CON ĐƯỜNG KHỔ NẠN CỦA NGƯỜI DO THÁI TẠI HUNGARY
- Thứ tư - 26/05/2021 12:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hàng năm, vào 27-1, Ngày tưởng niệm Holocaust Quốc tế, thế giới tưởng niệm các nạn nhân của tấn thảm kịch holocaust trong Đệ nhị Thế chiến, cuộc diệt chủng dẫn đến cái chết của khoảng 7 triệu người Do Thái và 11 triệu người khác, được thực hiện bởi Đức quốc xã và các chính phủ cộng tác với nó.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng, 1/10 số nạn nhân Do Thái trong thảm trạng đó, chính là những người Do Thái từ Hungary, nơi mà chính sự gắn kết giữa chính quyền sở tại và Đệ tam Đế chế Đức lại đẩy họ đến bước đường cùng rất thảm thương. Tại nước này, cứ vào dịp tháng 4-5 hàng năm, các nạn nhân Do Thái của Thế chiến thứ hai lại được nhắc nhớ trong khuôn khổ những cuộc tuần hành lớn mang tên “Tuần hành vì cuộc sống”.
Thường được khởi đầu tại một tượng đài rất đặc biệt mang tên “Những đôi giày bên bờ sông Danube” cạnh Nhà Quốc hội Hungary, đoàn người tham dự một lần nữa được chứng kiến hiện trường một trong những địa điểm hành quyết sắc dân Do Thái, khi đó bị bắt phải cởi hết quần áo và giày dép, nhiều khi bị trói giật cánh khuỷu với nhau cả đoàn, để rồi bị xả súng bắn ngay xuống con sông lạnh giá trong mùa đông khắc nghiệt năm 1944.
60 đôi giày sắt đủ các kích cỡ, của trẻ em, phụ nữ, đàn ông... bên bờ Danube, tạo thành một quần thể được bình chọn là một trong những tượng đài chiến tranh cảm động nhất thế giới, ghi nhớ “con đường thương khó” của người Do Thái tại Hungary, mà gần đây nhất, một nữ chính khách nước này đã so sánh với sự khổ nạn của Chúa Jesus, và khẳng định đây là “bi kịch của con người và về con người”, về bất cứ ai, “bằng da, thịt và xương”.
Thường được khởi đầu tại một tượng đài rất đặc biệt mang tên “Những đôi giày bên bờ sông Danube” cạnh Nhà Quốc hội Hungary, đoàn người tham dự một lần nữa được chứng kiến hiện trường một trong những địa điểm hành quyết sắc dân Do Thái, khi đó bị bắt phải cởi hết quần áo và giày dép, nhiều khi bị trói giật cánh khuỷu với nhau cả đoàn, để rồi bị xả súng bắn ngay xuống con sông lạnh giá trong mùa đông khắc nghiệt năm 1944.
60 đôi giày sắt đủ các kích cỡ, của trẻ em, phụ nữ, đàn ông... bên bờ Danube, tạo thành một quần thể được bình chọn là một trong những tượng đài chiến tranh cảm động nhất thế giới, ghi nhớ “con đường thương khó” của người Do Thái tại Hungary, mà gần đây nhất, một nữ chính khách nước này đã so sánh với sự khổ nạn của Chúa Jesus, và khẳng định đây là “bi kịch của con người và về con người”, về bất cứ ai, “bằng da, thịt và xương”.
Con đường dài bi thảm
Để hiểu được nguồn cội của nỗi đau này, cần trở lại những năm giữa hai cuộc Thế chiến, khi Vương quốc Hungary phải dựa vào Đệ tam Đế chế để được gượng dậy về mặt kinh tế sau cú sốc Trianon năm 1920, lúc quốc gia này bị đánh mất 2/3 diện tích đất nước và 2/3 dân số bởi quyết định của “phe thắng cuộc” sau Thế chiến thứ nhất. Thoát khỏi sự sụp đổ vì đòn quá nặng này, nhưng Hungary lại rơi vào vòng kiềm tỏa chính trị của Đức quốc xã.
Từ giữa thập niên 30, do tác động của nước Đức, Hungary đã bắt đầu đưa vào luật những điều khoản kỳ thị và phân biệt đối xử với sắc dân Do Thái, và từng bước cấm đoán, loại trừ họ khỏi đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của đất nước. Với thời gian, quyền công dân và dân sự của người Do Thái ở Hungary cũng bị giảm thiểu, phù hợp với tiến độ của cái gọi là “giải pháp tối hậu” (Endlösung) mà nước Đức đặt ra với sắc dân này.
Dự cảm được về một tương lai đen tối, nhiều người Do Thái tại Hungary - đặc biệt là giới trí thức, khoa học và các gia đình hữu sản - đã tìm cách rời Hung qua Phương Tây, rồi sang Hoa Kỳ, Canada... lánh nạn trước khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ. Trong số đó, có không ít những nhà bác học lớn, về sau được giới khoa học thế giới gọi bằng cái tên “Người Hỏa tinh”, đã có vai trò trụ cột trong các dự án bom nguyên tử và khinh khí của Mỹ sau này.
Có điều, đa số dân Do Thái trên lãnh thổ Vương quốc Hungary thì không có điều kiện như vậy. Sau khi Thế chiến nổ ra vào đầu tháng 9-1939, rồi Hungary tham chiến vào cuối tháng 6-1941, thì số phận của sắc dân Do Thái coi như đã được an bài, với khái niệm holocaust như là sự thảm sát, diệt chủng hàng loạt trên tầm nhà nước của Đức Quốc xã, được thực hiện ở quy mô công nghiệp, mà người Do Thái là những nạn nhân hàng đầu.
Hạ tuần tháng 1-1942, tại Hội nghị Wannsee được nhóm họp ở một tòa lâu đài ở ngoại ô Berlin, các quan chức Quốc xã đã thông qua một kế hoạch nhằm khởi thảo và thực hiện “giải pháp tối hậu” đối với sắc dân Do Thái trên toàn Châu Âu, với con số còn lưu trong biên bản là 11 triệu người. Trong biên bản, số người Do Thái cần tận diệt ở từng quốc gia được xác lập, trong đó, con số nạn nhân Do Thái được trù liệu ở Hungary là 742.800.
Tuy nhiên, dưới thời của Thủ tướng Kállay Miklós (1942-1944), nước Hung có những nỗ lực muốn thoát khỏi cuộc chiến, đoạn tuyệt với nước Đức và do đó, nước này tránh tuân thủ chính sách diệt chủng dân Do Thái của Đức quốc xã. Trái với phần còn lại của Châu Âu, nơi cộng đồng Do Thái bị bách hại, ở Hungary sắc dân Do Thái cảm thấy được an toàn, và người Do Thái ở các nước lân cận còn trốn chạy sang Vương quốc Hungary lánh nạn.
Ít ai ngờ được rằng, tử thần đang chờ họ ở khoảng cách rất gần! Phía Đức, khi cảm thấy đồng minh Hungary có những biểu hiện ngoại giao với phe Đồng minh, đã ngấm ngầm chuẩn bị cho chiến dịch mang tên Margarethe để chiếm giữ một số căn cứ điểm quân sự quan trọng nhất của Hung trong thời gian cuối của Thế chiến. Mặc dù đã có những nguồn tin mật chính xác về kế hoạch này, giới lãnh đạo Hungary vẫn không có kế sách chống lại.
Khổ nạn holocaust của Hungary
Trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của holocaust, Hungary đặc biệt ở chỗ, tại đây, sự đày ải và diệt chủng sắc dân Do Thái đã diễn ra với sự “hợp tác” và ủng hộ hết sức nhiệt tình của chính quyền và lực lượng hiến binh (csendőrség) nước này. Ngay sau khi bị Đức Quốc xã đưa quân chiếm đóng vào ngày 19-3-1944, chính phủ thân Đức sau đó của Hung đã ban hành hàng trăm sắc lệnh có nội dung bài xích người Do Thái.
Trước tiên, dân Do Thái bị buộc phải “cống nạp” các vật dụng được coi là quý thời đó, như xe hơi, điện thoại, đài điện... , để rồi sau đó, mọi tài sản của họ đều bị “phong tỏa”. Không chỉ bị cấm hành nghề bác sĩ, ký giả, trạng sư, diễn viên, không được kinh doanh và có cửa hiệu, không được làm trong bộ máy hành chính, dân Do Thái tại Hungary còn bị hạn chế đi lại và cấm bén mảng tới những nơi vui chơi giải trí công cộng, rạp phim, nhà hát.
Họ bị hạn chế lượng thực phẩm hàng ngày, thậm chí, một học viện còn được thành lập để “nghiên cứu khoa học” về “tính chất chủng tộc” của sắc dân Do Thái. Ngôi sao vàng sáu cánh David mà người Do Thái buộc phải đeo trên ngực áo - như dấu hiệu phân biệt một cách nhục nhã - đã vĩnh viễn biến họ trở thành những tử tù tiềm ẩn. Cánh cổng tử thần đã mở ra trước họ, mà không ai biết tới và có thể làm được bất cứ điều gì để kháng cự!
Ít tuần sau, ngày 16-4-1944, một sắc lệnh được phê chuẩn nhằm “sung công” toàn bộ nhà cửa của dân Do Thái và người Do Thái thì bị ép buộc phải vào những biệt khu (ghetto). Trong vòng 2 tháng rưỡi, trên toàn quốc Hungary có chừng 170 biệt khu như vậy, giam cầm 437 ngàn người Do Thái, còn tại thủ đô Budapest thì cư dân Do Thái bị quản lý rải rác trong những “khu nhà dán sao”, và bị giới hiến binh Hung kiểm soát chặt chẽ hàng ngày.
Ngày 28-4, đoàn tàu hỏa đầu tiên chở 1.800 người Do Thái ở độ tuổi 16-60 khởi hành từ Hungary, và đến Trại tử thần Auschwitz ở gần cố đô Krakow (Ba Lan) vào ngày 2-5, khởi đầu cho chiến dịch thảm sát lớn nhất của đại nạn holocaust. Người dân bị nhồi nhét và nhiều khi không thể cựa được vì quá chật chội trong những toa tàu chở súc vật, bị đóng kín, nhiều người chết dọc đường do thiếu dưỡng khí khi tàu đến khu trại tập trung và hủy diệt.
Ngày 15-5-1944, holocaust ở mức hàng loạt trên quy mô khủng khiếp được tiến hành tại Hungary với cường độ chóng mặt: hàng ngày, có tới 4 đoàn tàu hỏa chật kín dân Do Thái chuyển bánh, chủ yếu là tới trại Auschwitz. Do phải nhận quá đông người Do Thái từ Hungary, hệ thống đường ray tàu hỏa đã được kéo dài từ ga Auschwitz đến thẳng “Cổng tử thần” của khu trại, nơi các “bác sĩ tử thần” chờ đón những nạn nhân không hề hay biết gì.
Chỉ với 20 sĩ quan Đức thuộc Đơn vị Trực chiến Đặc biệt (Sondereinsatz-kommando) và hơn 100 người giúp việc, nhưng Trung tá Quốc xã Adolf Eichmann - một trong những đao phủ chính yếu của đại nạn holocaust ở Châu Âu - đã nhận được sự tiếp tay rất “hiệu quả”, vượt xa mức mong đợi từ bộ máy hành chính và hiến binh Hungary, mà ông ta phải khâm phục nhận định là “chính xác và tỉ mỉ khủng khiếp, không kém gì của người Đức”.
Bị thảm sát ngay trên quê hương
Trong ít tháng hầu như tất cả cư dân Do Thái ở các tỉnh và các miền quê ở Hungary đã bị đưa đến những trại tập trung và hủy diệt ngoài nước Hung. Phải tới đầu tháng 7-1944, khi thảm trạng Lò thiêu Auschwitz được công luận biết đến, sự phản đối của các nhân sĩ trong và ngoài nước - cùng thất bại của quân đội Đức và cuộc đổ bộ Normandy của phe Đồng minh - mới khiến Nhiếp chính vương Horthy Miklós buộc phải ngừng các cuộc đày ải.
Bằng quyết định đó, chừng 200 ngàn người Do Thái đang bị giam giữ trong biệt khu Budapest và chừng 100 ngàn người trong các đội lao động trừng giới tạm thời thoát chết, nhưng chỉ 2,5 tháng của đại nạn holocaust cũng đã khiến chừng 450 ngàn người từ Hungary thiệt mạng. Đến thăm triển lãm diệt chủng ở trại Auschwitz, có thể thấy rất nhiều hình ảnh của người Do Thái - Hungary, chiếm 1/3 tổng số nạn nhân của khu trại tử thần.
Đầu tháng 10-1944, Đức quốc xã “chống lưng” để nội các của Szálasi Ferenc, thủ lĩnh theo xu hướng phát-xít Hungary lên nắm quyền. Chính quyền này cam kết theo Đức đến cùng trong Thế chiến, và do đó, tiếp tục đề nghị của Berlin để đày ải và sát hại người Do Thái. Ở Budapest, cư dân Do Thái còn sống sót bị đưa vào biệt khu ở trung tâm thành phố, gần 20 ngàn người bị giết hại, hoặc bị chết do bom đạn, đói khát, bệnh tật và tự sát...
Trong làn sóng khủng bố với mục tiêu “phi Do Thái hóa nước Hung”, cư dân Do Thái ở Budapest bị săn lùng và bị thảm sát ngay tại thủ đô, mà những điểm hành quyết điển hình là bờ sông Danube. Mùa đông 1944, có những lúc con sông Danube đóng băng đỏ ngầu máu những người Do Thái bị bắn thẳng xuống sông, nhưng đây cũng là thời kỳ diễn ra nỗ lực và lòng quả cảm của không ít cá nhân và tập thể đã gắng sức cứu sắc dân Do Thái.
Lịch sử ghi nhận trường hợp một đoàn hơn 150 người Do Thái đã bị bắt xếp hàng nhìn ra sông để chuẩn bị hành quyết, thì được các nhân viên ngoại giao Thụy Điển tới cứu. Sự can thiệp đầy hiệp nghĩa của Tòa Thánh Vatican và đại diện ngoại giao các quốc gia trung lập đã cứu vãn được tính mạng của nhiều người Do Thái, nhưng không ngăn cản được việc gần 80 ngàn người vẫn bị bắt đi bộ tới biên giới Hungary để trao cho Đức quốc xã.
Trong phiên tòa Nürnberg xét xử những tội ác chiến tranh và diệt chủng của phát-xít Đức, một sĩ quan Đức phụ trách việc đày ải người Do Thái ở Slovakia và Hy Lạp nhận xét rằng “có vẻ người Hungary thực sự là hậu duệ của Hung Nô, không có họ không làm sao chúng tôi làm được gì ra trò”. Vai trò và trách nhiệm của các nội các thân Đức của Vương quốc Hungary là không thể chối cãi, cho dù chính phủ cánh hữu hiện tại muốn lấp liếm.
Một trong những người sống sót khỏi Lò thiêu, văn hào Kertész Imre của Hungary, Giải Nobel Văn chương 2002 đã dành cả cuộc đời của mình để khắc họa nỗi đau holocaust và “chuyển giao tinh thần Auschwitz” cho các thế hệ sau. Ôn lại “tấn thảm kịch lớn nhất của người Âu kể từ những cuộc thánh chiến” (lời của nhà văn), còn là để chiêm nghiệm, sao cho những bi kịch ấy không bao giờ lặp lại trong tương lai, dưới bất cứ hình thức nào...
(*) Bài viết đã đăng trên RFI.