Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHỦ NHÂN CÂU NÓI “HỚ” LỚN NHẤT CỦA THẾ KỶ 20 QUA ĐỜI

(NCTG) Nhà báo Günter Schabowski, cựu lãnh đạo đảng cao cấp thời CHDC Đức, người thường được nhắc đến vì một nhầm lẫn khổng lồ khiến bức tường Berlin sụp đổ “trước thời hạn”, đã tạ thế ngày thứ Bảy 1-11-2015, thọ 86 tuổi.
Günter Schabowski trong cuộc họp báo lịch sử tối 9-11-1989 - Ảnh tư liệu
Schabowski là một trong số rất hiếm hoi các thành viên Ban lãnh đạo Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức (tức Đảng Cộng sản Đông Đức) trong năm 1989 đã đồng tình với những đòi hỏi mang tính cải cách, và sau đó đã thừa nhận những tội lỗi của thể chế cộng sản tại CHDC Đức.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà ông trở nên nổi tiếng toàn thế giới. “Công trạng” của ông có được nhờ một nhầm lẫn ngẫu nhiên - mà sau này có người cho là sắp đặt - diễn ra vào tối 9-11-1989, khi Schabowski chủ trì một cuộc họp báo được truyền trực tiếp trên làn sóng điện tại Đông Berlin.

Là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Berlin, đồng thời giữ cương vị Bí thư Trung ương Đảng phụ trách về thông tin, Günter Schabowski được giao nhiệm vụ thông báo về kết quả cuộc họp của Trung ương Đảng, trong đó có quy định mới cho phép công dân Đông Đức xuất ngoại dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, nội dung quan trọng đó đã không được Schabowski - người không tham dự các phiên họp trước đó của Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đông Đức khi bàn bạc về quyết định này - nhắc tới trong cuộc họp báo. Duờng như ông nghĩ rằng các nhà báo đã được nhận thông cáo về việc đó.

Khi Schabowski đã bỏ kính và cất giấy vì nghĩ rằng mọi việc đã xong xuôi, đột ngột, phóng viên Ý Ricardo Ehrmann đặt câu hỏi: vậy việc công dân Đông Đức ra nước ngoài sẽ được nới lỏng như thế nào? Bối rối lần giở tập giấy tờ trên tay, Schabowski mới nhớ là ông có nhận được một chỉ thị.

Nhờ một trợ lý tìm cho tờ giấy có dự thảo điều luật nới lỏng việc đi lại cho công dân Đông Đức mà ông được trao trước đó, ông đọc thông báo từ giấy, theo đó, cư dân CHDC Đức có thể xin du lịch cá nhân ra nước ngoài mà không cần bất cứ điều kiện gì (lý do xuất ngoại, quan hệ họ hàng).

Bên cạnh đó, giấy thông hành sẽ được cấp trong thời hạn ngắn, và người dân có thể đi lại không hạn chế tại tất cả các cửa khẩu giữa hai nước Đức. Trong phòng họp, tất cả mọi người đều sững sờ và tìm cách diễn giải những gì họ được nghe, trong khi các máy quay vẫn chưa tắt.

Khi đó, Peter Brinkmann, phóng viên tờ tạp chí “Bild” (trụ sở tại Hamburg) đặt câu hỏi quy định mới về việc đi lại sẽ có hiệu lực từ khi nào? Schabowski lưỡng lự, rồi đưa ra câu trả lời định mệnh: “Ờ... theo như tôi được biết thì nó có hiệu lực ngay lập tức... Vâng, ngay lập tức!” (sofort, unverzüglich).

Brinkmann “bồi” thêm một câu nữa: “Kể cả sang Tây Berlin?”. “Đúng vậy, người dân có thể rời CHDC Đức trực tiếp sang Tây Berlin”, Schabowski bối rối, và ngay trong khoảnh khắc đó, ký giả Ý Ricardo Ehrmann lao ngay ra khỏi phòng gửi một tin nhanh về Hãng thông tấn ANSA: “Tường đổ rồi”.

Vài chục triệu công dân Đông Đức xem truyền hình hiểu đoạn đối thoại trên có nghĩa là bức tường đã được mở, cho dù theo dự định đạo luật mới chỉ đi vào thực thi vào ngày hôm sau. Lập tức, vài vạn người đổ về các cửa khẩu ngăn cách Đông - Tây ở Berlin và đòi lực lượng biên phòng CHDC Đức phải mở cổng.

Không nhận được chỉ thị gì từ cấp trên, lực lượng biên phòng và kiểm tra xuất nhập cảnh của Đông Đức bó tay bất lực trước đoàn người ùn ùn đổ về ngày một đông. Đến 23 giờ, Bornholmer Straße, cửa khẩu đầu tiên ở Berlin được mở, đám đông tràn sang phía Tây qua cây cầu Böse.

Ngay sau đó, các cửa khẩu khác tại Berlin và trên suốt biên giới nội địa Đức - trong đó quan trọng nhất là ở cổng Brandenburg, biểu tượng chính của Berlin, cũng như của sự chia cắt nước Đức - đều lần lượt được mở, dẫn đến sự sụp đổ của bức tường Berlin sau 28 năm tồn tại.
 
“Tường đổ rồi” - Ảnh: AFP / DPA
“Tường đổ rồi” - Ảnh: AFP / DPA

Nhận định về nhầm lẫn “chết người” của Schabowski, sử gia Vladimir Fyodorovsky, cố vấn ngoại giao thời đó của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev cho rằng “nếu không có sai lầm của Schabowski, sẽ phải trả giá nhiều hơn và lâu hơn để phá bỏ bức tường Berlin”.

Tuy nhiên, ông Fyodorovsky cũng nhấn mạnh, sự sụp đổ của bức tường Berlin “là không tránh khỏi: đó là bộ máy vận hành của lịch sử”. Đây cũng là ý kiến của Schabowski trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào năm 2009, khi ông cho rằng sự cáo chung của bức tường ô nhục là một “tất yếu lịch sử”.

Đầu tháng 12-1989, Schabowski ra khỏi Ban lãnh đạo đảng, rồi ông bị khai trừ khỏi đảng vào cuối tháng 1-1990. Do những tuyên bố mang tính “phản tỉnh”, phê phán bản thân và chế độ độc đoán thời cộng sản ở CHDC Đức, quan hệ giữa Schabowski và các đồng chí cũ tồi đi trông thấy.

Thời gian 1992-1999, ông ra một tờ báo địa phương tại vùng Hessen, tiếp tục nghề ký giả là chuyên môn mà ông đã theo đuổi trong nhiều thập niên, từ năm 18 tuổi (*). Năm 1993, Schabowski bị buộc tội giả mạo kết quả bầu cử thời Đông Đức, nhưng đến năm 1997 lời cáo buộc này được đình chỉ.

Cũng trong thời gian đó, cùng nhiều thành viên Ban lãnh đạo thượng đỉnh Đảng Cộng sản Đông Đức, Schabowski còn bị ra tòa và chịu bản án ba năm tù giam (tháng 8-1997) bởi lệnh nổ súng không thương tiếc vào những công dân CHDC Đức vượt tường Berlin thời Chiến tranh lạnh.

Trái với các đồng sự, Schabowski chấp nhận phán quyết và thừa nhận trách nhiệm đạo đức trước cái chết của những người vượt biên - quan điểm này vẫn được ông bảo lưu trong cuốn hồi ký ấn hành năm 2009. Ông phải thụ án tại nhà tù Berlin-Spandau và được phóng thích ngày 2-12-2000.

Với sự ra đi của Günter Schabowski, nước Đức mất đi một chứng nhân quan trọng của biến cố 1989, một người cộng sản trong những thập niên cuối đời đã tỏ rõ lòng tự trọng và tự vấn bản thân, trái với đại đa số các đồng sự của mình...

(*) Schabowski đầu quân cho nhật báo “Tribüne” từ năm 1947, rồi trở thành TBT tờ báo này thời kỳ 1953-1967. Sau khi tốt nghiệp Trường Đảng Moscow (Liên Xô) niên khóa 1967-68, ông về cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Đức - tờ “Neues Deutschland” (Nước Đức mới), rồi giữ cương vị TBT tờ này từ 1978.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp