Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐỀN THỜ CỦA SZENT ISTVÁN TẠI BUDAPEST

(NCTG) Vương cung Thánh đường Thánh István (Szent István Bazilika), còn gọi là “Đền thờ của Szent István”, là Nhà thờ lớn của thủ đô Budapest.
Vương cung Thánh đường Thánh István
Đây là một trong hai vương cung thánh đường quan trọng nhất của nước Hung, bên cạnh “nhà thờ mẹ” - Vương cung Thánh đường ở TP. Esztergom, cố đô lập quốc, nơi đặt trụ sở của Giáo hội Công giáo Hung. Nhà thờ này cũng là một trong hai nhà thờ chánh tòa của Tổng giáo phận Esztergom-Budapest.

Vương cung Thánh đường Thánh István mang tính chất đặc biệt, vì nó là nơi xưng tụng và ngợi ca sự nghiệp của Szent István. Tại cung thánh chính của nhà thờ, không phải là hình ảnh Đức Chúa Jesus hay Đức mẹ Mary bồng hài tử... như thường lệ, mà là tượng vị vua lập quốc của Hungary, Szent István!
 
Szent István tại cung thánh chính của đền thờ
Szent István tại cung thánh chính của đền thờ

Nhà thờ là nơi lưu giữ “Bàn tay phải Nhiệm màu” (Szent Jobb) của Szent István, và là một “kỳ quan kiến trúc” nổi bật của nước Hung, được xây dựng trong vòng hơn nửa thế kỷ (1851-1906) với sự thiết kế của 3 đời kiến trúc sư, trong đó có hai bậc thầy về kiến trúc của Hungary là Hild József và Ybl Miklós.

Là công trình quan trọng bậc nhất của Giáo hội Công giáo Hungary, Vương cung Thánh đường Thánh István cũng là một trong hai tòa nhà có độ cao 96m (tòa kia là Nhà Quốc hội), là độ cao lớn nhất được cho phép trong nội đô Budapest, để kỷ niệm sự chinh phục đất nước của dân tộc Hungary vào năm 895.
 
Tòa thánh đường kỳ vĩ
Tòa thánh đường kỳ vĩ

Được xây dựng theo trường phái Tân Phục hưng, sau rất nhiều khó khăn, trắc trở, tòa thánh đường được thánh hiến ngày 9-11-1905, và chính thức khánh thành - đặt viên đá cuối cùng - vào ngày 8-12-1906 với sự hiện diện của hoàng đế Franz Joseph, người đứng đầu nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung.

Mặc dù ý định ban đầu là sẽ mang tên vị thánh bảo hộ của Đế quốc Áo là Thánh Lipót (Saint Leopold III), nhưng trước khi chính thức khánh thành, trong loạt lễ lạt kỷ niệm Thiên kỷ (1896), vào năm 1897, tòa thánh đường đã được đặt dưới sự bảo hộ của Szent István, và do đó, khi cung hiến, nó mang tên vị vua.
 
Hình ảnh của thuở xa xưa
Hình ảnh của thuở xa xưa

Điểm đặc biệt là kể từ khi khởi xây, Vương cung Thánh đường Thánh István thuộc sở hữu của nhà nước và Giáo hội Công giáo Hungary chỉ là cơ quan quản lý. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một chuỗi lễ lạt rất trọng thể, vào ngày 16-8-2001, nhà thờ đã được trao lại cho Giáo hội sở hữu và chủ quản vĩnh viễn.

Ở ngay mặt chính diện của Vương cung Thánh đường Thánh István, rất dễ nhận ra có câu trích nổi tiếng trong “Kinh Thánh” được ghi khắc trên mặt hồi (tympanum) của nhà thờ: EGO SUM VIA, VERITAS ET VITA (“Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống...” [chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. - Giăng 14:6]).
 
Khởi điểm của “trục tâm linh” Budapest
Khởi điểm của “trục tâm linh” Budapest

Có thể coi Budapest có một “trục tâm linh” đi thẳng từ nhà thờ này ra Cầu Xích (Lánchíd), tới cột cây số 0 dưới chân Hoàng thành (Cung điện Hoàng gia trên Thành cổ Buda), rồi lên tới cổng thành. Về mặt kiến trúc, đây là sự quy hoạch theo trường phái cổ điển của hai thành phố Pest và Buda, từ cuối thế kỷ 18.

Hàng ngày, vào hồi 12h trưa, luôn có tiếng chuông nhà thờ điểm chính ngọ (Pulsatio Meridiana) kéo dài 1 phút trên Kênh Kossuth Rádió - kênh chính của Đài Tiếng nói Hungary. Đó là kỷ niệm chiến thắng vào ngày 22-7-1456 của Hunyadi János tại TP. Nándorfehérvár (nay là thủ đô Belgrade của Serbia).
 
Góc nhìn từ Cung điện Hoàng gia trên Thành cổ Buda
Góc nhìn từ Cung điện Hoàng gia trên Thành cổ Buda

Với chiến công hiển hách ấy, Vương quốc Hungary và các đồng minh đã bảo vệ được nền văn minh Thiên Chúa giáo trước mối họa Hồi giáo của Đế quốc Ottoman trong vòng gần 80 năm, khi các đạo quân Thổ Nhĩ Kỳ ồ ạt tấn công và đe dọa pháo đài biên giới được coi cửa ngõ phía Nam của nước Hung Trung cổ.

Sự vinh danh chiến thắng này bằng việc gióng chuông tại tất cả các thánh đường Thiên Chúa giáo vào hồi 12h trưa (inter nonas et vesperos), về sau được Giáo hoàng Alexander VI đưa ra trong chỉ dụ vào ngày 9-8-1500. Và tiếng chuông trong đài Kossuth, chính là chuông của đền thờ Szent István ở Budapest!
 
Vầng sáng trong đêm
Vầng sáng trong đêm

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh