Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


KÝ SỰ NƯỚC HUNG (Phần 1)

(NCTG) “Hungary là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Thủ đô Budapest cũng là một trong những thành phố đẹp nhất Châu Âu, cá nhân mình thì thấy Budapest đáng yêu hơn cả Paris lẫn Praha vì dù trên con sông Danube chia đôi thành phố có rất nhiều cây cầu đẹp nhưng chẳng có cái cầu nào mà tình yêu bị khóa”.
Cung điện Hoàng gia, câu cầu Xích cổ nhất bắc ngang dòng Danube tại thủ đô Budapest của Hungary
Nhiều bạn bè của mình cứ nghĩ là mình biết nhiều về du lịch lắm, nên hay hỏi han. Ai hỏi, mình cũng phải nói thật, mình ham đi chơi theo kiểu của mình, du thì có, chứ lịch thì chưa chắc. Vì thế, mình sẽ dần viết ra những điều mình biết, mình cảm thôi.

Bắt đầu là đất nước Hungary, nơi mình đi gần đây nhất, và chưa kịp quên nhiều.

Phần 1: ĐỒNG XANH LÀ CHỐN ĐÂY

Hungary là một đất nước còn khá xa lạ với khách du lịch đại chúng ở Việt Nam. Có lẽ bởi người Việt đa số quyết định đi du lịch bởi truyền thông, và bởi nhu cầu check-in những địa điểm thời thượng là chính.

Thực ra, Hungary là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Dù chỉ có chưa đầy 10 triệu dân, nhưng đất nước này sở hữu một miền đồng cỏ tự nhiên lớn nhất Châu Âu (Hortobágy), một hồ nước nóng có tác dụng chữa bệnh lớn thứ hai thế giới (hồ Hévíz), hồ nước ngọt lớn nhất Trung Âu (Balaton) thì quá nổi tiếng rồi, vì là nơi nghỉ mát ưa thích vào mùa hè của hầu hết các lãnh tụ khối XHCN khi xưa. Thủ đô Budapest cũng là một trong những thành phố đẹp nhất Châu Âu, cá nhân mình thì thấy Budapest đáng yêu hơn cả Paris lẫn Praha vì dù trên con sông Danube chia đôi thành phố có rất nhiều cây cầu đẹp nhưng chẳng có cái cầu nào mà tình yêu bị khóa.
 
Cây cầu Tự do, một trong bảy cầu cổ của Budapest
Cây cầu Tự do, một trong bảy cầu cổ của Budapest

Hungary là một điểm đến có thể đáp ứng rất nhiều nhu cầu khác nhau của du khách. Bạn thích kiến trúc cổ ư? Ngoài Budapest với những lâu đài hoành tráng thì bạn có thể đi dọc sông Danube và vài chục cây số lại gặp một thị trấn nhỏ, mỗi một thị trấn đều có thể được coi là một di sản. Đất nước này bị xâm chiếm và đô hộ bởi rất nhiều đế quốc từ cổ tới kim, nhưng các công trình kiến trúc không bị tàn phá quá nhiều, mà ngược lại, mỗi cuộc xâm lăng kết thúc thì đất nước này lại có thêm những di sản kiến trúc mới, mang đặc trưng của quân xâm lược.

Lý do, thì theo mình được biết khá khôi hài. Một gã Hung vừa cười sằng sặc vừa bảo: “Bọn tao là một dân tộc cực kỳ thân thiện, thân thiện với cả quân xâm lăng. Quân địch vào là bọn tao hàng ngay, chúng nó ở chán thì về”. Mình cậy có biết tý lịch sử thông qua cuốn “Những ngôi sao Eger” đọc từ hồi bé, nên cãi: “Tao thấy chúng mày cũng máu đấy chứ, đánh nhau bét nhè ở Eger”. Thế là thằng cha đó cười hô hố: “Mày mà đến Eger thì chỉ nên uống rượu thôi, vùng đó nổi tiếng là rượu ngon. Trận chiến Eger có mấy ngày, hay một tháng thì phải”.
 
Món xúp cá (halászlé) quốc hồn quốc túy của Hungary
Món xúp cá (halászlé) quốc hồn quốc túy của Hungary

Nói đến rượu, nếu đến Hungary thì bạn cũng nên làm một tour đi thử rượu. Vang trắng Tokaji ở vùng đồi giáp Slovakia là thứ tuyệt hảo, nếu bạn đã từng đọc văn của Márai Sándor thì sẽ biết đó là thứ vang dành cho giới quý tộc thời xưa. Nghe nói chính anh Louis 14 của nước Pháp đã phong cho Tokaji là “vương tửu mà mỗi năm tự nhập mấy chục thùng về uống.

Mình vốn không phải kiểu ăn mày dĩ vãng, cũng chẳng phải tửu nhân, nên kiến trúc và rượu dù đặc sắc nhưng cũng không phải điều ấn tượng nhất khi đến đất Hung. Hôm phỏng vấn xin visa ở lãnh sự tại Hà Nội, chị nhân viên lãnh sự hỏi han gia cảnh, biết cô con gái lớn của mình bị trầm cảm bèn quên luôn hỏi thêm về việc liệu mình có định trốn ở lại đất nước của cô không, vội vàng bấm bấm điện thoại, bảo: “Để tao giới thiệu mày cho bạn tao, là bác sĩ ở Budapest. Y tế nước tao tốt lắm, dược phẩm số một thế giới!”.

Mình bán tín bán nghi, về nói chuyện với bà cụ nhà mình, bà cụ bảo: “Đúng, ngày xưa chúng mày toàn uống Philatop với vitamin C của Hung”. Philatốp thì tôi còn nhớ, toàn uống vụng. Vitamin C thì đúng là được phát minh bởi một ông bác sĩ người Hung. Tìm hiểu thêm, hóa ra hiện giờ Việt Nam đang nhập khẩu cỡ 45 triệu USD tiền dược phẩm của Hung mỗi năm. Đó là chưa kể, như mình cũng tham gia làm cửu vạn tiểu ngạch cả ngàn đô mua hộ thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư Flavin và viên uống hỗ trợ điều trị tiểu đường OlimpiQ gì đó hộ bạn bè.
 
Tác giả bên quần thể tượng “Những cậu con trai phố Pál” tại Budapest
Tác giả bên quần thể tượng “Những cậu con trai phố Pál” tại Budapest

Sang Hung, đi lang thang mua thuốc hộ bạn thì mình có duyên gặp ngay gã chủ của cái hãng sản xuất mấy thứ dược phẩm đó. Gã này to như hộ pháp, mà lại nhiệt tình quá đáng, gặp là ôm, tay thì như cái phích. Gã bảo: “Tao thích Việt Nam của mày lắm, đủ thứ hoa quả, dược liệu tốt. Flavin của tao toàn chiết xuất từ hoa quả đấy, hơn 70 loại khác nhau, không phải thứ nào ở Hung cũng có. Nhưng mày thấy tao tài không, rồi mấy nước mà tao nhập hoa quả lại nhập thuốc của tao”.

Mình nghe gã nói, tủi thân vãi. Trước khi gặp gã, bạn bè mình còn đang phải giải cứu đủ loại hoa quả.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Phạm Trung Tuyến, từ Hà Nội - Còn tiếp