NHỮNG TƯỢNG ĐÀI CUỐI CÙNG CỦA MỘT NỀN QUÂN CHỦ
- Thứ hai - 10/05/2021 22:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Tròn 70 năm trước, vào ngày 10-5-1951, Thái tử cuối cùng của Đế chế Áo - Hung Otto von Habsburg Franz Joseph Otto Robert Maria Anton Karl Max Heinrich Sixtus Xavier Felix Renatus Ludwig Gaetan Pius Ignatius (1912-2011) - thường được biết đến ở Hungary với tên Habsburg Ottó - làm lễ thành hôn với người phối ngẫu kém mình 13 tuổi - công chúa Regina Helene Elisabeth Margarete Prinzessin von Sachsen-Meiningen (1925-2010).
Otto von Habsburg là trưởng nam của Hoàng đế cuối cùng Karl Đệ nhất của Đế quốc Áo, đồng thời là Quân vương cuối cùng Károly Đệ tứ của Vương quốc Hungary trong thời gian ngắn ngủi 1916-1918. Là “con của cha”, ông sở hữu một di sản nặng nề và bi thảm của Đế chế Áo - Hung, gồm Áo, Hungary, Bosna và Hercegovina, Croatia, Cộng hòa Czech, Slovakia, Slovenia và một số khu vực của Ý, Montenegro, Ba Lan, Romania, Serbia và Ukraine.
Mặc dù nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung đã cáo chung sau Đệ nhất Thế chiến và từ năm 1921 trở đi, Otto von Habsburg phải từ giã một cách chính thức ngôi vị Thái tử Vương quốc Hungary, song - trên tư cách người đứng đầu gia tộc Habsburg, hoàng tộc nổi tiếng nhất Châu Âu, luôn sản sinh các vị hoàng đế của Đế chế La Mã Thần Thánh trong gần 400 năm - ông và người phối ngẫu vẫn có ảnh hưởng không nhỏ trên chính trường.
Mặc dù nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung đã cáo chung sau Đệ nhất Thế chiến và từ năm 1921 trở đi, Otto von Habsburg phải từ giã một cách chính thức ngôi vị Thái tử Vương quốc Hungary, song - trên tư cách người đứng đầu gia tộc Habsburg, hoàng tộc nổi tiếng nhất Châu Âu, luôn sản sinh các vị hoàng đế của Đế chế La Mã Thần Thánh trong gần 400 năm - ông và người phối ngẫu vẫn có ảnh hưởng không nhỏ trên chính trường.
Hai ông bà, trong một thời gian rất dài, vẫn được các nhóm người Hung lưu vong và cả một số người trong nước theo xu hướng bảo hoàng coi là vua và hoàng hậu cuối cùng của mình. Ngay cả vào lúc Hungary thay đổi thể chế vào cuối năm 1989, khi Otto von Habsburg xuất hiện tại Nhà thờ Mátyás thiêng liêng trên Hoàng thành Buda, là nơi cha ông làm lễ đăng quang vào năm 1916, vẫn có nhiều người Hung hâm mộ hô vang “hoàng đế muôn năm”.
Otto von Habsburg đương nhiên đã không thể trở thành Tổng thống đầu tiên của nền Đệ tam Cộng hòa Hungary vào năm 1990 như một số người mong muốn - cương vị đó, rất xứng đáng, thuộc về Göncz Árpád (1920-2015), một nhân sĩ tiêu biểu của biến chuyển dân chủ Hungary -, nhưng với vai trò Chủ tịch Paneuropean Union, một phong trào quốc tế cổ vũ cho một Châu Âu thống nhất, ông đã để lại dấu ấn trong lịch sử hiện đại nước Hung.
Theo dõi sát sao với tất cả lòng nhiệt tâm những đổi thay vùng Đông - Trung Âu thời kỳ 1988-1989, vào ngày 19-8-1989, ông là người bảo trợ cho cuộc Picnic Toàn Âu tại biên giới Hung - Áo, lần đầu tiên mở cửa cho hàng ngàn người tỵ nạn Đông Đức sang Áo, và là tiền đề để 3 tuần sau đó, chính phủ CS Hungary mở biên giới cho hơn 100 ngàn người Đông Đức, “dỡ viên gạch đầu tiên trong bức tường Berlin”, như lời Thủ tướng Đức Helmut Kohl.
Chẳng những đóng vai trò quan trọng trong việc dỡ bỏ “bức màn sắt” ở Hungary, Otto von Habsburg trên cương vị một chính khách có 20 năm thâm niên trong Nghị viện Châu Âu, còn có nhiều nỗ lực không mệt mỏi cho việc mở rộng Liên Âu với sự hội nhập của Hungary và các quốc gia Đông Âu. Thông thạo 8 thứ tiếng (trong đó có tiếng La Tinh), cứ đi tới đâu trong vòng Đông - Trung Âu, ông có thể phát biểu bằng ngôn ngữ sở tại với cử tọa.
Người phối ngẫu của ông, bà Regina cũng để lại một sự nghiệp đáng nể, sẽ là nội dung của một bài viết khác. Ở đây, chỉ cần nhắc tới một tình tiết lịch sử: nhiều người Hung đương thời vẫn coi bà là “hoàng hậu sau hoàng hậu cuối cùng”, là bà Zita (Zita Maria delle Grazie Adelgonda Micaela Raffaela Gabriella Giuseppina Antonia Luisa Agnese, 1892-1989) - Hoàng hậu Áo và Vương hậu Hungary cuối cùng, bên cạnh các danh hiệu khác.
Bà Regina qua đời năm 2010 và 1 năm sau, ông Otto von Habsburg cũng rời dương thế, và họ là 2 nhân vật cuối cùng được yên nghỉ tại Hầm mộ Hoàng gia (Kapuzinergruft) tại trung tâm phố cổ thủ đô Vienna. Sự ra đi của họ khép lại một quá khứ và để lại với nhiều người một cảm xúc khó tả thành lời. Nhờ họ, những truyền thống hoàng gia còn tồn tại thêm hàng trăm năm, sau khi nền “quân chủ kép” Áo - Hung đã vĩnh viễn đi vào lịch sử.
Sau họ, nhà Habsburg vẫn còn, nhưng chỉ là những khoảng trống...