Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VYSOTSKY, TÌNH YÊU CỦA TÔI (trích)

(NCTG) “Phải cần đến sự can thiệp hảo tâm của người đứng đầu Liên Xô, anh mới nhận được cái mà lẽ ra, theo pháp luật, anh phải được nhận. Anh đã may mắn hơn cả Pushkin!”.
Nữ tài tử Marina Vlady
Lời giới thiệu: Năm 1967, nữ tài tử điện ảnh Pháp gốc Nga Marina Vlady có dịp làm quen tại Moscow với ngôi sao hàng đầu - đồng thời cùng là người đầy tai tiếng - của làng văn nghệ, điện ảnh Liên Xô thời ấy - ca, nhạc sĩ, diễn viên gạo cội Vladimir Vysotsky.

Hai người đã có với nhau 13 năm trong hạnh phúc, đau thương và buồn khổ của một mối tình đầy sóng gió, trải qua bao thử thách thăng trầm, dẫn tới sự ra đi từ khi còn rất trẻ trong nghiện ngập của người nghệ sĩ hết mực tài hoa và đầy nhạy cảm Vysotsky.

Những năm tháng ấy của họ đã được Marina ghi lại trong cuốn hồi ký “Vladimir ou le vol arrêté” (1987), khi Vysotsky và người vợ phải đối đầu với cả một bộ máy quan liêu, chuyên quyền của Nhà nước Xô-viết, và cuộc sống đầy gian nan và khổ ải với người tài. 

Với nhãn quan của một người con sống xa Tổ quốc, yêu và âu lo cho nước Nga, cảm thông cả với những thói hư, tật xấu (rượu chè, ma túy...) của chồng, Marina đã để lại những dòng âu yếm, thiết tha và độ lượng về người chồng thứ ba tài cao mệnh yểu của mình. 

1967-1980, dù rất khó nhọc, hai người đã bên nhau, có nhau trong hạnh phúc cao vời, cũng như trong khổ đau và tăm tối nhất của số phận. Về sau, một hành tinh ở vùng giữa quỹ đạo sao Hỏa và sao Mộc được đặt tên là VladVysotsky, ghép từ tên của cặp vợ chồng.

Đoạn hồi tưởng sau đây nói về cuộc đấu tranh của Marina với giới chức quan liêu Xô-viết để đến được với người mình yêu, và để Vysotsky có được hộ chiếu đi Pháp. Chúng tôi dịch theo bản tiếng Hungary “Szerelmem, Vysotsky” (Vysotsky, tình yêu của tôi, NXB Người theo hạt, 1989).

 
Vysotsky và Vlady hồi mới quen biết nhau
Vysotsky và Vlady hồi mới quen biết nhau

Lạ lùng thay, ở Paris, em đã làm một bước quyết định để xin được thị thực vào Moscow và giấy phép cư trú ở Nga. Em được Abrosimov, đại sứ Liên Xô ở Paris, mời lên gặp.

Một cách chất phác, em nêu lên những khó khăn của chúng ta: đi theo kiểu du lịch rất đắt tiền, em không thể xin giấy mời nhiều lần trong một năm (người ta không cho phép), vì công việc, em không thể lập ra kế hoạch dài hạn. Hơn nữa, em thấy việc em phải trả tiền khách sạn và nhà trọ là điên rồ, trong khi em sống với anh, chồng em, và trước mắt chỉ mình em được đi lại. Ông đại sứ ngắt lời em bằng một cái vẫy tay.

- Ở Liên Xô, mọi người rất yêu mến cô, chúng tôi biết cô là bạn của chúng tôi, thậm chí chúng tôi sẽ làm tất cả để cô có thể đoàn tụ gia đình dễ dàng hơn. Từ lâu nay, cá nhân tôi đã khâm phục tài năng, cũng như tinh thần dũng cảm của cô, vì sự nghiệp hòa bình và vì tình hữu nghị giữa hai nước. Nhưng này, cô có ý kiến gì về bộ phim “Lời khai” (1)?

Em sửng sốt trong khoảng khắc, rồi lấy một hơi dài và đáp:

- Tôi cho rằng đó là một cuốn sách quan trọng và đúng sự thật. Cần phải vạch trần những tội ác của chủ nghĩa Stalin.

Im lặng kéo dài. Hắn ông đại sứ chờ một câu trả lời khác. Phải thú nhận rằng em đã tạm gác quan niệm của em sang một bên. Em đã chọn anh vì em chiến đấu cho quyền con người và đó cũng là những quyền của anh. Vậy, em phải nói điều người ta chờ ở em:

- Tuy nhiên, tôi sợ rằng bộ phim có phần phóng đại, ít nhất cũng vì nó tác động đến chúng ta qua những hình ảnh và trái với cuốn sách, nó không để chúng ta suy ngẫm. Nó suy nghĩ thay chúng ta, vâng, và điều này có thể là phản diện.

- Tôi sẽ đưa ra những biện pháp cần thiết để cô được chiếu cố khi xin thị thực và giấy phép cư trú.

Mặt em đỏ bừng, ít nhất cũng vì em đã phủ nhận bộ phim một cách không công khai và thực sự, em làm điều đó chỉ để tuyên bố sự không đồng tình - giả tạo - của em với Montand, Signoret và Costa Gavras, những người bạn của em, và để chiều lòng Abrosimov, người tỏ ra vô cùng giận dữ các nghệ sĩ kể trên vì quan điểm của họ.

... Từ ngày đó, em được hưởng ưu đãi và có thể ỷ lại tình thế đó. Hơn bảy mươi lần, em được cấp thị thực, nhiều lần em được nhận thị thực ngay trong ngày đệ đơn xin, nếu em có việc gì khẩn cấp.
 
Những khoảnh khắc hạnh phúc
Những khoảnh khắc hạnh phúc

Hộ chiếu của anh là một chuyện khác hẳn. Hai ta đã chờ đợi sáu năm trời và chỉ sau đó, chúng ta mới dám đệ lá đơn quyết định. Em cho rằng em đã đưa ra khá đủ bằng chứng về lòng trung thành của em: trong những năm đó, em đã mời không phải chỉ một người bạn Xô-viết của chúng ta qua Maisons-Laffitte (2); không ai trong số họ ở lại Pháp, họ không đưa ra những lời phát biểu hão huyền, tất cả đều về nước đúng hạn với niềm vui vì đối với đa số, đây là lần đầu tiên trong đời họ được ra nước ngoài. Anh cũng đã dịu đi phần nào từ hồi chúng mình có nhau. Nhờ mối quan hệ chân thành của chúng ta, nhờ những bận em can thiệp nhanh chóng, cách xử sự của anh cũng thuần hơn, những cuộc rượu chè của anh cũng không vượt quá chuẩn mực được chấp nhận rộng rãi ở Nga.

Thậm chí, có những rất thời gian dài anh hoàn toàn tỉnh táo, anh làm việc nhiều, anh được chính thức thừa nhận như một diễn viên thủ vai bi kịch, và anh còn ra mắt trên một khía cạnh mới: anh bắt đầu đóng phim, khán giả thực sự say mê những vai diễn lập lờ (cố nhiên là phản diện) của anh (vì anh không có quyền đóng vai chính diện). Anh đóng những vai đê tiện, vô lương tâm mới tuyệt vời, xác thực làm sao! Em mong muốn cho anh được thấy Paris, em muốn anh làm quen với cuộc sống của em, với bạn bè em, em muốn anh được đi, được khám phá thế giới, được cảm thấy mình là người tự do.

Qua những đêm trường dằng dặc, bọn mình trò chuyện trong bóng tối, hình dung anh sẽ có thể làm gì ở Pháp. Chưa bao giờ, dù chỉ trong một giây phút, anh nghĩ rằng anh sẽ ở lại nơi đó. Đối với anh, điều quan trọng sống còn là anh phải giữ được cội nguồn của anh, giữ thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của anh và phải sống ở xứ sở mà anh yêu mến một cách nồng nhiệt, vậy mà anh vẫn dệt những dự định điên cuồng. Em nghe anh đưa ra những hi vọng hão huyền, anh bảo anh sẽ đi vòng quanh thế giới, sẽ biểu diễn ở mọi nơi, sẽ ra băng đĩa... Như điều thường xảy ra, những tưởng tượng của anh lần này cũng mang tính tiên tri: chúng đều trở thành sự thực, nhưng chỉ sau đó rất lâu.

Trước mắt, anh chỉ cần một giấy phép xuất nhập cảnh thông thường, có giá trị ra vào Pháp trong một tháng, bởi lẽ vợ anh là một phụ nữ mang quốc tịch Pháp và anh muốn qua Pháp trong kỳ nghỉ phép. Ít nhất, chúng mình cũng điền như thế trong lá đơn đệ lên văn phòng cấp hộ chiếu.

Những tuần lễ tiếp tới trôi qua trong nỗi dày vò, dằn vặt. Hai ta chơi một trò chơi may rủi. Nếu chúng ta thất bại, điều đó có nghĩa là trong đời anh, những giấc mơ của anh sẽ không bao giờ trở thành sự thật. Ván bài rất gay go, bọn mình biết rằng người ta sẽ tranh cãi thật lâu trước khi đưa ra quyết định ở cấp cao nhất. Ngày tháng trôi qua, hai ta đánh giá mọi triển vọng. Đôi lúc anh hoàn toàn thất vọng, anh coi thất bại là điều chắc chắn; khi khác anh lại cho sự im lặng kéo dài là một dấu hiệu tốt. Nếu người ta vẫn chưa quyết định thì điều đó có nghĩa là còn có những người bênh vực anh, đứng về phía anh và trước sau, thắng lợi cũng thuộc về họ. Em quyết định phải nhảy vào cuộc, nhưng em không chưa nói cho anh hay, mặc dù chính em cũng bắt đầu nghi ngờ vào thành công. Kỳ nghỉ phép của anh ngày càng đến gần và người ta có thể trì hoãn mọi việc cho đến khi anh không thể rời nhà hát được nữa. Đây là thủ thuật mà giới quản lý rất hay sử dụng, ở mọi nơi trên thế giới. Anh bồn chồn, giận dữ theo đúng nghĩa của từ này, anh không thể viết, không thể chợp mắt được nữa... Em còn sợ anh sẽ tìm lối thoát trong rượu chè.

Một sớm mai, chúng mình thất vọng vì được biết sự chối từ chỉ còn là vấn đề thời gian. Lại một người vô danh, quả cảm làm việc tại văn phòng cấp hộ chiếu, vốn ngưỡng mộ anh, đã cảnh cáo chúng ta như thế. Em không thể chờ thêm một phút nào nữa! Nhờ sự giúp đỡ của Lucia, lập tức em gọi điện cho Roland Leroy, người bạn tốt của em. Người đàn ông có học vấn tuyệt vời đó rất khâm phục nghệ thuật của anh, từ nhiều năm về trước, anh ấy từng mời anh qua Pháp nhưng vô hiệu, và em biết anh ấy đặc biệt đánh giá cao các ca khúc của anh. Hơn nữa, anh ấy còn biết rõ những vấn đề của chúng ta, em đã trò chuyện hồi lâu với anh ấy trong cuộc gặp mặt của Hội Hữu nghị Pháp - Xô-viết. Em kể với anh ấy rằng chúng ta đang gặp “hạn” lớn như thế nào và anh ấy hứa sẽ làm một điều gì đó.
 
Tượng đài của nền văn nghệ Liên Xô
Tượng đài của nền văn nghệ Liên Xô

Sáng hôm sau, một người đưa thư mang tấm hộ chiếu đến tận nhà cho anh, đổi lấy thẻ thông hành trong nước mà mọi công dân Liên Xô đều bắt buộc phải có. Anh cầm trong tay tờ giấy phép xuất cảnh còn chưa khô mực, được đóng dấu theo đúng lệ bộ. Như một đứa trẻ không tin vào mắt mình, anh lần giở cuốn hộ chiếu, anh sờ nắn tấm bìa màu đỏ và đọc to lên tất cả những gì được ghi trong đó. Chúng mình bật cười rồi òa lên khóc.

Chỉ về sau, chúng mình mới nhận ra một chi tiết, một chi tiết nhỏ nhặt mà chút nữa hai ta đã bỏ quên, mặc dù nó có tầm quan trọng vô cùng lớn. Người đưa thư là một sĩ quan và như anh nói, anh ta đã “chạy như ngựa” khi mang cuốn hộ chiếu đến cho anh, trong khi người khác phải xếp hàng chờ đợi nhiều giờ để được nhận nó. Chỉ thị được đưa từ trên xuống, từ cấp cao nhất. Lập tức, anh nhắc lại trường hợp của Pushkin: chính Nga hoàng đã đích thân xem xét chuyện của ông, vậy mà thi hào vẫn không được cấp giấy phép ra ngoại quốc. Chỉ sau đó nhiều ngày, chúng mình mới biết rằng chính Georges Marchais (3) đã gọi điện thoại cho Brezhnev để giúp đỡ anh.

Phải cần đến sự can thiệp hảo tâm của người đứng đầu Liên Xô, anh mới nhận được cái mà lẽ ra, theo pháp luật, anh phải được nhận.

Anh đã may mắn hơn cả Pushkin!

Ghi chú:

(1) Bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Costa Gavras, dựa theo hồi tưởng “L'Aveu - Dans l'engrenage du procès de Prague” (1968) của Artur London, về vụ án ngụy tạo - do Stalin tổ chức - xét xử các lãnh tụ cộng sản Tiệp Khắc năm 1948 (thường được gọi là vụ án Slánský). Phim được ra mắt năm 1970, với sự thủ vai của hai diễn viên chính nổi tiếng Yves Montand và Simone Signoret. 

(2) Nơi có căn biệt thự của Marina Vlady ở Pháp. 

(3) Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh giới thiệu và chuyển ngữ