Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN “VACCINE TẦU” TẠI HUNG

“Các thương vụ vật tư y tế, sự khác biệt của Budapest khi nhập và xử lý “đồ Phương Đông”, đi kèm những nghi vấn có cơ sở về tập đoàn lợi ích làm giàu trong cảnh dịch bệnh, có thể là điều khiến Việt Nam cần tham khảo và suy ngẫm”.
Chuyến hàng Sinopharm đầu tiên tới Sân bay Quốc tế Liszt Ferenc, Budapest - Ảnh: koronavírus.gov.hu
Lời Tòa soạn: Là một quốc gia có nhiều “đường đi nước bước” lạ lùng trong Liên Âu, trong cuộc chiến chống Covid-19, Hungary cũng tỏ ra khác thường với chính sách quá thân thiện với Trung Quốc và Liên bang Nga trong hợp tác mua bán các vật tư y tế, nhất là trrong việc nhập vaccine Sinopharm của Bắc Kinh.

BBC Việt ngữ đã có trao đổi sau đây về tình hình chống dịch tại Hungary, và đặc biệt, về “vaccine Tầu” tại nước này.
 
Thủ tướng Orbán Viktor, người nhiệt thành quảng bá cho vaccine TQ, đã tiêm Sinopharm cùng nhiều thành viên chính phủ Hungary - Ảnh: forbes.hu
Thủ tướng Orbán Viktor, người nhiệt thành quảng bá cho vaccine TQ, đã tiêm Sinopharm cùng nhiều thành viên chính phủ Hungary - Ảnh: forbes.hu

- Hungary là một trong những nước Châu Âu đầu tiên nhận vaccine từ Trung Quốc (TQ), vậy đến nay, tình hình tiêm chủng chống Covid của Hungary là thế nào? Bao nhiêu phần trăm dân tiêm vaccine TQ?

Cho tới giờ, Hungary là quốc gia Liên Âu duy nhất nhập và sử dụng rộng rãi vaccine của TQ và Nga, bên cạnh các loại vaccine khác đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) chuẩn thuận. Việc cho nhập một cách “đa phương” các loại vaccine như vậy đã được Thủ tướng Orbán Viktor và chính phủ nước này xem là cách để có nhanh nhất, phong phú và hiệu quả nhất các nguồn dược liệu, nhằm đạt tỷ lệ tiêm chủng đạt ở mức cao nhất.

Đặc biệt, đây cũng được đánh giá là sự tiếp nối đường lối ngoại giao “Hướng Đông” do nội các Orbán công bố và theo đuổi từ 11 năm nay, nhằm thắt chặt các mối quan hệ với Trung Quốc, Liên bang Nga..., làm “đối trọng” với Liên Âu mà chính phủ cánh hữu Hungary cho là tới giờ đã tỏ ra quan liêu, bất lực, độc đoán, phi dân chủ, không phục vụ tốt những lợi ích của các quốc gia thành viên... và đã nhiều lần thể hiện thái độ chống đối Brussels.

Chương trình chủng ngừa tại Hungary được khởi đầu với vaccine Pfizer ngày 26/12/2020, tuy nhiên, Chính phủ Hungary liên tục chỉ trích Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều phối hoạt động mua sắm vaccine chung của EU, về việc vaccine được cung cấp đến các nước thành viên bị chậm trễ và số lượng hạn chế. Đó là lý do được chính quyền viện dẫn để giải thích cho việc đặt mua cái gọi là “vaccine Phương Đông” “không giống ai” của nước này.

Do có nhiều loại vaccine và chiến dịch tiêm chủng được xúc tiến mạnh mẽ với nhiều “thủ thuật” của chính quyền, nên trong thời gian dài, Hungary đứng thứ nhì Châu Âu về tỷ lệ tiêm chủng tính theo số cư dân. Ngày 3/7, Hungary đã từ giã khẩu trang và gỡ bỏ đa số các biện pháp phòng dịch, sau khi nước này tiêm chủng được cho 5,5 triệu cư dân, tức là 56% tổng dân số, và lọt vào Top 10 các nước được tiêm chủng tốt nhất trên thế giới. 

- Người dân Hungary có ủng hộ tiêm vaccine TQ hay không? Tại sao lãnh đạo nước này cần phải “tiêm làm gương”?

Vaccine TQ mặc dù chính thức “cập bến” Hungary vào giữa tháng 2/2021, nhưng đã được “dọn đường” từ nhiều tuần trước đó bởi một Nghị định Chính phủ, nghĩa là trên cơ sở “quyết tâm chính trị” và sự chuẩn thuận của cơ quan quản lý dược phẩm OGYÉI chỉ mang tính hình thức, nhằm hợp pháp hóa việc đặt mua. Do đó, ngay từ ban đầu, vaccine Sinopharm đã gặp phải sự ngờ vực lớn tại Hungary, xuất phát từ hai lý do chính trị và chuyên môn.

Thứ nhất, công luận Hungary hoàn toàn biết rõ, họ bị đặt vào thế đã rồi khi chính quyền đã đặt mua lượng lớn (5 triệu) vaccine TQ, và sau đó, chính giới thượng đỉnh nước này luôn “đe nẹt” để đòi sử dụng càng nhanh càng tốt thứ vaccine đó, với những phát ngôn kiểu “tính mạng dân Hung phụ thuộc vào sự cấp phép này”, “quyết định sẽ được đưa ra trong vài ngày”..., trong khi Hungary còn chưa hề nhận được hồ sơ vaccine của phía Trung Quốc!

Về chuyên môn, giới khoa học Hungary nhiều lần bày tỏ sự lo âu khi có rất ít thông tin đáng tin cậy về vaccine TQ: các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 chưa được công bố trên bất kỳ tạp chí khoa học nào theo quy trình chính thức cho phát triển vaccine. Thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 được thực hiện với số mẫu nhỏ, và vaccine được bào chế theo công nghệ cũ cũng không khiến giới nghiên cứu an tâm về mức độ an toàn và tính hiệu quả của nó.

Vì vậy, kể cả khi 3 lãnh đạo cao cấp nhất của Hungary và đa số các thành viên chính phủ Hung công bố tiêm vaccine TQ, và chính quyền nhiều khi đã dùng các “mưu mẹo” để quảng bá tiêm vaccine TQ, với những câu cửa miệng như “vaccine tốt nhất là vaccine đang có”, người dân Hung vẫn tỏ ra dè dặt. 3,1 triệu trên tổng số hơn 5 triệu liều vaccine TQ được đặt vẫn còn “tồn kho”, là tỷ lệ tồn kho cao nhất so với các loại vaccine khác ở Hungary.
 
- Người Việt Nam ở Hungary nghĩ sao về vaccine, và các loại vaccine nói chung? 

Người Việt ở Hung nhìn chung tin tưởng vào việc tiêm chủng, ít có hiện tượng bài xích vaccine. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của truyền thông, vaccine của AstraZeneca bị e ngại, và vaccine TQ gần như bị tẩy chay toàn diện, cho dù, đã có những lúc, một nước nhỏ có chưa tới 10 triệu dân như Hungary phải gồng mình với hơn 11 ngàn ca nhiễm mới, và hơn 300 ca tử vong mỗi ngày. Số người Việt Nam tiêm vaccine TQ, theo quan sát, không nhiều.

Tuy nhiên, cần nói thêm về một cộng đồng có nhiều quan hệ với bà con Việt Nam tại Hungary, là cộng đồng người Hoa khá đông đảo. Họ rất chủ động trong việc quảng bá vaccine TQ, thậm chí còn chủ động phối hợp với chính quyền Hungary để tổ chức tiêm nhanh cho các doanh nhân người Hoa, và nhất loạt chích ngừa vaccine Sinopharm, vừa để tiện đi lại về Trung Quốc nếu có dịp, vừa như sự thể hiện tinh thần tin tưởng và “yêu nước”.

Có điều, theo một số nguồn tin, sau khi đã tiêm vaccine TQ, nếu có điều kiện và khả năng, họ vẫn tìm cách tiêm Pfizer hay Moderna, các vaccine “thế hệ mới”. Đây cũng là 2 loại vaccine mà bà con Việt tại Hungary “tín nhiệm” nhất, và sẵn sàng “săn” bằng mọi giá, kể cả những dịp xếp hàng cả buổi với hy vọng được “chen hàng” “tiêm thuốc Mỹ”. Sputnik V của Nga cũng được một số người, đa phần trung niên, tin tưởng và cho là “đồ Nga, chắc tốt”.

Điều rắc rối với bà con “trót” tiêm vaccine của TQ và Nga, là trái với lời hứa của chính quyền, 2 loại thuốc này cho tới giờ chưa được Châu Âu cấp phép và do vậy, việc đi lại trong Liên Âu của họ sẽ gặp một số khó khăn. Chính quyền Hungary có tìm cách ký thỏa thuận song phương với một số quốc gia để công nhận “thẻ miễn dịch” lẫn nhau, nhưng tới giờ chưa mấy thành công, và do đó, người tiêm “vaccine Phương Đông” khi đi lại vẫn cần test.

- Tiêm mũi ba (booster) tại Hungary đang diễn ra ra sao? Vì sao lại có chương trình đó?

Một trong những lý do nổi cộm, là nhiều người - trong đó, đối tượng chính là người cao tuổi - sau khi tiêm vaccine TQ đã không có đủ lượng kháng thể cần thiết. Vừa mất tiền đi test để kiểm tra, vừa phát hiện ra vaccine mình tiêm có thể không “hiệu nghiệm”, vừa bị hạn chế khi ra nước ngoài... là những đòn giáng xuống nhiều người, và một nhóm dân sự trên mạng Facebook đã được thành lập nhằm “đấu tranh” với chính phủ để “khắc phục hậu quả”.

Vấn nạn” tại Hungary là vaccine Sinopharm vốn dĩ không được thử nghiệm với lứa tuổi trên 60, nên được khuyến cáo là dùng từ 59 tuổi trở xuống. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khi cho rằng có thể sử dụng loại vaccine này trong tình huống khẩn cấp cũng đã nhắc nhở điều đó. Nhưng chính quyền Hungary lại cho chích ngừa với rất nhiều người trên 60 tuổi, nên hiệu quả và sự an toàn với họ là câu hỏi khẩn thiết được đặt ra từ nhiều tháng nay.

Chính quyền Hung, khi quyết định khởi động tiêm mũi thứ ba cho bất cứ ai có nhu cầu từ ngày 1/8 với điều kiện đối tượng trên 18 tuổi và đã tiêm mũi 2 cách đây tối thiểu 4 tháng, chắc chắn sẽ được sự hưởng ứng của những người tiêm vaccine TQ và không có đủ kháng thể. Thống kê sáng 4/8 cho hay, tính đến lúc đó đã có 27.000 người đăng ký và 8 ngàn đã được tiêm, trong bối cảnh chiến dịch chích ngừa mũi 1 của Hung gần như đã dừng lại.

Gần như cùng lúc đó, Chính quyền Tự quản Budapest công bố kết quả xét nghiệm kháng thể miễn phí được thực hiện vào tháng 7/2021 với đối tượng là cư dân thủ đô từ 60 tuổi trở lên, cho thấy quan ngại về việc vaccine Sinopharm không tạo ra đủ lượng kháng thể trung hòa IgG trong máu của người đã tiêm chủng, là có cơ sở. Sơ bộ, tỷ lệ số người đạt đủ kháng thể 65-78% của vaccine TQ kém xa tỷ lệ với các loại vaccine khác, là đáng suy ngẫm.

- Nhìn chung chương trình chống Covid, cả phong tỏa, tiêm chủng của Hungary có gì khiến Việt Nam có thể rút ra bài học, cả về mặt hay, dở?

Hungary là nước khá nhanh nhạy trong việc công bố tình trạng khẩn cấp từ rất sớm, khi mới có vài ca lây nghiễm đầu tiên, để chính phủ có thể điều hành cuộc chiến phòng chống dịch bệnh đơn thuần thông qua các nghị định, sắc lệnh hành pháp. Điều này có cái “hay” là bộ máy hoạt động đồng nhất, trong một số trường hợp có thể có hiệu quả, và đương nhiên bao hàm cả cái “dở” là các quyết định được đưa ra độc đoán, có lúc “lợi bất cập hại”.

Vì những lý do chính trị (cho dù chính quyền Hungary luôn phủ nhận), Budapest đã duy trì mối quan hệ hết sức hữu hảo với Moscow, và đặc biệt, với Bắc Kinh, trong quá trình nhập các vật tư y tế, khởi đầu là khẩu trang, đồ bảo hộ, máy trợ thở, và tiếp tới là vaccine với số lượng rất lớn (tới nay, một tỷ lệ rất “khủng” máy trợ thở vẫn nằm đắp chiếu, bán tống với giá rẻ không ai mua), và cái chính là với “giá trên trời”, gấp nhiều lần giá thị trường.

Giá của vaccine luôn rẻ hơn giá một tính mạng con người!”, “không gì đắt hơn là loại vaccine không mua được!”, “không quan trọng giá cả bao nhiêu, miễn là phải có thật nhiều” là những câu trả lời báo giới của lãnh đạo Hung, khi bị chất vấn tại sao mua vaccine TQ với giá gấp mấy lần các loại vaccine công nghệ mới tối tân nhất. Báo chí Hung, không khó khăn gì, đã điều tra và vạch ra dấu vết của các “nhóm lợi ích” đằng sau các “phi vụ” này.

Về chương trình chống dịch, bao hàm tổ chức bộ máy y tế, tăng số giường bệnh, cách ly, phong tỏa và tiến hành tiêm chủng của Hungary, không có khác biệt lớn so với các quốc gia Liên Âu khác. Nhưng trong các thương vụ vật tư y tế, sự khác biệt của Budapest khi nhập và xử lý “đồ Phương Đông”, đi kèm những nghi vấn có cơ sở về tập đoàn lợi ích làm giàu trong cảnh dịch bệnh, có thể là điều khiến Việt Nam cần tham khảo và suy ngẫm.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh