Cách mạng Nhung 1989: HÃY ĐỐI THOẠI TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN!
- Thứ năm - 10/01/2019 05:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Tình hình nghiêm trọng hơn là các vị tưởng; vì thế chớ trì hoãn đối thoại trước khi nó trở nên tồi tệ nhất và sẽ là quá muộn. Hãy hiểu rằng, mặc dù xã hội này có khả năng nhẫn nhịn lâu dài, nhưng sức kiên nhẫn của nó không là vô hạn” (trích “Lời kêu gọi trên truyền thanh” của Vaclav Havel, ngày 9-1-1989).
Lời dịch giả: Có thể nói, tại Cộng hòa Czech, các hoạt động kỷ niệm 30 năm Cách mạng Nhung 1989 đã diễn ra từ những khoảnh khắc đầu tiên của năm nay: Pháo hoa mừng năm mới 2019 tại thủ đô mang tên “Praha tự do”.
Theo dấu các bài viết, trả lời phỏng vấn, phát biểu... trong năm 1989 của Vaclav Havel, người đóng vai trò trụ cột trong hai biến cố lớn của Tiệp Khắc thập niên 70 và 80 thế kỷ trước - Hiến chương 77 và Cách mạng Nhung - chúng ta có thể hình dung được các sự kiện đã xảy ra cách đây ba thập niên. Chẳng hạn, “Lời kêu gọi trên truyền thanh” của ông, được đọc trên làn sóng điện tròn 30 năm trước.
Nhìn lại lịch sử, mùng 9-1-1989 sau này được coi là ngày đầu tiên của Tuần lễ tưởng niệm Jan Palach, chàng sinh viên đã tự thiêu ngày 16-1-1969 để phản đối biến cố Liên Xô và các quốc gia CS thuộc khối Hiệp ước Warszawa đưa quân đội vào Tiệp Khắc để đàn áp nỗ lực dân chủ Mùa xuân Praha của đất nước này.
Nhận được một bức thư không đề tên người gửi, thông báo sẽ tự thiêu vào ngày 15-1 tại quảng trường Vaclav tại trung tâm Praha như Jan Palach ngày nào để phản đối tình trạng chính trị bấy giờ, Vaclav Havel đã đề nghị Đài Truyền hình Tiệp Khắc cho phép ông lên hình để thuyết phục người viết thư từ bỏ ý định của mình. Sau khi bị từ chối, Havel quay sang các đài truyền thanh quốc tế, và các đài đã phát đi lời kêu gọi này.
Với bạn đọc người Việt không theo tôn giáo, đức tin của người Công giáo - nền tảng của văn hóa Châu Âu - có lẽ ít nhiều sẽ là điều lạ lẫm. Và lời kêu gọi đối thoại của Havel - vị nhân sĩ được vinh danh là “người bạn của những chiến sĩ đấu tranh cho tự do và nhân quyền” - gửi nhà cầm quyền đương thời, đáng tiếc, có thể cũng vẫn là đặc biệt với độc giả Việt, ngay cả trong những ngày đầu năm 2019 này.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả! (*)
Theo dấu các bài viết, trả lời phỏng vấn, phát biểu... trong năm 1989 của Vaclav Havel, người đóng vai trò trụ cột trong hai biến cố lớn của Tiệp Khắc thập niên 70 và 80 thế kỷ trước - Hiến chương 77 và Cách mạng Nhung - chúng ta có thể hình dung được các sự kiện đã xảy ra cách đây ba thập niên. Chẳng hạn, “Lời kêu gọi trên truyền thanh” của ông, được đọc trên làn sóng điện tròn 30 năm trước.
Nhìn lại lịch sử, mùng 9-1-1989 sau này được coi là ngày đầu tiên của Tuần lễ tưởng niệm Jan Palach, chàng sinh viên đã tự thiêu ngày 16-1-1969 để phản đối biến cố Liên Xô và các quốc gia CS thuộc khối Hiệp ước Warszawa đưa quân đội vào Tiệp Khắc để đàn áp nỗ lực dân chủ Mùa xuân Praha của đất nước này.
Nhận được một bức thư không đề tên người gửi, thông báo sẽ tự thiêu vào ngày 15-1 tại quảng trường Vaclav tại trung tâm Praha như Jan Palach ngày nào để phản đối tình trạng chính trị bấy giờ, Vaclav Havel đã đề nghị Đài Truyền hình Tiệp Khắc cho phép ông lên hình để thuyết phục người viết thư từ bỏ ý định của mình. Sau khi bị từ chối, Havel quay sang các đài truyền thanh quốc tế, và các đài đã phát đi lời kêu gọi này.
Với bạn đọc người Việt không theo tôn giáo, đức tin của người Công giáo - nền tảng của văn hóa Châu Âu - có lẽ ít nhiều sẽ là điều lạ lẫm. Và lời kêu gọi đối thoại của Havel - vị nhân sĩ được vinh danh là “người bạn của những chiến sĩ đấu tranh cho tự do và nhân quyền” - gửi nhà cầm quyền đương thời, đáng tiếc, có thể cũng vẫn là đặc biệt với độc giả Việt, ngay cả trong những ngày đầu năm 2019 này.
Trân trọng giới thiệu tới độc giả! (*)
LỜI KÊU GỌI TRÊN TRUYỀN THANH
Sáng nay, thứ Hai ngày 9-1 tôi nhận được một bức thư không đề tên người gửi, khiến tôi vô cùng lo lắng. Bức thư được viết với tinh thần của một nhóm sinh viên, nhưng tôi cho rằng, phần nhiều đây chỉ là tiếng nói của một cá nhân. Tuy nhiên, toàn bộ bức thư mang đến cho tôi một cảm giác rất thật, vì thế tôi phải nhìn nhận nó một cách nghiêm túc.
Bức thư thế này:
“Thưa ông Havel, chúng tôi hoàn toàn thống nhất với hoạt động của Hiến chương 77, luồng sáng trong xã hội ảm đạm và bảo vệ cho quyền con người, cho tự do ngôn luận và cho tự do của Giáo hội. Hàng loạt sinh viên chúng tôi cam kết ủng hộ công việc của Hiến chương bằng các hành động cụ thể và để khẳng định các quyền chính trị phải được công nhận đối với các nỗ lực của Hiến chương.
Để chứng minh cho những lời này, ngày 15-1-1989, sau buổi trưa, gần bức tượng con ngựa tại quảng trường Vaclav, một lần nữa sẽ có một ngọn đuốc khác được thắp sáng bằng sinh mạng con người. Chúng tôi tin rằng, hành động này sẽ đánh thức được cả dân tộc khỏi tình trạng thờ ơ về xã hội và chính trị, và buộc người dân cởi mở công khai và thể hiện công khai bản sắc dân tộc như sự kiện đã xảy ra 20 năm trước đây.
Thay mặt Ủy ban tái tổ chức các cuộc tự tử hàng loạt.
Ngọn đuốc thứ nhất”
Bởi không có cách nào khác để mở lời với người viết thư, tôi đã đề nghị các đài truyền thanh nước ngoài giúp đỡ. Và bằng cách này đây, tôi đang hướng đến bạn, người đã gửi cho tôi bức thư trên, và tôi khẩn khoản kêu gọi bạn, đừng làm điều mà bạn đang định làm.
Tôi hoàn toàn hiểu rằng, cảm giác không có lối thoát và vô vọng ngày nay có thể buộc người ta đi đến quyết định đánh thức các đồng bào của mình bằng một hành động hãn hữu. Nhưng đồng thời, tôi nghĩ rằng đó là con đường không đúng đắn, con đường kinh hoàng, con đường không thể lặp lại.
Chính Palach trước lúc mất cũng đã kêu gọi những người thân hãy nhìn nhận hành động của anh như một lời kêu gọi cho một cuộc sống đầy nhân phẩm, chứ không kêu gọi lặp lại hành động đó. Đánh giá theo bức thư, thì bạn là một thanh niên thông minh và can đảm. Những người như bạn chính là những người mà chúng ta đang cần ở đây, ở giữa chúng ta, để qua các công việc thường ngày mà phấn đấu cho một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta.
Bạn hãy nhớ rằng tác phẩm lớn đầu tiên của T. G. Masaryk, người sáng lập nước Tiệp Khắc dân chủ, chính là cuốn sách về đề tài tự tử, trong đó ông tìm cách chứng minh rằng, rằng việc rời xa Thiên Chúa và những lý tưởng đạo đức cao hơn và nguồn gốc phi cá nhân của các lý tưởng ấy sẽ là thiếu tôn trọng với mạng sống con người, và như thế là dẫn cả đến tự tử.
Một khi chúng ta muốn hành động theo đúng các mệnh lệnh đạo đức cao hơn cả chính chúng ta thì không thể rời bỏ cuộc sống, ngay cả khi chúng ta làm điều đó vì những nguyện vọng cao quý nhất, mà cần nhận lấy gánh nặng do cuộc sống mang lại và phải sống mà phấn đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn. Hiến Chương 77 mà bạn hướng đến ra đời chính từ tinh thần đạo đức này. Đó là lời thách thức hướng tới cuộc sống, một cuộc sống của những người dân đứng đắn, đáng hãnh diện, một cuộc sống trong sự thật.
Cả bạn cũng hãy hiểu điều đó và đừng làm những gì bạn đang định làm. Hãy đến cùng chúng tôi ngày 15-1 để nghiêng mình tưởng niệm Palach, nhưng đừng mang theo chất cháy. Những người như bạn không nhiều, và chúng ta cần họ ở đây, ở giữa chúng ta. Bạn hẳn có họ hàng và bạn bè. Bạn sẽ làm họ đau đớn đến mức mà chẳng có lời kêu gọi dù lớn lao đến mức nào với xã hội, mà chính là cái chết của bạn, có thể xóa nhòa. Xin bạn hãy nghĩ đến họ.
Nhân dịp này tôi muốn kêu gọi cả phía chính quyền. Các vị, tất cả những người nắm quyền và quyết định vận mệnh của đất nước, đối diện với bức thư không đề tên người gửi này, thì rốt cục hãy nhận thấy tình hình hiện nay là nghiêm trọng. Không muốn người thanh niên này đi đến một hành động tuyệt vọng nhường kia, thì các vị cuối cùng hãy bắt đầu hành xử có suy nghĩ.
Hãy đừng mang cảnh sát ra dẹp lễ tưởng niệm ngắn ngủi ngày 15-1 tại quảng trường Vaclav. Với hành động này, các vị sẽ không ngăn cản được ý định của người thanh niên kia, mà ngược lại, các vị sẽ càng khiêu khích anh thực hiện ý định của mình. Nhiều phần, chính chúng tôi, chứ không phải là các vị, mới là người làm anh thay đổi ý định. Các vị chớ ngăn cản sự có mặt của chúng tôi tại quảng trường Vaclav.
Một khi cuộc sống của anh thanh niên này còn là quan trọng với các vị, hãy hành xử có suy nghĩ. Và không chỉ có thế. Rốt cuộc thì hãy bắt đầu đối thoại nghiêm túc với xã hội. Tình hình nghiêm trọng hơn là các vị tưởng; vì thế chớ trì hoãn đối thoại trước khi nó trở nên tồi tệ nhất và sẽ là quá muộn. Hãy hiểu rằng, mặc dù xã hội này có khả năng nhẫn nhịn lâu dài, nhưng sức kiên nhẫn của nó không là vô hạn.
Ghi chú:
(*) Bản Việt ngữ được dịch từ nguyên bản tiếng Czech, tựa đề do NCTG tạm đặt.