LỄ RA MẮT QUỸ SỬ HỌC ĐINH XUÂN LÂM
- Thứ ba - 06/02/2018 03:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Hôm qua, 4-2-2018, trong cái se lạnh của mùa đông Hà Nội những ngày cuối Chạp, khi phố xá đã tưng bừng sắc đỏ hồng của hoa đào và sắc vàng của quất những ngày áp Tết, tôi có cơ may được tham dự “Lễ ra mắt Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm và trao giải thưởng lần thứ nhất”.
Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm, một cây đại thụ của làng sử học Việt Nam, mất vừa đúng một năm.
Do có trưởng nam là kỹ sư Đinh Xuân Thọ và con dâu là BS. Đặng Phương Lan, cùng các cháu nội sinh sống ở Hungary, mà ông đã qua Hungary nhiều lần và có nhiều kỷ niệm gắn bó với đất nước Hungary và cộng đồng người Việt ở đây. Báo “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) cũng đã hai lần tổ chức cho ông giao lưu với những người quan tâm tới lịch sử của đất nước, là lĩnh vực nghiên cứu chính của nhà giáo nhân dân, nhà khoa học tài danh này.
Đặc biệt có một lần, chúng tôi đã tổ chức cho ông và NSND. Đặng Nhật Minh cùng giao lưu với cộng đồng. “Hai ông”, như cách gọi của chúng tôi, vừa là bạn thân tình, vừa là chỗ “xui gia” của nhau, vì con gái cưng của đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh chính là nữ bác sĩ Đặng Phương Lan, một gương mặt sáng giá của cộng đồng Việt tại Hungary và cũng là CTV lâu năm của NCTG.
Do có trưởng nam là kỹ sư Đinh Xuân Thọ và con dâu là BS. Đặng Phương Lan, cùng các cháu nội sinh sống ở Hungary, mà ông đã qua Hungary nhiều lần và có nhiều kỷ niệm gắn bó với đất nước Hungary và cộng đồng người Việt ở đây. Báo “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) cũng đã hai lần tổ chức cho ông giao lưu với những người quan tâm tới lịch sử của đất nước, là lĩnh vực nghiên cứu chính của nhà giáo nhân dân, nhà khoa học tài danh này.
Đặc biệt có một lần, chúng tôi đã tổ chức cho ông và NSND. Đặng Nhật Minh cùng giao lưu với cộng đồng. “Hai ông”, như cách gọi của chúng tôi, vừa là bạn thân tình, vừa là chỗ “xui gia” của nhau, vì con gái cưng của đạo diễn điện ảnh Đặng Nhật Minh chính là nữ bác sĩ Đặng Phương Lan, một gương mặt sáng giá của cộng đồng Việt tại Hungary và cũng là CTV lâu năm của NCTG.
Sau một đời gần 60 năm tận tụy dạy học và bền bỉ, đam mê nghiên cứu lịch sử, ông đã để lại gần bốn trăm công trình nghiên cứu khoa học trên đủ các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tư tưởng, giáo dục v.v… và khoảng 90 đầu sách, một di sản khổng lồ của một sức làm việc đáng kinh ngạc.
Ông là người đã đặt nền móng cho chuyên ngành lịch sử cận, hiện đại Việt Nam, đã hướng dẫn thành công hàng chục luận án tiến sĩ và tiến sĩ khoa học. Bạn bè, đồng nghiệp và các học trò của ông còn nhớ mãi hình ảnh thầy Lâm uyên bác mà khiêm nhường, nghiêm khắc mà chân tình, lịch lãm và sâu sắc, tận tụy và kỹ lưỡng; một nhà giáo, nhà khoa học mẫu mực, đức độ và tâm huyết.
Theo giấy mời, chúng tôi qua khu khuôn viên rộng rãi của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, lên Hội trường chính trên tầng 8 nhà E. Dù còn sớm, nhưng ngoài sảnh và trong hội trường đã khá đông người. Nhiều người từ các vùng khá xa như Hải Phòng, Huế, TP. HCM…, đặc biệt có một số bạn bè của anh Thọ và chị Lan từ Hungary cũng về dự lễ ra mắt Quỹ mang tên ông, điều đó nói lên sự yêu quý, kính trọng của bạn bè, đồng nghiệp và nhiều thế hệ học sinh đối với GS. Lâm.
Vào đúng ngày sinh lần thứ 93 của cố giáo sư khả kính, buổi lễ ra mắt Quỹ và trao giải thưởng lần đầu cho các sinh viên, thạc sĩ và tiến sĩ sử học có thành tích học tập và nghiên cứu khoa học suất sắc đã được Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Sử và gia đình tổ chức rất chu đáo.
Hội trường được trang đẹp trí và trang trọng, hai bên cánh gà là hai tấm phông có chiếu hình mờ của một đóa hồng nhung làm nền cho hai câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Pháp Louis Aragon: “Nếu phải đi trở lại/ Tôi sẽ đi đường này”, gợi nhớ tới lời tâm sự của GS. Đinh Xuân Lâm với đồng nghiệp và học trò của ông trước khi nghỉ hưu: “Nếu có kiếp sau và lại được chọn nghề, thì tôi vẫn chọn nghề dạy học”.
Năm 1988, khi được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, ông đã nói với các học trò đến chúc mừng những lời gan ruột: “Huân chương vô giá, đối với tôi, đó chính là thế hệ các anh và những thế hệ sau các anh mà tôi đã góp phần đào tạo, những thế hệ đã và đang đóng góp lao động có ích cho xã hội ở nhiều lĩnh vực”.
Trong buổi lễ, GS. Phan Huy Lê, một trong nhóm tứ trụ “Lâm, Lê, Tấn, Vượng” đã xúc động kể lại những kỷ niệm về người bạn thân thiết của mình. Ông cho biết cách đây gần chục năm, cùng với GS. Lâm, hai ông đã đi thăm lại một số di tích cổ của Hà Nội và dừng lại rất lâu ở chùa Láng. GS. Lâm đã lần đầu tiên tâm sự với bạn mình về ý nguyện thành lập một Quỹ sử học mang tên ông để khích lệ các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh học tập, nghiên cứu và theo đuổi sự nghiệp của lớp đàn anh đi trước.
Sinh thời GS Lâm đã có nhiều gắn bó với các địa phương như Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Nội, do đó ông muốn, Quỹ sẽ trao giải thưởng thường niên cho các sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ có thành tích học tập xuất sắc và công trình nghiên cứu nổi bật được Ban điều hành Quỹ lựa chọn, ưu tiên cho những người có đề tài liên quan tới lịch sử Việt Nam cận hiện đại, ở các cơ sở đào tạo từ Huế trở ra phía Bắc.
Ông muốn như vậy có lẽ vì ngoài sự gắn bó với các cơ sở trên, ông biết rõ những người học tập và nghiên cứu lịch sử phía Nam có cơ hội đoạt Giải thưởng Khoa học Trần Văn Giàu, do GS. Trần Văn Giàu sáng lập năm 2002, trao cho các tác giả có công trình nghiên cứu xuất sắc về lịch sử và lịch sử tư tưởng khu vực phía Nam.
GS Đinh Xuân Khánh, trưởng Ban Điều hành Quỹ cho biết, sau khi GS. Đinh Xuân Lâm qua đời (25-1-2017), nguyện vọng của ông đã được Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Sử và gia đình ủng hộ, nhưng cũng phải mất 5 năm vất vả, khẩn trương kể từ khi nêu ý tưởng mới làm đủ các thủ tục cho ngày ra mắt Quỹ mang tên GS. Đinh Xuân Lâm hôm nay.
Anh Đinh Xuân Thọ, cũng là đồng Chủ tịch Quỹ cùng BS. Đặng Phương Lan, đã thay mặt gia đình nói những lời rất xúc động về cha mình: “Bố tôi, trong cả cuộc đời của mình, không bao giờ phấn đấu vì chức danh, không bao giờ làm việc vì tiền của. Sau khi nhắm mắt xuôi tay, giá trị mà bố tôi để lại cũng là cái không thể đem ra cân đong đo đếm được. Đó là sự gắn bó của ông đối với bộ môn lịch sử và mong ước được truyền tải những giá trị của việc nghiên cứu học tập lịch sử tới các thế hệ mai sau. Chính vì những lý do trên, chúng tôi đã có ý tưởng thành lập Quỹ Sử học Đinh Xuân Lâm...”.
Lần đầu tiên Quỹ đã trao giải thưởng cho 15 sinh viên (mỗi giải 5 triệu VNĐ), ba thạc sĩ (mỗi giải 10 triệu VNĐ) và hai tiến sĩ (mỗi giải 20 triệu VNĐ).
Ý nguyện của GS. Đinh Xuân Lâm đã thành hiện thực. Xin chúc mừng Anh Đinh Xuân Thọ, chị Đặng Phương Lan và gia đình!