Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“Con trai của Saul”: LỐI ĐI MỚI CHO ĐỀ TÀI DIỆT CHỦNG DO THÁI

Bộ phim “Con trai của Saul” (Son of Saul) của đạo diễn Hungary Nemes Jeles László vừa đoạt Tượng vàng Oscar trong hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” trong kỳ trao giải lần thứ 88 của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, hôm 28-2.
Đạo diễn Nemes Jeles László với Tượng vàng Oscar trong tay, cùng nam tài tử Hàn Quốc Lee Byung Hun và nữ minh tinh người Colombia, Sofia Vergara - Ảnh: Christopher Polk (Europress)
Nghe bản audio tại đây

Điện ảnh Hungary đã chín lần được đề cử vào 5 bộ phim xuất sắc nhất, và đây là lần thứ hai đoạt giải. Người hâm mộ điện ảnh nước này đã phải chờ 34 năm, kể từ khi bộ phim “Mephisto” của đạo diễn nổi tiếng Szabó István đăng quang vào năm 1982.

Được coi là một tác phẩm mở ra một con đường mới cho đề tài diệt chủng Do Thái, phim có nhiều “yếu tố Pháp”: ý tưởng phim dựa trên một cuốn sách tiếng Pháp về holocaust, người viết kịch bản là một nhà văn, nhà nghiên cứu văn học người Pháp, v.v...

Đạo diễn Hungary - “công dân thế giới”

“Con trai của Saul” tập trung mô tả sự lựa chọn đầy cam go giữa bản năng phải tìm mọi cách để sống sót trong đại nạn, và bổn phận làm con người có lương tri. Ngôn ngữ điện ảnh mới mà nhà đạo diễn tạo dựng trong phim được coi là sẽ còn nhiều người tiếp nối.

Đạo diễn Nemes László, năm nay 39 tuổi, trưởng thành trong một gia đình điện ảnh: thân phụ ông là một đạo diễn Hung từng được Giải Kossuth, là giải thưởng nhà nước cao quý nhất dành cho những người có công lao xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa Hungary.

Từ năm 12 tuổi, Nemes sinh sống tại Paris trong vòng 14 năm. Thời đại học, ông theo học lịch sử, văn học, quan hệ quốc tế và biên kịch. Sớm quan tâm tới điện ảnh, năm 13 tuổi, Nemes đã quay những bộ phim kinh dị dưới tầng hầm ngôi nhà ông ở tại Paris.

Chuyên tâm và say mê với thể loại phim nghệ thuật với những bậc thầy trong giới đạo diễn như Antonioni, Tarkovsky, Kubrick hay Ingmar Bergman, từ năm 2001, Nemes khởi nghiệp điện ảnh trên cương vị trợ lý đạo diễn và trợ lý sản xuất tại Hung và Pháp.
 
Trong buổi gặp mặt với báo giới tại rạp phim Uránia (Budapest) sau khi được giải Quả cầu vàng - Ảnh: Polyák Attila (origo.hu)
Trong buổi gặp mặt với báo giới tại rạp phim Uránia (Budapest) sau khi được giải Quả cầu vàng - Ảnh: Polyák Attila (origo.hu)

Có dịp học hỏi ở nhiều đạo diễn nổi tiếng, chỉ 5 năm sau, Nemes đã quay bộ phim ngắn đầu tiên “Sự kiên trì” (Türelem) nhận được hồi âm rất tốt từ giới phê bình. Chỉ trong hai ba năm, ông đã có 3 phim ngắn tham dự hơn một trăm liên hoan phim quốc tế.

“Con trai của Saul” là bộ phim truyện dài đầu tiên của Nemes László, sau khi nhà đạo diễn tài ba này đã có hành trang là hơn 30 giải thưởng cho các phim ngắn trước đó. Nơi “thành danh” đầu tiên của phim cũng là mảnh đất mà Nemes rất thân thuộc: nước Pháp.

Sonderkommando - những nạn nhân chưa được nhắc tới của holocaust

Tội ác diệt chủng hàng loạt sắc dân Do Thái của Đệ tam Đế chế Đức trong Đệ nhị Thế chiến là một trong những sự kiện lịch sử nhức nhối nhất của thế kỷ 20, đồng thời cũng là đề tài khiến nhiều tác phẩm nghệ thuật trở thành kinh điển, trong điện ảnh và văn học.

Dưới ảnh hưởng một cuốn sách in ở Pháp năm 2005, Nemes đã ấp ủ ý tưởng làm một bộ phim về holocaust từ năm 2007, khi ông làm trợ lý đạo diễn thứ hai cho đạo diễn nổi tiếng của Hung, ông Tarr Béla, khi ấy đang quay bộ phim “Người đàn ông đến từ London”.

Cuốn sách “Những âm thanh dưới tro tàn” ghi lại hồi tưởng của một số cựu thành viên đội đặc nhiệm Sonderkommando từng làm việc tại Auschwitz-Birkenau ở Ba Lan, được coi là “trại mẹ” trong hệ thống trại tập trung và hủy diệt trên toàn Châu Âu của phát-xít Đức.

Đa phần là người Do Thái, thành viên của Sonderkommando được lựa chọn trong số tù nhân ở các trại tập trung: bị buộc phải làm công việc thu dọn tử thi và đem thiêu hủy, hoặc tại các lò thiêu, hoặc lộ thiên ngay ngoài trời, và họ không có khả năng từ chối nhiệm vụ đó.
 
Sự khắc họa đầy tính xác tín - Ảnh: Mozinet
Sự khắc họa đầy tính xác tín - Ảnh: Mozinet

Để lẩn trốn công việc kinh hoàng ấy, một số người đã tự vẫn. Cho dù được hưởng một số “đặc ân” hơn các bạn tù như điều kiện ăn ở tốt hơn và không bị sát hại vô cớ, nhưng cứ 4 tháng một lần họ lại bị giết hại để những thông tin mật không bị lọt ra ngoài.

Và cứ thế, trong lịch sử của hệ thống trại tập trung của Đức, đã tồn tại chừng 14 “thế hệ” Sonderkommando: nhiệm vụ đầu tiên của “thế hệ” mới là đưa thi thể những người đi trước vào lò thiêu. Chỉ chừng 20 người sống sót qua những đợt thảm sát của lính Đức.

Tấn thảm kịch nội tâm của những nạn nhân bất hạnh

Cuốn sách nói trên đã ám ảnh nhà đạo diễn trẻ. Cảm nhận được tính bi thảm của phận người bị buộc phải làm công việc thiêu hủy thi thể đồng bạn, ông quyết định làm một bộ phim như sự tưởng nhớ vài ngàn nạn nhân thuộc các đội đặc nhiệm Sonderkommando.

Để có được một kịch bản đặc sắc cho bộ phim truyện đầu tay của mình, Nemes đã nhớ đến một người bạn, nhà văn, nhà biên kịch Pháp Clara Royer. Clara có bà là người Hung gốc Do Thái nên trong tâm cảm của cô luôn có tư duy kiếm tìm bản sắc và cội nguồn.

Là một nhà nghiên cứu văn học Hung và có thời học tiếng Hung từ Nemes, nên Clara thông thạo mảng văn học về holocaust, mà nhà văn Hungary Kertész Imre, giải Nobel Văn chương 2002, là đại diện. Cô còn được sự hỗ trợ của ba sử gia trong quá trình làm phim.

Ý tưởng của bộ phim, theo đạo diễn Nemes, là khắc họa nỗi đau của một người, khi làm nhiệm vụ đốt xác, vô tình nhận ra có con mình trong đó. Sau nhiều dằn vặt, anh quyết định tìm cách cứu thi thể người con trai bất hạnh mà khi còn sống ít được anh chăm lo tử tế.
 
Holocaust mang bộ mặt con người
Holocaust mang bộ mặt con người

Cùng một thành viên khác của đội Sonderkommando, người cha đã chôn con trai và đọc kinh cầu (Kaddish) trước nấm mồ con theo đúng phong tục, truyền thống của người Do Thái. Với anh, đó là sự nổi dậy của lương tri và tâm thức con người, trước cái ác và hủy diệt.

Nhà biên kịch Pháp Clara Royer đã tham khảo nhiều sử liệu - trong đó có lời thuật lại cùa các nhân chứng sống - để tái hiện tấn thảm kịch của những thành viên Sonderkommando: họ nghĩ gì, cảm giác gì, hay đã trở nên vô cảm, khi phải thiêu hủy thi thể những đồng bạn.

Holocaust nhưng theo một cách mới

Thảm sát sắc dân Do Thái - như một nỗi nhục đáng hổ thẹn của văn minh Phương Tây - là điều cho tới nay nhiều người không chấp nhận nổi, vì nhiều lý do khác nhau, cho dù nó là một phần của lịch sử Châu Âu. Đó là một điều mà đạo diễn và nhà biên kịch hướng tới.

Theo đạo diễn Nemes, từ nhiều năm nay, đề  tài holocaust được mô tả trực diện trong phim ảnh thông qua những hình ảnh ghê rợn “giống thực”, gây ấn tượng mạnh trong khán giả, nhưng đồng thời cũng khiến diệt chủng Do Thái “trở nên một khái niệm trừu tượng”.

“Con trai của Saul”, vì thế, đi theo một hướng mới, trả lại cho holocaust gương mặt con người, vì con người mới đóng vai trò chủ đạo trong đó. Nemes đã chọn cách làm phim khiến khán giả phải hình dung rất nhiều, để tự tạo dựng trong họ cảm giác ghê sợ cái ác.

Bộ phim “nói về niềm hy vọng”, khi “trong những thời khắc đen tối nhất của nhân loại, có lẽ vẫn có trong chúng ta một tiếng nói nội tâm để giúp chúng ta vẫn là con người” - Nemes đã phát biểu như vậy trong lễ nhận giải Oscar và có lẽ giới điện ảnh đã đồng ý với ông.
 
Tượng vàng Oscar trên đường hồi hương. Phi trường Los Angeles - Ảnh: Hermann Ildi
Tượng vàng Oscar trên đường hồi hương. Phi trường Los Angeles - Ảnh: Hermann Ildi

Năm năm sau cuộc gặp mặt tại một tiệm cà phê ở Budapest giữa đạo diễn Nemes và nhà biên kịch Pháp để phác họa ý tưởng cho bộ phim, “Con trai của Saul” ra mắt tại LHP Cannes và ngay lập tức, đoạt 4 giải thưởng quan trọng, trong đó có giải của Ban Giám khảo.

Đó là vào tháng 5 năm ngoái. Bộ phim tham dự giải Oscar trên cương vị ứng viên hàng đầu, sau khi đã giành được gần 40 giải thưởng trong nước và quốc tế. Và sự tưởng thưởng cho phim tại Hoa Kỳ đã cho thấy, một đề tài cũ, nhưng vẫn có thể xử lý theo cách mới.

Và hướng đi mới ấy, như nhận xét của nhà biên kịch Clara, là sự tạo dựng một ngôn ngữ điện ảnh mới, và với nó bộ phim này cho thấy cần chấp nhận tội ác holocaust như là một phần của quá khứ, lịch sử của chính nền văn minh Châu Âu, thì mới có thể có tương lai...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest