Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Đại lễ 15-3: “KHÔNG YÊN NGHỈ KHI TỰ DO CHƯA CÓ”

(NCTG) “Không một người Hung nào khi nghe bài thơ này lại không có tâm trạng muốn lao ngay ra trận, với cảm xúc hết sức thiêng liêng về dân tộc và đất nước của mình”.
Thi hào Petőfi Sándor (1823-1849?)
“Bài ca Dân tộc” (Nemzeti Dal) của thi hào, nhà cách mạng, anh hùng dân tộc, thi sĩ Hungary nổi tiếng nhất trên thế giới, liệt sĩ của cuộc cách mạng và cuộc chiến tự do 1848/1849 Petőfi Sándor, là một thi phẩm “thần sầu”: bất cứ câu thơ, khổ thơ nào của bài thơ cũng có thể trở thành hiệu kèn xung trận kỳ diệu, trở thành “câu thần chú” trên môi những chàng trai ra trận với tâm niệm “Tự do và ái tình - Vì các người ta sống”.

Khác với 2 “tiền bối” Vörösmarty Mihály hay Kölcsey Ferenc (cũng là những thi sĩ siêu đẳng thuộc trường phái Lãng mạn Hungary), làm thơ với cách hành văn cổ kính, nhiều điển tích và sự thể hiện buồn bã, sầu thảm, thơ của Petőfi Sándor có hơi thở mạnh mẽ của thời đại, của những cuộc xuống đường và cách mạng, nên “Bài ca Dân tộc” dễ hiểu và dễ nhớ hơn nhiều so với “Ngợi ca Tổ quốc” (Himnusz) hay “Lời hịch” (Szózat).

Chính vì thế, “Bài ca Dân tộc” được coi là thi phẩm quốc gia thứ ba của nước Hung. Sức lay động khủng khiếp của áng “thiên cổ hùng văn” (và của bài hát khi nó được phổ nhạc vào năm 1973, và trình diễn “hút hồn” bởi nhạc sĩ, ca sĩ Tolcsvay László) đã khiến không một người Hung nào khi nghe bài ca này, hoặc bài thơ này, mà lại không có tâm trạng muốn lao ngay ra trận, với cảm xúc hết sức thiêng liêng về dân tộc và đất nước của mình.

Đặc biệt, khổ thơ sau nảy sinh một liên tưởng ghê gớm về sau này:

Rabok voltunk mostanáig,
Kárhozottak ősapáink,
Kik szabadon éltek-haltak,
Szolgaföldben nem nyughatnak.


Dịch nghĩa:

Tận bây giờ chúng ta làm nô lệ
Đọa đày thay cha ông chúng ta
Sống và chết trong tự do vời vợi
Không yên nghỉ trên đất tôi đòi.


Thầy Vũ Ngọc Cân dịch:

Bao lâu nay ta sống đời nô lệ
Tổ tiên ta cam chịu thiệt thòi
Chết tự do không chịu sống tôi đòi
Không yên nghỉ khi tự do chưa có.


160 năm sau, di cốt của Kádár János - Tổng bí thư Đảng Cộng sản Hungary thời kỳ 1956-1988, người được coi là kẻ phản bội cuộc cách mạng 1956, và phản bội chính người đồng chí và thượng cấp của ông, Nagy Imre, trên cương vị một bộ trưởng của nội các cách mạng - còn bị vứt bỏ và hạ nhục với lời kết tội “Gyilkos és áruló Szent földben nem nyughat!” (Kẻ sát nhân và bội phản không thể yên nghỉ trên mảnh đất thiêng liêng).

Là một nhân vật lớn, đầy mâu thuẫn và bi thảm của lịch sử Hungary thế kỷ 20, những gì mà Kádár nỗ lực thực hiện dưới kỷ nguyên mang tên ông tại Hungary (mà thế giới gọi là thời của “nền độc tài mềm”, “chủ nghĩa cộng sản xúp thịt bò”...) không đủ để hậu thế có thể hoàn toàn tha thứ cho ông... Gánh nặng của tội lỗi đặt lên Kádár János, ko cho ông được yên nghỉ trên mảnh đất quê hương thiêng liêng, bên những bậc tiền nhân.

Số phận thật nghiệt ngã và chứa chở những điều ko ai có thể ngờ tới: tháng 7-1989, trong khi Tòa án Tối cao đang tiến hành thủ tục minh oan cho cố thủ tướng Nagy Imre và các đồng sự của ông, những người tham dự phiên tòa đột nhiên xì xào và truyền nhau mẩu giấy có hàng chữ “Kádár chết rồi”. Và gần 20 năm sau khi đã qua đời, ông vẫn phải chịu tấn thảm kịch - như nước Hung đã bao lần phải gánh chịu trong lịch sử 1.000 năm...
 
Vì tình trạng dịch bệnh, năm nay chính quyền Hungary đã cho hủy lễ kỷ niệm cách cách mạng và cuộc chiến tự do 1848-1849, nhưng Google thì vẫn nhớ... - Ảnh chụp màn hình
Vì tình trạng dịch bệnh, năm nay chính quyền Hungary đã cho hủy lễ kỷ niệm cách cách mạng và cuộc chiến tự do 1848-1849, nhưng Google thì vẫn nhớ... - Ảnh chụp màn hình

Một bản dịch mới “Bài ca Dân tộc” của anh Nguyễn Thục:

BÀI CA DÂN TỘC

Vùng lên đi người Hung, Tổ quốc đang mong chờ!
Lúc này là thời khắc, ngay hoặc không bao giờ!
Ta sẽ là nô lệ, hay là người tự do?
Đây là câu hỏi lớn, các anh trả lời cho!
Quỳ trước Chúa, của người Hung
Chúng ta thề,
Chúng ta thề, thề không làm nô lệ,
Không bao giờ!

Chúng ta làm nô lệ, cho đến tận hôm nay.
Cha ông ta từ trước, dù chịu bao khổ đau,
Họ vẫn sống và chết, trên mảnh đất tự do,
Nay trong đất nô lệ, làm sao họ ngủ yên.
Quỳ trước Chúa, của người Hung
Chúng ta thề,
Chúng ta thề, thề không làm nô lệ,
Không bao giờ!

Ta là ai không nhà, đi lang thang vật vờ,
Giờ đây Tổ quốc cần hy sinh, không thể nhờ.
Bởi vì còn luyến tiếc, cuộc sống thừa, cặn bã,
Hơn cả đất nước này, danh dự và vinh quang.
Quỳ trước Chúa, của người Hung
Chúng ta thề,
Chúng ta thề, thề không làm nô lệ,
Không bao giờ!

Lưỡi gươm kia dù cũ, vẫn sáng hơn xích xiềng,
Sẽ đẹp và kiêu hãnh, nếu có trong tay mình.
Vậy mà bấy lâu nay, ta vẫn mang xiềng xích!
Hãy trả lại cho ta, lưỡi gươm xưa oanh kích!
Quỳ trước Chúa, của người Hung
Chúng ta thề,
Chúng ta thề, thề không làm nô lệ,
Không bao giờ!

Tên tuổi của người Hung, sẽ lung linh trở lại,
Xứng đáng với người xưa, hào hùng và vang dội.
Những gì nhơ nhớp cũ, hàng bao thế kỷ nay,
Giờ chúng ta rửa sạch, bao nhục nhã khổ đau!
Quỳ trước Chúa, của người Hung
Chúng ta thề,
Chúng ta thề, thề không làm nô lệ,
Không bao giờ!

Mai sau bên nấm mồ, nơi chúng ta nằm xuống.
Con cháu chắt chúng ta, cúi rạp mình thành kính,
Vừa thành tâm cầu khấn, vừa không quên gọi lên
Những cái tên thiêng liêng, của chúng ta thời ấy.
Quỳ trước Chúa, của người Hung
Chúng ta thề,
Chúng ta thề, thề không làm nô lệ,
Không bao giờ!

 
*

NEMZETI DAL

Talpra magyar, hí a haza!
Itt az idő, most vagy soha!
Rabok legyünk vagy szabadok?
Ez a kérdés, válasszatok! –
A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

Rabok voltunk mostanáig,
Kárhozottak ősapáink,
Kik szabadon éltek-haltak,
Szolgaföldben nem nyughatnak.
A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

Sehonnai bitang ember,
Ki most, ha kell, halni nem mer,
Kinek drágább rongy élete,
Mint a haza becsülete.
A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

Fényesebb a láncnál a kard,
Jobban ékesíti a kart,
És mi mégis láncot hordtunk!
Ide veled, régi kardunk!
A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

A magyar név megint szép lesz,
Méltó régi nagy hiréhez;
Mit rákentek a századok,
Lemossuk a gyalázatot!
A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!

Hol sírjaink domborulnak,
Unokáink leborulnak,
És áldó imádság mellett
Mondják el szent neveinket.
A magyarok istenére
Esküszünk,
Esküszünk, hogy rabok tovább
Nem leszünk!
(13-3-1848)

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh