TRƯNG CẦU DÂN Ý, QUYỀN THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRỰC TIẾP CỦA CÔNG DÂN

Thứ hai - 14/04/2003 21:14

(NCTG) Ngày 12-4 sắp tới, mọi cử tri Hung đều có thể dùng lá phiếu của mình để quyết định việc nước Hung có gia nhập Liên hiệp Châu Âu hay không trong một cuộc trưng cầu dân ý (népszavazás, TCDY) mang tầm vóc trọng đại của lịch sử nước Hung. Có thể thấy rằng, trong dịp này, các công dân Hung có khả năng dùng quyền dân chủ trực tiếp của mình để quyết định vận mệnh của đất nước, chứ không thông qua các vị dân biểu như thường lệ.

Vậy, TCDY là gì? Nước Hung có "truyền thống" ra sao về những cuộc TCDY như thế? Một cuộc TCDY sẽ được diễn ra như thế nào? Bài viết nhỏ này sẽ đưa ra những câu trả lời vắn tắt cho các vấn đề trên, để bạn đọc có thể hiểu thêm về tình hình chính trị và xã hội của xứ sở chúng ta đang cư ngụ.

1. Dân chủ nghị trường và dân chủ trực tiếp:

Hiến pháp Cộng hòa Hungary ghi rõ vai trò của người dân Hung trong việc điều khiển đất nước, thông qua những người đại diện cho mình: "Tại Cộng hòa Hungary, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, nhân dân thể hiện tính độc lập của mình thông qua các đại diện được bình chọn, cũng như một cách trực tiếp".

Như chúng ta thường thấy, cứ bốn năm một lần, các công dân Hung lại đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội và hội đồng tự quản các cấp để bầu ra những người đại diện cho mình trong các vấn đề lớn của đất nước. Đây là một hoạt động quan trọng và thường xuyên của nền dân chủ nghị trường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cần thiết, người dân vẫn có khả năng dùng quyền dân chủ trực tiếp của mình, không thông qua các dân biểu do họ bầu ra. Điều đó hoàn toàn không có gì mâu thuẫn với việc người dân đã ủy nhiệm và đặt niềm tin của mình vào các nghị sĩ, và thông thường, các nghị sĩ là người đưa ra quyết định. Đơn thuần, cả 2 hình thức dân chủ trên (dân chủ nghị trường và dân chủ trực tiếp) đều có chỗ đứng của nó trong những khuôn khổ của Hiến pháp và đó là lý do để các nước phương Tây, dù không thường xuyên, những vẫn có thể tổ chức các kỳ TCDY - hình thức quan trọng nhất và có ảnh hưởng lớn lao nhất của dân chủ trực tiếp - để người dân có thể trực tiếp nói lên nguyện vọng và tâm tư của mình trong các vấn đề có ý nghĩa lớn lao đối với họ và đất nước. (Độc giả có thể tham khảo những ý tưởng nổi tiếng của hai nhà tư tưởng vĩ đại - Rousseau và Montesquieu - trong hai tác phẩm kinh điển "Khế ước xã hội" và "Tinh thần pháp luật", về sự cần thiết và liên hệ giữa hai hình thức dân chủ: dân chủ nghị trường và dân chủ trực tiếp).

Tuy nhiên, cần phải nói rằng sự phát triển hợp hiến của các quốc gia phương Tây đã cho thấy tính độc lập của các công dân phải được thể hiện một cách thường xuyên ở dạng chính yếu của nó, tức hệ dân chủ nghị trường. Tại đa số các quốc gia dân chủ, hình thức dân chủ trực tiếp bao giờ cũng được thực hiện một cách thận trọng và với những hạn chế nhất định, vì nó có thể làm yếu Quốc hội, hạn chế các quyền lợi và thẩm quyền của các chính quyền tự quản, gây nguy hiểm cho thiểu số, và cái chính là nó không thể thay thế những quyết định của các cơ quan đại diện (Quốc hội, chính quyền tự quản), khi những quyết định ấy đòi hỏi sự cân nhắc nhiều mặt và phức tạp, chứ không thể đơn giản hóa thành việc trả lời cho câu hỏi "có" hay "không", như trong trường hợp TCDY. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà tại đại đa số các quốc gia dân chủ trên thế giới, TCDY là một sự kiện hiếm hoi, nhất là TCDY trong phạm vi toàn quốc (thường thường, các nước chỉ tổ chức 1-2 kỳ TCDY trong vòng một thập niên).

Vậy tại sao vẫn phải có TCDY? Lý do này khá đơn giản: nhân dân là người có quyền lập hiến, vì vậy, sẽ có một số trường hợp người dân có thể hạn chế thẩm quyền của Quốc hội, chẳng hạn như khi luật pháp cho phép (và bắt buộc) phải tổ chức TCDY. Và thông thường, ở những vấn đề đã được thông qua bởi một cuộc TCDY, trong một thời gian nhất định (thường là 1-2 năm), các tổ chức đại diện cho dân không được phép can thiệp.

TCDY thường được tổ chức khi nào? Nói chung, có hai lý do khiến các quốc gia tổ chức TCDY: a. khi đề cập đến những vấn đề lập hiến căn bản, như thay đổi hay thông qua hình thức nhà nước, Hiến pháp...; b. khi đụng chạm đến những bộ luật có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoàn cảnh sống thường nhật của mọi công dân, như xây dựng nhà máy điện nguyên tử, cấm rượu... Về khởi điểm, TCDY có thể được tổ chức theo khuôn khổ Hiến pháp quy định, hoặc do sự đề đạt của tổng thống, của chính phủ Hung, của ít nhất hai phần ba các dân biểu hoặc của dân chúng (ở Hung, nếu thu thập được ít nhất 200 ngàn chữ ký hợp lệ của các cử tri về một vấn đề gì đó, và đề xuất của họ phù hợp với các điều khoản trong pháp luật, thì Quốc hội Hung phải ra quyết định TCDY trong vòng 15 ngày và tổng thống Hung phải ra sắc lệnh tổ chức TCDY trong vòng 15 ngày tiếp theo).

Tại Hung, TCDY được chia làm hai dạng. Dạng thứ nhất, khi Quốc hội bắt buộc phải chấp nhận kết quả của cuộc TCDY đó (ügydöntő). Dạng thứ nhì, khi cuộc TCDY được tổ chức với mục đích cho người dân có thể tuyên bố nguyện vọng và sở nguyện của họ (véleménynyilvánító) - khi đó, Quốc hội không bị bắt buộc (về mặt pháp lý) phải theo ý nguyện của người dân, nhưng chắc chắn là quyết định của Quốc hội phải bị ảnh hưởng bởi "dân ý".

Một cuộc TCDY được coi là có hiệu lực và có kết quả nếu có hơn 50% số cử tri đi bầu bỏ phiếu hợp lệ, và hơn 25% số phiếu hợp lệ có cùng một câu trả lời ("có" hay "không") về vấn đề được đặt ra.

2. Các cuộc TCDY ở Hung từ năm 1989 tới nay:

Kể từ mùa hạ năm 1989, khi bộ luật về TCDY được thông qua ở Hung, nước Hung đã tổ chức TCDY 3 lần và những dịp TCDY này đều là những mốc trọng đại trong lịch sử đương đại Hung.

a. TCDY toàn quốc năm 1989:

Được đi vào lịch sử với cái tên "TCDY 4 có" (négyigenes), cuộc TCDY này được tổ chức ngày 26-11-1989 do đề nghị của 4 đảng (SZDSZ, FIDESZ, FKGP và MSZDP) có mặt trong Bàn tròn Đối lập (Ellenzéki Kerekasztal). Bốn câu hỏi của kỳ TCDY đó được đặt ra như sau:

- Anh (chị) có đồng ý rằng tổng thống Hung sẽ chỉ được bầu sau cuộc bầu cử Quốc hội Hung? (kết quả: 50,07% "có", 49,93% "không")

- Anh (chị) có đồng ý để các tổ chức đảng phải rời khỏi các công sở hay không? (kết quả: 95,15%  "có", 4,85% "không")

- Anh (chị) có đồng ý để đảng MSZMP (Đảng Công nhân Xã hội Hung) phải liệt kê tài sản có trong sở hữu của họ, hoặc do họ đang quản lý? (kết quả: 95,37% "có", 4,63% "không")

- Anh (chị) có đồng ý phải giải tán Đội Cảnh vệ Công nhân? (kết quả: 94,94% "có", 5,07% "không")

Cần biết là trong 4 câu hỏi trên, thực chất chỉ có câu hỏi thứ nhất là quan trọng vì cho đến thời điểm diễn ra cuộc TCDY, 3 câu hỏi sau đã được giải quyết.

b. TCDY toàn quốc năm 1990:

Cuộc TCDY toàn quốc lần thứ hai trong lịch sử Hungary được tổ chức vào ngày 29-7-1990 do sự khởi xướng của đảng MSZP: đảng này muốn tổng thống Hung phải được bầu một cách trực tiếp, tức là không thông qua Quốc hội, mà bởi một cuộc TCDY. Câu hỏi được đặt ra là:

- Anh (chị) có muốn tổng thống Hung được bầu trực tiếp hay không? (kết quả: 85,9% "có", 14,1% "không")

Tuy nhiên, kỳ TCDY lần đó đã không có giá trị vì chỉ có 13,91% cử tri Hung đi bỏ phiếu, tức là chưa đủ tỉ lệ tối thiểu để một cuộc TCDY được coi là có giá trị.

c. TCDY toàn quốc năm 1997:

Do chính phủ Hung đề xướng và được tổ chức vào ngày 16-11-1997, xung quanh việc Hungary vừa được nhận lời mời gia nhập khối NATO. Câu hỏi được đặt ra là:

- Anh (chị) có đồng ý để Cộng hòa Hung gia nhập khối Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm đảm bảo sự an toàn cho đất nước? (kết quả: 85,33% "có", 7,13% "không").

3. Kỳ TCDY lần này tại Hungary:

Như NCTG đã đưa tin, ngày 12-4-2003, các cử tri Hung lại có thể dùng lá phiếu của họ để quyết định vận mệnh của nước Hung. Câu hỏi mà nhân dân Hung cần phải trả lời, là:

- Anh (chị) có đồng ý để Cộng hòa Hungary gia nhập Liên hiệp châu Âu hay không?

Đây là một cuộc TCDY ở phạm vi toàn quốc và kết quả của nó sẽ được Quốc hội Hung chấp nhận. Theo các cuộc thăm dò dư luận ở Hung, sự thắng thế của xu hướng muốn Hung hòa nhập với EU là hiển nhiên, tuy nhiên, các vị chức sắc của Liên hiệp châu Âu muốn rằng tỉ lệ những lá phiếu "có" trong kỳ TCDY này phải thật cao, để chứng tỏ sự nổi trội của quyết tâm "trở về với mái nhà châu Âu, nơi mà nước Hung, với lịch sử hàng ngàn năm, luôn có vị trí ở đó" (lời thủ tướng Medgyessy Péter), và cũng để "làm gương" cho các quốc gia khác (thuộc 10 quốc gia có khả năng gia nhập EU vào ngày 1-5-2004).

Chúng ta hãy chờ xem!

H.Linh, theo các tư liệu của Bộ Nội vụ Hungary và Văn phòng Bầu cử Quốc gia Hung


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn