LIÊN ÂU CÓ THỂ "SIẾT NỢ" ĐỐI VỚI HUNGARY

Thứ ba - 03/09/2024 07:21

(NCTG) Chính phủ Hungary không có ý thanh toán khoản tiền phạt 200 triệu Euro cho Liên minh Châu Âu, nên khả năng là sẽ bị "siết nợ" bằng cách khấu trừ từ các khoản trợ cấp EU cho quốc gia Trung Âu này.

Ảnh: Adrián Zoltán (24.hu)

Ảnh: Adrián Zoltán (24.hu)

Xung đột giữa chính phủ Hungary và Ủy ban Châu Âu - cơ quan hành pháp thượng đỉnh của Liên Âu - có thể rẽ sang một hướng khác, sau khi chính phủ Hungary không trả đúng thời hạn khoản phạt 200 triệu Euro mà Ủy ban đưa ra hồi tháng 6/2024, do "sự vi phạm luật pháp EU chưa từng có và đặc biệt nghiêm trọng" của chính quyền nước này.

Như đã biết, Hungary bị tuyên phạt sau khi Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu vào năm 2020 đã nhận định rằng Hungary không tôn trọng các quy định của luật EU đối với người xin tỵ nạn, mà chính giới lãnh đạo nước này thường coi như những phần tử tội phạm, khủng bố, đe dọa an ninh, xã hội, nền văn hóa và tín ngưỡng của nước Hung Công giáo.

Đầu hè 2024, Ủy ban Châu Âu cho rằng Hungary vẫn không tuân thủ đầy đủ các quy định của phán quyết năm 2020 nên đã đệ trình đơn khiếu nại lên cơ quan tư pháp tối cao của Liên minh Châu Âu (trụ sở ở Luxembourg) nhằm xác định việc nước Hung tiếp tục có hành vi vi phạm nghĩa vụ và yêu cầu Tòa áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính.
 
Ảnh: Hajdú D. András (IRIN)
Ảnh: Hajdú D. András (IRIN)

Tổng số tiền phạt đối với Hungary lên tới 200 triệu Euro một lần, và tăng 1 triệu Euro mỗi ngày trong trường hợp nước này chậm trễ thanh toán. Tuy nhiên, theo các tuyên bố và hành động thời gian gần đây, chính phủ của ông Orbán Viktor không hề có ý chi trả khoản tiền lớn này, mà còn ra Nghị định rằng Châu Âu còn đang nợ Hungary 2 tỷ Euro!

Thời hạn phải thanh toán cho EU đã qua, nên Ủy ban Châu Âu lại gửi một thông báo "đòi nợ" mới, thời hạn là ngày 17/9. Nếu Hungary vẫn không chi trả khoản tiền phạt, Brussels sẽ kích hoạt "thủ tục bù trừ" và khấu trừ số tiền phạt từ các nguồn trợ cấp EU mà quốc gia này được hưởng (một số hiện đang bị đóng băng do các vấn đề vi phạm pháp quyền).

Hungary là một trong 144 quốc gia trên thế giới đã ký kết Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về vị thế của người tỵ nạn (Công ước Geneva, 1951), và làn sóng tỵ nạn Hungary sau khi cuộc cách mạng 1956 bị đàn áp - được sự hỗ trợ của gần 35 nước, với sự điều hợp của Phủ Cao ủy Tỵ nạn LHQ - chính là sự "thử lửa" đầu tiên của công ước này.
 
Ảnh: Hajdú D. András (IRIN)
Ảnh: Hajdú D. András (IRIN)

Trong một diễn biến khác, số liệu của Tổng cục Thống kê Trung ương Hungary (KSH) cho thấy, nền kinh tế nước này đang hoạt động kém, đầu tư giảm mạnh. "Nội các Orbán đã đẩy nền kinh tế Hungary vào tình thế cực kỳ khó khăn", còn đây là điều có thể thấy qua các phân tích của Viện Nghiên cứu Kinh tế GKI Gazdaságkutató Zrt., được mạng 24.hu đưa.

24.hu đã tổng hợp 16 chỉ số kinh tế ở 8 quốc gia trong khu vực, trong đó có 8 chỉ số mà Hungary đứng ở vị trí cuối cùng hoặc áp chót, mặc dù những dữ liệu mới nhất và tồi tệ nhất của nước này chưa được đưa ra để so sánh với những quốc gia khác. Dẫn đầu bảng là Ba Lan, vượt Cộng hòa Czech, còn Hungary đứng chót trong danh sách 8 quốc gia này. (*)

(*) Gồm 4 nước thuộc khối Visegrád (V4) là Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia và Hungary, và 4 nước phía Nam (khu vực Bắc Balkans) là Slovenia, Croatia, Serbia và Romania.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: EU
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn