VĨNH BIỆT NHÀ LEO NÚI ĐỂ TÌM KIẾM HÀNH TRÌNH TÂM LINH

Chủ nhật - 28/05/2023 02:30

(NCTG) Ngày 27/5/2023, cuộc tìm kiếm nhà leo núi Hungary Suhajda Szilárd ở gần đỉnh Everest (Chomolungma) đã chấm dứt mà không có kết quả. Một trong những gương mặt sáng giá của ngạch leo núi “thuần túy” quốc tế, chủ trương không sử dụng bình dưỡng khí và bất cứ sự hỗ trợ nào từ các Sherpa, hoàn toàn đơn độc trong nỗ lực chinh phục các đỉnh núi “thần chết” ở độ cao trên 8.000m, đã trở thành nạn nhân mới nhất của dãy Hy Mã Lạp Sơn (Himalaya) ngút ngàn!

Nhà leo núi Suhajda Szilárd

Nhà leo núi Suhajda Szilárd

Nhà leo núi đến chân núi vào ngày 23/3 và thực hiện một số chuyến làm quen với khí hậu. Trên mạng Facebook, Suhajda Szilárd kể về việc đã phải đối phó với cơn gió lớn như thế nào, và sau đó bị một cơn ho hành hạ đến mức anh phải vật lộn với đôi mắt đẫm lệ, nhưng anh cảm thấy đã sẵn sàng cho cuộc chinh phục đỉnh Everest. Trại 4, nằm ngay dưới đỉnh ở độ cao 7.900m, đã được anh tiếp cận vào thứ Ba. Sau khi nghỉ ngơi một chút, Suhajda Szilárd bắt đầu “tấn công” Everest một cách thực sự từ đây.

Sáng thứ Tư 24/5, Suhajda Szilárd vẫn “check in” qua điện thoại vệ tinh từ độ cao xấp xỉ 8.700m, tưởng chừng độ 3-4h thì anh có thể tiếp cận được đỉnh 8.848m, nhưng sau đó kết nối vô tuyến với anh bị ngắt. Lần cuối là ở Hillary step (8795m), một nhóm cứu hộ một nhà leo núi khác bị thương nặng, khi đi xuống khả năng là đã thấy Suhajda Szilárd kiệt sức (“có dấu hiệu của sự sống, nhưng có vẻ bị tê cóng và phù não do độ cao”, theo lời họ) nhưng vẫn lầm lũi bò lên, “chậm mà chắc”, và không bắt chuyện với đoàn này.
 
Tấm ảnh cuối cùng về nhà leo núi khi anh ngồi nghỉ ở The Balcony (8.400m) và nhìn lên đỉnh Everest vào hồi 7h30 sáng 24/5/2023.
Tấm ảnh cuối cùng về nhà leo núi khi anh ngồi nghỉ ở The Balcony (8.400m) và nhìn lên đỉnh Everest vào hồi 7h30 sáng 24/5/2023.

Đó là một người đàn ông quả quyết, phi thường”, “một bóng hình cô đơn trong toàn cảnh”, theo nhà leo núi người Canada Elia Saikaly, được cho là đã thấy Suhajda Szilárd lần cuối. Dầu sao, anh cũng là người Hung đầu tiên lên được tới độ cao 8.795m của dãy Hy Mã Lạp Sơn - tức là cách không xa (55m) so với đỉnh Everest (8848m) - mà không có bình dưỡng khí và không cần đến bất cứ sự hỗ trợ bên ngoài nào của các Sherpa địa phương. Đây cũng là nơi tín hiệu GPS từ nhà leo núi được phát ra lần cuối cùng trước khi anh mất tích.

Thứ Sáu, một nhóm tìm kiếm bao gồm các Sherpa xuất sắc người Nepal đã lên đường tìm kiếm Suhajda Szilárd vào lúc bình minh nhưng không tìm thấy anh ở địa điểm được cho là có dấu vết anh lần cuối. Công việc tìm kiếm diễn ra một cách có hệ thống khắp khu vực, con đường dẫn lên đỉnh và chân núi, nhưng đã không mang lại kết quả, vì vậy vào ngày thứ Bảy, việc tìm kiếm chính thức chấm dứt, do “với điều kiện thời gian, thời tiết và địa hình, không còn cơ hội tìm thấy nhà leo núi trong trạng thái còn sống”.
 
Túp lều của nhà leo núi được tìm thấy.
Túp lều của nhà leo núi được tìm thấy.

Suhajda Szilárd sẽ bước sang tuổi 41 vào ngày 29/6 tới. Nhà leo núi và thám hiểm chào đời ở TP. Békéscsaba, thoạt đầu là giáo viên tiếng Anh ở cố đô lập quốc Esztergom, sau đó, để có tiền cho chuyến thám hiểm đầu tiên tới Pakistan năm 2012, anh đã từ bỏ công việc giảng dạy và sang Anh làm việc. Mặc dù trải qua nhiều cuộc thám hiểm thất bại, nhưng Suhajda Szilárd được coi là một trong những nhà leo núi thành công nhất của Hungary với 3 đỉnh núi trên 8.000m mà anh đã đặt dấu chân một cách “thuần túy”, không có bình ôxy và các Sherpa.

Có vợ cũng là nhà leo núi và hiện là phụ trách truyền thông của anh, trước đây, Suhajda Szilárd đã chinh phục thành công Broad Peak (8051 m, 2014), K2 (8.611m, 2019), được xem là có độ khó hơn nhiều so với Everest và có lẽ là nguy hiểm nhất trong số 14 đỉnh cao trên 8.000m, và Lhotse (8516m, 2022). Mơ ước của anh là vươn tới ba đỉnh còn lại trong số “The Big Five”, gồm Everest, Kanchenjunga (Can Thành Chương Gia, 8586m) và Makalu (8463m), giờ đã mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực!
 
Chia tay Hungary và không bao giờ trở lại!
Chia tay Hungary và không bao giờ trở lại!

Với Suhajda Szilárd, leo núi không phải là để chinh phục những đỉnh núi, mà để có được “sự cảm nhận tổng thể” về quá trình chuẩn bị và thực hiện kéo dài 2 tháng, khi “một người mơ về một mục tiêu, bắt tay vào thực hiện, tổ chức, chuẩn bị cho mục tiêu đó”. “Đó là lối sống. Tôi đã sống như thế này nhiều năm rồi. Tôi luôn chuẩn bị cho chuyến thám hiểm tiếp theo”, nhà leo núi thổ lộ và cho hay trong các dịp phỏng vấn và thuyết trình, rằng đối với anh, leo núi không chỉ là một thành tích thể chất mà còn là một hành trình tâm linh.

Năm 2015, Suhajda Szilárd từng chia sẻ về ý nghĩa của việc leo núi: đối với anh, đây “là một cơ hội tuyệt vời để tự nhận thức”. “Bạn bước vào một thế giới không thể sinh sống được, nơi bạn sẽ tìm thấy sự yên bình và vẻ đẹp thiên đường, cũng như những thế lực đen tối dưới địa ngục và bóng tối trống rỗng, băng giá, cứng như đá tảng. Bạn được bao quanh đồng thời bởi “Mọi thứ” và “Không có gì”. Sự đầy đủ và trống rỗng. Tất cả những điều kỳ diệu mở ra trước mắt bạn, mỗi hơi thở nặng nhọc, mỗi bước đi mới đưa bạn đến gần hơn với việc hiểu rõ bản thân”.
 
Những hình ảnh cuối cùng của nhà thể thao khi đang trên độ cao chết người.
Những hình ảnh cuối cùng trong hành trình chinh phục độ cao.

Ở trên đó, không chỉ có nghĩa là bạn khám phá những điều chưa biết và thế giới, mà còn có nghĩa là bạn tìm hiểu chính mình. Bạn bị lạc và tìm thấy chính mình: bạn làm quen với những trạng thái mới của cơ thể và tâm hồn. Quá khứ, hiện tại và tương lai được tái lý giải. Bạn được tái sinh”, anh nói. Dầu vậy, Suhajda Szilárd hoàn toàn ý thức được về những thử thách và sự trả giá khi leo núi, như trong phát biểu gần đây, trước chuyến thám hiểm: “Ngay cả những người leo núi cứng cỏi nhất cũng có thể bị nghiền nát bởi những gì chào đón họ ở độ cao như vậy”.

Về cơ bản, cơ thể chúng ta suy sụp. Thật đáng sợ khi thấy nó trở nên như thế nào và những người đàn ông mạnh mẽ cũng suy sụp tinh thần khi lên trên đó. Chúng tôi khởi hành với phong độ tốt nhất và có thể chờ đợi rằng sẽ trở về nhà với phong độ tồi tệ nhất.  Trong môi trường mà chúng tôi di chuyển, không thể tránh khỏi việc chúng ta phải đối mặt với chính mình. Trong tử địa, bạn bám lấy sự sống bằng mười móng tay. Bạn trút bỏ mọi mặt nạ của mình. Bạn không thể đóng vai chính mình: bạn sẽ phải là chính bạn trong thực tế”.
 
Để lại con nhỏ chưa đầy 5 tuổi...
Để lại con nhỏ chưa đầy 5 tuổi...

Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng trước nỗ lực chinh phục “mái nhà thế giới” được xuất bản vào ngày 22/5, Suhajda Szilárd nói rằng ngày nay, việc “lên đỉnh” Everest một mình và không sử dụng bình dưỡng khí vẫn khó khăn như 45 năm trước, thời của Reindhold Messner. Đó là lý do tại sao anh chọn con đường này, chứ không theo các cuộc “thám hiểm thương mại” mà ở đó, người leo núi có khi không được đào tạo, nhưng vẫn được đảm bảo ở mức cao nhất với biết bao bình ôxy, đội ngũ Sherpa và mọi thứ, để rồi họ “chỉ cần mỉm cười trước ống kính”.

Suhajda Szilárd cũng chia sẻ suy nghĩ về cái chết: trên 8.000m, “do thiếu ôxy và kiệt sức, bạn cảm nhận những gì bạn nhìn thấy theo một cách hoàn toàn khác”. Nhà leo núi cho biết anh chỉ có cảm giác “sợ hãi lành mạnh”, đây là điều quan trọng giúp anh “tỉnh táo và luôn có khả năng đưa ra quyết định và hành động”. “Nỗi sợ hãi thường trực sẽ làm tôi tê liệt”, “nhận thức được khả năng tử vong liên tục cũng không giúp được gì” dù “bạn mang theo điều này trong tiềm thức, nó giúp bạn có trách nhiệm, nhưng bạn không được nghĩ về nó mọi lúc”.
 
Còn mãi ký ức về một con người đích thực...
Còn mãi ký ức về một con người đích thực...

Trong đoạn video cuối đời, Suhajda Szilárd biết rằng anh đang phải đối mặt với nhiệm vụ lớn nhất và có thể là đỉnh cao trong sự nghiệp của anh. Và mặc dù không biết điều gì sẽ xảy ra với mình, nhưng anh hứa sẽ cố gắng hết sức. “Tôi rất phấn khích, tôi sợ hãi, nhưng tôi cũng rất mong chờ điều đó”. Những khoảnh khắc cuối của cuộc đời anh mấy ngày sau đó, có thể không bao giờ chúng ta được biết. “Còn lại bây giờ, chỉ là tịch mịch vô biên!”. (“Hamlet”, Hồi V, Cảnh 2 - Bản dịch của Bùi Anh Kha, Bùi Ý, Bùi Phụng, NXB Văn học, Hà Nội 1986).

(*) Cái chết của Suhajda Szilárd nhắc nhớ một sự kiện đau buồn: gần như tròn 10 năm trước, ngày 21/5/2013, Erőss Zsolt - tay leo núi vĩ đại nhất của Hungary - người đã leo được 10/14 đỉnh cao nhất của Hy Mã Lạp Sơn, trong đó 9/10 là không dùng bình dưỡng khí và 2 đỉnh cuối là bằng chân giả do anh bị cắt cụt 1 chân tới đầu gối sau một chấn thương - cũng mất tích sau khi chinh phục đỉnh Kangchenjunga và không tìm thấy thi thể. Erőss Zsolt là người Hung đầu tiên chinh phục đỉnh Everest năm 2002 (tiếc là 100m cuối anh phải dùng bình dưỡng khí).

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Suhajda Szilárd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn