Báo Hungary: VIỆT NAM "MẠNH TAY" VỚI NGƯỜI VI PHẠM GIAO THÔNG

Thứ sáu - 17/01/2025 21:47

(NCTG) Dù một số người cho rằng việc chính phủ trả tiền để nhận thông tin tố giác các vi phạm giao thông là không đúng, nhưng Việt Nam dường như cần những biện pháp quyết liệt, theo phân tích của tác giả Siklós András, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Á-Âu, Đại học Neumann János (Kecskemét).

Giao thông ở phố cổ Hà Nội - Minh họa: Internet

Giao thông ở phố cổ Hà Nội - Minh họa: Internet

Trong bài viết đăng trên mạng index.hu, nhà nghiên cứu Hungary cho hay, chính phủ Việt Nam có thể trả tới 5 triệu đồng – khoảng 200 USD – cho các công dân tố giác người vi phạm luật giao thông. Quốc gia Đông Nam Á này đang áp dụng biện pháp này nhằm kiềm chế những tài xế vi phạm trên các nẻo đường nổi tiếng hỗn loạn tại đất nước này.

Từ đầu năm nay, CHXHCN Việt Nam đã tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm giao thông – bao gồm vượt đèn đỏ và sử dụng điện thoại di động khi lái xe – khiến các mức phạt trở nên gần như không thể chi trả đối với tài xế thông thường.

Theo quy định giao thông mới của chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, công dân Việt Nam có thể nhận được phần thưởng tiền mặt lên tới 5 triệu đồng. Một điều khoản trong quy định này nêu rõ chính sách thưởng cho cá nhân và tổ chức cung cấp thông tin được xác minh về các vi phạm an toàn giao thông.

Danh tính của người tố giác sẽ được giữ kín "để bảo vệ quyền riêng tư của họ", theo quy định. Tuy nhiên, theo truyền thông nhà nước trích dẫn nguồn tin từ cảnh sát, cho đến nay chưa ai được thưởng.

Quy định mới, được khởi thảo để quản lý và sử dụng nguồn tiền từ các khoản phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số xe, nhằm mục tiêu tăng cường an toàn và trật tự giao thông.

Ngoài ra, quy định này cũng đưa ra các biện pháp khuyến khích tài chính cho cảnh sát giao thông làm việc ca đêm. Các cảnh sát thực hiện ca trực kéo dài ít nhất 4 giờ vào ban đêm có thể nhận mức thưởng lên tới 200.000 đồng (khoảng 8 USD).

Mức phạt tăng cao vút

Tại một quốc gia có mức thu nhập trung bình hàng tháng khoảng 7,7 triệu đồng (300 USD), mức phạt vượt đèn đỏ đối với xe máy hiện là hơn 6 triệu đồng (234 USD), cao gấp sáu lần so với trước đây. Với xe ôtô, mức phạt gần 20 triệu đồng (780 USD). Nhìn chung, mức phạt vượt đèn đỏ đã tăng từ 4-6 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng (160-790 USD).

Đồng thời, các hành vi vi phạm khác như cản trở giao thông, không chằng buộc hàng hóa đúng cách, hoặc không tuân theo hướng dẫn của cảnh sát giao thông, nay có mức phạt cao gấp 30 lần so với trước đây. Cũng như vậy, mức phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe cũng đã tăng gấp đôi.

"Tôi bị sốc vì mức phạt quá cao", anh Nguyễn Quốc Phong, tài xế GrabBike tại Hà Nội, chia sẻ. Anh thừa nhận thường xuyên vượt đèn đỏ, nhưng giờ đây đã bắt đầu tuân thủ nghiêm túc các quy định vì lo sợ bị phạt nặng. "Tôi sợ rằng một đồng nghiệp sẽ quay phim và tố giác tôi với cảnh sát", anh nói thêm.

Một cảnh sát giao thông ở Hà Nội kể rằng, đã có những tài xế đã òa khóc khi bị phạt.

Theo thống kê chính thức, Việt Nam có khoảng 77 triệu xe máy và 6,3 triệu ôtô. Năm 2024, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của khoảng 30 người mỗi ngày, trong khi tình trạng giao thông – đặc biệt tại các thành phố lớn – thường xuyên bị ùn tắc do các tài xế không tuân thủ đèn tín hiệu, biển báo và luật giao thông.

Lý do gì đằng sau các biện pháp này?

Chính phủ Việt Nam cho biết chương trình này sẽ làm cho đường phố an toàn hơn, đồng thời 30% nguồn tiền thu được từ phạt giao thông và đấu giá biển số xe sẽ được sử dụng để cải thiện an toàn giao thông.

Nguồn tiền này sẽ được dùng để mua sắm phương tiện và thiết bị, phát triển hệ thống thông tin, duy trì cơ sở dữ liệu giao thông, hỗ trợ xử lý ùn tắc và trả lương cho cảnh sát giao thông làm việc ban đêm.

Các biện pháp an toàn mới tại Việt Nam còn bao gồm việc lắp đặt camera giám sát và sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh.

Kể từ tháng này, các tài xế sẽ nhận được thông báo phạt qua ứng dụng điện thoại VNeTraffic – cũng là ứng dụng mà người dân có thể sử dụng để báo cáo vi phạm. Ứng dụng này có thể sẽ được mở rộng sử dụng sang các quốc gia khác.

Chương trình thưởng tiền này khuyến khích người dân gửi bằng chứng (hình ảnh chụp, quay) thay vì chỉ nhắc nhở tài xế vi phạm và quên đi sự việc.

Dù một số người cho rằng việc chính phủ trả tiền để nhận thông tin là không đúng, nhưng Việt Nam dường như cần những biện pháp quyết liệt. Lực lượng cảnh sát giao thông đã từ lâu phải đối mặt với những tài xế thường xuyên vi phạm như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lùi xe trên cao tốc và gây hỗn loạn giao thông nói chung.

Thống kê đáng báo động

Tai nạn giao thông trong vòng 3 năm cướp đi số mạng người ngang với các đại dịch trong 100 năm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tai nạn giao thông tại Việt Nam gây ra trung bình khoảng 14.000 ca tử vong mỗi năm, là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong độ tuổi 15-29. Hơn một nửa số vụ tai nạn chết người do xe máy gây ra.

Thống kê chính thức cho thấy, trong 5 năm qua, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm 21% (khoảng 48.000 người), và số người bị thương giảm 22% (khoảng 162.000 người) so với giai đoạn 5 năm trước đó. Chính phủ đang nỗ lực mạnh mẽ để giảm số ca tử vong vì tai nạn giao thông xuống dưới mức 20 người/ngày, tức khoảng 7.300 người/năm.

Nguyên nhân chính của tai nạn giao thông thường được cho là do ùn tắc, cách truy quét tội phạm không thích hợp, kỹ năng lái xe yếu và điều kiện đường sá tồi tệ.

Siklós András - Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ


 
 Từ khóa: giao thông
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
 

Những tin cũ hơn