Trên các mạng xã hội, có nhiều status - trong đó, đáng sợ thay, không ít là của các “quý bà” - lên giọng đổ lỗi cho các nạn nhân, thường là nữ, bị quấy rối tình dục.
Chúng ta sinh ra từ một nền văn hóa - lịch sử đã từng cạo đầu bôi vôi, cột bẹ chuối cho trôi sông những cô gái chưa chồng mà có chửa, dù là do bị hãm hiếp. Cha mẹ cô bị mang tiếng cả đời vì “đẻ ra thứ con cái lăng loàn”. Em gái cô khó lấy chồng. Trong khi đó, gã đàn ông đã làm cho cô có chửa vẫn bình an vô sự.
Hủ tục man rợ đó đã phải chấm dứt. Nhưng những tàn dư của nó vẫn len lỏi bắt rễ trong nếp nghĩ của rất nhiều người. Để đến tận thời nay, những nạn nhân bị hiếp dâm, xâm hại tình dục, chủ yếu là nữ giới, phải tìm cách tự tử, hoặc vật vã sống trước nhiều lời đàm tiếu của cộng đồng xung quanh.
Câu chuyện của cô gái trẻ mới bước chân vào nghề báo bị chính một đồng nghiệp lớn tuổi hiếp dâm, lại chịu thêm điều tiếng xung quanh - những lưỡi dao vô hình đang chĩa ra từ dư luận. Những lưỡi dao đó có tên là sự đổ lỗi cho nạn nhân.
Nạn nhân bị hiếp dâm, xâm hại tình dục, dù đã phải trải qua nỗi kinh hoàng từ sự hãm hiếp, lại tiếp tục bị dư luận đổ lỗi - vì đã mặc đồ khiêu khích, vì đã nói cười lả lơi, vì đã quá chén, vì đã vụng dại cả tin… hoặc theo bất kỳ cung cách nào thì họ vẫn có thể bị moi móc. Những lời chỉ trích cay nghiệt nhất đến dưới dạng những lời cao đạo: con gái con nứa thì phải; ăn mặc như thế chả trách; chắc cũng mời chào người ta...
Kiểu đổ lỗi cho nạn nhân hàm ý: cô ta cũng có lý do để đáng bị hãm hại như vậy lắm, còn như tôi đây thì không bao giờ bị. Thay vì hướng mũi tên về phía thủ phạm, lời rỉa rói ác ý lại hướng đến nạn nhân. Liệu chúng có giúp nạn nhân thấy mình đã “có lỗi” mà sống tốt hơn không? Hay chúng chỉ giúp cho người nói cảm thấy “hả dạ” một chút, thấy mình đứng đắn hơn hẳn, và yên tâm rằng chuyện tương tự sẽ không xảy đến với mình hay người thân, vì mình biết cách “cư xử khác”?
Không! Sự đổ lỗi cho nạn nhân chỉ xoá bớt đi lòng từ, mở đường thêm cho sự khắc nghiệt của xã hội cũ trỗi dậy. Trước hết, nó bịt mất lối thoát của nạn nhân - vì sợ bị đàm tiếu, nhiều khi nạn nhân sẽ chọn im lặng, thay vì đi tìm công lý nơi tòa án. Sự đàm tiếu làm gia tăng mặc cảm tội lỗi, dồn nạn nhân vào bước đường cùng, sống hoặc chết trong tủi nhục. Con đường rộng thoáng ngoài kia, để dành cho những tên tội phạm nhởn nhơ.
Nguy hiểm hơn, sự đổ lỗi cho nạn nhân gián tiếp kéo lùi xu hướng hành xử văn minh của quan niệm xã hội và luật pháp. Nó gián tiếp cung cấp “tình tiết giảm nhẹ” cho kẻ phạm tội về mặt xã hội. Như thể anh ta phạm tội như vậy cũng là do hoàn cảnh, do bị mồi chài, hoặc do cô kia mở đường trước.
Trong khi đó, luật pháp và lối ứng xử xã hội hiện đại phải tiến theo hướng bảo vệ nạn nhân, rằng bất luận trong hoàn cảnh nào, một cô gái có ăn mặc hớ hênh ra sao, nói cười lả lướt thế nào, có liều lĩnh chơi với nhóm nam giới nào, thì trong xã hội văn minh, cô cũng không bao giờ “đáng” bị xâm hại.
Nói cách khác, dù nạn nhân có vẻ đã ít đề phòng nhất, ít có kỹ năng chống trả tội phạm nhất, thì họ vẫn xứng đáng được bảo vệ bởi luật pháp và cộng đồng xã hội văn minh. Nạn nhân của tội ác hiếp dâm, nạn xâm hại tình dục, dù trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, cũng không bao giờ là đáng bị coi là thủ phạm của chính họ.
Sự đổ lỗi cho nạn nhân không giúp gì được cho chính nạn nhân. Không giúp ích cho giáo dục nói chung. Trái lại, nó chỉ làm gia tăng thêm sự nhẫn tâm trong xã hội.