Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


IM MEMORIAM RÓBERT LÁSZLÓ

(NCTG) Nhận được tin từ anh Phạm Khuê ban chiều, mới hay Róbert László vừa qua đời hôm nay vì viêm phổi. Mình hết sức bàng hoàng vì mặc dù biết ông tuổi đã rất cao, nhưng mới hôm qua, hai anh em còn bàn nhau thứ Sáu này thu xếp tới thăm ông vì: “Ông ấy mừng nếu Việt Nam đến thăm. Yếu rồi”.
Ký giả Róbert László (1926-2019)
13-2 này là sinh nhật lần thứ 93 của Róbert László, nhưng ông đã không chờ tới được ngày đó. Hungary mất đi vị “lão trượng” của nền báo chí thế kỷ 20, con người đã trải qua rất nhiều biến cố phiêu lưu trong đời như khi bị một sĩ quan SS ra lệnh phải rửa kỹ xẻng trước khi đào huyệt tự chôn mình!

Sinh năm 1926, Róbert László thuộc lớp ký giả cựu trào và tài năng nhất của Hungary. Tốt nghiệp khoa Pháp văn Đại học Pázmány Péter, năm 1948 ông tiếp tục theo học Institut d’ Etudes Politiques tại Paris. Học để trở thành nhà giáo, nhưng rồi ông bỏ nghiệp sự phạm vì niềm đam mê với báo chí.

Khởi đầu sự nghiệp báo chí tại Đài Phát thanh Hungary trong BBT Ngoại văn (Pháp - Ý - Tây Ban Nha) thời kỳ 1954-1956, Róbert László tiếp tục làm việc trên cương vị ký giả các tờ báo lớn của Hung như “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), “Tiếng dân” (Népszava), rồi Hãng Thông tấn Hungary MTI.

Ông từng là phóng viên thường trú tại Rome, Paris, Beirut, Bagdad, Cận Đông, v.v... và được nhận nhiều giải thưởng báo chí lớn trong nước và quốc tế, như Giải Báo chí Quốc tế Rome, Giải Táncsics Mihály (2004), Giải Pulitzer Hungary (2007). Năm 1989, ông giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Hungary.

Khi đã về hưu, Róbert László còn làm tờ tạp chí (tiếng Tây Ban Nha) “Hungaria” của Bộ Ngoại giao Hungary, và bản tiếng Hung của tờ “Le Monde Diplomatique” (đây là phiên bản tiếng ngoại quốc duy nhất của tờ tạp chí ấn hành tại Paris này). Ngoài ra, ông còn là tác giả của một số đầu sách.

Ngoài làm phim, viết báo, Róbert László còn giảng dạy tại khoa Báo chí Đại học Strasbourg (1971-2002), tại Trường Cao đẳng Điện ảnh Budapest và khoa Truyền thông Đại học Pécs. Không chỉ là một phóng viên chiến trường dày dạn và quả cảm, ông còn là một chuyên gia về những vùng đất xa lạ.

Róbert László có rất nhiều duyên nợ với Việt Nam. Thập niên 60, ba lần ông được cử sang Đông Dương làm phóng viên chiến trường, và những thước phim ông quay được trong những khoảnh khắc ác liệt nhất của cuộc chiến Việt Nam đã khiến tên tuổi ông được biết đến trong làng báo chí quốc tế.

Thời kỳ 1971-73, là phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Hungary tại Paris, Róbert László đã có dịp theo dõi sát sao Hòa đàm Paris để rồi sau đó, ông đề nghị được tham gia Phái bộ Hungary của Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (ICCS) giám sát sự thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam.

Trên cương vị Phát ngôn viên của Phái bộ Hungary, vị ký giả đã chứng kiến những ngày cuối cùng của chiến tranh và những tháng đầu tiên của hòa bình trên mảnh đất hình chữ S. Ông cũng đã ghi lại những hoạt động của ông và nhóm ICCS tại Nam - Việt Nam vớ nhiều chi tiết đời thường thú vị.

Riêng về đề tài Việt Nam, Róbert László đã cho ấn hành hai cuốn sách “Rượu whisky với bom - Nhật ký từ Đông Dương” (Whisky bombával - Napló Indokínából, 1971) và “Khách sạn Hoàn Mỹ” (Hotel Majestic, 1978) - cuốn thứ hai được người bạn thân của ông, nhà văn Graham Green viết lời nói đầu.

Sách được nhà báo kỳ cựu viết ra mong muốn khắc họa “những con người mà cuộc đời được lịch sử tạo nên và những người đã tạo nên lịch sử bằng cuộc đời của họ”. Được biết, cẩm nang duy nhất Róbert László mang tới Việt Nam vào dịp phục vụ trong ICCS là cuốn “Một người Mỹ trầm lặng”.

Là người đi nhiều, quan hệ rộng với giới báo chí và có óc quan sát, nhìn nhận như một nhà văn, một địa danh không thể thiếu được trong hành trình của ông là khách sạn Hoàn Mỹ (Hotel Majestic) trên rue Catinat (đường Tự Do trước 1975, nay là đường Đồng Khởi), con lộ kỳ cựu nhất tại Sài Gòn.
 
Thủ bút của Róbert László trong cuốn “Rượu whisky với bom - Nhật ký từ Đông Dương” (Whisky bombával - Napló Indokínából, 1971) - Ảnh tư liệu
Thủ bút của Róbert László trong cuốn “Rượu whisky với bom - Nhật ký từ Đông Dương” (Whisky bombával - Napló Indokínából, 1971) - Ảnh tư liệu

Róbert có mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam, tràn đầy yêu thương và ngưỡng mộ”, đồng nghiệp của ông, ký giả cựu trào Dunai Péter - người từng tác nghiệp tại Việt Nam sau ông gần 10 năm và cũng cho ra một cuốn sách giá trị “Mười ngàn cây số tại Việt Nam” (Tízezer kilométer Vietnamban) nhận xét.

Một nhân chứng Hungary khác của nền hòa bình tại Việt Nam, Thượng tướng về hưu, Cựu Cục trưởng Cục Quân báo Hungary, TS. Botz László, hiện là Chủ tịch Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam thì cho hay, “Róbert theo dõi những sự kiện với một nhiệt huyết khổng lồ, ông đi khắp nơi trên đất Việt.

Róbert đã gặp gỡ những người lính và cư dân đang đang rên xiết vì chiến tranh, tại các thành phố cũng như làng mạc hẻo lánh. Là một đồng đội tuyệt vời của chúng tôi, không quản hiểm nguy, ông tìm đến những điểm nóng bỏng của xung đột và muốn tường thuật mọi thứ
” - TS. Botz László hồi tưởng.

Thiện cảm và sự quý mến mà Róbert László dành cho Việt Nam ngày càng mạnh và không hề thuyên giảm kể cả khi ông đã trở về nước, ông sẵn sàng thuật lại về thời kỳ làm việc tại Nam - Việt Nam. Hơn tám năm trước, khi có dịp tới thăm ông tại tư gia, mình vẫn cảm giác như ông vừa trở về từ xứ Việt.

Róbert László rất vui khi xem cuốn kỷ yếu về 60 năm quan hệ Việt Nam - Hungary mà mình có dịp góp mặt như một BTV, và có một số bài vở, trong đó có bài về ICCS nhắc nhiều đến ông. Căn hộ của ông có rất nhiều sách vở, tư liệu của một đời làm báo, và bừa bộn không kém gì nơi mình làm việc.

Trò chuyện với ông khoảng 3 tiếng đồng hồ, rồi mình được hai ông bà mời dùng bữa trưa do chính các cụ nấu. Vợ ông, một bác sĩ gốc Pháp, rất hiền bảo mình, “chồng tôi yếu rồi, giờ ít đi lại được lắm, nhưng anh đến thăm thế này ông ấy mừng lắm, vì vẫn nhớ đến Việt Nam, một phần đời ổng...”.

Rất tiếc là trong dịp đó, mình có trò chuyện... suông vậy, chứ không thể, và cũng không có ý định “khai thác” gì thêm từ Róbert László về bất cứ điều gì, kể cả về Việt Nam. Kiến văn của ông quá rộng, ông đi lại quá nhiều và quá quảng giao, khiến mình thấy “ngợp” và tự nhiên bối rối, chả biết làm gì...

Thời gian trôi qua, rất nhiều lần mình dự định, tâm niệm sẽ phải tiếp cận những nhân chứng sống Hungary cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam, mà ông đứng đầu bảng. Nhưng rồi bận rộn công việc, chuyện cơm áo không đùa nổi... để tới hôm nay nghe tin ông qua đời, mới biết mình đã rất chậm.

Chúng tôi sẽ rất thiếu vắng ông”, TS. Botz László chia sẻ ngay sau khi được biết tin Róbert László qua đời. Còn cựu ký giả Dunai Péter, người đánh giá ông là “một nhà văn, nhà báo hết sức đa năng”, thì tin tưởng rằng “kỷ niệm về ông sẽ được gìn giữ ở đây, tại Hungary, và cả tại xứ sở Việt Nam xa xôi”.

Vĩnh biệt Róbert László!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh