Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VỀ MỘT SỐ LÝ LẼ BIỆN MINH CHO CUỘC CHIẾN XÂM LƯỢC UKRAINE

(NCTG) “Khiếp sợ trước làn sóng cách mạng phẩm giá, Putin quyết định gây chiến tranh – vì hắn cũng sợ cái làn sóng đó nó lây sang Nga. Để bao biện cho hành động gây chiến, hắn ta đã chuẩn bị từ rất lâu trong đó cố chứng minh rằng ở Ukraine đang tồn tại chế độ phát-xít” - tác giả Phúc Lai từ Hà Nội điểm qua một số luận điểm nhằm bênh vực cho cuộc chiến xâm lược của Liên bang Nga tại Ukraine.
“Nguy cơ” Ukraine gia nhập NATO là cớ để Moscow tấn công Kyiv
Nói về nguyên nhân của cuộc chiến tranh mà Putin đang tiến hành chống đất nước Ukraine, có thể dông dài đến hàng chục lý lẽ. Ở đây tôi chỉ xin viết lại những gì sơ lược nhất mà thôi.

1. Một trong những nguyên nhân của cuộc chiến mà từ cửa miệng người ta hay nói, là “Nga đánh Ukraine vì Ukraine định vào NATO” hoặc có một cách nói khác: “Nếu Nga không đánh Ukraine thì Ukraine sẽ vào NATO”. Vậy điều này có gì đúng và có gì sai? NATO có muốn kết nạp Ukraine không? Tại sao Putin lại sợ việc Ukraine gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) và xa hơn nữa, trở thành thành viên của NATO?

Trong các phần trước, tôi đã trích dẫn lời của Zbigniew Brzezinski trong cuốn “Bàn cờ lớn”:  Trong mắt thế giới nói chung và trong mắt Châu Âu nói riêng, Nga không bao giờ là Châu Âu, vì thế, “Nga cần Ukraine để trở thành Châu Âu”. Nhưng nếu Ukraine trở thành một thành viên EU thì đã là một bước đưa nền độc lập của Ukraine lên một tầm cao mới. Còn nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO, cũng có nghĩa là họ nhận được sự bảo đảm chính thức về an ninh, và nước Nga của Putin có muốn xâm lược họ cũng không được nữa.

Thực tế là, NATO và mở rộng hơn, Phương Tây nói chung chưa bao giờ hứa rằng họ sẽ không mở rộng NATO, từ khi Liên Xô sụp đổ. Vậy tai sao lại có câu chuyện này? Bản thân người Việt Nam cũng thường xuyên nghe thấy trên truyền thông chính thống về câu chuyện đó nhưng hoá ra, nó chủ yếu được trích dẫn từ những phát biểu trên quan điểm chính thống của Nga. Nói chính xác, đó là luận điểm hay “luận điệu” của Putin. 

Putin thường xuyên tuyên bố rằng NATO đã lợi dụng điểm yếu của Nga sau sự sụp đổ của Liên Xô để mở rộng về phía Đông, vi phạm những lời hứa mà các nhà lãnh đạo Phương Tây đã hứa với Mátxcơva. Trong bài phát biểu tháng 2/2007 tại Hội nghị An ninh Munich, Putin nói:

Và chúng ta có quyền đặt câu hỏi: việc mở rộng (NATO) này nhằm vào ai? Và điều gì đã xảy ra với những đảm bảo mà các đối tác Phương Tây của chúng ta đưa ra sau khi Khối Hiệp ước Warsaw bị giải thể? … Tôi xin trích dẫn bài phát biểu của Tổng thư ký NATO, ông Woerner tại Brussels vào ngày 17/5/1990. Ông ấy nói vào thời điểm đó: “Việc chúng tôi sẵn sàng không bố trí quân đội NATO bên ngoài lãnh thổ Đức mang lại cho Liên Xô một đảm bảo an ninh vững chắc”. Những đảm bảo này ở đâu?”.

Trong bài phát biểu tại Điện Kremlin ngày 18/3/2014 sau sự kiện sáp nhập Crimea, Putin nói: “… họ (các nhà lãnh đạo Phương Tây) đã nhiều lần lừa dối chúng tôi, đưa ra các quyết định sau lưng chúng ta, đặt chúng ta trước một sự thật hiển nhiên; điều này sẽ xảy ra với sự mở rộng của NATO về phía đông, cũng như việc triển khai cơ sở hạ tầng quân sự ở biên giới của chúng ta”. Sau đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng nguồn Nga và thân Nga, câu trên không còn nữa mà chỉ còn đoạn Putin nói về viễn cảnh Ukraine gia nhập NATO

Tôi cũng xin nhắc các bạn rằng những tuyên bố đã được đưa ra ở Kiev về việc Ukraine sẽ sớm gia nhập NATO. Tương lai này có ý nghĩa gì đối với Crimea và Sevastopol? Việc một hạm đội NATO xuất hiện tại thành phố vinh quang của quân đội Nga, rằng một mối đe dọa sẽ nảy sinh đối với toàn bộ miền Nam nước Nga không phải là một điều gì đó hão huyền mà rất cụ thể. Mọi thứ thực sự sẽ có thể xảy ra nếu không phải nhờ có sự lựa chọn của người Crimea. Xin cảm ơn họ vì điều này” (1). 

Tại sao lại có chuyện những thông tin bị xoá đi như vậy? Hoá ra không có lời hứa nào được đưa ra cho lãnh đạo Liên Xô (và cả Nga sau này!) về việc NATO sẽ không bao giờ mở rộng về phía đông. Điều này đã được xác nhận bởi một người chắc chắn ở địa vị trí có thể biết rất rõ: Mikhail Gorbachev, cựu tổng thống Liên Xô

Mark Kramer đã tìm hiểu một cách chi tiết và viết lại trong năm 2009 trong ấn phẩm của “The Washington Quarterly” (2). Ông đã dựa trên các hồ sơ đã được giải mật của Mỹ, Đức và Liên Xô để đi đến kết luận rằng trong các cuộc thảo luận về việc thống nhất nước Đức theo “format” (định dạng) hai cộng bốn (2+4, gồm hai nước Đức cộng với Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Pháp), Liên Xô chưa bao giờ đặt ra câu hỏi về việc mở rộng NATO ngoài việc nó có thể áp dụng như thế nào ở Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR) cũ.

Mikhail Gorbachev hồi đó đã nhận được rất nhiều sự đảm bảo trong “định dạng 2+4” giúp mang lại thỏa thuận dễ dàng hơn cho ông, nhưng không điều nào trong các nội dung thoả thuận liên quan đến việc có hoặc không được mở rộng NATO ra bên ngoài nước Đức. Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc bây giờ, James Baker đã mang theo một gói “bảo đảm” (hoặc “khích lệ”) chín điểm đến Mátxcơva để đàm phán với Gorbachev và Shevardnadze vào ngày 16/5 đến 19/5/1990. Chín điểm đó bao gồm:

(1) Cam kết tổ chức đàm phán về việc cắt giảm mạnh hơn mức độ lực lượng quân sự quy ước ở Châu Âu;

(2) Đề xuất bắt đầu đàm phán để cắt giảm vũ khí hạt nhân tầm ngắn;

(3) Sự tái khẳng định của các nhà lãnh đạo Đức rằng Đức sẽ không sở hữu hoặc sản xuất vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học;

(4) Cam kết tránh bất kỳ sự triển khai nào của NATO ở miền Đông nước Đức trong một giai đoạn chuyển tiếp cụ thể;

(5) Dành giai đoạn chuyển tiếp hợp lý để rút toàn bộ quân đội Liên Xô khỏi lãnh thổ Đức;

(6) Cam kết cải tổ NATO để “tính đến những thay đổi đã xảy ra ở Châu Âu”;

(7) Cam kết giải quyết mọi khúc mắc về biên giới nước Đức trước khi thống nhất;

(8) Cam kết nâng cao vai trò của CSCE (Commission on security and cooperation in Europe – Uỷ ban An ninh và Hợp tác Châu Âu.)

(9) Khuyến khích “thúc đẩy thỏa đáng quan hệ kinh tế của Liên Xô với Đức”.


Thậm chí hồi đó, quan điểm của NATO đối với trật tự mới của Châu Âu sẽ là: “Nhiệm vụ chính của thập kỷ tới sẽ là xây dựng một cấu trúc an ninh Châu Âu mới, bao gồm Liên Xô và các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw. Liên Xô sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống như vậy. Nếu bạn xem xét tình trạng khó khăn hiện tại của Liên Xô vốn thực tế không còn đồng minh nào, thì bạn có thể hiểu mong muốn chính đáng của họ là không bị buộc rời khỏi Châu Âu”. (Trích đoạn phát biểu của Tổng Thư ký NATO Manfred Wörner khi đến thăm Đại học Bremer Tabaks).

Chưa dừng lại ở đó, ông Manfred Wörner còn khẳng định việc “nước Đức phải trở thành thành viên chính thức của NATO” nhưng trên cơ sở quan hệ của NATO với Liên Xô là: “Chúng ta muốn quốc gia đó trở thành đối tác của chúng ta trong việc đảm bảo an ninh. Mặt khác, chúng ta hy vọng Liên Xô không coi chúng ta là một hiệp ước quân sự chống lại họ hoặc thậm chí đe dọa họ. Thay vào đó, chúng ta mong muốn Liên Xô coi Liên minh của chúng tôi là một công cụ ổn định cởi mở và hợp tác trong một hệ thống an ninh chung của Châu Âu...” (Phát biểu ngày 17/5/1990).

Khoảng sau năm 2010, có một cuộc phỏng vấn cựu tổng thống Liên Xô, M. S. Gorbachev của “Russia behind the Headlines” về các cuộc thảo luận và đàm phán hiệp ước liên quan đến việc thống nhất nước Đức. Người phỏng vấn hỏi tại sao Gorbachev không “khẳng định rằng những lời hứa với ông (Gorbachev) – đặc biệt là lời hứa của Ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker rằng “NATO sẽ không mở rộng sang phía Đông” được chính thức giải mật?”.

Gorbachev đã trả lời: “Chủ đề “mở rộng NATO” hoàn toàn không được thảo luận và nó không được đưa ra trong những năm đó… Một vấn đề khác mà chúng tôi đưa ra và đã được thảo luận là “đảm bảo rằng các cấu trúc của NATO sẽ không phát triển và các lực lượng vũ trang bổ sung sẽ không được triển khai trên lãnh thổ của CHDC Đức (cũ) sau khi nước Đức đã được thống nhất. Tuyên bố của Baker là được đưa ra trong bối cảnh đó… Đó là mọi thứ có thể và cần phải làm để thực hiện nhiệm vụ chính trị đó và chúng đã được thực hiện. Và (chúng đã được) hoàn thành”.

Theo những ký ức của tôi, một thanh niên ở độ tuổi đôi mươi quan tâm đến tình hình quốc tế hồi đó, nhưng lại từ góc độ... ủng hộ Liên Xô, khối XHCN và coi đó là chỗ dựa của Việt Nam, chúng tôi không khỏi lo lắng. Tuy vậy các thông tin chủ yếu thông qua báo đài trong nước đến với người dân Việt Nam đã đánh tan những sự lo lắng đó. Qua truyền thông nước nhà, việc “Phương Tây cam kết không mở rộng NATO sang miền Đông nước Đức” biến thành “Phương Tây cam kết không mở rộng NATO về phía Đông”.

Sau này khi Liên Xô đã sụp đổ, đặc biệt là từ thời V. Putin lên làm tổng thống thì mệnh đề trên trở thành “Phương Tây cam kết không mở rộng NATO về phía Đông và cả trong việc kết nạp các nước Liên Xô cũ”. Điều này có một chỗ rất chênh vênh nhưng đã bị lờ đi. Đầu tiên là việc các nước XHCN cũ thuộc khu vực Đông Âu được kết nạp vào NATO: Cộng hòa Czech, Ba Lan, Hungary,... Sau đó điều đáng nói hơn cả, là ba nước cộng hoà cũ của Liên Xô vùng Baltic cũng trở thành thành viên của Liên minh quân sự này. Vậy tại sao Nga của Putin không gây chiến chống NATO, thậm chí chỉ ở mức độ phản đối?

đã bao giờ tồn tại một cam kết như vậy đâu cơ chứ! Cam kết đó nói thẳng thừng là, do Putin bịa ra, nhưng nhiều lần nhắc đi nhắc lại thì nó thành sự thật, ít nhất với chúng ta là những người ít được tiếp cận với thông tin cấp cao. Nếu nhìn lại, 3 quốc gia cộng sản cũ thuộc Liên minh Visegrád 4 (V4) gia nhập NATO năm 1999, năm 2004 thì 7 quốc gia Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia trở thành thành viên chính thức. Đó là thời gian “hoà hoãn” trong quan hệ Nga – Phương Tây thậm chí với tiến trình “Đối thoại Nga – NATO”, người ta đã hoàn toàn có thể hi vọng được vào một thiết chế an ninh mới với quan hệ đối tác của Nga với NATO. Ở thời của Tổng thống Barrack Obama, những người theo chủ nghĩa lạc quan còn cho phép mình hồ hởi tin vào một thiết chế chính trị mới trong sự gia nhập EU của Nga và vài nước Liên Xô cũ như Belarus và Ukraine.

Chúng ta nhận ra thế giới biết rất rõ về “có hay không có cam kết” trong việc NATO mở rộng sang phía Đông. Điều đó thể hiện ra ở việc trao quy chế “Kế hoạch hành động thành viên” cho Bosna và Hercegovina. Tiếp theo, Georgia, được mệnh danh là “quốc gia mong mỏi” gia nhập NATO tháng 12/2011. Ukraine cũng đã được công nhận là một “quốc gia mong mỏi” sau cuộc Cách mạng Maidan năm 2014. Nếu có các “cam kết” đó thì sẽ chẳng bao giờ các quốc gia trên được trao các quy chế đó cả.

Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine còn cho chúng ta lời khẳng định hùng hồn nữa: vào năm 2022, NATO đã ký các giao thức với Thụy Điển và Phần Lan về việc gia nhập của họ sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Té ra, không phải là “NATO mở rộng” mà chính là quá trình các quốc gia ùn ùn xin gia nhập Liên minh để được bảo vệ.
 
Bản ghi nhớ Budapest được ký kết khiến Ukraine mất các vũ khí hạt nhân - Ảnh tư liệu
Bản ghi nhớ Budapest được ký kết khiến Ukraine mất các vũ khí hạt nhân - Ảnh tư liệu

2. Lý do thứ hai: Ukraine tái trang bị vũ khí hạt nhân. Về lý do này, chúng ta cần lần ngược lại thời gian về năm 1994 với Giác thư Budapest hay Bản ghi nhớ Budapest, theo đó Ukraine và Belarus tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân, đổi lại họ nhận được sự đảm bảo an ninh từ Hoa Kỳ và Nga. 

Có thể nói việc Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân có vai trò rất quan trọng của tổng thống Hoa Kỳ lúc đó, ông Bill Clinton, mà các nhà quan sát đã bình luận rằng Clinton đã “dỗ ngon dỗ ngọt” người Ukraine. Thậm chí trước khi đến Budapest để ký kết, Clinton đã qua Kyiv để “ngó nghiêng” xem có đúng là người Ukraine đang “nghĩ lại” về vụ ký kết này không.

Kết quả của Bản ghi nhớ Budapest đã trao thêm móng vuốt cho con gấu Nga, giờ đây là quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Tuy vậy, tôi vẫn cho rằng đó là việc cần thiết vì sau đó là những bất ổn chính trị của Ukraine (và cả Belarus) không đảm bảo cho việc quốc gia vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân. Bản thân nước Nga với tổng thống khi đó là ông Boris Yeltsin chưa thể hiện ra sẽ trở thành một quốc gia khủng bố và hiếu chiến, lại còn sở hữu vũ khí hạt nhân trong tương lai. 

Lý do “Ukraine tái sở hữu vũ khí hạt nhân” cũng là một cái cớ Putin đưa ra khi quyết định xâm lược nước này. Ngày 21/2/2022, ông ta nói: “Nói cách khác, việc sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật sẽ dễ dàng hơn nhiều đối với Ukraine so với một số quốc gia khác mà tôi không đề cập ở đây, những quốc gia đang tiến hành nghiên cứu như vậy, đặc biệt nếu Kiev nhận được sự hỗ trợ công nghệ của nước ngoài. Chúng tôi cũng không thể loại trừ điều này”.

Trong một tuyên bố rạng sáng tại Nga trên truyền hình ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố dùng vũ lực với Ukraine và yêu cầu quân đội nước này hạ vũ khí. Trong bài nói này, Putin một lần nữa cáo buộc Ukraine muốn có vũ khí hạt nhân: “Hơn nữa, họ đã đi xa đến mức mong muốn có được vũ khí hạt nhân. Chúng tôi sẽ không để điều này xảy ra”. Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Putin trên truyền hình, các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã bắt đầu. (BBC tiếng Việt, 26/2/2022)

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó: Nga của Putin còn dựng chuyện là... Ukraine phát triển vũ khí hoá học. Khi lực lượng quân sự Nga chiếm được Mariupol, họ đã cố gắng lùng sục và thậm chí dựng lên những chứng cứ về các cơ sở hoá học và cả hạt nhân của Ukraine. Nhưng chính nước Nga khi thua trận lại thường xuyên sử dụng cái loa là cựu tổng thống của mình, ông Dmitry Medvedev để đe dọa thế giới về một thảm họa hạt nhân.

Tệ hơn nữa họ còn định dùng nhà máy điện nguyên tử Zaporizhzhia để tống tiền toàn thế giới.

3. Lý do thứ ba: tấn công Ukraine để phi phát-xít hóa. Cái mà họ dựng lên để bôi nhọ đất nước và con người Ukraine là “tình trạng quốc xã hóa, phát-xít hóa trong chính quyền và xã hội Ukraine”.

Ôm lấy lý lẽ này còn không thiếu những KOL người Việt Nam mà tôi không muốn nhắc đến tên. Một nhà báo có tiếng, phó TBT một tờ báo cho thiếu niên và nhi đồng, với tình yêu nước Nga vô bờ bến của mình nhưng mù quáng, thỉnh thoảng lại có một bài trên Facebook về “Trung đoàn Azov”. Anh ta trộn thông tin một cách tinh vi, giữa quá khứ của đơn vị này khi còn là “Tiểu đoàn Azov” với những hành động chiến đấu dũng cảm của trung đoàn khi bảo vệ nhà máy thép Azovstal ở Mariupol... mà anh ta gọi là “ngoan cố” từ đó dẫn dắt người đọc hiểu rằng, chính quyền Kyiv vẫn dung túng những thành phần cực hữu theo chủ nghĩa phát-xít.

Đúng, tiền thân của “Trung đoàn Azov” là “Tiểu đoàn Azov” khi đó là lực lượng bán vũ trang của những lực lượng chính trị tân phát-xít ở Ukraine. Chúng ta cũng cần hình dung hoạt động của đơn vị bán quân sự này là chống Nga, mạnh nhất là sau khi Crimea bị Nga sáp nhập. Tuy nhiên cái chủ nghĩa “ái quốc cực đoan” này cũng có những mầm mống tội ác khi chủ trương khủng bố người Ukraine gốc Nga.

Sau đó, trong quá trình đấu tranh tự hoàn thiện hệ thống chính trị của mình, người Ukraine đã loại bỏ dần dần các thành phần cực đoan trong chính trường. Trong cuộc bầu cử ở Ukraine năm 2019, liên minh bầu cử theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, bao gồm Đảng Tự do (Svoboda), Quân đoàn Quốc gia, Khu vực cánh hữu, Tiểu đoàn Azov, OUN và Quốc hội của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, đã đạt được kết quả thấp như kỳ vọng của những người tiến bộ. Trong cuộc bầu cử tổng thống, ứng cử viên Ruslan Koshulynskyi chỉ nhận được 1,6% phiếu bầu, và trong cuộc bầu cử Quốc hội, số ghế của lực lượng cực hữu đã bị giảm xuống còn một ghế và số phiếu bầu toàn quốc của họ giảm xuống còn 2,15%, còn một nửa so với kết quả của năm 2014 và một phần tư so với kết quả của năm 2012 . 

Sau khi đắc cử tổng thống Ukraine, ông Volodymir Zelensky đã cho giải thể “Tiểu đoàn Azov” và với những người từ bỏ chủ nghĩa cực đoan có nguyện vọng ở lại phục vụ đất nước trong lực lượng vũ trang thì sẽ được giữ lại. Trên cơ sở đó, quân đội Ukraine đã thành lập “Trung đoàn Azov” – có thể nói đó là một đơn vị hoàn toàn mới trừ một số con người cũ. Điều quan trọng hơn cả là những kẻ tuyên truyền một cách hết sức phản động cho Nga đã giấu đi những thông tin chính yếu, chẳng hạn điểm quan trọng nhất là trước đây “Tiểu đoàn Azov” là bán vũ trang, như Wagner của Nga nhưng hiện nay “Trung đoàn Azov” là đơn vị chính quy của Lực lượng Vũ trang Ukraine.

Trong khi đó ngay ở nước Nga, vẫn tồn tại những chính đảng như “Quả táo” là đảng tân phát-xít, hay sự tồn tại, hoạt động đến cỡ lộng hành của tập đoàn lính đánh thuê Wagner, đâu có khác gì phát-xít. Chúng ta chẳng thể quên được sinh viên Việt Nam Vũ Anh Tuấn đã bị bọn “đầu trọc” tân phát-xít giết chết tại Nga như thế nào.

Chủ nghĩa cực đoan luôn luôn là thảm họa, là mối đe dọa cho loài người. Năm 2015, vụ tấn công toà soạn báo “Charlie Hebdo” ở Pháp đã làm bàng hoàng tất cả chúng ta. Đất nước nào mở cửa cho tự do đa nguyên chính trị, chắc chắn sẽ phải đối mặt với cái “nạn” này. Chỉ có ở Nga có thể Putin đã thủ tiêu các đảng phái đối lập, nhưng lại dung túng cho một tập đoàn tội phạm lộng hành – nhưng tập đoàn đó là con đẻ của ông ta – Wagner.

4. Người Ukraine không tồn tại. Dân tộc Ukraine không tồn tại. Quốc gia Ukraine không tồn tại. Có khái niệm “quốc gia Ukraine” là cú “đẻ nhầm trong lịch sử của Lenin”.

Về nhà nước cổ “Kyivan Rus” tôi xin dành viết trong một bài khác. Đồng thời việc “cho ra đời một quốc gia khái niệm Ukraine” của Lenin hồi năm 1922 chẳng qua là mưu đồ “hợp lý hoá các thuộc địa cũ của Đế chế Nga Sa hoàng”, cũng cần có một bài viết khác độc lập, nếu đưa vào đây sẽ khiến bài báo quá dài.

Tất cả chỉ là những cái cớ. Ông Vladimir Putin đã gọi một cách trơ trẽn người Ukraine, những người mà quân đội của ông ta đã phát động một cuộc chiến tranh toàn diện, là “những người anh em”. Hơn nữa, người đứng đầu nước Nga tin rằng “họ (người Nga) không có gì đáng phải chê trách”.

Tôi nói điều này với trách nhiệm hoàn toàn!” – Putin đã tuyên bố vào ngày 21/12/2022 trong cuộc họp của Hội đồng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga. Sự kiện này đã được các phương tiện truyền thông tuyên truyền của Nga đưa tin. Trong tuyên bố này Putin nói rằng nhà nước của ông đã cố gắng xây dựng “mối quan hệ tốt đẹp” với Ukraine trong nhiều năm, nhưng những hành động này đã không đạt được mục tiêu mong muốn.

Ông nói thêm rằng Liên bang Nga luôn coi người dân Ukraine là “anh em”. Trên mạng xã hộ, người Ukraine đã rất tức giận trước những lời nói này của Putin. “Những người anh em sao nằm trong những ngôi mộ tập thể sao?” – một trong những độc giả của kênh Telegram Obozrevatel.ua đã đặt câu hỏi.

Nhiều cư dân mạng không chỉ Ukraine đã không kìm được cảm xúc và bày tỏ tất cả những gì họ nghĩ về Putin và những tuyên bố mang tính tuyên truyền của ông ta. Ngay cả đến khi quân đội của Putin đã thua thê thảm trên chiến trường sau gần 10 tháng chiến tranh và con số thiệt mạng đến 100.000 lính, ông ta vẫn quanh co về “tình anh em với người Ukraine...”.
 
Euromaidan, cuộc cách mạng nhân phẩm hướng tới các giá trị Châu Âu - Ảnh tư liệu
Euromaidan, cuộc cách mạng nhân phẩm hướng tới các giá trị Châu Âu - Ảnh tư liệu

Năm 2014, ở Ukraine diễn ra một cuộc cách mạng mà chúng ta quen gọi là những biến cố hay những sự kiện Maidan. Nó là cuộc cách mạng lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Cho đến thời điểm đó xã hội Ukraine giống y như xã hội Nga về độ... mafia, mà như một số bà con sinh sống ở đó nói: còn tệ hơn. Nghe những lời kể như vậy mà nếu có những câu chuyện về người Ukraine đánh đấm người Việt Nam (chẳng hạn những sự kiện ở Kharkiv khi công an đột nhập chợ người Việt) thì tôi không nghi ngờ đâu.

Còn tôi thì biết xã hội Nga nó như thế nào. Nó hoàn toàn giống như một nước ở phía Đông xứ Thái Lan (tạm gọi là nước Đông Thái) nếu mà muốn mở cây xăng thì lạy van phong bì phong bao đủ cả chỉ để được làm đại lý. Một ngày đẹp trời đầu mối nhập khẩu tính toán là do chiến tranh ở đâu đó, giá dầu thô sẽ lên 200 đô-la Mỹ/ thùng nên nhập về trữ số lượng lớn, ai dè bọn đế quốc sài lang chúng nó đểu thế, bơm dầu lên ồ ạt nên hóa ra giá thế giới lại còn... xuống. Lỗ đó mà đổ lên đầu dân, dân chết thì có mà loạn – ta đem ép đại lý. Đại lý bất chấp thỏa thuận đã ký, kiên quyết không bán – đó là biểu hiện của chủ nghĩa tư bản rừng rú. Ở nước sống theo luật, làm như thế thì bị cắt hợp đồng luôn chứ đùa à. Anh bán hàng lấy lãi bỏ túi bao nhiêu năm nay thì không sao, bây giờ chỉ 1-2 tháng khó khăn mà đã không chịu chia sẻ, đó là thái độ gì? 

Trong một xã hội như thế, nhưng con người vẫn hướng tới một môi trường sống tốt đẹp hơn – có thể chưa phồn vinh nhưng công bằng theo pháp luật và đàng hoàng, thì những mong muốn đó thúc đẩy người ta làm cách mạng. Có thể nói đó là một cuộc “Cách mạng Phẩm giá”, khi con người muốn sống làm người.

Ở Việt Nam chúng ta thì người ta chẳng bao giờ dám nhắc những từ đó trên truyền thông chính thống, vì người ta cũng sợ cách mạng phẩm giá. Vậy thôi.

Khiếp sợ trước làn sóng cách mạng phẩm giá, Putin quyết định gây chiến tranh – vì hắn cũng sợ cái làn sóng đó nó lây sang Nga. Để bao biện cho hành động gây chiến, hắn ta đã chuẩn bị từ rất lâu trong đó cố chứng minh rằng ở Ukraine đang tồn tại chế độ phát-xít. Nhưng sau khi chiến tranh sa lầy, người Ukraine quá đoàn kết chứ không có chuyện người ta đứng lên lật đổ chế độ phát-xít như hắn ta hình dung, hắn ta xoay sang... “phi Sa-tăng hóa Ukraine”. Sắp tới, nếu những quân đoàn thánh chiến dưới sự lãnh đạo của Nhà thờ Chính thống Nga ra trận, sẽ thể hiện sự bế tắc tột cùng của nước Nga trong cuộc chiến này.

Ghi chú:

(1) Напомню также, что в Киеве уже прозвучали заявления о скорейшем вступлении Украины в НАТО. Что означала бы эта перспектива для Крыма и Севастополя? То, что в городе русской воинской славы появился бы натовский флот, что возникла бы угроза для всего юга России – не какая‑то эфемерная, совершенно конкретная. Всё, что реально могло бы произойти, это всё то, что реально могло бы произойти, если бы не выбор крымчан. Спасибо им за это.
 
(2) The Myth of a No-NATO-Enlargement – Pledge to Russia.

Tác giả bài viết: Phúc Lai, từ Hà Nội