Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SỰ THẬT LỊCH SỬ

(NCTG) “Sự thật, kể cả sự thật đau đớn nhất, luôn giải phóng cho con người. Sự thật gắn kết. Sự thật mang lại công bằng. Sự thật chỉ ra con đường hòa hợp”, kể cả trong những tội ác ghê gớm “can dự tới tất cả mọi con người và mọi dân tộc”.
Hiện trường vụ thảm sát Katyń - Ảnh tư liệu
Mấy hôm nay, được đọc nhiều bài vở, tư liệu và ý kiến liên quan tới cuộc Thảm sát Mậu Thân, đặc biệt là bài được coi là lời “trần tình” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đồng thời được xem nhiều chương trình kỷ niệm trên VTV.

Mình sinh năm Mậu Thân, khi sự kiện xảy ra thì mình vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Có thể bình luận Mao Tôn Cương này nọ về việc kỷ niệm rầm rộ trong dịp này có phù hợp với chính sách “hòa hợp hòa giải” hay không, nhưng nhiều người đã nói kỹ rồi.

Độc lập với vai trò và tư cách trong vụ thảm sát, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một tác giả mà mình thích với nhiều tùy bút nên thơ, đặc biệt, bài thơ “Dạ khúc” (*) của ổng được Phú Quang phổ nhạc rất hay, mình vẫn hay nghe lại sau mấy chục năm.

Có điều, dầu sao đi nữa, mình phải nhớ và lìên tưởng tới một vụ thảm sát khác, sau tròn nửa thế kỷ mới có lời thú nhận chính thức từ những nhân vật “chức trách” và “có thẩm quyền”: ấy là Thảm sát Katyń (1940) mà mình đã viết nhiều về nó.

Nhắc lại, đó là một tội ác diệt chủng, chống nhân loại - được coi là tội ác lớn nhất đối với tù binh trong lịch sử các cuộc chiến thế kỷ 20 - mà mật vụ chính trị Xô-viết là thủ phạm, nhằm vào hơn 21 ngàn người con tinh hoa của đất nước Ba Lan.

Những con người anh dũng ấy, khi biết cái chết đang chờ đợi, vẫn cố gắng chọn mặc những bộ đồ lành lặn nhất, chỉnh tề nhất để ngẩng cao đầu ra “đoạn đầu đài” với lòng kiêu hãnh của con đại bàng trắng Ba Lan, như một số ghi chép còn để lại.

Hãy đọc lại những lời dối trá của giới lãnh đạo thượng đỉnh Liên Xô khi bị chất vấn về số phận của hơn 21 ngàn người, trước khi họ đổ vấy tất cả tội ác cho phát-xít Đức, đồng minh cùng họ làm bùng nổ Đệ nhị Thế chiến vào tháng 9/1939:
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời phỏng vấn trong bộ phim tư liệu “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình” (Vietnam: A Television History, 1983) về Thảm sát Mậu Thân. Về sau, ông thú nhận: “Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai lầm của mình” - Ảnh chụp màn hình
Hoàng Phủ Ngọc Tường trả lời phỏng vấn trong bộ phim tư liệu “Việt Nam, thiên lịch sử truyền hình” (Vietnam: A Television History, 1983) về Thảm sát Mậu Thân. Về sau, ông thú nhận: “Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai lầm của mình” - Ảnh chụp màn hình

- “Có lẽ họ trốn hết rồi... chẳng hạn qua Mãn Châu... rồi chúng tôi không còn dấu vết họ nữa. Hẳn là họ đã được thả,  nhưng chưa về tới nhà mà thôi” (Stalin, 3/12/1941).

- “Có thể họ đang trong các trại nằm rải rác ở vùng chúng tôi chiếm được của người Đức...” (Stalin, 18/3/1942)

- “Ở đây chẳng có sĩ quan nào cả... Có lẽ họ ở đâu đó ngoài Liên Xô, hoặc giả một bộ phận thì đã thiệt mạng rồi. Chúng tôi đã thả tất cả mọi người” (Phó Dân ủy Ngoại giao Vyshinsky, 8/7/1942)

- “Chúng tôi đã phạm một lỗi lớn... đa phần số tù binh đã bị trao cho người Đức...” (Beria, 6/3/1943)


Sự dối trá Katyń là nền tảng để xây dựng nhà nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan”, và “sự thật về Katyń đã là nền tảng của Cộng hòa Ba Lan tự do”, bất chấp mọi cấm đoán, đàn áp và khủng bố, theo lời cố Tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński.

Ông đã muốn nói như thế tại Katyń trước anh linh các liệt sĩ Ba Lan, 70 năm sau vụ thảm sát. Nhưng, tai nạn máy bay khiến vợ chồng ông và gần một trăm quan chức cao cấp và giới nhân sĩ của Đệ tam Cộng hòa Ba Lan bị tử nạn ngay tại gần Katyń.

Có điều, những gì ông ao ước được gửi gắm trong bài phát biểu thì đã được ghi lại. Đó là một áng văn chính luận rất đẹp, chuẩn mực và động lòng, đặc biệt là vì nó nhấn mạnh tầm quan trọng của ký ức và sự hồi tưởng, của quyền được tưởng niệm.

Katyń và sự dối trá Katyń đã trở thành vết thương đau đớn trong lịch sử Ba Lan”, cho nên “chúng ta cần có sự thật” và phải “cảm tạ công lao của hàng triệu bậc cha mẹ đã kể cho con cháu mình nghe lịch sử không bóp méo”, theo Kaczyński.

Bao nhiêu thời gian đã trôi qua, bao nhiêu lời kêu gọi “tha thứ” đã được đưa ra từ phía này hay phía khác, nhưng Kaczyński trong bài phát biểu lẽ ra đã được vang lên, chỉ ra rằng bằng mọi giá, rốt cục mọi sự thật lịch sử phải được tôn trọng.

Bởi lẽ, “sự thật, kể cả sự thật đau đớn nhất, luôn giải phóng cho con người. Sự thật gắn kết. Sự thật mang lại công bằng. Sự thật chỉ ra con đường hòa hợp”, kể cả trong những tội ác ghê gớm “can dự tới tất cả mọi con người và mọi dân tộc” như Katyń.

Và cho dù “tội ác Katyń thể hiện sức mạnh của dối trá” thì “Katyń cũng chính là bằng chứng xác đáng cho thấy: con người và các dân tộc - ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất - vẫn luôn chọn lấy tự do và luôn biết bảo vệ sự thật”, theo Kaczyński.

Trở lại “chuyện nhà mình”, tròn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ biến cố Tết Mậu Thân. Nhưng mình tin thế nào cũng có lúc, sự thực sẽ đến, và hy vọng mình sẽ còn được chứng kiến “khoảnh khắc sự thực” ấy trong đời...

(*) DẠ KHÚC

Có một buổi chiều nào như chiều xưa
Anh về trên cát nóng
Đường dài vành môi khát bỏng
Em đến dịu dàng như một cơn mưa.

Có buổi chiều nào như chiều qua
Lòng tràn đầy thương mến
Mang cả xuân thì em đến
Thắm nồng như một bông hoa.

Có buổi chiều nào người bỏ vui chơi
Cho tôi chiếc hôn nồng cháy
Nỗi đau bắt đầu từ đấy
Ngọt ngào như trái nho tươi.

Có buổi chiều nào mộng mị vây quanh
Nửa vành mi cong hờn dỗi
Em xoã muộn sầu trên gối
Rối bời như mớ tơ xanh.

Có buổi chiều nào hình như chưa nguôi
Vầng trăng sáng màu vĩnh viễn
Em có lời thề dâng hiến
Cho anh trọn một đời người.

Có buổi nào như chiều nay
Căn phòng anh bóng tối dâng đầy
Anh lặng thầm như là cái bóng
Hoa tàn một mình mà em không hay.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh