Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THÁNG CHÍN CỦA THI SĨ TỰ DO VÀ ÁI TÌNH

(NCTG) “Dự cảm mang tính tiên tri ấy, trớ trêu thay, dường như đã trở thành sự thực. Sau khi Petőfi qua đời ít lâu, Júlia đã tái giá với một nhà phê bình, giáo sư văn học và không mấy để tâm đến người con chung với nhà thơ, mặc cho công luận Hungary chê cười và cả bất bình. Và trong sự công phẫn ấy, hẳn có vai trò của bài thơ được sáng tác trong tâm cảm man mác của sắc trời thu...”.
Cuối tháng 9 - Minh họa: anna-gondolatok.blogspot.hu
Hoa vẫn nở ngoài vườn trong thung lũng
Cây vẫn xanh bên cửa sổ trước nhà
Nhưng mùa đông em có thấy ngoài xa
Trên đỉnh núi tuyết đã về bao phủ.
Trong tim tôi hè vẫn còn rất trẻ
Sắc xuân thì còn tươi rói màu xanh
Tóc trên đầu thu đã ghé vào thăm
Hơi đông lạnh chạm vào đầu vào mặt.

Hoa sẽ rơi, sức sống rồi sẽ tắt...
Này em yêu để anh bế vào lòng
Đầu ngả xuống dựa vào vai vào ngực
Ngày mai đây em có buồn thổn thức
Khóc gục người trên nấm mộ của tôi
Nói đi em nếu tôi lỡ qua đời
Em có khóc có buồn không em hỡi
Có người mới nào em yêu đến nỗi
Bỏ tên tôi cho tình mới bắt đầu.

Nếu khăn đen chẳng cần nữa vì nhau
Em hãy để trên nấm mồ anh nhé
Anh sẽ lấy đi lau khô dòng lệ
Khóc vì em kẻ nhanh chóng bạc tình
Rồi lấy ra băng bó trái tim mình
Trái tim vẫn yêu em, yêu em mãi mãi. (*)

Mùa thu 1847, khi trong lòng Châu Âu đang diễn ra những sự kiện và biến chuyển để rồi nửa năm sau, sẽ bùng nổ thành “mùa xuân của các dân tộc”, thì tại một ngôi làng ở vùng Szatmári (1) (Vương quốc Hungary), một trong những nhân vật chính yếu và nổi tiếng nhất của mùa xuân ấy, chàng trai trẻ Petőfi Sándor còn đang tận hưởng những tuần trăng mật với người vợ mới.

Cũng ở đây, nhà thơ trẻ, nhưng đã sở hữu những tố chất để trở thành thi hào dân tộc vĩ đại nhất của Hungary, trong tiết trời thu đượm buồn đã có những vần thơ đầy dự cảm buồn bã, lo âu và cả chết chóc, bao hàm những chủ đề chính của đời người và nhân loại: tình yêu, sự đau khổ và cái chết. “Cuối tháng 9” đã trở thành một thi phẩm tình yêu vào hàng bậc nhất trong thi nghiệp của ông.

Cuộc gặp gỡ định mệnh với vị bá tước

Tất cả khởi đầu trước đó một năm, khi mùa thu 1846, Petőfi tới vùng Erdély (miền đất lịch sử của Vương quốc Hungary, nay thuộc Romania) và được giới thiệu để làm quen với bá tước Teleki Sándor, chủ nhân một lâu đài nhỏ và xinh xắn ở Koltó (2). Chàng trai trẻ có lòng đồng cảm với những thân phận nghèo khổ trước đó chưa từng làm quen với một quý tộc nào.
 
Bá tước Teleki Sándor
Bá tước Teleki Sándor

Đây là lần đầu tôi bắt tay một bá tước sống động”, chàng nói với vẻ gây gổ đặc trưng cho giới trẻ “quật khởi” thời đó. Teleki Sándor đáp trả một cách vui vẻ, “thế hẳn cậu đã đàm đạo với một xác chết chứ?”, và cuộc đối thoại ấy đủ để khởi đầu cho một tình bạn đặc biệt giữa chàng ký giả, nhà thơ trẻ, với một quý tộc có cuộc đời hết sức ly kỳ như trong tiểu thuyết.

Hơn Petőfi hai tuổi, Teleki Sándor có bằng luật sư và tiếp tục theo học các trường đại học ở Berlin, Helle và Jena (Đức). Tuy nhiên, có máu phiêu lưu, năm hai mươi tuổi, ông sang Tây Ban Nha tham dự cuộc nội chiến ở đây, để rồi bị bắt giam - chỉ nhờ sự can thiệp của vị Tổng lãnh sự Pháp Ferdinand Lesseps, người xây kênh đào Suez, ông mới được phóng thích.

Trên đường hồi hương, Teleki Sándor gặp và làm quen với Franz Liszt - người được coi là danh cầm vĩ đại nhất của mọi thời đại, đại diện xuất chúng của trường phái Lãng mạn đương thời. Hứng chí, ông tháp tùng nhà soạn nhạc trong chuyến lưu diễn tại Nga và Paris, nhưng sau đó ông đã trở về nhà đúng thời điểm chàng trai Petőfi đang có mặt ở vùng ông sinh sống.

Mối tình trắc trở và sét đánh

Bá tước Teleki Sándor khuyên nhà thơ trẻ, khi đó thực ra cũng không bận việc gì cấp bách, hãy ở lại vùng Nagykároly một tuần, vì vào 8-9 ở đó có dạ hội của tỉnh khá nổi tiếng. Petőfi nghe lời và đã không phải hối hận: trong dịp đó, chàng có dịp gặp gỡ Szendrey Júlia, và giữa hai người bùng nổ một tình yêu sét đánh. Hai người còn gặp nhau vài lần nữa, có lần tại gia đình cô gái.
 
Tòa lâu đài ở vùng Koltó với nét vẽ của nhà văn Jókai Mór, bạn thân của Petőfi
Tòa lâu đài ở vùng Koltó với nét vẽ của nhà văn Jókai Mór, bạn thân của Petőfi

Tuy nhiên, thân phụ của Júlia cho rẳng chàng trai nghèo không đủ “môn đăng hộ đối” với con gái của ông, và do đó, hai lần cầu hôn của Petőfi đều thất bại. Nhưng rốt cục, sau nhiều tháng trời lưỡng lự, tháng 3-1847, Júlia nhận lời chàng thi sĩ bất kể sự phản đối của cha, và một cách rất lãng mạn, hai người tổ chức lễ thành hôn vào ngày 8-9-1847, tròn một năm sau ngày quen biết nhau.

Và cũng không phải ai khác ngoài bá tước Teleki Sándor - nhà quý tộc duy nhất là bạn của Petőfi - là người đã cho cặp uyên ương trẻ mượn tòa lâu đài của mình ở Koltó trong dịp trăng mật (3). Để lịch sử được công bằng, cần nói thêm rằng chính nhà thơ bần hàn đã nhiều lần gửi thư đề nghị được mượn nơi chốn này “cho oai” với họ nhà gái được xem là có học thức và gia cảnh khá giả.

Tình yêu lớn của Petőfi kéo dài không được lâu: mùa xuân năm 1848, nhà thơ trẻ lao vào cuộc cách mạng, cuộc chiến giành tự do và độc lập của dân tộc Hungary chống lại Đế quốc Áo, và trở thành ca nhân vĩ đại nhất, mang lại cảm hứng cho biết bao người lính nơi trận tiền. Hè 1849, ông ngã xuống trong trận chiến không cân sức ở vùng Segesvár, để lại người vợ trẻ và con côi (4).

Cuối tháng chín

Mối tình nhiều trắc trở và ngắn ngủi của Petőfi với người vợ trẻ mà ông hết mực yêu thương và thần tượng đã là cảm hứng để ông cho ra đời nhiều thi phẩm lãng mạn và mê đắm nhất, như “Em yêu mùa xuân” (Te a tavaszt szereted), “Bụi cây run rẩy, vì...” (Reszket a bokor, mert...), “Mùa thu tới, thu lại tới” (Itt van az ősz, itt van újra), “Anh biết gọi em là gì” (Minek nevezzelek?), v.v...
 
Cặp vợ chồng trẻ
Cặp vợ chồng trẻ

Trong số đó, “Cuối tháng 9” (Szeptember végén) được sáng tác tại lâu đài của bá tước Teleki Sándor ngay khi Petőfi đang trong tuần trăng mật với Júlia, là một bài thơ đặc biệt. Nhà thơ bùi ngùi và hoang mang vì cảm giác trong tim vẫn còn mùa hạ, sắc xuân, nhưng tóc trên đầu đã ngả sang mùa thu và hơi đông thì đã tới bên thềm, lạnh lẽo, khiến hoa rơi và sức sống dần dần lụi tàn.

Phảng phất hơi thở của “Mùa thu chết” (Apollinaire), thi sĩ hình dung cảnh mình sẽ sớm đi xa, hồ nghi người vợ có buồn thổn thức bên mộ phần mình, hay nhánh chóng theo người mới? Và cho dù nếu có vậy, dầu xót xa và buồn cho mối tình trôi qua chóng váng, khóc cho kẻ chóng bạc tình nhưng nhà thơ vẫn biết rằng, trong lòng mình, trái tim ông vẫn mãi yêu nàng, khôn nguôi...

Dự cảm mang tính tiên tri ấy, trớ trêu thay, dường như đã trở thành sự thực. Sau khi Petőfi qua đời ít lâu, Júlia đã tái giá với một nhà phê bình, giáo sư văn học và không mấy để tâm đến người con chung với nhà thơ, mặc cho công luận Hungary chê cười và cả bất bình. Và trong sự công phẫn ấy, hẳn có vai trò của bài thơ được sáng tác trong tâm cảm man mác của sắc trời thu...

Quá khứ an bài

Trở lại với vị ân nhân của Petőfi, bá tước Teleki Sándor, sau bận gặp nhau ở lâu đài mà ông cho nhà thơ mượn trong tuần trăng mật, hai người còn gặp nhau như những người lính giữa trận tiền. Sau khi cuộc chiến độc lập của người Hung thất bại, Teleki Sándor có mặt tại lễ hạ vũ khí ở vùng Világos (5), rồi cùng các vị tướng lĩnh chính yếu của Hungary, ông bị giam tại nhà tù Arad.
 
“Cái chết của Petőfi” (1875), họa phẩm nổi tiếng của danh họa Madarász Viktor
“Cái chết của Petőfi” (1875), họa phẩm nổi tiếng của danh họa Madarász Viktor

Tuy nhiên, không chịu thúc thủ chờ án tử như “13 liệt sĩ Arad” (6), Teleki Sándor đã vượt ngục, trốn thoát, rồi phiêu bạt qua Istanbul, London, v.v... Ông cũng làm quen với Victor Hugo rồi cùng văn hào rời đảo Jersey khi tác giả “Những người khốn khổ” bị đi đày. Tiếp đó, Teleki Sándor lấy vợ tại Anh, rồi đầu quân và trở thành một trong những vị tướng được Garibaldi yêu mến nhất.

Sau 18 năm “chu du thiên hạ” và bị án giảo hình khiếm diện, năm 1867, Teleki Sándor trở về Hungary do được Hoàng đế Franz Joseph ân xá nhân dịp nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung hình thành. Của cải đã bị tịch thu của ông cũng được trả lại, và ông trở thành thành viên của Hội Petőfi, được thành lập để tưởng nhớ người bạn cũ, thi hào, anh hùng dân tộc của Hungary.

Teleki Sándor qua đời năm 71 tuổi, để lại một cuộc đời đầy kỳ tích và biến động khó tưởng tượng. Theo di chúc, năm 1892, tro cốt của ông được chôn dưới gốc cây già trong khu vườn của tòa lâu đài. Cạnh đó, bên một chiếc bàn đá, bạn của ông, nhà thơ nghèo Petőfi Sándor trước đó 45 năm, vào một ngày cuối tháng 9, ôm người vợ trẻ trong lòng, đã giương cặp mắt nhìn ra chốn xa xăm.

Để rồi, mặc dầu hoa vẫn nở đầy tại khu vườn trong thung lũng và bạch dương vẫn ngát xanh bên cửa sổ, nhưng chàng thi sĩ vẫn thấy tuyết trắng đã phủ đầy trên ngọn núi nơi xa, để rồi có những dự cảm bi thảm - ít nhất là trong những vần thơ trác tuyệt. Một điều cần ghi nhận: dù chịu nhiều tai tiếng, Júlia khi qua đời vẫn được yên nghỉ cùng con trai trong ngôi mộ chung của gia đình Petőfi.
 
Mộ phần của gia đình Petőfi và bà Szendrey Júlia tại Budapesten, nghĩa trang Kerepesi
Mộ phần của gia đình Petőfi và bà Szendrey Júlia tại Budapesten, nghĩa trang Kerepesi

Và cho dù đời sau có những đánh giá khác nhau về mối tình của bà với nhà thơ, cũng như về lần kết hôn thứ nhì của bà, diễn ra chóng váng chưa đầy một năm sau khi không tìm ra tung tích của chồng, nhưng trên bia mộ của bà ở nghĩa trang Kerepesi (Budapest), người ta vẫn khắc hàng chữ sau: “Bà Petőfi Sándor, Szendrey Júlia, hưởng dương 39 tuổi”. Hậu thế đã công bằng với bà...

Ghi chú:

(*) Bản dịch của Phan Anh Sơn.

(1) Nay là tỉnh Satu Mare thuộc Romania.

(2) Tiếng Romania: Coltău, một làng nhỏ, hiện thuộc Romania.

(3) Tuần trăng mật kéo dài từ ngày 9/9 tới 19/10/1847. Trong thời gian đó, Petőfi đã cho ra đời 28 bài thơ mới, trong số đó có nhiều tuyệt tác. Hiện nay, tòa lâu đài trở thành một bảo tàng viện Teleki - Petőfi.

(4) Cũng có giả thuyết cho rằng ông bị thương nặng, sau đó bị bắt đưa về vùng Siberia (Nga) và tại đó, ông lập gia đình mới, có con.

(5) Làng nhỏ, nay thuộc Romania, nơi vào ngày 13-8-1849 quân đội Hungary đã hạ vũ khí trước các đạo quân Nga hoàng, khi đó tới tiếp viện cho Đế quốc Áo.

(6) Các tướng lĩnh yêu nước của Hungary bị tử hình đồng loạt ngày 6-10-1849 tại vùng Arad sau khi cuộc cách mạng 1848-1849 thất bại. Đây được coi là một trong những sự kiện bi thương nhất của lịch sử cận đại Hungary.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh - Tháng 12-2017