Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GS. Vũ Hà Văn: BUDAPEST, BA MƯƠI NĂM

(NCTG) “Ba mươi năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi trên quả đất này, và các bạn cũng vậy. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, có lẽ bạn vẫn muốn về qua nơi ấy, nơi của những tháng ngày sôi nổi, của tuổi trẻ và ước mơ, với hơi ấm của bàn tay và nhịp đâp dồn dập trong lồng ngực” - cảm nhận của GS. TS. Vũ Hà Văn, một cựu DHS Việt Nam tại Hungary.
GS. Vũ Hà Văn cùng gia đình tại Hungary, hè 2017 - Ảnh: Facebook của nhân vật
Lời Tòa soạn: GS. Vũ Hà Văn sinh tại Hà Nội năm 1970, học Chuyên toán Chu Văn An, rồi Hà Nội - Amsterdam trong những năm trung học. Thi đỗ đại học với số điểm cao, anh sang Hungary du học năm 1987 tại Khoa Điện tử, Đại học Bách khoa Budapest. Tuy nhiên, do đam mê với môn Toán và được sự khích lệ, giúp đỡ của “thần đồng toán học” Hungary Lovász László, một trong những nhà toán học Hungary nổi tiếng nhất trên thế giới - đến năm thứ hai, anh chuyển sang Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd (ELTE, Budapest). 

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại trường ELTE (1994), Vũ Hà Văn sang Mỹ tu nghiệp và bảo vệ luận án Tiến sĩ Toán học tại Đại học Yale (1998) dưới sự hướng dẫn của GS. VS. Lovász László, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Quốc tế. Tiếp đó, anh được mời về làm việc tại một số trường đại học và viện toán học nổi tiếng như Viện Nghiên cứu Cấp cao (IAS) tại Princeton, Microsoft Research, rồi Đại học California ở San Diego (anh trở thành Giáo sư chính thức tại đại học này). 

Thời gian sau, Vũ Hà Văn giữ cương vị Giáo sư tại Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Rutgers (New Jersey) năm 2005. Năm 2011, anh tiếp tục được bổ nhiệm Giáo sư Đại học Yale lừng danh. Trong sự nghiệp toán học, tính đến nay, Vũ Hà Văn đã có hàng trăm công trình nghiên cứu đã đăng tải và được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như Giải thưởng Sloan dành cho các tài năng toán học trẻ (hai lần: 1997 và 2002), Giải thưởng NSF Career Award (2003), Giải Pólya của Hội Toán học Công nghiệp và Ứng dụng Mỹ (2008), Giải thưởng Toán học Quốc tế Fulkerson do Hội Tối ưu Toán học và Hội Toán học Mỹ đồng bảo trợ (2012). 

Tuy giảng dạy, nghiên cứu và sinh sống tại Mỹ, Vũ Hà Văn vẫn duy trì mối quan hề mật thiết với các đồng nghiệp và làng toán học Việt Nam. Anh là thành viên Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) do GS. Ngô Bảo Châu là Giám đốc Khoa học. Vũ Hà Văn cũng cùng GS. Ngô Bảo Châu tổ chức trang mạng “Học thế nào”, một diễn đàn trao đổi về các giải pháp khả dĩ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông ở Việt Nam. 

Được đánh giá là chuyên gia hàng đầu thế giới về toán học rời rạc, thông qua những trải nghiệm cá nhân, GS. Vũ Hà Văn còn là người am hiểu những điểm mạnh của giáo dục nói chung, cũng như giáo dục về toán học nói riêng của nhiều quốc gia, trong đó có Hungary, Hoa Kỳ và Việt Nam. Đầu năm 2014, với sự tổ chức của báo NCTG, GS. Vũ Hà Văn đã có buổi gặp gỡ và mạn đàm với cộng đồng Việt Nam tại Hungary về những vấn đề giáo dụccác vị phụ huynh và con em quan tâm.

Mặc dù sinh sống, nghiên cứu và giảng dạy toán học ở nhiều quốc gia, nhưng GS. Vũ Hà Văn đã có nhiều dịp trở lại thăm Hungary và vẫn dành cho mảnh đất này những tình cảm sâu đậm. Bài viết sau được Vũ Hà Văn viết tặng các bạn cùng khóa 1987, ghi lại một số kỷ niệm và ấn tượng về nước Hung và thủ đô Budapest, nơi anh và các bạn hữu đã đặt chân lần đầu tiên cách đây tròn 30 năm. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)

 
*

Nếu ai đó hỏi tôi, sau 30 năm, bạn nhớ gì ở Budapest nhất? Xúp cá, Quảng trường Anh hùng, rượu vang vùng Tokaj, hay đồi Gellért nơi tọa lạc Tượng thần Tự do? Câu trả lời sẽ là tàu điện.

Tất cả những ai đã bay từ Nội Bài sang Đông Âu vào tháng 8 của 30 năm trước, chắc phải quen với tàu điện Hà Nội. Học sinh của Trưng Vương và Chu Văn An, trong những năm 70, 80 của thế kỷ trước, quá nửa là những tay nhảy tàu chuyên nghiệp.

Chuyến bay năm 1987 đó, với gần hết chúng tôi, là chuyến bay đầu tiên ra nước ngoài, nếu không nói là chuyến bay đầu tiên trong đời. Budapest, cái gì cũng khác, cũng mới, từ đường phố, cửa hàng, thức ăn, cho đến phim ảnh và màu mắt của các cô gái. Quê hương nhất, chính là anh tàu điện. Tàu điện ở Budapest cũng màu vàng, và cũng leng keng, y hệt như tàu điện Bờ Hồ, có điều nó có cửa nghiêm chỉnh và phải mua vé. Ba mươi năm trước dáng nó bè bè béo béo chứ không thanh thoát chân dài như bây giờ.

Tàu điện quen thuộc nhất với sinh viên Việt Nam phải là tàu số 4 và 6, vì hai tàu bắt đầu ở gần ký túc xá của Đại học Bách Khoa, nơi quá nửa học sinh Việt Nam theo học. Tàu chạy dọc đại lộ một thời mang tên Lenin, mà tên người luôn xuất hiện một cách bất ngờ nhất trong các tạp chí sinh viên lưu hành trong các ký túc xá, cho đến Quảng trường Mátxcơva. Quảng trường Mátxcơva nay đã trở lại cái tên cũ Széll Kálmán (vị Thủ tướng Hungary cuối thế kỷ 19), còn đại lộ Lenin, cũng không khác với số phận của thành phố cùng tên bên Nga, đã chuyển thành con đường mang tên Teréz và Erzsébet, hai bà hoàng của Đế quốc Áo - Hung ngày trước.

Quảng trường Mátxcơva rộng, nhưng không đẹp. Từ đây có thể đi bộ lên thành Vár. Thật ra trong tiếng Hung, Vár đã có nghĩa là thành, người Việt quen gọi tên kép là “thành Vár”. Đây là địa điểm du lịch số một của Budapest, có nhà thờ vua Matyás và pháo đài Những người đánh cá (thật ra là chỗ thu thuế cá ngày xưa), hai điểm mà hầu như du khách nào cũng ghé qua. Cái hay là ở trong thành không phải chỗ nào cũng làm du lịch cả, mà còn nhiều nhà dân sinh sống trong các dẫy phố nho nhỏ, có cột đèn bằng sắt xen lẫn cây cổ thụ, lòng đường lát đá đen, và dọc phố lác đác vài ngôi mộ chí.

Thành Vár ở địa thế ở cao, có thể nhìn xuống toàn cảnh thành phố, sông Danube xanh và những cây cầu tuyệt vời của nó. Cây cầu đẹp nhất có lẽ là Cầu Xích (Lánchíd - Chain Bridge), một trong những cầu treo bằng sắt đầu tiên trên thế giới. Được xây từ nửa đầu thế kỷ 19, Cầu Xích là một thành tựu kỹ thuật đáng kể của thời đó. Ở hai đầu cầu, nhà kiến trúc tài ba đã cho đắp sừng sững một đôi sư tử nhe nanh, như có ý nhắc nhở rằng sợ vợ không chỉ là đặc tính của đàn ông Châu Á. Dẫu vậy, người Hung thật xứng đáng là một dân tộc thông minh, cái gì cũng hơn người thường một chút, vì nếu nhìn gần, thì các bà sư tử này hình như không có lưỡi.

Budapest có những dãy phố cổ dọc theo bờ sông, phía Buda, tối mở cửa sổ có thể nhìn sang thành Vár và Nhà Quốc hội bên kia sông rực ánh đèn. Các khu cổ này một nhà to có nhiều căn hộ, có lẽ là chỗ ở cho các thị dân giàu có ngày xưa, cửa sổ cao và thoáng, mỗi nhà có một cái cổng đá xây rất phong cách, nhô ra đường để khi trời mưa khách vãng lai có thể vào trú được. Chiếc cổng đã che bao thế hệ thanh niên đi ngang qua nó. Ngày hôm nay là những cô cậu sinh viên của thế hệ iPad, 30 năm trước là thế hệ của tôi và bạn, 30 năm trước nữa là những sinh viên của năm 1956 đầy biến động, mà trong lòng họ không biết đất nước và bản thân sẽ đi về đâu…

Bên ngoài cửa sổ phòng làm việc trời tối dần. Các cao ốc bắt đầu thắp sáng, thành phố rực ánh đèn. Đèn của Hà Nội, của Budapest, Genève, hay của New York, Los Angeles, Singapore? Ba mươi năm là một nửa đời người. Ba mươi năm qua, tôi đã đi rất nhiều nơi trên quả đất này, và các bạn cũng vậy. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, có lẽ bạn vẫn muốn về qua nơi ấy, nơi của những tháng ngày sôi nổi, của tuổi trẻ và ước mơ, với hơi ấm của bàn tay và nhịp đâp dồn dập trong lồng ngực.

Nơi bạn đã tìm ra con đường của riêng mình.

Tác giả bài viết: Vũ Hà Văn, từ Singapore - Tháng 8-2017