“Đại thắng mùa xuân” 2010: Orbán Viktor và Ban lãnh đạo FIDESZ - Ảnh: Kurucz Árpád (“Tự do Nhân dân”)
Về chung cuộc, đảng đối lập cánh hữu Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ đại thắng với hơn 68% số ghế trong Quốc hội, bỏ xa Đảng cầm quyền Xã hội (15%), đảng cực hữu JOBBIK (12%) và đảng cánh tả theo xu hướng Đảng Xanh LMP (Chính trị có thể khác, hơn 4%).
Đáng chú ý là có một ứng viên độc lập giành được ghế trong Quốc hội, và số phận 1 ghế khác còn phải chờ tổng kết các phiếu bầu từ nước ngoài, vì sự chênh lệch rất không đáng kể giữa hai ứng viên.
Ngay sau cuộc bầu cử, chủ tịch FIDESZ, đồng thời là thủ tướng trong 4 năm tới của Cộng hòa Hungary Orbán Viktor đã trấn an dư luận và mỉa mai đối thủ - Đảng Xã hội - khi đảng này tỏ vẻ lo ngại vì đa số tuyệt đối của FIDESZ trong Quốc hội.
Nhắc đến quá khứ của MSZP (đảng này được tách ra từ Đảng Cộng sản Hungary), ông Orbán mỉa mai: “Những kẻ 25 năm trước còn sống trong chế độ độc đảng, giờ lại sợ khi FIDSEZ có đa số hai phần ba? Đây là trò đạo đức giả! Các nam nữ đồng chí, hãy dũng cảm lên nào! Phe đối lập sẽ được cư xử lịch sự theo đúng Hiến pháp...”
Ông Orbán cũng định ra nội các mới, trong đó có 6 thành viên từng tham gia chính phủ đầu tiên của FIDESZ cách đây 12 năm.
Sau thảm bại bầu cử, chủ tịch Đảng Xã hội Lendvai Ildikó đã từ chức và Đoàn Chủ tịch của đảng cũng đề nghị được rút lui. Trong cuộc họp báo, bà Lendvai nhấn mạnh: “Đảng Xã hội phải trực diện với các cử tri của mình”, nhưng theo nhận định của các chuyên gia chính trị, tương lai của phe Xã hội rất mù mịt, đảng này có thể tự tan rã dần dần hoặc tách làm nhiều nhánh.
Với hơn hai phần ba số ghế trong Quốc hội, ngoại trừ việc thảo ra một bản Hiến pháp hoàn toàn mới, FIDESZ có thể thông qua bất cứ đạo luật nào, và có thể đưa ra bất cứ quyết định cá nhân nào liên quan tới Quốc hội.
Giới phân tích nhấn mạnh rằng kể từ hai thập niên nay, chưa bao giờ có lực lượng chính trị nào ở Hungary giành được lợi thế áp đảo như thế, và hiện tượng này cũng là “độc nhất vô nhị” tại Châu Âu.
Họ cũng điểm qua 17 trường hợp đặc biệt mà theo Hiến pháp Hungary, cần có sự đồng thuận của ít nhất hai phần ba số dân biểu khi đưa ra quyết định.
Các bình luận viên lưu ý rằng, cuộc khủng hoảng tài chính và tình trạng kinh tế suy sụp của Hungary trong mấy năm gần đây đã là một yếu tố quan trọng trong thắng lợi áp đảo của FIDESZ.
Tuy nhiên, hồ sơ kinh tế cũng vẫn là một trong số những thách thức chủ yếu của nội các mới, khi tổng sản phẩm nội địa năm ngoái của Hungary đã suy giảm tới 6% và tỉ lệ thất nghiệp thì ở mức kỷ lục (11,4%) kể từ năm 1994 tới nay.
Ngoài ra, việc lành mạnh hóa hệ thống tài chính quốc gia - trong số đó, có sự thanh toán những khoản nợ nhà nước – cũng là một trong những nội dung quan trọng mà chính phủ mới phải giải quyết.
(*) Bản tin đã đưa trên RFI.
Hoàng Nguyễn, từ Budapest
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn