Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


11/11 - NHỚ VỀ “CUỘC CHIẾN CHẤM DỨT MỌI CUỘC CHIẾN”

(NCTG) Tròn 103 năm trước, vào rạng sáng ngày 11/11/1918, tại một toa tàu hỏa nằm trong khu rừng ở gần TP. Compiègne (Pháp) - nơi đặt đại bản doanh của Thống chế Pháp Ferdinand Foch - Hiệp định đình chiến khép lại Đệ nhất Thế chiến ở mặt trận phía Tây đã được ký giữa các đại diện của phe Đồng minh (Anh và Pháp) và Đế chế Đức.
Đại diện phe Đồng minh ngay sau khi Hiệp định đình chiến ngày 11/11/1918 ở Compiègne được ký kết - Ảnh tư liệu
Khoảng thời gian từ 5h12p đến 5h20p (theo giờ Paris) ấy đã đi vào lịch sử như là sự kết thúc của cuộc chiến đầu tiên mang tầm vóc toàn cầu, một cuộc chiến khốc liệt và tàn phá được gọi bằng nhiều cái tên - Đại chiến, Thế chiến, hay “Cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến” (The war to end all wars) - gây nên cái chết của hơn 19 triệu người.

Một cách tượng trưng, hiệp định có hiệu lực vào hồi 11h cùng ngày, nhưng ngay trong ngày cuối của Thế chiến, vẫn có tới 3 ngàn quân nhân Mỹ đã bỏ mình một cách vô nghĩa, nhiều hơn cả thiệt hại của Hoa Kỳ trong cuộc đổ bộ ở Normandy vào D-Day 26 năm sau đó. Người lính trơn Henry Gunther là nạn nhân bất hạnh cuối cùng, vào lúc 10h 59 phút.

Cuộc Thế chiến đã kết thúc như thế, 5 năm sau khi bùng nổ vào cuối tháng 7/1914 mà nguyên nhân trực tiếp là vụ ám sát vợ chồng Thái tử Đế chế Áo - Hung Franz Ferdinand ở Sarajevo, được thực hiện bởi một kẻ khủng bố người Serbia (sát thủ Gavrilo Princip, về sau, chỉ bị tuyên phạt tù giam 20 năm và được coi như người anh hùng của Serbia).

Trẫm đã cân nhắc tất cả và đã nghĩ suy mọi đường. Trẫm đi theo bổn phận với lương tâm thanh thản. (...) Và trẫm tin tưởng vào Đấng toàn năng sẽ ban chiến thắng cho chúng ta!” - đây là những dòng gửi thần dân (*) được vị quân vương Franz Joseph của nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung soạn thảo tại dinh thự mùa hè ở Bad Ischl hôm 28/7/1914.
 
“Trẫm đã cân nhắc tất cả và đã nghĩ suy mọi đường (...) Và trẫm tin tưởng vào Đấng toàn năng sẽ ban chiến thắng cho chúng ta!” - Áp-phích đương thời
“Trẫm đã cân nhắc tất cả và đã nghĩ suy mọi đường (...) Và trẫm tin tưởng vào Đấng toàn năng sẽ ban chiến thắng cho chúng ta!” - Áp-phích đương thời

Được viết sau lời tuyên chiến gửi Serbia và biết chắc rằng sẽ có sự hậu thuẫn của Đế quốc Đức trong một cuộc chiến lớn, mà phía địch thủ chắc chắn sẽ có Đế quốc Nga, và các đồng minh như Pháp và Anh, ông già ở tuổi gần đất xa trời Franz Joseph (84 tuổi) và Ban lãnh đạo quân sự Áo có lẽ tính đến sự kết thúc nhanh chóng của cuộc chiến. 

Hoàng đế Đức Wilhelm Đệ nhị, đồng minh của Áo - Hung, trong những cuộc đàm phán đầu tháng 6/1914, cũng cho rằng cuộc chiến bất quá chỉ kéo dài vài ba tháng với kế hoạch Áo - Hung chiến thắng ở mặt trận Serbia và cầm chân Nga, còn Đức đè bẹp Pháp và hợp lực ở mặt trận phía Đông. “Khi những chiếc lá rơi, là lúc người lính thắng trận trở về”.

Nhưng, mặc cho những chiếc lá cứ rơi trong nhiều mùa thu và đông, hàng chục triệu người lính đã không bao giờ trở về, khiến Đệ nhất thế chiến trở thành một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử thế giới, mà lần đầu tiên những loại vũ khí hạng nặng và thành tựu kỹ thuật - công nghệ - như máy bay, xe tăng, tên lửa... - được sử dụng tràn lan.

Bên cạnh thiệt hại ghê gớm về người và của, hậu quả rất đáng kể của cuộc chiến là sự sụp đổ của đa số các nền đế quốc quân chủ, trong đó có Vương quốc Hungary mà một đại diện là Thủ tướng, bá tước Tisza István cũng đặt chữ ký trong bản tuyên chiến với Serbia, khiến nước Hung rơi vào một xung đột quốc tế mà nước này không hề có lợi gì.
 
Bưu thiếp của Pháp khắc họa hình ảnh lễ ký kết đình chiến
Bưu thiếp của Pháp khắc họa hình ảnh lễ ký kết đình chiến

Thỏa thuận đình chiến ngày 11/11/1918 tuy chấm dứt chiến tranh, nhưng không giải quyết được những mâu thuẫn và bất đồng khiến Thế chiến thứ nhất bùng nổ. Với nước Hung 1.000 năm tuổi, thảm kịch thực sự diễn ra sau đó 2 năm, vào ngày 4/6/1920, khi Hiệp định hòa bình Trianon đầy thua thiệt khiến nước này đánh mất hơn 2/3 diện tích đất nước.

Trong số hàng loạt các hiệp định hòa bình, thì Hòa ước Versailles ký năm 1919 giữa phe Đồng minh và Đức đặt ra vô số điều khoản khắt khe lên nước Đức bại trận, đã góp phần không nhỏ tạo ra tâm trạng bất mãn trong lòng dân Đức, làm tăng tinh thần dân tộc cao độ ở một xứ sở tuy bại trận nhưng tổn thất về công nghiệp và thương mại lại không quá lớn.

Đây không phải là hòa bình, mà chỉ là đình chiến trong 20 năm” - tham gia quá trình chuẩn bị cho Hòa ước Versailles, Thống chế Ferdinand Foch - từng là Tổng tư lệnh quân đội Đồng minh và nhân vật chủ chốt của bên Hòa ước trong việc ký kết Hiệp định đình chiến ngày 11/11/1918 ở Compiègne - đã có một tiên đoán “thần sầu” và không thể chính xác hơn.

Đúng 20 năm và 64 ngày sau, 1/9/1939, Đệ nhị Thế chiến được khơi mào bởi nước Đức phát-xít của Hitler và đồng minh gần gũi nhất, nước Liên Xô cộng sản của Stalin, ra đời nhờ Đảng Bolshevik, một chính đảng nhỏ chủ trương bạo động đã tận dụng tình trạng rối ren của Đệ nhất Thế chiến để cướp chính quyền từ Chính phủ Lâm thời hợp hiến thời đó.
 
Cuộc chính biến tháng Mười của Nga, một hệ lụy của Đệ nhị Thế chiến ở Nga - Ảnh tư liệu
Cuộc chính biến tháng Mười của Nga, một hệ lụy của Đệ nhất Thế chiến ở Nga - Ảnh tư liệu

Thế chiến thứ nhất, như thế, được xem như sự kiện mở đầu cho thế kỷ 20 trong mắt một số sử gia và nhà nghiên cứu chính trị, và là một trong những biến cố làm thay đổi lịch sử thế giới. Nó cũng làm mờ đi những khái niệm “chính nghĩa” và “phi nghĩa”, “xâm lược” và “bảo vệ tổ quốc” trong chiến tranh, bởi vì “phe nào thắng thì nhân dân đều bại” (Nguyễn Duy).

Tuy nhiên, điểm son của quan niệm và nền văn minh Phương Tây là mọi ký ức của cuộc chiến đều được trân trọng, và bất cứ ai, dù là người lính hay thường dân, đã ngã xuống đều được tưởng nhớ. Bất cứ quốc gia Phương Tây nào cũng có những tượng đài, nghĩa trang... mà chỉ cần tấm biển 1914-1918 là có thể biết, đó là hồi quang của cuộc chiến này.

Cho dù Thế chiến thứ nhất với những hệ lụy khôn lường của nó không phải là cuộc chiến khiến nhân loại “ngộ” ra để đừng bao giờ có chiến tranh nữa, như những hy vọng đương thời, nhưng vẫn mang tính cảnh tỉnh ở mức độ nào đó, ít nhất là ở Châu Âu. “Giờ đây điện tắt ở Châu Âu và không biết chừng nào mới sáng trở lại” (**), điều này chắc ít ai muốn...

Ghi chú:

(*) “An Meine Völker!”.

(**) Câu nói nổi tiếng, được coi là của Đại sứ Anh ở Berlin, khi nghe tin Đế chế Áo - Hung tuyên chiến với Serbia, tháng 7/1914.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh