Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHIẾU PHIM “THƯƠNG NHỚ ĐỒNG QUÊ” VÀ GIAO LƯU VỚI ĐẠO DIỄN ĐẶNG NHẬT MINH

(NCTG) Cộng đồng Việt Nam tại Hungary sẽ có dịp xem lại bộ phim “Thương nhớ đồng quê” và giao lưu với đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh trong chuỗi hoạt động quyên góp cho đồng bào bị lũ lụt ở Miền Trung, theo thông báo của Ban Tổ chức (BTC) sự kiện.
Một cảnh trong phim “Thương nhớ đồng quê”
Được tổ chức vào 18h00-22h30 tối ngày Chủ nhật 6-11-2016 tại Nhà hàng Hoa Sen (Trung Tâm Thăng Long, Budapest) bởi Ban Công tác Cộng đồng ĐSQ và Hiệp Hội Người Việt Nam tại Hungary, sự kiện này được đánh giá là “một hoạt động bổ ích, giúp cho cộng đồng xem lại một bộ phim đặc sắc về đồng quê Việt Nam”, cũng như, “có dịp tiếp xúc, gặp gỡ đạo một diễn phim nổi tiếng của Việt Nam” (*).

Sinh năm 1938 tại Huế, đạo diễn Đặng Nhật Minh là tác giả những bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam như “Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, “Thương nhớ đồng quê”, “Mùa ổi”, “Đừng đốt”... đã đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim trong và ngoài nước. Có người đã nhận xét rằng, có thể coi ông là người kể sự tích dân tộc mình bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Ra đời trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, thân phụ ông là GS, BS Đặng Văn Ngữ, một nhà khoa học lớn của Việt Nam, nên Đặng Nhật Minh được hướng theo học ngành Y để nối nghiệp cha. Tuy nhiên, nhờ hàng loạt sự kiện ngẫu nhiên trong cuộc đời, ông lại khởi đầu với vai trò biên dịch các bộ phim nói tiếng Nga, rồi phiên dịch cho các lớp đào tạo điện ảnh Liên Xô dành cho người Việt.

Năm 1965, Đặng Nhật Minh có dịp ra mắt lần đầu tiên trong vai trò đạo diễn với bộ phim (tài liệu) về các kỹ sư địa chất. Từ đó, các bộ phim của ông, dù số lượng không nhiều, nhưng rất “tinh” và luôn đau đáu chuyện người, chuyện đời cùng vận mệnh đất nước, là những cột mốc đáng kể trong sự phát triển của nền điện ảnh trong nước, và ít nhiều đã là thông điệp nhân văn của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2006, Đặng Nhật Minh đã được nhận giải “Thành tựu trọn đời” vì những đóng góp nổi bật cho điện ảnh Châu Á tại Liên hoan phim Quốc tế Gwangju (Nam Hàn). Báo “Nihon Keizai Shimbun” (Nhật Bản) khi trao giải thưởng về văn hóa năm 1999 cho ông, cũng đánh giá rằng, ông, “bằng nghệ thuật điện ảnh, đã nói lên được tâm tư tình cảm của dân tộc mình - và cũng là của các dân tộc Châu Á - ra với thế giới”.

Đặc biệt, là một trí thức, văn nghệ sĩ thành thị điển hình, nhưng Đặng Nhật Minh lại có những tác phẩm lớn để lại dấu ấn trong nền nghệ thuật Việt Nam về thân phận khổ đau và nhọc nhằn của người dân quê Bắc Bộ thời hậu chiến. “Bao giờ cho đến tháng Mười” và “Thương nhớ đồng quê”, hai bộ phim về đồng quê Việt Nam của ông, được xếp vào hàng những tác phẩm điện ảnh cảm động nhất về thôn quê Việt.

Từng là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) từ những huyện nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, Đặng Nhật Minh đồng cảm sâu sắc với người nông dân chân lấm tay bùn. Trong “Hồi ký Điện ảnh” (2006), ông đã dành những dòng rất động lòng kể về hình ảnh bà con nông dân đứng dọc đường vẫy những tờ đơn kiện theo đoàn xe các ĐBQH, mà “những chiếc xe hòm kính nối đuôi nhau lặng lẽ lướt qua không một xe nào dừng lại”.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh là một gương mặt quen thuộc với cộng đồng Việt Nam tại Hungary, đồng thời, cũng là người có nhiều duyên nợ với đất nước, con người Hung. Là một thân hữu, CTV của NCTG từ rất sớm, ông đã đứng mục “Thư Hà Nội” của tờ báo trong nhiều kỳ liên tiếp, và với nhiều bài viết khác, ông luôn khích lệ, cổ vũ tờ báo với tình cảm tốt lành và đáng trân trọng.

Bộ phim “Đừng đốt” của ông, với sự hỗ trợ của BS. Đặng Phương Lan, ái nữ của nhà đạo diễn, có phần nhạc do hai nhạc sĩ trẻ Hungary Benedekfi István và Benedekfi Zoltán sáng tác. Bên cạnh đó, phần trình diễn âm nhạc và thu thanh đều được thực hiện tại phòng hòa âm ở Budapest, và có thể coi đây là sự hợp tác đầu tiên trên lĩnh vực điện ảnh giữa hai nước Việt Nam và Hungary.

Trong các dịp qua thăm Hungary, đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng đã có những lần gặp gỡ bà con trong cộng đồng Việt, như trong cuộc giao lưu do báo NCTG tổ chức (cùng nhà sử học, NGND. Đinh Xuân Lâm, năm 2009), hoặc trong dịp trình chiếu bộ phim “Đừng đốt” tại Budapest thuộc chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hungary (1950-2010).

Kính mời bà con tới tham dự buổi chiếu phim và mạn đàm, giao lưu cùng đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.

(*) Chương trình:

• 18h00-19h00: Ăn tối nhẹ
• 19h00-21h00: Chiếu phim
• 21h00-22h30: Giao lưu với đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh.
• Có thùng tiếp nhận quyên góp cho lũ lụt Miền Trung. Kết quả quyên góp công bố ngay tối 6-11-2016.

BTC đề nghị bà con, để thuận tiện cho cộng việc tổ chức, hãy đăng ký trước số lượng người tham dự theo địa chỉ mail hiephoinguoivn@gmail.com hoặc qua các số điện thoại: +36302663280 (Anh Phong), +36302222911 (Anh Thuy), +36309401152 (Anh San).

Tác giả bài viết: NCTG