Giúp bạn xem phim: BẢN HÙNG CA CỦA LƯƠNG TRI VÀ ÁNH SÁNG TRONG BÓNG TỐI TỬ THẦN
- Chủ nhật - 20/03/2016 16:38
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Và giải Oscar thuộc về... “Con trai của Saul”, Hungary”. Lời tuyên bố của nữ minh tinh người Colombia, Sofia Vergara vang lên vào hồi 5h sáng ngày 29-2 theo giờ Hungary đã khiến rất đông người Hung còn thức thâu đêm để chờ đợi vỡ òa trong niềm vui sướng. Nhiều cặp trai gái đã nhảy cẫng lên và ghì chặt nhau vào lòng, không ít người không giấu được những giọt nước mắt tuôn trào.
Nghe bản audio ở đây.
Sau 34 năm kể từ năm 1982, điện ảnh Hungary có thêm một Tượng vàng Oscar trong hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” sau khi vượt qua các đối thủ nặng ký khác trong lễ trao giải lần thứ 88 tại Hoa Kỳ. Với 2 lần chiếm ngôi vị quán quân trong tổng số 9 lần được đề cử Tượng vàng Oscar, Hungary lọt vào 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới về điện ảnh, xét trên góc độ này.
“Con trai của Saul”, bộ phim đoạt giải được coi là ứng viên hàng đầu của giải Oscar, sau khi đã giành được gần 40 giải thưởng trong và ngoài nước, trong đó có những giải rất quan trọng như Giải thưởng lớn của Ban giám khảo LHP Cannes (Pháp), hay giải Quả cầu vàng, được coi là ngưỡng cửa bước vào ngôi đền Oscar, đỉnh cao danh vọng đối với một đạo diễn, một nhà làm phim.
Đạo diễn bộ phim, ông Nemes Jeles László, năm nay 39 tuổi, được coi như một công dân toàn cầu. Sinh trưởng tại Budapest trong một gia đình mà thân phụ cũng là đạo diễn nổi tiếng, Nemes đã có 14 năm sinh sống và học tập ở Paris từ những năm thiếu thời. Đến với nghệ thuật điện ảnh từ rất sớm, năm 14 tuổi, Nemes đã tìm tòi quay tại gia những phim đầu tiên với đề tài kinh dị.
Sau một thời gian làm trợ lý cho các đạo diễn nổi tiếng, Nemes bắt đầu quay các bộ phim ngắn và gặt hái được ba chục giải thưởng tại hàng trăm liên hoan phim trên thế giới. Tiếp tục có thời gian làm việc và tu nghiệp ở Pháp và Mỹ, ông được biết tới rộng rãi trong nghề trước khi bước vào thử thách lớn tiếp theo: làm một bộ phim truyện dài đầu tay - và để đời - để khẳng định mình.
Và “Con trai của Saul” đã là một tác phẩm như thế. Đề tài của phim - tội ác diệt chủng của Đức quốc xã đối với sắc dân Do Thái trong Đệ nhị Thế chiến” - không phải là xa lạ, và đã là đất dụng võ cho nhiều tác phẩm điện ảnh lừng lẫy như “Bản danh sách của Schindler” hay “Nghệ sĩ dương cầm”, nhưng đã được Nemes khai thác theo một hướng đi hoàn toàn khác, mới mẻ và ám ảnh.
Sau 34 năm kể từ năm 1982, điện ảnh Hungary có thêm một Tượng vàng Oscar trong hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” sau khi vượt qua các đối thủ nặng ký khác trong lễ trao giải lần thứ 88 tại Hoa Kỳ. Với 2 lần chiếm ngôi vị quán quân trong tổng số 9 lần được đề cử Tượng vàng Oscar, Hungary lọt vào 10 quốc gia hàng đầu trên thế giới về điện ảnh, xét trên góc độ này.
“Con trai của Saul”, bộ phim đoạt giải được coi là ứng viên hàng đầu của giải Oscar, sau khi đã giành được gần 40 giải thưởng trong và ngoài nước, trong đó có những giải rất quan trọng như Giải thưởng lớn của Ban giám khảo LHP Cannes (Pháp), hay giải Quả cầu vàng, được coi là ngưỡng cửa bước vào ngôi đền Oscar, đỉnh cao danh vọng đối với một đạo diễn, một nhà làm phim.
Đạo diễn bộ phim, ông Nemes Jeles László, năm nay 39 tuổi, được coi như một công dân toàn cầu. Sinh trưởng tại Budapest trong một gia đình mà thân phụ cũng là đạo diễn nổi tiếng, Nemes đã có 14 năm sinh sống và học tập ở Paris từ những năm thiếu thời. Đến với nghệ thuật điện ảnh từ rất sớm, năm 14 tuổi, Nemes đã tìm tòi quay tại gia những phim đầu tiên với đề tài kinh dị.
Sau một thời gian làm trợ lý cho các đạo diễn nổi tiếng, Nemes bắt đầu quay các bộ phim ngắn và gặt hái được ba chục giải thưởng tại hàng trăm liên hoan phim trên thế giới. Tiếp tục có thời gian làm việc và tu nghiệp ở Pháp và Mỹ, ông được biết tới rộng rãi trong nghề trước khi bước vào thử thách lớn tiếp theo: làm một bộ phim truyện dài đầu tay - và để đời - để khẳng định mình.
Và “Con trai của Saul” đã là một tác phẩm như thế. Đề tài của phim - tội ác diệt chủng của Đức quốc xã đối với sắc dân Do Thái trong Đệ nhị Thế chiến” - không phải là xa lạ, và đã là đất dụng võ cho nhiều tác phẩm điện ảnh lừng lẫy như “Bản danh sách của Schindler” hay “Nghệ sĩ dương cầm”, nhưng đã được Nemes khai thác theo một hướng đi hoàn toàn khác, mới mẻ và ám ảnh.
Phim đưa chúng ta về những ngày tháng khủng khiếp của cuộc Thế chiến, năm 1944, tại Trại tử thần Auschwitz-Birkenau. Đó là lúc những đoàn tàu từ Hungary nối đuôi nhau chở người gốc Do Thái tới nhà ga cuối cùng, nơi không ai biết được mình sẽ không còn đường thoát. Chừng 600 ngàn người Hung đã là nạn nhân của holocaust, chiếm một phần mười tổng số nạn nhân toàn Châu Âu.
Trong khu trại tập trung và hủy diệt này, để hỗ trợ cho cái gọi là “giải pháp tối hậu” của Đệ tam Đế chế (tàn sát tất cả người Do Thái ở Châu Âu), tồn tại một đội đặc nhiệm với tên gọi Sonderkommando (*) với nhiệm vụ cũng rất đặc biệt: thu dọn và chuyên chở những thi thể từ phòng hơi ngạt để đưa vào Lò thiêu, hoặc có lúc thiêu hủy ngay ngoài trời khi các lò thiêu không còn đủ công suất.
Những nhân viên khốn khổ đó của đội đặc nhiệm đa phần cũng là dân Do Thái, và bị cưỡng bức làm công việc hoàn toàn ngược lại lương tâm và tín ngưỡng của họ. Không có cách lựa chọn nào khác, nhiều người đã tự vẫn. Vì biết tới một bí mật tầy trời là tội ác diệt chủng của phát-xít Đức trong trại tập trung, nên cứ khoảng 4 tháng một lần, họ lại bị giết hại, và những người mới lại tới thế chỗ họ.
Chỉ có vài chục nhân viên Sonderkommando sống sót qua đại nạn holocaust, những hồi tưởng của một số người được đưa vào sách, và năm 2007, khi làm trợ lý đạo diễn cho một phim quay ở Pháp, Nemes cầm được trong tay một cuốn sách như thế. Nhà làm phim trẻ ấp ủ ý tưởng cho một bộ phim riêng từ đó, và ba năm sau, ông đã tìm được người hợp tác viết kịch bản - nữ văn sĩ người Pháp Clara Royer.
Có bà là người Hungary gốc Do Thái di cư sang Pháp, Royer luôn bị thôi thúc bởi ý định tìm lại bản sắc và nguồn gốc của mình. Vì thế, cô học và nghiên cứu văn học Hungary, tìm hiểu các tác phẩm của văn hào Hung Kertész Imre, giải Nobel Văn chương 2002, người đã dành cả cuộc đời để khắc họa nỗi đau holocaust vì chính ông cũng từng là tù nhân trong trại tập trung của Đức khi mới là một cậu bé.
Với sự đồng điệu như vậy, đạo diễn và nhà biên kịch đã tâm đầu ý hợp trong việc phác thảo một kịch bản tiếp cận holocaust ở góc độ mới mẻ. Là một nhân viên Sonderkommando, Saul và đồng bạn biết rằng họ có thể bị giết bất cứ lúc nào, nên một số người nảy ra ý định tìm kiếm vũ khí để tổ chức khởi nghĩa (**). Đúng vào lúc ấy, Saul nhận ra thi thể con trai mình trong đống xác chết mà anh phải đi thiêu.
Kể từ đó, người đàn ông không còn để tâm đến chuyện trốn chạy. Bằng mọi giá, anh muốn thực hiện một sứ mệnh tưởng chừng bất khả và hết sức nguy hiểm: không đưa đi thiêu mà giấu xác con, tìm một thầy đạo (Rabbi) để có thể chôn cất con theo đúng phong tục, tập quán Do Thái, bên tiếng kinh cầu Kaddish. Với Saul, đó là sự nổi dậy của lương tri và tâm thức con người, trước cái ác và hủy diệt.
Bộ phim của đạo diễn Nemes hoàn toàn được quay ở Hungary và nhà làm phim này không muốn theo những “lối mòn” cũ, tức là gây cảm giác kinh hoàng bằng cách mô tả xác thực hình ảnh Lò thiêu. Ngược lại, ông bắt khán giả phải hình dung rất nhiều, để mường tượng ra sự bi thảm của câu chuyện - nói như cách của ông, ông muốn “trả lại gương mặt con người cho đề tài diệt chủng Do Thái”.
Bởi lẽ, Nemes quan niệm rằng lâu nay, cách mô tả cũ khiến holocaust trở nên trừu tượng, cho dù, nó là tấn thảm kịch của những con người cụ thể. “Con trai của Saul” tập trung và đặc tả sự lựa chọn đầy cam go giữa bản năng phải tìm mọi cách để sống sót qua đại nạn, và bổn phận làm con người có lương tri. Rốt cục, phẩm giá con người đã chiến thắng trước bạo lực, trước mọi hành vi hắc ám...
Bộ phim “nói về niềm hy vọng”, khi “trong những thời khắc đen tối nhất của nhân loại, có lẽ vẫn có trong chúng ta một tiếng nói nội tâm để giúp chúng ta vẫn là con người” - đó là phát biểu cảm động của Nemes trong lễ nhận giải Oscar. Và theo hy vọng của nhà biên kịch Royer, qua bộ phim, con người sẽ thấu hiểu và chấp nhận được rằng, nền văn minh Châu Âu đã từng có một trang sử đen tối như thế.
“Con trai của Saul” được giới phê bình đánh giá là đã tạo dựng được một ngôn ngữ điện ảnh mới, sẽ được nhiều người tiếp nối trong tương lai. Phim không chỉ là đài tưởng niệm cho nhiều ngàn nạn nhân ít được biết đến của tệ diệt chủng holocaust - những thành viên Sonderkommando - mà còn là tia sáng chiếu rọi tương lai, kể cả khi Châu Âu còn chìm đắm trong bóng tối của chiến tranh và tử thần...
Ghi chú:
(*) Có thể tạm gọi những thành viên này là “nhân viên lò thiêu”, cho dù nhiệm vụ của họ rất đa dạng. Chính họ là những người, theo lệnh của giới “bác sĩ tử thần” và các nhóm SS, lùa những người bị coi là không có khả năng lao động (đa phần phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi) vào phòng hơi ngạt, khi đoàn người vừa xuống sân ga và qua vài phút “thanh lọc”.
Sau đó, trước khi đưa thi thể các nạn nhân đi lò thiêu hoặc chôn cất, thiêu hủy lộ thiên, họ còn lục lọi quần áo và cơ thể những người đã chết để tìm tiền bạc, tài sản, răng vàng… Cũng chính họ mang tro những nạn nhân từ lò thiêu ra đổ ngoài sông Wisła để phi tang. Và khi những tốp Sonderkommando bị giết hại để giữ bí mật, nhiệm vụ đầu tiên của tốp sau là làm y hệt những việc trên với các nhân viên nhóm trước.
Công việc của các nhân viên Sonderkommando, như vậy, hết sức căng thẳng về tinh thần và nặng nhọc về thể xác. Chính vì vậy, cho dù họ được sống riêng (tách rời các tù nhân), có “chế độ đãi ngộ” khá hơn, nhưng không ít người đã chọn con đường tự sát vì không chịu nổi áp lực của việc phải đưa những đồng bạn vào chỗ chết và giữ kín, không để lộ điều đó.
Họ cũng thường bị các tù nhân căm ghét, vì bị coi là “bắt tay” với phát-xít Đức, cho dù họ không trực tiếp tham gia vào việc giết hại các tù nhân. Chính quyền Đức, khi chọn chính những người Do Thái để làm công việc này, cũng nhằm nhục mạ và đày ải họ về mặt tinh thần, buộc họ làm những điều hoàn toàn trái ngược với lương tâm và tín ngưỡng Do Thái giáo.
(**) Đây là một sự kiện có thực, diễn ra vào tháng 10-1944. Công cuộc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa đã diễn ra từ trước đó, khi một số phụ nữ Do Thái tìm cách đánh cắp thuốc súng từ một nhà máy sản xuất vũ khí thuộc quần thể Auschwitz, và chuyển cho các thành viên Sonderkommando tham gia phong trào phản kháng. Sử dụng thuốc súng, lãnh đạo phong trào này muốn cho nổ các phòng hơi ngạt và lò thiêu và dấy lên cuộc khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa bùng nổ khi có tin là vào ngày 7-10, nhóm các Sonderkommando thuộc “thế hệ thứ 12” sẽ bị giết hại. Đúng vào lúc đó, khu trại Auschwitz bị quân đội Đồng minh oanh tạc, và các nhóm du kích quân cũng tiến tới gần trại và mang vũ khí tiếp viện cho tù nhân. Theo một hồi tưởng, đã có hơn 800 nhân viên Sonderkommando tham gia cuộc nổi dậy này bằng súng trường, dao găm, xẻng và lựu đạn.
Rốt cục, cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng cũng khiến lực lượng SS trong trại bị nhiều tổn thất. Vài nhân viên Sonderkommando trốn thoát khỏi trại một thời gian ngắn, nhưng nhanh chóng bị bắt lại – tuy nhiên, một số ghi chép và hình ảnh họ thực hiện về “Trại Tử thần” đã được chuyển ra ngoài. Hai trăm người chưa bị giết trong cuộc khởi nghĩa đã bị bắt cởi quần áo, nằm sấp và nhận phát đạn vào đầu. Có khoảng 500 nhân viên Sonderkommando bị sát hại trong ngày hôm đó.