LAN MAN NHÂN TUỔI MỚI

Thứ tư - 30/01/2013 12:26

(NCTG) Vào ngày này cách đây đúng 40 năm, tôi dừng mút tay trong lòng mẹ mà chui ra ngoài để còn tận mắt “chứng kiến” cảnh Hà Nội trong những ngày gần cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ.



Bố mẹ tôi còn nhớ hôm đưa tôi từ bệnh viện về nhà, đêm có bắn pháo hoa chào mừng Hiệp định Paris ngừng bắn tại miền Bắc. Mẹ có bế tôi ra ngoài ban-công cho xem, mắt tôi chớp chớp, chắc tại chói quá.... nhưng bố mẹ nào mà chẳng nghĩ con mình là “thiên tài” nên bảo: “Con này ghê thật, sinh ra đã có pháo hoa chào mừng”.

Sau này nhớn lên tôi càng thấm thía rằng mình sinh ra vào thời điểm thật may mắn. Tôi đã chẳng bao giờ phải đi sơ tán xa bố mẹ, chẳng bao giờ phải sợ tiếng bom đạn mà chạy xuống hầm trú ẩn, chẳng bao giờ phải chứng kiến cảnh nhận được tin người thân hy sinh tan xác trong chiến trường... Tất cả những điều đó đã qua hết rồi, không có trong ký ức của tôi ngày ấy.

Tôi lớn lên vui vẻ trong tình thương yêu của bố mẹ. Đến tuổi đi học, tôi tung tăng cắp sách tới trường. Chúng tôi, những đứa trẻ lứa đầu tiên của thế hệ sau chiến tranh, luôn hồn nhiên, cười nói nghich ngợm suốt ngày, yêu thương gắn bó với nhau như bất kỳ bọn trẻ nào cùng độ tuổi trên thế gian này. Cả tôi, và tôi đoán chắc cả lũ bạn thời đó, chưa bao giờ nghĩ tới chiến tranh, chưa bao giờ chúng tôi đặt ra câu hỏi: “Tại sao giữa thời nước sôi lửa bỏng, tên rơi đạn lạc thế mà bố mẹ chúng mình vẫn làm thơ tình, vẫn yêu nhau và đẻ ra chúng mình được nhỉ?”.

Với suy nghĩ của thế hệ bây giờ - khi mà nhà không đủ phòng ngủ nên không muốn đẻ thêm con, kinh tế chưa “vững” nên chưa lập gia đình, sự nghiệp danh vọng đang tốt nên phải “hoãn” chuyện con cái lại... - thì những câu hỏi như ở trên thực sự cũng không thể có lời giải đáp.

Năm 1990, tôi được nhận học bổng du học tại Đại học Y khoa Budapest (Hungary) đúng vào thời điểm chế độ cộng sản ở toàn châu Âu sụp đổ. Hung là một trong số nước mở cửa, thay đổi thể chế chính trị rất sớm và ôn hòa. Nhưng vì rơi vào một ngôi trường khá nổi tiếng, bận học hành suốt ngày nên tôi như hoàn toàn không biết gì đến những biến chuyển của xã hội xung quanh.

Học được vài năm, tôi may mắn được một chuyến “đi Tây”. Không biết có phải do ảnh hưởng chập choạng về văn hóa Pháp qua vài cuốn truyện và mây cái đĩa nhac chansons romantiques Francais do bố tôi mang về nhà hay qua những mẩu chuyện kể lắt nhắt của mẹ tôi về Hà Nội thời Pháp, về gia đình ông bà ngoại dưới thời Pháp hay không, tôi nghĩ cứ “đi Tây phải là đi Pháp”! Tôi mất công xếp hàng chầu chực để xin qua 3 cửa: giấy phép của Ban Quản lý LHS Đại sứ quán Việt Nam, dấu cho phép xuất cảnh của phía Hungary và thị thực vào Pháp. Lo âu, hồi hộp, đợi chờ… rồi cuối cùng tôi cũng đặt chân được tới Paris, Kinh đô Ánh sáng.

Sau một chút gọi là bỡ ngỡ ban đầu, tôi nhanh chóng tự lần mò đi được gần như hết những nơi mình muốn: chen lấn xô đẩy nhau vào nhà thờ Notre Dame để hình dung anh gù Quasimodo sống ra sao; xếp hàng dài dằng dặc vào bảo tàng Louvre chiêm ngưỡng nụ cười đầy bí ẩn của nàng Mona Lisa; đưa hai ngón tay lên chụp ảnh ở chân tháp Eiffel; tha thẩn trong công viên Luxembourg lẩm nhẩm hát bài “Les Feuilles Mortes” và đi dạo dọc sông Seine ngắm những con tầu Bateaux Mousse (ngắm thôi chứ không đủ tiền để lên đâu)...

Đại loại là như vậy, tôi thấy rất thoải mái, đầy ấn tượng về một “La vie en rose”, và cái chính là thấy không một chút mặc cảm mình là ai, từ đâu đến, có “ nhà quê” lắm không. Hòa vào dòng người đứng chờ ở bến metro tôi thấy từ cách ăn mặc, đi lại của mình cũng chẳng khác gì những người xung quanh (trừ những cô nàng rất “xịn” bước từ ôtô ra, xoải bước dài đung đưa trên đại lộ Champs- Élysées).

Tối đến mệt phờ, đói mềm cả người nên khi nghe ông bác họ nói được mời đến một gia đình Việt kiều ăn cơm, tôi rất hớn hở. Nhà đẹp, phòng khách sang trọng, gian bếp lịch sự ấm cúng, mùi thức ăn nóng hổi bốc lên thơm ngon ngào ngạt. Vợ chồng chủ nhà đều là người Nam, nhưng chị vợ gia đình gốc Huế, nấu ăn khéo. Cùng ăn cơm với chúng tôi còn một cặp vợ chồng Việt kiều nữa. Anh chồng cỡ khoảng trên dưới 50, trông vẫn còn rất phong độ, cao to, đẹp trai. Chị vợ ăn mặc trau chuốt như các bà đầm đài các. Họ quen thân với vợ chồng chủ nhà từ đã lâu nên trò chuyện rất hợp “gu”, rôm rả.

Qua câu chuyên tôi được biết anh chồng là bác sĩ thời trước 1975, sang đây hiện cũng làm tại một bệnh viện ở Paris. Do bằng y khoa trong nước không được bên này chấp nhận nên anh đành làm y tá trưởng phụ trách phòng mổ, lương lậu khá. Đến lượt tôi, sau khi tự giới thiệu sinh ra tại Hà Nội, được nhà nước cho đi học ở Đại học Y khoa ở Budapest, Hungary, giờ sang Paris đi chơi du lich, v.v... thì anh chồng sững người:

- Ủa, cô bé này là dân Bắc Kỳ được Cộng sản cử đi học à?

Tôi cũng chẳng biết nên trả lời như thế nào, cả bàn ăn im lặng trong giây lát rồi anh bác sĩ dường như thay đổi thành một con người khác. Anh ăn ít, uống nhiều, mắt đỏ tía, giọng cục cằn, văng đủ mọi thứ. Nào là Đ.M. cái bọn Cộng sản đã cướp đi cả sự nghiệp của anh (thời đó anh đang là bác sĩ mổ lồng ngực giỏi có tiếng), đã cướp đi cả tòa dinh thự cực đẹp xây kiểu Mỹ có mái nhà che kín bởi hoa giấy đỏ của anh, đẩy bố mẹ anh vào hoàn cảnh sống cơ cực. Nào là tiền anh gửi về nhà cũng bị bọn ăn trộm lấy hết trơn (mà có khi vì chế độ cộng sản nên sinh ra lắm trộm cắp), tội nghiệp ba mẹ lắm mà anh đâu có về thăm được…

Chẳng hiểu sao khi ấy tôi lại thấy tự ái, nỗi uất ức, bực dọc xen lẫn hổ thẹn trào dâng. Đúng kiểu xử sự của một cô sinh viên non choẹt chưa hiểu gì về đời, tôi đùng đùng đứng lên đòi đi về, về ngay lập tức! Khổ thân ông bác đang say sưa đánh chén chẳng hiểu mô tê ra sao cũng phải lập cập chạy theo tôi không sợ cô cháu lạc đường buổi tối tại Paris thì mang tiếng!

Đêm hôm đó, lần đầu tiên trong đời tôi suy nghĩ về chiến tranh Việt Nam tại một thành phố hoa lệ, cách Viêt Nam cả chục nghìn cây số. Tôi nhớ ra rằng tôi không có ông bà. Ông nội tôi đã mất trong chiến trường cuối những năm 60, khi tôi chưa ra đời. Vậy là ông nội đã không biết ông có một đứa cháu như tôi trên đời. Tôi nghĩ tiếp nếu biết mình có một cô cháu gái, ông có còn đòi ra mặt trận nữa không? Ở nhà đọc truyện cổ tich cho cháu nghe, cầm tay cháu đi dạo quanh Bờ Hồ hoặc nghe cháu đánh đàn piano cho ông có thich hơn chăng?

Khi ra đi ông có biết bố tôi và các cô tôi đau khổ đến nhường nào khi nhận được tin ông bị trúng bom, thi thể tan tành không còn nhặt được mảnh nào? Đến nỗi vì đau khổ quá cô út cũng ra đi sau ông ít lâu khi đang còn rất trẻ rất đẹp? Ông có ân hận không khi biết vì theo ông ra Việt Bắc mà bà không thể chịu nổi vất vả nên đã ra đi trước cả ông, để lai 3 người con còn chưa ai biết sẽ sống ra sao trong giai đoạn đầy khó khăn?

Tôi còn thầm trách tại sao ông không ở lại nước ngoài làm công tác nghiên cứu khoa học? Khoa học là thành tựu chung của cả nhân loại cơ mà? Ông ra chiến trường cứu được cho hàng nghìn thương binh, nhưng nếu ông ở lại, biết đâu những phát minh của ông lại cứu được hàng trăm nghìn người khác trên thế giới? Tại sao cứ yêu nước lại phải ra mặt trận, lại phải đánh nhau, lại phải để lại đau khổ cho người thân và chịu đựng đau khổ?

Tôi biết bố tôi hay nóng tính và mẹ tôi hay lo lắng. Cái đó do bản tính, do gien di truyền hay do hoàn cảnh? Bố không được hưởng nhiều tình cảm gia đình, không được dậy dỗ và nâng niu. Phải chăng bố tôi cũng có những nỗi đau rớm máu trong tim khi mất mát ba mẹ trong chiến tranh nên nhiều khi tính bố nóng giận? Ông nội tôi hy sinh, gia đình chỉ nhận được đền bù bằng hai tấm bằng “Anh hùng Lao động” và “Giấy chứng nhận Liệt sĩ”. Thời bao cấp tôi còn thấy bố để hai cái bằng đó trên bàn thờ, nhưng lâu lắm rồi đã không còn để đó nữa. Trên bàn thờ chỉ có ảnh ông mặc complet, thắt cravate chình tề, cạnh ảnh bà nội tóc búi cao, mặc áo dài Huế.

Tôi dám chắc rằng nếu hỏi cả triệu gia đình có người thân hy sinh trong chiến tranh có thấy “vui mừng hãnh diện” vì những tấm bằng đấy không? Sẽ không có người nào muốn thể cả, họ chỉ muốn người thân của mình không phải chết, họ chỉ muốn giá đừng có chiến tranh, giá đừng phải ra trận…

Phải đến khi làm vợ, làm mẹ, tôi mới dường như cảm nhận được hơn những nối đau, mất mát trong chiến tranh. Từ lúc mang thai, đẻ ra, đến lúc nuôi dạy một con người sao khó thể, biết bao công lao chăm bẵm, thức đêm, lo toan, vất vả… Thế rồi “pằng”, một phát súng và tất cả công lao của các bà mẹ trong vòng bao năm đều tan vỡ luôn như cuộc đời của cả chính họ! Một chân lý hiển nhiên như trái đất tròn đang quay mà sao bao đời nay vẫn chưa được chứng minh, công nhận? Tại sao và tại sao?

Có lẽ do ngẫu nhiên của số phận mà tôi, công dân của một nước có bề dầy lịch sử, luôn “chiến thắng tất cả các cường quốc trên thế giới”, lại định cư tại một đất nước nhỏ bé, thua cuộc liên miên trong cả hai cuộc Chiến tranh Thế giới. Đế chế Áo - Hung đã từng có thời oanh liệt nổi tiếng, lãnh thổ mở rộng ra đến tận Địa Trung Hải. Cái số Hungary nó thể, cứ đứng về phe nào trong Thế chiến là phe đó thất bại, đất nước lại bị chia cắt xà xẻo, phải chăng cây thánh giá trên vương miện vua cũng vì vậy mà bị đặt nằm nghiêng chứ không hiên ngang đứng thẳng.



Diện tích lãnh thổ của Hung hiện nay có lẽ chỉ bằng một phần ba thời trước. Trừ vài ông bà già theo xu hướng dân tộc, người Hung bình thường không mấy ai quan tâm về vấn đề này, họ chỉ lo cho cuộc sống hiên tại và tương lai của con em họ. Tuy vây, lịch sử được dạy rất kỹ càng trong các trường học, từ lịch sử thời cổ đại đến lịch sử thế giới qua hai cuộc chiến, và lịch sử của châu Mỹ, châu Á, cặn kẽ, nhiều mặt… Ngoài ra, học sinh bắt buộc phải đọc khá “nặng ký” về văn học Hungary và nước ngoài, bao hàm tất cả những tác phẩm kinh điển.

Con tôi mới học lớp 2 mà cô giáo luôn cho rất nhiều bài tập đọc, sách “bắt buộc phải đọc” ở nhà. Phần lớn đều là những sách kinh điển về tình cảm gia đình, tình yêu thiên nhiên, súc vật, những tấm gương chia xẻ cho bạn nghèo, giúp người già, ca ngợi tính thật thà và ca ngợi tình yêu…, rất giàu tính nhân bản, vị tha và yêu chuộng hòa bình.

Phải nói rằng đối với tôi, những giờ phút hạnh phúc nhất trong ngày là những giờ phút “kèm con tập đọc”, hoặc nói chính xác hơn là “tập đọc cùng con” vì nó thường chê mẹ phát âm không “chuẩn”, nhấn giọng chưa đúng chỗ hoặc ngắt câu sai. Hai mẹ con thấy lá vàng dường như đẹp hơn sau khi học thuộc lòng bài thơ tả cảnh mùa thu, cùng cười khúc khích khi một con gà mái của một bà nông dân chễm chệ được vào nhà sống cùng với chủ, khóc sụt xùi thương con mèo mẹ nhảy vào lửa cứu con ra rồi không thoát ra được nữa, hay thông cảm với cậu bé nghèo chẳng có giầy mà đi học…

Có lẽ phù hợp với những sách vở và kiến thức dạy trong trường mà các cô giáo luôn nhắc học sinh không được đánh nhau. Không biết các cô ở đây áp dụng biện pháp gì nhưng bọn trẻ nghe lời răm rắp. Tôi nhớ có lần đi làm về thấy con mình mặt mày xây xước vết cào, tí nữa thì vào mắt. Hỏi ra mới biết, vì bênh một bạn gái, cu cậu ẩn một bạn trai ra, bạn ấy xông vào cào cho vào mặt. Câu hỏi đầu tiên của tôi là: “Sao lại để cho bạn cào như thế? Phải đánh lại chứ?”. Thằng bé chỉ trả lời cụt lủn: “Cô không cho đánh nhau”.



Vừa xót con, vừa bực mình vì đuối lý cả buổi tối tôi bứt rứt không yên. Gọi điện cho cô? Cô chắc đằng nào cũng đã biết chuyện và cần nói gì với lũ trẻ, cô cũng nói rồi. Gọi điện cho mẹ bạn đánh con mình, “mắng” cho mẹ bạn ấy một trận không biết dạy con? Mẹ nào chẳng bênh con? Bỏ qua không lên tiếng coi như không có chuyện gì xẩy ra? Nó lại đánh con mình nữa thì sao? Và cuối cùng, tôi quyết định giải pháp… viết.

Tôi viết một cái thư đưa lên group của toàn thể phụ huynh trong lớp để mọi người biết chuyện đã xảy ra với con tôi, nó không đánh nhau vì nghe lời cô giáo, tôi không ân hận vì chuyện đó. Nhưng những gì xảy ra với con tôi cũng có thể xảy ra với những đứa khác, chúng ta hãy cùng nhau giúp đỡ con mình, v.v… Không ngờ “thông tin truyền thông” lại có sức mạnh mãnh liệt. Tôi nhận được rất nhiều phản hồi, phần qua thư, phần trực tiếp khi các phụ huynh gặp tôi.

Khỏi phải nói phản hồi đầu tiên thuộc về mẹ bạn đánh con tôi với những lời lẽ không chút đẹp đẽ gì, bênh vực con, dọa nạt tôi. Nhưng khi phát hiện ra nhiều người khác cùng đọc được câu chuyện này thì cô ta im bặt. Cô giáo và bà hiệu trưởng có gặp mặt tôi, nói rất hiểu tôi, mong tôi thông cảm cho bạn “đầu gấu” đó vì hoàn cảnh gia đình bạn ta rất phức tạp: không bố, mẹ đi suốt ngày, ở với bà, ít tình cảm nên tính tình hung dữ. Cô có gọi bạn ta ra xin lỗi trước mặt tôi và cam đoan sẽ không xảy ra điều tương tự nữa. Một thời gian sau, bạn ấy chuyển lớp với lý do “khó hòa nhập”.

Vậy đấy, sinh nhật lần thứ 40 của mình, lan man ghi lại những câu chuyện này, tôi thấy mình may mắn vì được sinh ra khi không có chiến tranh, sống trong hòa bình – cho dù cuộc sống hòa bình ngày hôm nay cũng đầy vất vả, bực bội lo toan. Chắc rằng tất cả các bạn cũng đều muốn cho con mình được may mắn. Có gì bức xúc, cứ mạnh dạn lên tiếng, nhưng đừng đánh nhau, đừng để xảy ra chiến tranh, các bạn nhé!

Bài và ảnh: Đặng Phương Lan, từ Budapest – Ngày 31-1-2013


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn