Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Liên bang Nga: VIẾT LẠI SỬ BẰNG PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN

(NCTG) Tòa án Tối cao Liên bang Nga mới đây vừa xử phạt một nhà “dân báo” (blogger) vì đương sự đã chia sẻ một khẳng định, theo đó bên cạnh nước Đức quốc xã thì Liên Xô cũng là một thế lực đã xâm lược Ba Lan trong Đệ nhị Thế chiến.
Tranh biếm họa đương thời, lên án việc Stalin và Hitler “chung tay” xâm lược Ba Lan, làm nổ ra Chiến tranh Thế giới lần thứ hai - Ảnh tư liệu
Không chỉ đối với Ba Lan, mà khắp nơi trên thế giới, khẳng định trên là một thực tế lịch sử khó tranh cãi, nhưng tại Nga, theo phán quyết của Tòa, nó vi phạm điều 354 Bộ luật Hình sự, và được xem như là sự “phục hồi cho chủ nghĩa quốc xã”, một tội hình sự.

Vladimir Luzgin, một blogger ở TP. Perm (Nga) đã chia sẻ một bài viết của mạng tin theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa Ukraine lên VKontakt (mạng xã hội lớn nhất của Nga), như vậy, đằng sau phán quyết của Tòa án Tối cao Nga còn là xung đột Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, hãy xem câu nói bị coi là “phản động” là gì? “Những người cộng sản và nước Đức đã cùng nhau tấn công Ba Lan, làm nổ ra Đệ nhị Thế chiến”. Theo Tòa, câu nói này là sự phủ nhận một cách công khai Phiên tòa Nürnberg, và hàm chứa thông tin sai trái về “hành tung” của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Bởi lẽ, theo lý giải của Tòa, trong phiên tòa Nürnberg (mà trong thực tế Liên Xô đã có được tầm ảnh hưởng lớn), các phán quyết đã không nhắc tới cuộc tấn công xâm lược của Liên bang Xô-viết, do đó nó không thể xảy ra.

Với tội danh trên, Vladimir Luzgin bị phạt 200 ngàn Rúp (khoảng 2.750 Euro), tuy nhiên luật sư đại diện cho nhà “dân báo” này đã tuyên bố thân chủ của ông sẽ khiếu nại lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg.
 
Hồng quân và các đơn vị quân đội Đức tại Brest-Litovsk năm 1939 - Ảnh: Topical Press Agency (Getty Images Hungary)
Hồng quân và các đơn vị quân đội Đức tại Brest-Litovsk năm 1939 - Ảnh: Topical Press Agency (Getty Images Hungary)

Đạo luật cấm “phục hồi chủ nghĩa quốc xã” được Liên bang Nga ban bố năm 2014, và những nhà phê bình cho rằng trong thực tế, nó nhằm cấm đoán việc đề cập tới những tội ác của Liên Xô trong Đệ nhị Thế chiến.

Thế giới từ hơn nửa thế kỷ nay đã biết rõ về Hiệp ước bất tương xâm Molotov-Ribbentropp ký giữa Liên Xô với Đức Quốc xã vào tháng 8-1939, với nội dung chính thức là cam kết không tấn công lẫn nhau, tuy nhiên, một điều khoản bí mật của nó tạo điều kiện cho hai nước này cùng tấn công xâm lược và chia đôi Ba Lan, làm nổ ra Đệ nhị Thế chiến.

Dầu vậy, tại Liên bang Nga, quan điểm chính thống vẫn cho rằng đây là một sự kiện tích cực, gần đây Tổng thống Vladimir Putin cũng tuyên bố như vậy, còn Bộ trưởng Văn hóa Vladimir Medinsky, giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế trực thuộc Đại học Quốc gia Moscow, thì thẳng thừng cho rằng đó là “một thành tựu khổng lồ của đường lối ngoại giao Stalin”.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu