Cuốn sách “Chim ưng và chàng đan sọt”: ĐẠP ĐỔ THẦN TƯỢNG HAY TỰ NGÃ DẬP MẶT?

Thứ ba - 24/04/2018 05:20

“Chim ưng và chàng đan sọt” không thiếu những đoạn rẻ tiền và hạ cấp, ngôn ngữ không chỉ tục tĩu mà ngô nghê như sách cấp ba loại bốn. Tiếc cho chừng ấy cây rừng bị thành giấy lộn. Tiếc cho cả một hội đồng chấm giải hình như ngủ gật triền miên”.

Cuốn sách đang gây ồn ào vì có những đoạn bị coi là mô tả sex một cách dung tục - Minh họa: Internet

Cuốn sách đang gây ồn ào vì có những đoạn bị coi là mô tả sex một cách dung tục - Minh họa: Internet

Ở một xã hội còn ít nhiều chịu ảnh hưởng rơi rớt của Nho giáo như Việt Nam, muốn hay không cũng phải thừa nhận một số nếp nghĩ đã thành thâm căn cố đế. Chuyện đó không có gì đáng buồn, vì nó như vết xây xát trên cơ thể mà ta hoàn toàn có thể chung sống trong cơn sốt vỡ da để lớn, mặt khác cũng là một dạng luật chơi do các chủ thể tự thống nhất với nhau để tham gia ván bài thời cuộc.

May mắn thay, gần đây văn chương xứ này đã có những cởi trói để mở rộng cái gọi là “biên độ hư cấu” khi chạm đến chủ đề lịch sử hay danh nhân lịch sử, dĩ nhiên trong khuôn khổ “phải đạo”, nghĩa là không phủ nhận hay phản lại các giá trị được xã hội đồng thuận. Tuy nhiên, “biên độ” lại cũng là một khái niệm đáng suy nghĩ, và thủ pháp lấp đầy biên độ đó lại càng nên bàn. 

Giải thiêng lịch sử là một thủ pháp văn chương

Cái cớ để tôi biên lại mấy suy nghĩ này là tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ, xét về tuổi tác là cây đa cây đề trong Hội Nhà văn, lại còn mang trọng trách nắn bút cho giới trẻ ở Trung tâm Bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du.

Cuốn sách này đã gây chú ý với giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn từ cuộc thi tiểu thuyết IV cho giai đoạn 2011-2015. Năm nay lại được bồi thêm giải C Sách quốc gia cho mục Sách hay. Tác giả còn có một tiểu thuyết lịch sử khác như “Chim bằng và nghé hoa” về Thái úy Lý Thường Kiệt. Quả là một nỗ lực đáng quý ở cái thời đầy trăn trở khuyến dụ học sinh chú ý Quang Trung không phải bạn chiến đấu của Nguyễn Huệ.

Phàm đã bước vào lãnh địa sáng tác, ai chả muốn gây sự chú ý cho đứa con tinh thần của mình, chứ dại gì bơi xuôi dòng như bọt bèo quán tính? Bùi Việt Sỹ có lẽ cũng nghĩ như vậy khi chọn cách gây hấn, mà cách gây hấn hữu hiệu nhất là bắn viên đạn súng lục vào những giá trị được xã hội im lặng nhất trí công nhận, biết đâu gặp may mà nhận lại viên đại bác? Vậy ông nhắc đến các anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão… trong mấy chi tiết rất “kém thiêng”.

Không may cho tác giả, cuốn sách chìm nghỉm trong cái bể dư luận im lìm đáng sợ, ngay cả khi làm nổ ra cuộc tranh luận về đạo văn với tác giả của “Sương mù tháng Giêng” là Uông Triều. Vậy thì giải thiêng lịch sử, ví dụ bằng cách miêu tả các vụ loạn luân chẳng hạn, không được bạn đọc chào đón? Người ta còn bị ông Khổng Khâu đè nặng, không dám vỗ tay khen các điều bị xếp vào mục huý kỵ lâu nay? Để minh họa cho nhận định ấy, hay đúng hơn là phỏng đoán nguyên nhân chìm xuồng của “Chim ưng”, đành phải mất công chép lại một đoạn về danh tướng Trần Khánh Dư trong giây phút rất đời thường của ông: 

Công chúa mắt sáng long lanh, miệng cười đon đả bảo: “Ồ, chuyện không có gì! Không có gì! Mời Nhân Huệ vương vào phòng khách”.

Được lời như cởi tấm lòng, đôi chân dài của Khánh Dư theo sát công chúa vào bên trong phủ. Khi cánh cửa gỗ lim phòng khách vừa đóng sập lại thì hai cơ thể đã quấn chặt lấy nhau. Chẳng cần màn dạo đầu hôn hít. Khánh Dư bóc váy áo của Thiên Thụy. Và ngược lại những ngón tay của công chúa vội vàng cởi chiếc quần đi ngựa rộng thùng thình của Khánh Dư. Khi thân thể cả hai đã được bóc trần, Khánh Dư luồn tay dưới cặp mông mẩy và cong của công chúa nhấc lên ngang với chiếc “cần câu” dài và thẳng đứng của mình.

Rồi chẳng cần giường chiếu, với sức khỏe của một võ tướng đang ở tuổi sung mãn nhất, Khánh Dư lúc đẩy mông Thái Thụy ra, lúc dập mông công chúa vào, tạo nên một nhịp điệu đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả. Công chúa Thái Thụy rú lên sung sướng theo nhịp đôi đơn giản đó. Lúc cao trào nhất đôi tay Khánh Dư đưa ra, ập vào dồn dập như người đẩy cối xay lúa, khiến công chúa nấc lên: “Ối! Nhân Huệ Vương! Ta chết mất! Ối!...
.

Nhân thể cũng phải nói thêm sự to gan tấn công thần tượng của Bùi Việt Sỹ cũng chỉ nửa vời, khi ông tự nguyện đổi đầu đề gốc “Chim ưng và vịt” (theo danh ngôn chân thành mà thô bỉ của Nhân Huệ vương: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”) thành “Chim ưng và chàng đan sọt”. Có lẽ ai đó quá thịnh tình với tác giả để hô hấp nhân tạo cho nó từ giải B 2015 lên giải C 2018?
 
Trang sách gây sốt trên các trang mạng - Minh họa: Internet
Trang sách gây sốt trên các trang mạng - Minh họa: Internet
 
Viết dâm thư cũng là thủ pháp văn chương

Haruki Murakami, nhân vật bền bỉ chờ giải Nobel cả chục năm nay cũng không phải ngoại lệ. Cây bút thiên tài này dường như chỉ thiêng ở ngoài chùa nhà, còn ở Nhật thì ông bị đồng bào của mình hắt hủi một cách bất công. Chỉ vì ông khá xa lạ với các nhà văn trong nước khi rẻ rúng các nét truyền thống tạo nên văn hóa Nhật, đã thế lại còn khai thác quá khứ du ngoạn Hoa Kỳ của mình, mở quán nhạc Jazz giữa chốn Phù Tang thâm trầm và chuyên dịch văn học Mỹ?

Văn học Nhật, như ta biết, rất coi trọng miêu tả tình dục, nhưng là tình dục… kiểu Nhật. Người Nhật có mối quan hệ rất tự nhiên với tình dục và thể hiện tình dục trong nghệ thuật, song họ khác với Murakami ở chỗ chỉ thưởng lãm tình dục trong bốn bức tường riêng tư. Ai qua Nhật sẽ thấy vô số tạp chí khiêu dâm bán đầy hiệu sách, song ở đó cũng thuê một đội quân các cụ về hưu, chuyên dùng bút đen để tô đè lên các bộ phận nhạy cảm. Chỉ Murakami mở đường riêng, chả trách bị người ta ghét!? Âu cũng là nét văn hóa riêng của từng dân tộc vậy. “Rừng Na Uy” được dịch ra mấy chục ngôn ngữ, nhưng bản dịch đầu tiên ra tiếng Việt bị xén tỉa sạch sẽ và suýt rơi tõm vào thùng rác với dấu ấn “dâm thư”.

Elfriede Jelinek, Nobel Văn chương 2004 cũng chịu số phận tương tự. Tôi nhớ có lần ở Vienna, khi mua sách của bà sau giải thưởng lớn, người bạn Áo của tôi ân cần dặn: “Tốt nhất là mày đừng khoe thích Jelinek, mà cũng đừng mở sách bà ấy đọc trên máy bay, kẻo người ta ghét lây mày đấy!”. Thực tế là cách viết trần trụi, tục tĩu của Jelinek đôi khi khó nhằn. Song có lẽ vì thế mà bà được Hội đồng Giải Nobel Thuỵ Điển chú ý?

Hai cây bút đình đám trên chỉ là ví dụ cho thành công văn chương nhờ, một phần, đưa sex lên giấy. Đã vận đến “dâm thư” theo mọi cách hiểu, không thể không nhắc đến “Kim Bình Mai từ thoại”, pho truyện 100 hồi về nhân tình thế thái của Tiếu Tiếu Sinh đời nhà Minh bên Tàu, nổi tiếng qua các đoạn dài miêu tả chuyện tình dục phóng đãng, đồng thời hấp dẫn người đọc bởi nỗ lực thoát khỏi vòng kim cô lịch sử để hôm nay được coi như nguồn tham khảo về văn hóa xã hội đời Minh chân thực nhất. Bây giờ mà quay lại so sánh với với “Chim ưng” thì quả là khiên cưỡng, vì Chim ưng lúc này đã hóa thành con Vịt lạch bạch hèn kém. 

Viết dở không bao giờ là thủ pháp văn chương 

Con Vịt lạch bạch không thể thành chim ưng, dù chúng cùng có đôi cánh. Các thủ pháp nêu trên có lẽ không xa lạ gì với tác giả Bùi Việt Sỹ, khi chính ông là người dạy viết lách của Hội Nhà văn Việt Nam cao quý.

Nhà văn Daniel Kehlmann trong “Đo thế giới” đã ép hai nhân vật lịch sử là nhà khoa học Humboldt và thiên tài toán học Gauss gặp nhau trong đời. Ông ấn vào mồm họ những danh ngôn và triết lý hoàn toàn không được minh chứng. Ông không ngần ngại đánh tiếng về chứng liệt dương của Humboldt. Nhưng người đọc vừa cười vừa khóc khi đọc về các danh nhân, cảm thương khi đứa con bất hiếu Humboldt thở phào thấy mẹ qua đời, thích thú đọc đi đọc lại đoạn Gauss vùng dậy ghi lại công thức toán học về vạn vật hấp dẫn và bỏ mặc cô vợ nằm tơ hơ trên giường tân hôn, rùng mình chứng kiến đại triết gia bệnh hoạn Immanuel Kant giữa khung cảnh tối tăm bẩn tưởi…

Thủ pháp, nói cho cùng là mẹo dẫn cơm, để dụ người đọc vào bữa tiệc văn chương thịnh soạn. Thức ăn dở đã đáng trách, mẹo dẫn cơm dở thì lại càng không bao giờ đáng được gọi là thủ pháp viết văn. “Chim ưng và chàng đan sọt” không thiếu những đoạn rẻ tiền và hạ cấp như đã trích ở trên, ngôn ngữ không chỉ tục tĩu mà ngô nghê như sách cấp ba loại bốn. Tiếc cho chừng ấy cây rừng bị thành giấy lộn. Tiếc cho cả một hội đồng chấm giải hình như ngủ gật triền miên.

(*) Bài viết đã trích đăng trên “Tuổi Trẻ”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.

Lê Quang, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: tình dục
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn