Sổ tay NCTG: MỪNG ANH NGUYỄN QUỐC DŨNG

Thứ sáu - 19/08/2016 01:40

(NCTG) Sáng hôm nay, vừa mắt nhắm mắt mở bật máy tính xem tin tức, đã thấy ngay một tin vui: anh Nguyễn Quốc Dũng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hungary, hiện là Trợ lý Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Ngoại giao.

Anh Nguyễn Quốc Dũng tại kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ ba, tổ chức tại Hungary (tháng 9-2008) - Ảnh: Trần Lê

Anh Nguyễn Quốc Dũng tại kỳ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ ba, tổ chức tại Hungary (tháng 9-2008) - Ảnh: Trần Lê

Vài chục năm nay, trong tất cả các vị Đại sứ tại Hungary mà mình có dịp được biết tới, hoặc tiếp xúc nhân những vấn đề liên quan tới công việc báo chí và cộng đồng, anh Nguyễn Quốc Dũng là người để lại ấn tượng sâu đậm và thân thiết nhất trong mình.

Đó là một điều rất đáng kể, vì có những Đại sứ, với “tư duy nhiệm kỳ” 3 năm, hầu như không để lại bất cứ dấu ấn nào với cộng đồng, nếu không muốn nói là còn có đôi ba hành động, phát ngôn dở, kém, phản cảm, không xứng với cương vị một nhà ngoại giao.

Anh Nguyễn Quốc Dũng, ngược lại, rất trẻ trung, năng động, có trình độ (ngoại ngữ và ngoại giao), rất hòa đồng với người dân và thân thiện trong tiếp xúc, không làm điệu bộ “quan trọng hóa vấn đề” hoặc “chảnh”, lối mòn ứng xử hay thấy ở các quan chức.

Mảng “ngoại giao” với cộng đồng anh đã làm rất tốt, đã đành, nhưng mảng đối ngoại mình nghĩ anh cũng đã thực hiện xuất sắc. Dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Việt - Hung, anh là người đề xướng làm cuốn Kỷ yếu song ngữ, là cái có thể đọng lại.

Năm đó (2010), không chỉ với Hungary, mà Việt Nam còn kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao với hàng loạt nước XHCN cũ. Ở đâu cũng có hội này hè nọ linh đình, nhưng một cuốn sách dày dặn, công phu, ghi nhận dấu ấn 60 năm quan hệ, chỉ ở Hung mới có.

Khác với rất nhiều Đại sứ, họ làm gì, gặp ai... không ai biết (kể cả khi mình trên cương vị người làm báo đề nghị “được biết”), anh Nguyễn Quốc Dũng rất sẵn sàng, không ngần ngại chia sẻ những hoạt động ngoại giao với “báo giới”, coi đó như điều tự nhiên.

Chính vì thế, trong thời gian anh “tại vị”, mình nghĩ là nhiều nét của công tác ngoại giao đa dạng của Việt Nam tại Hungary đã được phản ánh tốt, đầy đủ trên truyền thông. Ít nhất là khẩu hiệu “Dân biết...” đã được thực hiện một phần nào thông qua sự cởi mở đó.

Thói thường, người làm báo rất ham “tiếp cận thông tin” để chia sẻ, phổ biến cho cộng đồng (thì công việc của họ là vậy mà), và đó có thể là lý do khiến các vị “lãnh đạo” thường ngán và tránh “bọn đánh máy”, cho dù ngoài mặt họ vẫn cố tỏ ra niềm nở, xởi lởi.

Chính vì thế, cảm thông với “bọn làm báo”, chấp nhận và hợp tác trong chừng mực có thể với “chúng nó” trong nỗ lực đưa thông tin tới dân, thậm chí, đôi lúc còn vui vẻ trao đổi, chia sẻ chính kiến, là điều, nói thực, khiến mình đánh giá rất cao anh Dũng.

Trong công việc và tiếp xúc cộng đồng, anh Nguyễn Quốc Dũng cũng có một đồng nghiệp, cộng sự tuyệt vời là chị Trần Bích Vân, vợ anh, cũng là một cán bộ ngoại giao, một phụ nữ tinh tế và nhạy cảm, bổ sung và hỗ trợ rất tốt cho anh theo cảm nhận của mình.

Mình rất nhớ, phát biểu của anh Dũng trong lễ hội Tết Nguyên đán cuối cùng trong nhiệm kỳ công tác của anh tại Hungary, anh đã nói rất ngắn gọn, hàm súc và cảm động, tập trung ở ba điều ước mong cho cộng đồng, cho sự hội nhập và gắn kết của bà con.

Phát biểu ấy, khi mình post lên kèm chùm ảnh về ngày cuối năm của cộng đồng, đã có người không tin. Bởi lẽ, không ít Đại sứ trong dịp này thường “tranh thủ” diễn đàn của cộng đồng làm nơi “phổ biến tình hình thời sự chính trị” tràng giang đại hải, thậm chí ê a.

Khốn nỗi, các vị chắc không để ý, dân bây giờ ngồi ngoài chợ cũng lướt FB hết rồi, rất ít ai chú tâm nghe những phát biểu như thế, trong khi người dân thì coi dịp gặp mắt cuối năm là dịp để hàn huyên, ôn nghèo kể khổ, họ muốn đón Xuân, muốn vui vầy cơ mà?

Về sau, mình có được nghe kể rằng, để có được bài phát biểu rất hay mà ngắn gọn ấy, anh đã tham khảo ý kiến chị, khi một dịp Tết trước đó anh “trót” nói dài, bà con phàn nàn vô tình đến tai chị. “Sửa đổi” rất thực tiễn của anh, mình thích, hơn mọi lời nói suông.

Riêng với cá nhân mình và anh em chủ trương NCTG, anh Nguyễn Quốc Dũng luôn là người theo sát, lưu tâm và chia sẻ những khó khăn của công việc “làm báo chí trong một môi trường phi báo chí”, “gái góa lo chuyện triều đình” như mình vẫn thường viết.

Một tờ báo “có phong cách riêng, có đối tượng độc giả riêng và đáp ứng nhu cầu thông tin, kiến thức ít nhất là cho một bộ phận công chúng” là lời đánh giá chí tình của anh nhân dịp NCTG bước vào tuổi thứ mười, khi anh đã kết thúc nhiệm kỳ công tác và trở về Hà Nội.

Mình rất vui khi anh đã không ngại, mà thổ lộ rằng trên tư cách một độc giả của báo sau khi sang nhận công tác ở Hungary, anh đã tìm được ở NCTG nhiều thông tin bổ ích về đất nước, con người Hungary, về những sự kiện lịch sử cũng như những vấn đề thời sự.

Đặc biệt, NCTG cũng mang lại cho anh nhiều mảng đề tài liên quan đến cuộc sống và sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam ở Hungary nói riêng và ở các nước nói chung, chính là một trong những tiêu chí mà mình và các anh chị em khi khởi xướng tờ báo, đã mong mỏi.

Vì công việc, đôi khi mình cũng có dịp tiếp xúc với một số quan chức này nọ ở các cấp, thông thường mình giữ thái độ “kính nhi viễn chi”, tương kính và gần gũi ở mức vừa đủ để làm được việc mà vẫn giữ được sự độc lập, nhưng trước sau chưa bao giờ mình viết về ai. 

Nhưng lần này thì mình có thể, và muốn xin phép viết vài dòng cà kê chia vui với anh Dũng và chị Vân, những người đã làm được không ít điều hay cho ngoại giao của Việt Nam. Dù chỉ ở Hung hơn ba năm, anh chị đã thực sự là “người của cộng đồng”, theo lời bà con nhận xét...

Xin chúc mừng anh chị...

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Đại sứ
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn