu sắc, đều có thể đặt cuộc sống của mình trên một cơ sở mới.
Chính sự cởi mở đó - không đòi hỏi cử tọa phải là Phật tử - đã đem lại sức quyến rũ lớn cho người Hungary đến với các buổi thuyết giảng, vì họ tin rằng có thể thực hành những giáo lý của vị Đạt Lai Lạt Ma theo cách riêng của mình, mà không phải từ bỏ những tín ngưỡng, đức tin tôn giáo cá nhân.
Mặt khác, những ai đã có dịp đọc các trước tác của Ngài như “Cốt tủy của hạnh phúc”, “Chữa lành cơn thịnh nộ”, “Biển của Trí Huệ”..., được chuyển ngữ rộng rãi sang tiếng Hungary, đều muốn chiêm nghiệm sức hút đặc biệt của vị “thánh nhân” này, người đã từng có mặt tại Hungary nhiều năm trước chuyến công du chính thức.
Cạnh đó, những hồi ký của Ngài như “Tự do trong lưu đày” cũng được độc giả Hungary rất yêu mến và gần gũi, như minh chứng cho nỗ lực đấu tranh bất bạo động bền bỉ cho nền tự do của Tây Tạng, “
trên tinh thần khoan dung và tôn trọng lẫn nhau để bảo vệ lịch sử và tài sản văn hóa của con người” (lý giải của Ủy ban Hòa bình Nobel năm 1989).
Truyền thống Phật giáo lâu đời
Đáng ngạc nhiên là một xứ sở xa xôi tại Đông Âu như Hungary là một quốc gia có truyền thống lâu đời về đạo Phật, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng. Một số cư sĩ Phật giáo cho rằng do có nguồn gốc xuất xứ từ Phương Đông nên các giá trị văn hóa Phương Đông, trong đó có Phật giáo, luôn tồn tại một cách vô hình trong tâm thức người dân Hungary.
Sự hấp dẫn và phát triển của Phật giáo tại Hungary cũng được nhiều người lý giải là bởi khi tiếp cận với Phật pháp, người Hungary luôn có cảm giác như họ đang nghe những giáo lý quen thuộc, đã từng được biết tới.
Khởi điểm và đặt nền móng cho Phật giáo Tây Tạng tại Hungary, phải kể đến sự nghiệp nghiên cứu Tây Tạng và Phật pháp của Kőrösi Csoma Sándor, một học giả sinh vào cuối thế kỷ 18.
Học giả Hungary Kőrösi Csoma Sándor, người đặt nền móng cho sự nghiên cứu Phật giáo, ngôn ngữ và văn hóa Tây Tạng tại Châu Âu và Hungary
Trong những chuyến hành hương về Phương Đông, đặc biệt là sang Tây Tạng để tìm thủy tổ của dân tộc Hungary, ông đã chấp bút cuốn tự điển Tây Tạng - Anh đầu tiên (năm 1834), tổng hợp những nguyên tắc ngữ pháp của ngôn ngữ Tây Tạng và như thế, Kőrösi Csoma Sándor được coi là người đã sáng lập bộ môn khoa học nghiên cứu về Tây Tạng.
Có học vấn uyên bác, đọc thông viết thạo 20 thứ tiếng, trong quá trình dịch thuật kinh sách và truyền bá ngôn ngữ Tây Tạng, Kőrösi Csoma đã đồng thời giới thiệu những khái niệm căn bản của Phật giáo Tây Tạng tại Hungary và Châu Âu đương thời.
Nhờ sự nghiệp truyền bá đó, vào ngày 22-2-1933, tại Đại học Phật giáo Taisho (Tokyo), ông đã được “tấn phong” Bồ tát (ông là người Châu Âu đầu tiên được danh hiệu đó), mặc dù suốt đời ông vẫn giữ niềm tin vào đạo Tin Lành và chỉ khiêm nhường coi mình là một “
môn đệ Phương Tây” của Phật giáo.
Được đánh giá là người đã “
mở trái tim Phương Tây trước giáo lý nhà Phật”, Kőrösi Csoma Sándor trở thành một biểu tượng tại Hungary như người kết hợp giữa tinh thần dân tộc, nguồn cội và Phật giáo. Có thể coi ông là người đặt những cột mốc đầu tiên cho sự xuất hiện của các nhóm tìm hiểu Phật giáo tại Hungary từ cuối thể kỷ 19.
Hoạt động Phật giáo phong phú
Một phần nhờ sự nghiệp chói lọi và không thể phủ nhận của Kőrösi Csoma Sándor mà trong những thập niên dưới thể chế cộng sản tại Hungary, khi tất cả các tôn giáo đều bị Nhà nước hạn chế và quản lý ngặt nghèo, thì đạo Phật vẫn có đất sống.
Năm 1952, đúng vào thời kỳ đen tối nhất của các giáo hội ở Hungary, với sự ủng hộ của một vị Lạt Ma người Đức, tại Budapest đã thành lập một hội Phật giáo theo nhánh Đại thừa mang tên Sứ mệnh Phật giáo (Buddhista Misszió), đứng đầu là một cư sĩ Hungary tên là Hetényi Ernő (1912-1999).
Đồng thời, vào năm 1956, Hetényi Ernő - người sau này trở thành một Lạt Ma - cũng thành lập tại Berlin và Budapest một Viện Nghiên cứu Phật giáo Quốc tế mang tên Học viện Phật giáo Kőrösi Csoma Sándor.
Trong những thập niên sau đó, dưới sự quản lý của Cục Tôn giáo Quốc gia, Sứ mệnh Phật giáo là tổ chức Phật giáo duy nhất được chính thức cho phép hoạt động tại Hungary và còn có những sinh hoạt mang tính quốc tế.
Tháp tưởng niệm học giả Kőrösi Csoma Sándor tại Vũng Tàu
Chính tổ chức này, vào năm 1972, đã cho xây dựng một ngôi chùa tháp tưởng niệm Kőrösi Csoma Sándor tại Vũng Tàu, Việt Nam, theo đề xướng của cư sĩ Rudolf Petri (1915-1980), giảng viên Học viện Phật giáo Kőrösi Csoma Sándor (Budapest). (*)
Và, mặc dù không được phép chính thức ấn hành sách vở, nhưng dưới hình thức “samizdat” (tự xuất bản), nhiều kinh sách in rêneô đã được Giáo hội này lan truyền trong giới Phật tử và những người tìm hiểu Phật giáo Hungary.
Cuối thập niên 80 và nhất là sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, xuất hiện rất nhiều cơ sở Phật giáo (đa phần theo nhánh Tây Tạng và Ấn Độ) vì theo luật định, chỉ cần một nhóm 100 người cùng đức tin là đủ để thành lập một giáo hội được tòa án chính thức công nhận.
Hungary đã có trường Cao đẳng Phật học thành lập từ năm 1992 thu hút nhiều thanh niên, trí thức, với chương trình giảng dạy về giáo lý, Đông Phương học và Hán học có nhiều điểm đặc sắc được coi là độc nhất vô nhị tại Châu Âu.
Stupa Hòa bình tại Zalaszántó
Hungary cũng có có tới 7 tòa stupa (tháp bà), trong đó, stupa ở vùng Zalaszántó được coi là thánh đường Phật giáo lớn nhất Châu Âu, và cũng là nơi duy nhất tại Châu Âu được giữ một phần xá lợi của Đức Phật Tổ.
Tọa lạc trên một quả đồi cao 316m, tòa tháp này cao 36m, bề ngang 24m, được gọi bằng cái tên stupa Hòa bình, do đích thân Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cắt băng khánh thành vào ngày 17-6-1993 như một “
biểu tượng của hòa bình, hạnh phúc và giác ngộ”.
Từ hai thập niên nay, với sự xuất hiện của một số cộng đồng Á Đông tại Hungary, Phật giáo tại nước này có thêm những nét mới. Cộng đồng người Hoa đã có hai ngôi chùa và Giáo hội Phật giáo riêng tại Budapest, nơi quy tụ cả những Phật tử Hungary và Việt Nam.
Trong tương lai không xa, cộng đồng Việt Nam cũng dự tính sẽ có ngôi chùa cho riêng mình:
sự ra đời của Hội Phật tử Việt Nam tại Hungary vào mùa hè năm ngoái, cũng như hoạt động một số nhóm Phật tử khác cho thấy đời sống tâm linh ngày càng đóng vai trò lớn trong sinh hoạt văn hóa và tinh thần của bà con Việt tại đây. (**)
Ghi chú:
(*) Sau nhiều năm không được chăm sóc, hiện tại tòa tháp bà đã bị hư hại nhiều và tọa lạc trong một khu hoang vu, bị các hộ dân địa phương lấn chiếm bất hợp pháp thành nơi nuôi lợn, chó... Các thành viên thuộc đoàn Hungary tham dự Lễ hội Ẩm thực Quốc tế (World Food Festival, tổ chức vào cuối tháng 7-2010 ở Vũng Tàu) đã phải rất khó khăn mới tìm được đến tòa tháp để đặt hoa tưởng niệm vị học giả lớn.
Trong năm nay, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hungary, một kế hoạch trùng tu stupa đã được ĐSQ Hungary tại Việt Nam và Quỹ Văn hóa Vì văn hóa Hungary - Việt Nam dự tính thực hiện.
(**) Bản tin đã trích đăng tại RFI.