Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HIỆN THỰC

(NCTG) Hãy đưa ra một cử chỉ, một tín hiệu chống lại sự xua đuổi, chống lại việc phân biệt chủng tộc, chống lại việc thù địch người nước ngoài đang có ở trên Facebook hay bất kỳ ở đâu. Kỳ thị chủng tộc bắt đầu từ những suy nghĩ trong những cái đầu của chúng ta!.
Chúng ta có thể quyết định Tự do và sự Xa xỉ của chúng ta, để giúp con người và có thể chia sẻ cho đi, dù rằng chỉ tí chút
Trong vòng hai tuần đã có trên 63 ngàn người tỵ nạn đi tàu từ Budapest, qua Áo đến München. Hôm qua lúc chiều muộn khi chúng tôi rời nhà Ga Chính (München Hauptbahnhof) cũng là lúc đồng thời ở biên giới Áo thiết lập việc tái kiểm tra và tất cả những chuyến tàu từ Áo đến München sẽ bị ngừng chạy cho đến sáng thứ Hai.

Sau một tuần dài mưa lạnh thì ở đây München lại hửng nắng. Trưa thứ Bảy này ấm áp. Trên đường ra nhà Ga Chính, trong ô tô lại chất đầy hàng thùng tã lót trẻ em, đồ nhấm nháp, nước quả nghiền cho em bé mà chúng tôi vừa mua trước đó ở trung tâm thương mại Sân vận động và một ít đồ trẻ sơ sinh cùng khăn tắm, khăn mặt…

Bỗng từ radio vang lên điệu nhạc nhảy dịu dàng pha lẫn âm điệu guitar thùng của ca khúc “Reality” (Hiện thực) của Lost Frequency, bản nhạc đứng đầu bảng hiện tại trên khắp châu Âu. “Luôn có một quyết định mới, cho tôi, đi bất kỳ đâu mà dòng đời đẩy tôi đến”.

Cũng như vậy, chúng tôi cũng quyết định bất chợt là mình lại ra Ga Chính để giúp đỡ người tỵ nạn, khi chúng tôi được biết là trong thứ Bảy này sẽ có trên 13 ngàn người đến Ga Chính München. Con số cao nhất kể từ ngày 31-8 đến giờ.

Chúng tôi lại đứng tại chính chỗ bên cổng hông của Ga Chính như tuần trước, trên quảng trường trước Bảo tàng Thiếu nhi và cùng với những nhân viên thiện nguyện khác phân phát đồ cho mọi người để họ thật nhanh ra xe buýt chở tiếp đến những địa điểm tạm trú khẩn cấp tiếp theo.

Hai người phụ nữ Đức trung niên phân phát những gói kẹo gấu cao su nhỏ cho trẻ em và hỏi tôi với giọng khàn đục của người hút thuốc lá: “Cháu mua những đồ này bằng tiền của cháu chứ?”. Tất yếu, tôi trả lời họ là “vâng”. Hai bà gật đầu với tôi và đáp lại: “Hay lắm, tuyệt vời, cháu ạ!”.

Tôi không thấy hay và tuyệt vời gì cả. Bởi theo thống kê của một nghiên cứu của trường Đại học Tổng hợp Humbold Berlin và Oxford thì tôi chính thuộc về nhóm người: nữ, có học và có nguồn gốc nhập cư - là những người rất nhiệt tình hăng hái giúp những ai gặp khó khăn cần giúp đỡ.

Nhưng đáng tiếc là có nhiều “Người Đức mới” hoặc ngoại kiều đã quên mất rằng chính họ cũng đã từng phải chạy trốn như vậy từ đất nước mình đến đây, với rất nhiều lý do như cuộc sống vốn có.

Chúng tôi, cụ thể là cha mẹ chúng tôi đã có may mắn là người thợ khách đến đất nước này. Nhưng về nguyên tắc cũng là sự chạy trốn khỏi Việt Nam thời ấy. Những năm tháng hậu chiến, giữa thập kỷ 70 trở đi là những năm đói khổ nhất.

Nếu như ngày ấy mà có một con đường, một lối thoát khác thì bố mẹ tôi cũng như hàng trăm ngàn người thợ khách còn lại kia cũng không bao giờ rời bỏ quê hương và gia đình mình cả.

Chính vậy, nên hơn cả tất yếu là tôi sẽ giúp đỡ những người mới đến này những gì tôi có thể. Tôi không thuộc vào nhóm tuổi từ 20-30 nữa hoặc lớn hơn 40 nên khá đặc biệt. Lạ lùng là nhóm người giữa 30-40 tuổi này ít nhiệt tình tham gia hơn trong công việc này.

Trong chúng ta, còn biết bao người dân tốt nhưng họ không cảm thấy liên quan gì đến mình. Họ không giúp đỡ vì không biết gì và sợ. Sợ là hệ quả của sự không biết, sự bất tri.

Tất cả những người này từ đâu đến đây?”. Tôi được hỏi như vậy. “Họ muốn gì ở đây vậy?”.

Trong họ có nhiều người đến từ những vùng chiến sự khốc liệt của cuộc nội chiến ở Syria, những vùng bị đội quân của nhà cầm quyền Assad, Tổng thống Syrien, và của IS (Nhà nước Hồi giáo) khủng bố.

Năm 2011 Liên Hiệp Quốc đã kết án trong một giải trình về việc vi phạm nhân quyền và bạo lực đối với thường dân. Cho đến 2014, hàng trăm ngàn người đã bị thiệt mạng mà trong đó rất nhiều trẻ em. Điều đó có nghĩa là, có những người thậm chí bị giam giữ và tra tấn nếu không chịu cải đạo.

Dù người ta tin hay không thì cái ta nhìn thấy là kể cả thủ đô Damaskus hoàn toàn trở thành đống đổ nát, hoang tàn. Những bức ảnh như trong Đệ nhị Thế chiến. Tình trạng y hệt như trong Thế chiến cuối cùng vậy.

Tính sơ bộ, trên thế giới, có khoảng 60 triệu người phải trốn chạy ra ngoại quốc hoặc trốn chạy ngay trên đất nước mình. Y như trong Đệ nhị Thế chiến.

Vậy tất cả họ muốn gì ở đây?

Chạy trốn khỏi nơi không còn một lối thoát, sống sót và sống.

Đã từng là người môi giới bất động sản và có mức lương bổng cao (đối với Syria) ở đất nước mình thì có bao giờ anh ấy, một thanh niên người Syria 24 tuổi trong trại tỵ nạn ví dụ ở Kaiserdamm Berlin, lại có thể tưởng tượng được rằng, có một ngày anh ấy trở thành một người tỵ nạn.

Anh ấy ước mong mình sẽ được làm một cái gì đó với nghề đồ họa. Tôi là nhà một thiết kế đồ họa và tôi cầu chúc cho anh ấy thực hiện được giấc mơ của mình.
 
Những mảnh đời trên ga...
Những mảnh đời trên ga...

Một người tỵ nạn khác từ Damaskus, một người đàn ông 60 tuổi, nói trôi chảy tiếng Anh. Ở nước mình ông đã làm việc trong ngành du lịch. Ông có một ngôi nhà to nhưng giờ ngôi nhà đó đã bị phá hủy hoàn toàn. Ông đã phải bỏ vợ và con mình ở lại trong nước.

Trước kia ông đã từng có vài lần đi dự hội chợ ở Đức, ông cũng từng có một vài người bạn ở đây. Nhưng ông ngượng ngùng khi đến bạn vì bây giờ ông là người tỵ nạn. Ông đã gắng tìm mọi cách để có một công việc, để có sự ổn định rồi đón gia đình vợ và con ông sang.

Có vô số những câu chuyện quen thuộc tôi biết của những con người trên đường trốn chạy mà tôi không thể nào giúp đỡ được. Cùng lắm là chỉ chút ít khi họ đặt chân đến ở nhà Ga Chính này mà thôi.

Những chuyến xe buýt với tấm bảng đề “Chuyến xe nội bộ” nhanh chóng đầy chật và lập tức khởi hành. Để ngay sau đó, những người khác lại tiếp tục đứng vào hàng chờ ở trước lều nhỏ màu da cam. Một vài người mệt mỏi ngồi xuống ghế băng. Vài người khác đứng xếp vào hàng với sự rạng rỡ trên mặt, đầy vui mừng và nụ cười nở rộng.

Đặc biệt hôm nay có rất nhiều trẻ em. Một thiếu phụ bế trên tay một em bé khoảng sáu tháng tuổi mặc quần tất màu lông chuột. Đồ của chúng tôi lập tức được phân phát hết ngay trong vài giây đồng hồ.

Quá nhiều người đến hôm nay. Tối muộn chúng tôi về nhà và khi chúng tôi lên giường là lúc những nhân viên thiện nguyện khác làm việc đến tận đêm khuya. Họ phát đồ ăn và nước uống.

Đã lại sang một ngày mới. Không còn đủ chỗ để trú khẩn cấp nữa, không còn chăn và nước uống thì thiếu. Chúng tôi đóng gói sáu cái chăn dù là mỏng thôi, một cái chăn to với lớp cách nhiệt của chúng tôi cùng ba chăn nữa cho baby, túi đựng những vật tối cần cho baby vào ô tô và gắng tìm cho được một siêu thị.

Tất cả những cửa hàng cạnh Ga Chính ngày chủ nhật cũng đóng cửa. Nhưng may mắn, chúng tôi đã tìm thấy được một cửa hàng mở cửa cho tình trạng đặc biệt này. Hầu như hàng họ ở đó đều bán sạch. Người ta đã lấy từ trong kho ra một két nước suối đưa cho tôi. “Ôi, cám ơn”, tôi mừng quá.

Ngoài ra, những gói bánh quy còn sót lại ở đó nữa tôi cũng đã mua hết sạch.

Chúng tôi chở tất cả những thứ đó ra điạ điểm thâu nhận hàng cứu trợ mới ở ngay chéo quảng trường Ga (Bahnhofplatz). Trường trung học Luise đã phải dọn dẹp vì tuần này trường sẽ bắt đầu học lại.

Một xe buýt đậu tại chỗ để làm điểm thông tin cho những người làm thiện nguyện có thể đăng ký tại đó. Toàn bộ khúc đường đi bộ của phố Luise từ phố Elisen đến tận phố Prielmayer được chất đầy những bao tải, túi: chăn, nước uống, thực phẩm.

Một phụ nữ mang đến một túi ngủ với lông cừu cho baby, một khách qua đường dừng lại và hỏi anh ấy còn giúp được gì không. Vô vàn những phụ nữ cũng như đàn ông đẩy những xe mua hàng đầy ự nước uống và các loại bánh ra cửa hông của Ga là nơi mà những chuyến tàu chở người tỵ nạn đến.

Lại nhiều trẻ em quá. Thấy tất cả mọi người đều rất yên lặng và bình tĩnh. Không có đứa trẻ nào khóc quấy. Những khuôn mặt họ đều mang dấu ấn của mệt mỏi và tâm trạng buồn rầu.

Khi rời nhà Ga, mắt ứ lệ nhưng chúng tôi gắng nuốt xuống. Thật là quá đau buồn khi phải nhìn những con người cùng với bao trẻ con trong hoàn cảnh thế này. Nhưng họ đã đến đây được và như vậy trước mắt, họ đã sống sót.

Đến nhà, chúng tôi gặp ông láng giềng của mình và bàn bạc xem tuần tới chúng tôi có thể làm được gì cho những người dân tỵ nạn.

Ở phố Schweren Reiter 2, 80897 München có Hội đoàn “Kreative Hilfe für Hlüchtlinge” (Giúp đỡ người tỵ nạn một cách sáng tạo). Đây là một tổ chức đặc biệt giúp đỡ thanh thiếu niên không có người thân, nhất là những trẻ mồ côi. Quần áo và những đồ cứu trợ khác rất được hoan nghênh ở đây. Ai muốn giúp đỡ thiện nguyện thì hàng ngày từ 10 giờ đến 14 giờ có thể đến làm việc cùng.

Chúng tôi cố gắng bố trí để chở một phần hàng quyên góp cứu trợ của VINAPHUNU xuống München này vào thứ Hai tới. Thật là một sự giúp đỡ to lớn khó tin vì trong vòng thời gian rất ngắn kêu gọi mà đã có biết bao tấm lòng đến quyên góp hàng cứu trợ cho người tỵ nạn ở câu lạc bộ như vậy.

Hãy quyên góp tiếp, những gì các bạn có thể. Nhất là chăn, đồ tắm rửa vệ sinh như thuốc đánh răng, gội đầu… và đồ trẻ em, kể cả đồ chơi, bút vẽ và sữa cho trẻ sơ sinh.

Từ giờ đến cuối năm sẽ còn có tổng cộng ít nhất hơn 1 triệu người tìm đến nơi trú ẩn an toàn là nước Đức. Trong đó sẽ có rất nhiều trẻ em, chúng chính là những “Tần số mất mát” trong bài hát của EU, bài hát này có tên là “Hiện thực” khi mà trong thứ Hai tới này, những nhà lãnh đạo các quốc gia sắp tới sẽ gặp gỡ tại Brüssel, nhưng không nhất trí với nhau việc giải quyết (phân phối và nhận) vấn đề người tỵ nạn tiếp theo thế nào.
 
Hôm nay tôi có một triệu, ngày mai tôi không thể biết được sẽ thế nào?
Được nhảy múa dưới ánh trăng, chẳng phải là ta đã có tất cả sao?

Đó là câu kết thúc của bài hit số 1 hiện nay và hiện tại tất cả chúng ta đều đang nhảy theo bản nhạc này.

Phải, về nguyên tắc, tất cả chúng ta đều có tất cả, kể cả khi có thể không có tiền, nhưng chúng ta có thể quyết định “Tự do và sự Xa xỉ” của chúng ta, để giúp con người và có thể chia sẻ cho đi, dù rằng chỉ tí chút.

Hãy đưa ra một cử chỉ, một tín hiệu chống lại sự xua đuổi, chống lại việc phân biệt chủng tộc, chống lại việc thù địch người nước ngoài đang có ở trên Facebook hay bất kỳ ở đâu. Kỳ thị chủng tộc bắt đầu từ những suy nghĩ trong những cái đầu của chúng ta! (*)

Ghi chú (của NCTG):

(*) Tác giả bài viết, Aymi Tran (Trần Vân Ngọc) là một cô gái gốc Việt, được biết đến với rất nhiều hoạt động xã hội và văn hóa mà cô đã tham gia, hoặc tổ chức. Từ nhiều ngày nay, cô đã cùng gia đình tham gia công tác cứu trợ người tỵ nạn tại TP. München, nơi cô cùng gia đình sinh sống. Bản dịch tiếng Việt do chị Hoài Thu thực hiện.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Aymi Tran, từ München (CHLB Đức)