Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


100 năm Ady Endre: “ANH GÌN GIỮ MẮT EM”

(NCTG) “Cả bài thơ là một câu hỏi lớn: tình yêu có thể là nơi nương náu, là bến đỗ cho con người muốn lẩn trốn hiện tại phũ phàng, trong một thế giới đầy hiểm nguy?”.
Ady Endre (1877-1919) - Ảnh: Székely Aladár (Bảo tàng Quốc gia Hungary)
Tối Chủ nhật con ở lại với anh ấy tới 9h tối. Cái ôm, nụ hôn mạnh mẽ, quý giá và nương tựa cuối cùng là từ phía con. Con xứng đáng với điều đó và sẽ gìn giữ nó. Anh ấy qua đời đột ngột. Sáng thứ Hai, vào hồi 8h15, anh ra đi trong giấc ngủ vì trụy tim. Cơn hấp hối chỉ trong 3-4 phút.

Anh không chờ đợi, cũng không gọi tên ai (...). Con để tang anh một cách lặng lẽ, kiêu hãnh​ và xứng đáng với Ady Endre. Cuộc đời con, tương lai con, giờ rất không đáng quan tâm
” (thư gửi mẹ của Boncza Berta, “Nàng thơ”, người tình và người vợ thương yêu của thi hào Ady Endre).

Ngày 27-1 vừa rồi, cả nước Hung trọng thể kỷ niệm 100 năm ngày mất của đại thi hào Ady Endre, một trong ba gương mặt thi ca vĩ đại nhất của lịch sử văn học nước này. Báo chí Hungary đã đăng tải rất nhiều tư liệu, bài viết về nhà thơ, từ sự nghiệp sáng tác đến đời tư của ông.

Không chỉ là một nhà thơ lớn, ông còn là một nhà báo chính luận bậc thầy, đặt nền móng cho nền báo chí chính luận hiện đại Hungary. Về mặt cá nhân, Ady là người có tình yêu cuồng nhiệt, và các “Nàng thơ” của ông đã khiến ông có những tác phẩm trác tuyệt về tình yêu đôi lứa.

Người tình đầu của ông, Diósyné Brüll Adél, một thiếu phụ xinh đẹp mà ông gọi bằng cái tên Léda, đã khiến Ady Endre trong thời kỳ 1904-1911 đã tới “Kinh thành Ánh sáng” Paris 7 lần, nhưng không hẳn để “sinh hoạt văn nghệ” như các nhóm nghệ sĩ Hung khác, mà chỉ để thăm bà.

Bởi lẽ Léda lúc đó đã có chồng giàu có, và sinh sống tại Paris. Léda trở thành “Nàng thơ” đầu của Ady Endre, là niềm cảm hứng để ông sáng tác tập thơ “Người đàn bà của những giọt lệ” (A könnyek asszonya) và với bà, thi sĩ lớn đã có một mối tình bùng cháy và bất chấp tất cả.

Mối tình điên cuồng kéo dài gần 10 năm và kết thúc bởi một thi phẩm của nhà thơ đăng trên “Phương Tây” (tờ tạp chí quan trọng nhất của nền văn học Hung mà Ady Endre không chỉ là nhà biên tập, mà còn là biểu tượng) năm 1912. Sau đó, hai người không bao giờ gặp lại nhau.
 
Ady Endre và Csinszka (năm 1915) - Ảnh tư liệu
Ady Endre và Csinszka (năm 1915) - Ảnh tư liệu

Sau khi chia tay Léda, Ady Endre đa phần chỉ có những mối quan hệ “qua đường” với phụ nữ, cho tới năm 1914, khi ông gặp cô gái Boncza Berta, lúc đó mới 20 tuổi (tức là kém nhà thơ tới 17 tuổi), người mà ông đã có dịp thư từ từ năm 1911. Mối tình kỳ lạ nảy nở giữa hai người.

Ngày 27-3-1915, nhà thơ và Boncza Berta kết hôn, mặc dù không được sự chấp thuận của thân phụ cô gái trẻ. “Nàng thơ” thứ hai của Ady Endre, mà ông gọi trong các bài thơ là Csinszka, là người đã ở với ông trong những năm cuối đời, tới khi ông đột ngột qua đời ở tuổi 41.

Gặp gỡ người tình vào đúng thời điểm Vương quốc Hungary rơi vào một cuộc chiến tương tàn vô nghĩa - Thế chiến thứ nhất - trên cương vị thành viên của Nền quân chủ Áo - Hung, Ady Endre cảm thấy buồn bã vô chừng vì quê hương ông phải trải qua một tấn thảm kịch dân tộc.

Bốn năm liền, ông ngừng bút, và chỉ trở lại vào năm 1918, khi Thế chiến thứ nhất tạm ngưng tiếng súng, với một tập thơ mà một phần của nó là những lời thổ lộ về tình yêu. Mảng thơ ấy, ông đặt tên là “Thơ dành cho Csinszka”, mà thi phẩm nổi tiếng nhất là “Anh gìn giữ mắt em”.

Ady Endre nổi tiếng với những ý tưởng siêu hình khó nắm bắt của các trào lưu nghệ thuật tượng trưng và Tân Nghệ thuật chịu ảnh hưởng của Phương Tây, mà ông là bậc thầy. Tuy nhiên, trong bài thơ này, thi sĩ đã sử dụng từ ngữ rất đơn giản mà vẫn đạt hiệu quả nghệ thuật cao.

Tạm dịch nghĩa:
 
ANH GÌN GIỮ MẮT EM

Bàn tay anh đã già
Tay em, anh nắm giữ
Cặp mắt anh đã già
Mắt em, anh gìn giữ

Trong thế giới hoang tàn
Anh - kẻ bị đuổi xua
Về bên em, chờ đợi
Và hoảng hốt, chơ vơ...

Bàn tay anh đã già
Tay em, anh nắm giữ
Cặp mắt anh đã già
Mắt em, anh gìn giữ.

Vì sao? Đến bao giờ
Bên em, anh còn được...
Nhưng tay em, anh nắm
Mắt em, anh giữ gìn.

Cả bài thơ là một câu hỏi lớn: tình yêu có thể là nơi nương náu, là bến đỗ cho con người muốn lẩn trốn hiện tại phũ phàng, trong một thế giới đầy hiểm nguy? Câu trả lời không được xác quyết, cho dù độc giả có thể cảm thấy, cán cân hơi nghiêng về hướng khẳng định: CÓ!
 
Nước Hung từ giã người con ưu tú. Bảo tàng Quốc gia Hungary, ngày 29-1-1919 - Ảnh tư liệu của Quỹ Điện ảnh Quốc gia Hungary
Nước Hung từ giã người con ưu tú. Bảo tàng Quốc gia Hungary, ngày 29-1-1919 - Ảnh tư liệu của Quỹ Điện ảnh Quốc gia Hungary

“Anh gìn giữ mắt em” là lời thổ lộ của một người đàn ông ở tuổi xế chiều, trong mối tình với cô gái trẻ trong bối cảnh cuộc chiến tàn khốc. Nhà thơ tìm thấy sự an ủi lớn lao khi có một chỗ dựa, một chốn nương thân khi được “về bên em”. Không còn thấy ở đây thứ tình yêu cháy bỏng.

Khổ thơ thứ hai của bài thơ rất khó dịch. Nhà thơ như mãnh thú bị xua đuổi trong cái thế giới hoang tàn, vụt về với người tình, bên cô gái, và đợi chờ hoảng hốt... (tâm trạng của nhà thơ trong cảnh tan hoang của chiến chinh). Một bên là thế giới xa lạ, một bên là mái ấm tình yêu...

Tất cả những gì muốn nói, tác giả đã bó gọn trong nhan đề bài thơ: “Anh gìn giữ mắt em”. Động từ “gìn giữ” thay vì chia ở ngôi thứ nhất số ít (őrzöm), Ady Endre đã cố tình dùng theo dạng cổ (őrizem) khiến bài thơ mang nét trang trọng, cao cả, toát lên cảm xúc và mộng ước tràn đầy.

Thông thường, ít khi chúng ta gìn giữ đôi mắt của ai đó, và cần hiểu rằng nhà thơ muốn nói rằng, ông gìn giữ hình ảnh đôi mắt người tình trong tâm khảm. Và có lẽ Ady Endre đã làm được điều đó khi ra đi vào một ngày cuối tháng 1-1918 vì đại dịch cúm kèm chứng bệnh viêm phổi...

Đã có nhiều bản dịch Việt ngữ của tuyệt tác thi ca này, nhưng có lẽ rất khó toát lên được hết vẻ đẹp của bản gốc, được nhà thơ thể hiện rất “cao tay” với ngôn từ bề ngoài “chân phương”. Đọc lại bài thơ để tưởng nhớ một thi sĩ xuất chúng của Hungary, được xem như người khởi thủy nền văn học hiện đại Hung!
 
ŐRIZEM A SZEMED

Már vénülő kezemmel 
Fogom meg a kezedet,
Már vénülő szememmel
Őrizem a szemedet.

Világok pusztulásán
Ősi vad, kit rettenet
Űz, érkeztem meg hozzád
S várok riadtan veled.

Már vénülő kezemmel
Fogom meg a kezedet,
Már vénülő szememmel
Őrizem a szemedet.

Nem tudom, miért, meddig
Maradok meg még neked,
De a kezedet fogom
S őrizem a szemedet.

(1916)

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh