Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÁCH MẠNG HUNGARY 1848 VÀ THI PHẨM XUẤT THẦN “BÀI CA DÂN TỘC”

“Với 6 khổ thơ, khổ nào cũng kết thúc bằng lời hiệu triệu: “Thề với Thượng đế của người Hung - Xin thề sẽ thôi kiếp tôi đòi”, “Bài ca Dân tộc” đưa ra hình ảnh đối lập giữa quá khứ điêu tàn và thực tại thôi thúc, giữa cảnh nô lệ đớn đau và niềm vui tự do xán lạn, và trở thành khúc ca lãng mạn và bi hùng, hừng hực niềm khát khao tự do của tinh thần quật khởi Hungary”.
Petőfi Sándor đọc “Bài ca Dân tộc” thúc giục tinh thần dân chúng trong ngày 15-3-1848
Nghe bản audio ở đây.
 
Vùng lên người Hung
Tổ quốc vẫy gọi
Thời cơ là đây
Giờ, hay không bao giờ
Sẽ là nô lệ 
Hay người tự do 
Câu hỏi là đây 
Bạn hỡi, lựa chọn!

Đó là khổ thơ mở đầu trong “Bài ca Dân tộc”, thi phẩm được biết đến nhiều nhất của đại thi hào Hungary Petőfi Sándor, có vị trí hàng đầu trong nền thi ca ái quốc của đất nước này, một bài hịch có sức mạnh không kém gì nhiều đạo quân mà những thông điệp của nó, tới giờ, vẫn còn hết sức mang thời sự tính, cho dù gần 170 năm đã trôi qua.

Được sáng tác và truyền bá hết sức rộng rãi trong cuộc cách mạng và cuộc chiến vì tự do của người dân Hungary năm 1848-1849, mà điểm khởi đầu của nó vào ngày 15-3 hiện nay là một trong ba quốc lễ thường niên của nước Hung, “Bài ca Dân tộc” được coi là hiệu kèn chiến đấu thúc giục mọi người dân Hung đứng lên vì nền độc lập dân tộc.

Tên tuổi của Petőfi Sándor đã được đưa vào hàng những văn sĩ lớn của Châu Âu thời bấy giờ, những người mang trong mình ngọn lửa dân chủ như Byron (Anh), Pushkin (Nga), Heiné (Đức), Mickiewicz (Ba Lan) và Viktor Hugo (Pháp). Nếu chỉ hạn chế trong khuôn khổ văn học, tất cả những gì diễn ra sau đó trong nền thi ca Hung đều có khởi nguồn và xuất xứ từ ông!

Bằng thi phẩm này và sự lựa chọn đứng vào hàng ngũ những chiến sĩ một cách dứt khoát, Petőfi Sándor đã đi vào lịch sử của Hungary như một ca nhân vĩ đại của tình yêu và tự do, như lời thổ lộ của ông trong một bài thơ ngắn nổi tiếng “Tự do và ái tình - Vì các người ta sống. Bài thơ cũng là sự vinh danh cho cuộc cách mạng 1848, trang sử hào hùng của nước Hung.

Cuộc chiến giành tự do cho dân tộc

1848 được biết đến trong lịch sử thế giới như một mốc thời gian, mà tại nhiều quốc gia Châu Âu, làn sóng phản kháng và nổi dậy đã làm rúng động các thế lực cai trị. Nhưng xét cho cùng, chỉ tại Hungary, làn sóng ấy mới trở thành một cuộc chiến dai dẳng và cam go cho nền độc lập, kéo dài hơn 1 năm, và chỉ chịu thất bại trước sự vào cuộc đại quân Nga hoàng.

Tính tới thời điểm ấy, nước Hung đã nằm dưới sự quản lý và cai trị của Đế quốc Áo từ vài thế kỷ, và cho dù Hungary được hưởng nền tự trị hơn hẳn các dân tộc khác của nền quân chủ Habsburg, nhưng ước vọng độc lập luôn nung nấu trong lòng dân Hung, và chỉ chờ dịp để bùng phát. Những đòi hỏi cải tổ và thay đổi bắt đầu được đưa ra từ cuối năm 1847.

Đầu năm 1848, sau gần hai chục năm thai nghén, bên cạnh những lãnh tụ của cuộc cách mạng trong tương lai đã hình thành nhóm thanh niên, sinh viên trẻ, trong số đó có chàng trai Petőfi Sándor 25 tuổi. Ông là một trong hai chục ngàn gương mặt của giới trẻ thủ đô Budapest, vào ngày 15-3 đã đứng lên đòi Đế chế Áo phải thực hiện bản yêu sách gồm 12 điểm.

Mang tên “Dân tộc Hung muốn gì? Hãy mang lại hòa bình, tự do và đồng thuận”, yêu sách 12 điểm đòi hỏi Hungary phải có tự do báo chí, nền kiểm duyệt phải bị bãi bỏ, dân Hung phải được bình đẳng trên tư cách công dân và tôn giáo, tù chính trị phải được phóng thích, không đưa lính Hung ra nước ngoài, và quân đội ngoại quốc phải rời khỏi Hung, v.v...

Cuộc tuần hành của giới trẻ Budapest đã gặt hái được những thành công vang dội ngay trong buổi chiều 15-3-1848: theo lời kể của một trong những đại diện sáng giá nhất của ngày hôm đó - nhà thơ trẻ Petőfi Sándor -, đại diện của vương triều Habsburg tại Hungary “mặt tái mét và run rẩy”, rồi “sau khoảng năm phút bàn bạc, đã chấp thuận tất cả”.

Dưới sức ép của cuộc cách mạng, triều đình Áo buộc phải chấp nhận những đòi hỏi của phái đoàn đàm phán Hungary. Một chính phủ mới được thành lập tại Hung, và độc lập với hoàng đế Áo, nội các này chỉ chịu trách nhiệm trước các dân biểu Hungary. Tuy nhiên, nỗ lực dân chủ và tự do của người dân Hungary chỉ được đáp ứng trong một thời gian ngắn.

Cuối hè 1848, triều đình Vienna phản công và cuộc chiến quân sự ác liệt nổ ra, và quân dân Hungary đã anh dũng chiến đấu chống lại kẻ thù với những chiến thắng quân sự đáng kể. Đầu tháng 5-1849, Áo phải cầu viện tới Nga hoàng và với sự tham chiến của gần 200 ngàn lính Nga, rốt cục liên minh Áo - Nga đã đè bẹp cuộc khởi nghĩa của Hungary vài tháng sau đó.

Cuộc cách mạng và chiến đấu giành độc lập dân tộc của Hungary 1848-1849 là một sự kiện trọng đại của lịch sử nước Hung, đồng thời cũng là cuộc chiến nổi tiếng nhất của quốc gia này kể từ thời lập quốc. 1848 cũng đọng lại như một nền tảng của bản sắc dân tộc Hung, là sự khởi đầu của những chuyển biến và cải tổ xã hội theo hướng dân chủ tư sản.

Đặc biệt, những mong mỏi của người dân Hung được ghi lại trong yêu sách 12 điểm, về sau, cũng được lặp lại về cơ bản trong hai biến chuyển lịch sử lớn nhất của nước Hung thế kỷ 20: cuộc cách mạng 1956, và biến chuyển dân chủ 1989. Và nếu không có 1848, cũng sẽ không có nửa thể kỷ hòa dịu của Nền quân chủ Áo - Hung, khởi đầu sau đó gần 20 năm.

Bài ca thúc giục lòng ái quốc

Mỗi một cuộc cách mạng thường gắn liền với một hay nhiều tác phẩm nghệ thuật mang tính tiêu biểu, và đời sau thường nhớ tới sự kiện ấy không chỉ qua những giờ lịch sử, mà còn qua sự khắc họa nghệ thuật về nó. Đối với biến cố 1848, gắn liền với nó là thi phẩm xuất thần “Bài ca Dân tộc” mà Petőfi Sándor đã sáng tác trước mốc khởi đầu 15-3 hai ngày.

Áng thiên cổ hùng văn ấy được viết trên một tờ giấy gập làm bốn, và được nhà thơ trao cho nhóm thanh niên yêu nước Budapest vào đêm 14-3. Ngày hôm sau, cùng bản yêu sách 12 điểm, “Bài ca Dân tộc” là sản phẩm đầu tiên của nền báo chí tự do, khi nó được in thành nhiều ngàn bản để phát cho đoàn tuần hành, và ít nhất nó đã được tác giả đọc 3 lần trong ngày.

Mang ngòi bút xuống đường cùng nhân dân, nhà thơ Petőfi Sándor đã rực sáng trong ngày hôm đó - mà sau này hậu thế còn gọi bằng cái tên “Ngày Petőfi”, và theo một đánh giá, thi phẩm đó “quả thực đã định ra một ranh giới trong thi nghiệp của Petőfi: đây là cái ngưỡng mà thông qua đó, mộng ước và lòng mong muốn của nhà thơ đã bước sang địa hạt của hành động”.

Với 6 khổ thơ, khổ nào cũng kết thúc bằng lời hiệu triệu: “Thề với Thượng đế của người Hung - Xin thề sẽ thôi kiếp tôi đòi”, “Bài ca Dân tộc” đưa ra hình ảnh đối lập giữa quá khứ điêu tàn và thực tại thôi thúc, giữa cảnh nô lệ đớn đau và niềm vui tự do xán lạn, và trở thành khúc ca lãng mạn và bi hùng, hừng hực niềm khát khao tự do của tinh thần quật khởi Hungary.
 
Bao lâu nay ta sống đời nô lệ 
Tổ tiên ta cam chịu thiệt thòi 
Chết tự do không chịu sống tôi đòi 
Không yên nghỉ khi tự do chưa có. 

Hỡi những kẻ vô loài đểu cáng 
Tổ quốc cần sao không dám xả thân? 
Cuộc sống mi giẻ rách tồi tàn 
Sao quý hơn đất nước mình danh dự.

Thanh gươm sáng hơn nhiều lần xiềng xích 
Nâng tay ta sang trọng bội phần 
Thế mà ta vẫn mang xiềng xích! 
Bỏ đi anh, tay nắm lấy gươm thần! 

Như ngày xưa cái tên Hung lại đẹp 
Xứng danh cùng liệt tổ, tiền nhân 
Bao thế kỷ ấn tay ta giao phó 
Rửa sạch đi ô nhục mấy lần.

Bao nấm mồ đùn lên cao ngất 
Con cháu ta kính cẩn vái quỳ 
Trước mộ phần kiêu hãnh thế hệ ta 
Chúng cầu nguyện để chúng ta phù hộ 
Kêu tên ta đầy thiêng liêng mến mộ... (*)

 
Mang tính hành khúc, viết cho một dịp nhất định, nhưng “Bài ca Dân tộc” đã vượt qua được mọi hạn chế của những tác phẩm thời cuộc, để trở thành bài ca tự do của các dân tộc không chịu lùi bước trước bạo quyền. Riêng đối với Hungary, thi phẩm là một bản “Tuyên ngôn Độc lập”, và chính tác giả cũng coi đó là tác phẩm ông ưng nhất trong thi nghiệp gần 900 bài thơ.

Sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng trọn vẹn với 26 năm trên dương thế, Petőfi Sándor đã ra đi trên chốn sa trường, hoặc bị bắt và phải sống cuộc đời mòn mỏi nơi xa xứ như một giả thuyết khác. Luôn tâm niệm không thể chết trên giường ấm đệm êm khi dân tộc còn trong vòng nô lệ, Petőfi đã sống và chết như một nghệ sĩ, một nhà ái quốc chân chính.

Nhạc điệu chắp cánh cho những vần thơ

Ý thơ của “Bài ca Dân tộc”, sau này đã là cảm hứng để các nhà thơ Andrei Mureşanu (Romania) và Ján Botto (Slovakia) có những vần thơ mang âm hưởng tương tự cho những cuộc cách mạng ở xứ sở họ. Nhưng cần phải nói, ước vọng tự do ấy còn mãi vang vọng tới bây giờ, một phần cũng nhờ bài thơ đã được phổ nhạc một cách xuất thần vào năm 1973.

Tác giả phần nhạc, ca - nhạc sĩ Tolcsvay László, là một tên tuổi lớn và đa tài của nền nhạc nhẹ Hungary. Năm 1973, khi mới 23 tuổi, ông đã có ý tưởng tận dụng một cuộc vận động của chính quyền đương thời nhằm phổ nhạc cho thơ Petőfi để nói lên tiếng nói phản đối và giận dữ của thế hệ mình trước sự độc đoán và chuyên quyền của nhà nước cộng sản.

Hồi tưởng lại chuyện gần 45 năm trước, người nhạc sĩ cho hay, khi bài hát được ông đưa ra giới thiệu trước một hội đồng, ông cảm thấy “thật đáng sống cho khoảnh khắc ấy”. Khi nghe xong, các thành viên hội đồng mặt mày tái xám, và tìm cách giải thích, biện bạch rằng một bài thơ lớn và kinh điển như thế, thì không nên phổ nhạc theo hơi hướng Rock.

Ngay tối hôm đó, nhạc sĩ Tolcsvay László đã trình diễn ca khúc cùng ban nhạc của ông trong CLB thanh niên, và như lời ông kể, “lập tức cách mạng bùng nổ”. Chính quyền Hungary, trước sức mạnh biểu cảm của âm nhạc và ca từ, lập tức cấm bài hát và trong vòng 8-9 năm sau đó, ca khúc không hề được vang lên một cách chính thức và không được thu băng, đĩa.

Chỉ tới khi cần quay một bộ phim hội tụ những anh tài của nền nhạc trẻ Hungary vào năm 1981, “Bài ca Dân tộc” mới được phép cất lên, và người ca - nhạc sĩ sững sờ khi thấy cả cầu trường đều thuộc giai điệu bài hát, và cùng hát với ông. Hóa ra, giới trẻ đã thu vào cassette bài ca khi nó được hát “nội bộ” trong các CLB sinh viên và chuyển cho đài Châu Âu Tự Do.

Qua làn sóng điện của đài, ca khúc đã được phát thường xuyên, và trở thành một bản quốc ca không chính thức của Hungary thời thay đổi thể chế. Tolcsvay László thổ lộ rằng, đối với một nghệ sĩ, không còn vinh dự gì hơn khi ước vọng tự do của mình thể hiện trong bài hát được 70 ngàn người tập trung trước Dinh Tổng thống ở Budapest tán thưởng hát cùng.

Sức mạnh huyền diệu của bài thơ, và ca khúc là ở chỗ nó đi vào lòng người dân, đánh thức tinh thần dân tộc và niềm mong mỏi yêu tự do, độc lập có khi đã nguội lạnh. Không phải ngẫu nhiên mà “Bài ca Dân tộc” luôn được vang lên trong những sự kiện chính trị cấp thời, khi người dân cảm thấy chính quyền đã không thực hiện, hay chà đạp “khế ước xã hội” do cử tri ủy nhiệm.

Những câu thơ thấm đẫm tinh thần ái quốc của bài thơ - “Sẽ là nô lệ - Hay người tự do - Câu hỏi là đây - Bạn hỡi, lựa chọn!” - cũng đã xuất hiện trong bài phát biểu lịch sử, gây nhiều tiếng vang mà Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã đọc để xiển dương cuộc cách mạng 1956 của Hungary, nhân dịp kỷ niệm nửa thế kỷ biến cố lịch sử trọng đại đó vào năm 2006. 

Gần đây nhất, câu thơ “Hãy thành nô lệ - Hay người tự do?” còn được khắc trên tượng đài Bức màn sắt đặt tại đại lộ chính Andrássy của thủ đô Budapest, nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày “bức màn sắt” ngăn cách biên giới Hungary - Áo được dỡ bỏ, mở đường cho sự thống nhất của nước Đức và đặt nền móng cho một Châu Âu thống nhất, không biên giới.

Đó là sức mạnh vĩnh cửu của “Bài ca Dân tộc”, khúc ca của một dân tộc nhỏ, nhưng quả càm, can trường và luôn nuôi dưỡng trong lòng tình yêu tự do bất diệt...

Ghi chú​:

(*) Bản dịch của PGS. TS., dịch giả Vũ Ngọc Cân.

(**) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest