Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN LỀU TRẠI Ở HUNGARY

(NCTG) “Tự do tụ tập là một quyền hiến định: ai cũng có quyền cùng những người khác công khai chính kiến trong những công việc chung, về những sự kiện mà xã hội quan tâm, kể cả khi quan điểm đó không hợp ý chính quyền đi nữa”.
Ông Szabó Gábor bên chiếc lều Hội Quốc do ông khởi xướng - Ảnh: magyarnarancs.hu
Trong vòng hơn nửa năm, một chiếc lều như thế này đã được dựng tại quảng trường Kossuth ở Budapest, địa điểm thiêng liêng nhất của Hungary, nơi tọa lạc Tòa nhà Quốc hội được coi là “ngôi nhà của dân tộc Hung.

Lều chỉ cách cửa vào ở mặt chính diện chừng mươi mét. Cách cột cờ quốc gia, nơi luôn có hai người lính bồng súng đứng (và du khách thường tới chụp hình, tự sướng hoặc làm dáng với họ) cũng khoảng ngần ấy.

Trong lều, thường chỉ có vài người đứng tuổi, ăn vận cũng lôi thôi, hay ngồi bên một chiếc bàn bày thức ăn lổn nhổn, kiểu bữa ăn của người nghèo với vài miếng bánh mỳ khô khốc, đôi ba lát giò rẻ tiền kèm chút ớt, cà chua...

Chiếc lều cốt sắt thấy bảo được mua từ một thương gia Đức với giá rẻ, là loại thường dùng trong các hoạt động ngoài trời. Mùa đông lạnh giá, mỗi tuần người cư ngụ trong lều dùng hai bình ga để sưởi, chi phí chừng 40 Euro.

Mỗi lần qua đó, mình thường tới chụp ảnh - vì không biết lều còn tồn tại bao lâu. Thế nào cũng sẽ có ai đấy ra tiếp đón, hỏi han ân cần - vì thấy mình là người nước ngoài, lại còn là dân da vàng mũi tẹt - và phát truyền đơn.

Du khách ngoại quốc thường ngạc nhiên trước sự hiện diện của một chiếc lều như vậy ở một nơi rất tôn nghiêm, và có thể không mấy ai hiểu lý do hay chức năng của nó. Vì thông tin dường như chỉ có bằng Hung ngữ.

Đọc ra, mới ngã ngửa rằng mục tiêu của chủ nhân lều hết sức “cao vọng”. Lều chính là trụ sở của một phong trào mang tên Hội Quốc (Ország Gyűlése - OGYM), được khởi động bởi một bác sĩ bỏ nghề, ông Szabó Gábor.

Bất bình trước cảnh “điêu linh” của người dân dưới thể chế cánh hữu hiện tại, cũng như sự bất lực của phe đối lập, ông Szabó đã công khai tuyên bố sáng lập phong trào phản kháng này cùng “kịch bản lật đổ nội các Orbán”.

Mục tiêu của OGYM là tái lập bản Hiến pháp của Đệ tam Cộng hòa Hungary (trước 2010), vốn đã bị phe cầm quyền ỉ vào lợi thế tuyệt đối trong Quốc hội thay thế bằng một bản Hiến pháp mới mà EU cũng cho là phi dân chủ.

Trong kịch bản, OGYM cũng đòi hỏi phải bỏ Đạo luật Bầu cử mới, được đánh giá là thiên vị và giúp phe cầm quyền “bê tông hóa” quyền lực, giải tán lập tức Quốc hội và triệu tập một Quốc hội Lập hiến vào ngày 15-3-2015.

Trong phiên họp lập hiến với sự tham dự của 100 ngàn người ấy, các thành viên của một Chính phủ Lâm thời - hoạt động cho tới kỳ bầu cử Quốc hội tự do dự tính vào ngày 15-9-2015 - sẽ được lựa chọn bằng một cách rất đặc biệt.

Ấy là, cử tri sẽ hét vang tên các ứng viên, và một máy đo âm lượng tiếng hét sẽ chọn ra 10 ứng viên mà tên tuổi được... hét to nhất. Họ sẽ là thành viên của Chính phủ Lâm thời tại Hungary, theo sự hình dung của ông Szabó Gábor.

Mình đã không nhịn được cười khi lần đầu đọc những tiêu chí ấy trong tờ truyền đơn mà một bà cụ đứng tuổi đưa cho, khi mình đang loay hoay làm sao vừa chụp được cái lều cùng tổng thể tòa nhà Quốc hội lớn thứ ba thế giới này.

Nhưng rồi, mình đã “cấm khẩu” khi được biết, đã có hàng ngàn người tham dự và nghe “kịch bản lật đổ nội các Orbán” ấy, một đề xướng mang tính cá nhân mà người khởi xướng thề “sẽ thực hiện tới khi nào Orbán còn tại vị”.

OGYM chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc, nó sẽ kéo dài chừng nào Orbán Viktor còn là lãnh đạo nước Hung, bất kể trên cương vị nào. Chúng tôi ôn hòa, bác bỏ bạo lực và tuân thủ luật định hiện tại”, ông Szabó viết trên blog.

Vị cựu bác sĩ này còn cho biết, ông có kinh nghiệm tổ chức biểu tình và sẽ sử dụng nó, ông biết được làm gì, tới đâu một cách hợp pháp, và biết phải làm sao để chính quyền không có cớ can thiệp bằng những biện pháp hành chính.

Nói về khả năng sẽ bị can thiệp, ông Szabó cũng cho rằng, điều đó chứng tỏ Hungary là một nước độc tài: vũ khí của ông chỉ là quần chúng nhân dân và sức mạnh của sự công khai, chính quyền có làm gì cũng phải tính tới điều đó.

Đề xướng và hành động dựng lều của ông Szabó Gábor được coi là sự thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt chính kiến và ý nguyện, và phù hợp với quyền tự do tụ tập, biểu tình, mít tinh, tuần hành... của công dân Hungary.

Tại Hungary, những hoạt động như vậy (diễn ra như cơm bữa) không cần xin phép, mà chỉ cần thông báo với cảnh sát. Và cảnh sát chỉ có thể không chấp thuận sự “biểu dương lực lượng” tương tự trong một vài trường hợp hãn hữu.

Đó là khi “sinh hoạt” ấy bị coi là ảnh hưởng một cách quá nghiêm trọng tới sự hoạt động của các cơ quan lập pháp và tư pháp, và ở lộ trình của cuộc tuần hành không thể tổ chức giao thông theo cách khác (theo tuyến đường khác).

Đây là điều mà cảnh sát Hung đã viện cớ để định cấm ông Szabó, không cho ông “ăn vạ”, “bôi xấu đất nước” ngay trước cửa Nhà Quốc hội, nơi hàng ngày có không biết bao nhiêu du khách và quan khách trong và ngoài nước lai vãng.

Tuy nhiên, ông Szabó đã đưa vụ việc lên tòa án, và nhiều lần Tòa đã xử thắng cho ông: chiếc lều của ông đã hiện diện từ tháng 8-2014 tới 30-4-2015, khi đó ông Szabó tuyên bố lập đảng vì “dân Hung xứng đáng có phe đối lập tốt hơn hiện tại”.

Như thế, tại một quốc gia thường xuyên bị kêu ca là độc đoán, phi dân chủ, quyền công khai thể hiện quan điểm của một cá nhân, một thiểu số, đã được tôn trọng, cho dù ý tưởng của cá nhân đó có “phản động”, hay “dở hơi” - thì đã sao?

Bởi lẽ, tự do tụ tập là một quyền hiến định: ai cũng có quyền cùng những người khác công khai chính kiến trong những công việc chung, về những sự kiện mà xã hội quan tâm, kể cả khi quan điểm đó không hợp ý chính quyền đi nữa.
 
*

Kể từ khi lều được hạ, mình đã nhiều lần - thường là cùng bạn bè - qua khu vực Nhà Quốc hội. Ai cũng trầm trồ trước tòa nhà “khủng” ấy, mà mình hay giới thiệu hoa mỹ là “bề thế, uy nghi về tổng thể và tinh tế, kiêu sa trong từng chi tiết nhỏ”.

Có điều, trong lòng mình vẫn có một cảm giác thiêu thiếu khi không còn chiếc lều và những “lều nhân” lầm lũi, có khi nhếch nhác, với những yêu sách có thể thiện ý nhưng nực cười, và có thể đoan chắc là không bao giờ họ thực hiện được.

Bởi lẽ, hành động của họ cũng là sự thực thi dân chủ, một cách yêu nước, và như một tác giả Hung có nói, “Có thể yêu Tổ quốc theo nhiều cách, nhưng không thể không yêu Tổ quốc” (Sokféleképpen lehet szeretni a hazát, de a hazát nem szeretni, nem lehet - Vadai Ágnes)...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh