Cộng đồng gốc Việt tại Hungary: THU THẬP ĐỦ SỐ CHỮ KÝ ĐỂ XIN TRỞ THÀNH NHÓM DÂN TỘC BẢN ĐỊA
Thứ tư - 15/01/2025 23:24
(NCTG) Đề xuất của một cử tri gốc Việt nhằm công nhận cộng đồng gốc Việt là một nhóm dân tộc bản địa (honos népcsoport) tại Hungary đã nhận được sự ủng hộ hợp lệ từ 1.000 cử tri gốc Việt theo luật định, theo quyết định của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hungary (NVB) tại phiên họp hôm thứ Ba 14/1/2025 về việc thông qua báo cáo kiểm tra các chữ ký thu thập được.
Cuộc họp của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hungary - Ảnh: hvg.hu
Bản tin của Hãng Thông tấn Hungary MTI cho hay, quyết định cuối cùng về việc công nhận nhóm dân tộc bản địa sẽ do Quốc hội Hungary đưa ra. Được biết, Đạo luật về quyền của các dân tộc thiểu số quy định rằng một dân tộc thiểu số tại Hungary được công nhận là nhóm dân tộc bản địa nếu đáp ứng các điều kiện sau:
- Đã sinh sống tại lãnh thổ Hungary ít nhất một thế kỷ,
- Có số lượng thiểu số trong dân số của đất nước,
- Khác biệt với phần còn lại của cư dân về ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống,
- Thể hiện ý thức đoàn kết cộng đồng hướng tới nỗ lực bảo tồn các yếu tố trên và bảo vệ lợi ích cộng đồng được hình thành trong lịch sử.
Hiện nay, Hungary có 13 dân tộc thiểu số được nhà nước công nhận, bao gồm: người Bulgaria, Hy Lạp, Croatia, Ba Lan, Đức, Armenia, Roma, Romania, Rusyn, Serbia, Slovakia, Slovenia và Ukraine. Theo luật, nếu một dân tộc muốn chứng minh rằng họ đáp ứng các điều kiện cần thiết, thì cần có ít nhất chữ ký hợp lệ của 1.000 cử tri Hung có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử chính quyền tự quản địa phương và tự nhận mình thuộc dân tộc đó đồng ý đề xuất công nhận dân tộc của họ là nhóm dân tộc bản địa tại Hungary.
TS. Phùng Kim San, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary,
người khởi xướng đề xuất - Ảnh do nhân vật cung cấp
Nhìn lại về nỗ lực này, về phía cộng đồng Việt Nam, vào ngày 20/4/2024, Ban Chấp hành Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary đã ủy quyền cho TS. Phùng Kim San, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội tiến hành các thủ tục pháp lý trong vấn đề này. Bước đầu tiên của quá trình này diễn ra vào ngày 29/8/2024, khi TS. Phùng Kim San - người đứng tên khởi xướng - đã nộp đơn đề xuất công nhận nhóm dân tộc bản địa lên Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hungary, cơ quan sẽ xem xét đánh giá đề xuất đó dựa trên các tiêu chí hình thức.
Ngày 4/9/224, NVB đã ra quyết định xác nhận đề xuất công nhận cộng đồng gốc Việt là nhóm dân tộc bản địa. Sau khi quyết định này có hiệu lực pháp lý, kể từ ngày 27/9/2024 là khi nhận được những tờ thu thập chữ ký từ NVB, theo luật định, người khởi xướng có 120 ngày để thu thập tối thiểu 1.000 chữ ký ủng hộ đề xuất từ các công dân Hungary gốc Việt trên 18 tuổi, có quyền tham gia bầu cử địa phương. Để hỗ trợ cho hoạt động trên, Hiệp hội Người Việt Nam tại Hungary đã thành lập một Ban vận động thu thập chữ ký.
Phối hợp cùng một số anh chị em tình nguyện trong cộng đồng Việt Nam tại Hungary, trong vòng gần 100 ngày, Ban vận động đã gấp rút tiến hành gom được 1.095 chữ ký, số chữ ky này được TS. Phùng Kim San nộp lên NVB vào đầu năm 2025. Tính hợp lệ của các chữ ký này đã được Văn phòng Bầu cử Quốc gia Hungary kiểm tra, và tại phiên họp hôm qua, NVB xác nhận rằng số chữ ký hợp lệ thu được - cùng những chữ ký được nộp khi khởi xướng - là đủ con số 1.000 mà Đạo luật về quyền của các dân tộc thiểu số quy định!
Ảnh do nhân vật cung cấp
Quyết định của NVB có thể bị kháng cáo trong vòng 5 ngày. Tại phiên họp NVB, có thông tin rằng theo quy định của pháp luật, NVB đã tham khảo ý kiến chuyên môn của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (MTA) về việc công nhận nhóm dân tộc bản địa. Theo MTA, mặc dù số lượng người Việt Nam đạt hoặc vượt mức quy định trong luật, nhưng cộng đồng Việt chưa đáp ứng được tiêu chí "một thế kỷ định cư" vì họ chỉ bắt đầu xuất hiện ở Hungary từ thập niên 50-60 thế kỷ trước (tức là khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao).
Sau khi quyết định của Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hungary có hiệu lực pháp lý (cần chờ đợi 15 ngày), NVB sẽ chuyển bộ hồ sơ gồm đơn đề xuất, 1.000 chữ ký thu thập được và ý kiến chuyên môn của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary lên Quốc hội là cơ quan lập pháp tối cao sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc có công nhận người Việt Nam là nhóm dân tộc bản địa thứ 14 của quốc gia Trung Âu này hay không.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...