Từ nhũng chuyến đi: MẢNH ĐẤT CỦA SỰ CÔNG TÂM VÀ THIỆN LƯƠNG

(NCTG) “Hãy loại bỏ mọi công chuyện riêng tư để phục vụ cộng đồng, phương châm từ 5-600 năm trước của lãnh đạo Cộng hòa Ragusa có lẽ đã góp phần không nhỏ để thành phố nhỏ bé này trở thành một trong những đô thị thịnh vượng, phát triển và văn minh nhất thời Phục hưng trong khu vực”.

Trở lại Dubrovnik sau 1 năm, theo phản xạ cái nhìn đầu tiên vẫn là xem xứ này còn giữ được sạch sẽ như những năm trước? Thật ra mọi thứ không 

đơn giản, du khách thì cứ lũ lượt, dân Châu Á ngày một nhiều, ngoài Đại Hàn, Nhật... đã thấy không ít đoàn Hoa, lác đác có cả đoàn Việt.

Vậy mà đường phố vẫn rất sạch, kể cả khi có những nơi tìm được thùng rác không đơn giản: nhưng vì sạch quá nên du khách đành đút túi cái cần “xả”, 

cho tới khi nào kiếm được chỗ để vứt. Cổ thành Dubrovnik vẫn sạch bóng và biển cũng vậy, vẫn là màu xanh ngọc bích ánh lên thật lạ lùng.

Strandun, con lộ chính trong cổ thành thoáng và rộng hơn trước vì không thấy bàn ghế đặt ra đường, có lẽ là theo chỉ thị của chính quyền như báo chí sở tại đã loan. Du khách nườm nượp nhưng tuyệt nhiên không gây cảm giác ngột ngạt và có khi còn bất an, như ở một số nơi đông đúc khác.

Truyền thông từng cho hay, chính quyền thành phố có kế hoạch hạn chế lượng du khách vãng lai tại cổ thành trong một thời điểm bằng cách buộc các 

đoàn tour phải thông báo và đăng ký trước về sự hiện diện của mình, nhưng không hiểu họ đếm bằng cách nào, mọi thứ vẫn “yên lành”.

Dubrovnik, “Athens của Nam Tư” một thời, có lẽ hấp dẫn du khách không chỉ bởi vẻ đẹp cổ sơ hiếm có, hoàn toàn có thể đọ với đối thủ chính một thời 

của nó là Cộng hòa Venezia (Ý), mà còn bởi những giá trị bền vững: môi trường trong sạch, người dân hiền hòa, mến khách và thiện lương.

Có chút thời gian tẩn mẩn tìm lại dấu ấn của quá khứ, mình tìm đến cây cột Roland (Orlandov stup) nằm ở Luža, quảng trường chính của phố cổ, nơi 

hiện diện lá cờ của Cộng hòa Ragusa, biểu tượng một xứ độc lập kể cả khi nó là một phần, hay trực thuộc Venezia hoặc Vương quốc Hungary.

Một đô thị nhỏ, nhưng có vị trí địa chính trị rất trọng yếu - đặc biệt là trong quan hệ thông thương giữa vùng Balkans và Tây Âu - hẳn là phải khôn khéo lắm mới giữ được sự tự chủ như thế trong nhiều thế kỷ, trước cả những đế chế hùng mạnh như Đông La Mã (Byzantine) hay Ottoman sau này.

Điều thú vị nhất là mặc dù như vậy, không một nhà lãnh đạo nào của Dubrovnik thời Trung cổ và Phục hưng được thế giới biết đến như là “anh hùng” 

hay “vĩ nhân”. Cái hay của thành quốc này, là các quan tổng trấn (knezzé) của Cộng hòa Ragusa đều chỉ được tại vị trong vòng... 1 tháng!

Thời gian ấy, họ nhận nhiệm sở tại Dinh Tổng trấn (Knežev dvor, hay Palazzo maggiore trong tiếng Ý), một trong những tòa nhà đẹp và quan trọng 

nhất thời Phục hưng còn lại tới bây giờ của Dubrovnik, được xây theo nhiều trường phái kiến trúc khác nhau như Gothic, Phục hưng và Baroc.

Một tháng quyền lực, hay “trò chơi vương quyền” (gọi theo tên bộ phim ăn khách được quay ngay tại cổ thành Dubrovnik “The Game of Thrones”), các 

vị quan tổng trấn phải hoàn toàn cách ly với vợ con, gia đình, và tránh ngặt mọi khả năng có thể ăn đút lót cùng mọi nghi vấn, tai tiếng khác.

Quý tộc một thời của Dubrovnik là thế: để loại trừ nguy cơ tham nhũng “củi lửa” này nọ, họ còn buộc phải không có bất cứ quan hệ gì với giới thương 

gia và chủ xưởng. “OBLITI PRIVATORUM PUBLICA CURATE” là hàng chữ La Tinh để răn đe họ, được khắc ngay tại nơi họ ở và làm việc.

Hãy loại bỏ mọi công chuyện riêng tư để phục vụ cộng đồng, phương châm từ 5-600 năm trước của lãnh đạo Cộng hòa Ragusa có lẽ đã góp phần 

không nhỏ để thành phố nhỏ bé này trở thành một trong những đô thị thịnh vượng, phát triển và văn minh nhất thời Phục hưng trong khu vực.

Phải chăng, thế hệ ngày nay của Duvrovnik vẫn thừa hưởng được truyền thống cùng tư duy lương thiện và công tâm như thế, để nơi đây trở thành một 

trong những điểm mà du khách đã đến vẫn còn muốn trở lại, thậm chí nhiều lần? Chỉ là một suy nghĩ thoáng chợt đến, không dám xác quyết...

Đi một vòng rồi cũng trở lại cây cột vinh danh chàng hiệp sĩ Roland thời Trung cổ, tương truyền do vị vua Hung - Tiệp Luxemburgi Zsigmond, người bảo 

hộ cho Cộng hòa Ragusa tặng đô thị này để công nhận nó là một xứ độc lập. Tròn 600 năm đã trôi qua kể từ khi nó được dựng, năm 1418...

Ở nơi tâm điểm của cổ thành Duvrovnik, tìm cách chụp một tấm ảnh không người tại đây đương nhiên là điều vô vọng. Thời gian cũng đã xóa nhòa 

dòng kẻ mỏng manh ở bệ tượng, đánh dấu đơn vị đo lường cổ của Dubrovnik (51,1cm), đúng bằng chiều dài cánh tay phải của chàng hiệp sĩ.

Chỉ những dòng người đến từ thập phương tấp nập lai vãng nơi này là chỉ dấu cho hiện tại phồn vinh của mảnh đất từng trải qua nhiều gian nan bởi 

thiên tai và chính chiến này...