Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BƯỚC SA LẦY CUỐI ĐỜI CỦA SOLZHENITSYN

(NCTG) Thân thế và sự nghiệp của Solzhenitsyn hẳn đảm bảo cho ông vị trí hàng đầu trong bảng vàng danh dự của các văn hào Nga thế kỷ 19. Nhưng phải chi, giá ông đừng có những bước sa lầy cuối đời...
Nhà văn Solzhenitsyn làm việc tại Thư viện Hoover thời kỳ sống lưu vong ở Mỹ (1976) - Ảnh: AP
Trớ trêu thay, Giải thưởng Quốc gia dành cho văn hào Nga Aleksandr Solzhenitsyn vì “những cống hiến nhân đạo trong suốt cuộc đời” (lời lý giải chính thức), lại được trao chính từ Vladimir Putin, trùm mật vụ Nga một thuở, một con người có thể khâm phục, có thể thù ghét, nhưng không hề là một nhà dân chủ, và chắc chắn không phải là người cổ vũ ý tưởng của một Solzhenitsyn thập niên 60-70 thế kỷ trước, khi ông còn đóng vai trò người lên án Cái Ác, cái Phi Nhân trong thể chế (mạo danh?) cộng sản mà ông đang sống.

Và cũng nực cười thay, khi lời khen văn hào “đã hiến dâng cả cuộc đời cho tổ quốc”, lại từ miệng một sĩ quan mật vụ cao cấp, người mà đầu thập niên 70 thế kỷ trước, đã có thể sẵn sàng đàn áp nhà văn đối lập Solzhenitsyn, khi đó có lẽ là nhà đối kháng và bất đồng chính kiến nổi tiếng và cương quyết nhất tại Liên Xô.

Vậy mà, thời thế đổi thay. Không chịu nhận Giải thưởng Quốc gia từ tay Boris Yeltsin, nhưng ngay từ bảy năm trước, nhà văn về già đã có những phát biểu đầy thiện cảm và thân mật về Vladimir Putin, để rồi đến ngày nay, vui vẻ nhận giải thưởng từ tay vị tổng thống đầy quyền năng, có thể sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba trên ghế nguyên thủ quốc gia Nga.

Thế giới có thể bình luận nhiều về sự kiện này, nhưng chắc sẽ ít người ngạc nhiên. Bởi lẽ, ngay từ năm 2001, một học giả người Hung, chuyên nghiên cứu văn học Nga, đã có những phân tích và nhận định rất xác đáng trong bài viết sau đây, để nói về những sa lầy cuối đời của nhà văn...

 
Một cựu tù nhân Gulag, một văn hào tầm cỡ như Solzhenitsyn... lại dễ thỏa hiệp trước sự phi dân chủ dưới chiêu bài quốc gia! - Ảnh: Tổng thống Vladimir Putin và Phu nhân đến thăm gia đình Solzhenitsyn
Một cựu tù nhân Gulag, một văn hào tầm cỡ như Solzhenitsyn... lại dễ thỏa hiệp trước sự phi dân chủ dưới chiêu bài quốc gia! - Ảnh: Tổng thống Vladimir Putin và Phu nhân đến thăm gia đình Solzhenitsyn

Năm nay 83 tuổi, Alexandr Solzhenitsyn sống ẩn dật và không mấy khi xuất hiện trước công chúng. Đây cũng là một điểm khác biệt giữa ông và Leon Tolstoy, nhà đại văn hào Nga mà Solzhenitsyn luôn coi là tấm gương lớn. Giống Solzhenitsyn, Tolstoy thường sống ẩn dật tại trang trại Yasnaya Polyana và ông cũng hay đóng vai trò tiên tri của xã hội Nga. Nhưng, khác với kẻ hậu sinh của mình, Tolstoi không bao giờ từ chối gặp gỡ giới báo chí và dân chúng, cũng như không bao giờ đòi hỏi họ phải tán đồng những quan niệm của ông. Ngược lại, Solzhenitsyn chỉ tiếp những tín đồ, những kẻ chia sẻ ý tưởng của ông.

Chính vì vậy mà cuộc gặp mặt cách đây ít lâu giữa Solzhnitsyn và tân tổng thống Putin tại nhà riêng của văn hào đã thu hút sự chú ý đặc biệt, không chỉ của giới văn chương. Cũng như việc nhà văn vừa đưa ra trước công luận nhiều ý kiến tệ hại về đồng nghiệp của ông, thi sĩ Joseph Brodsky, hoàn toàn không chỉ có tầm quan trọng về mặt văn học sử. Nhất là tại nước Nga, một quốc gia có truyền thống văn học gắn liền với những sự kiện chính trị cập nhật.
 
*

Thời trước, khi mới khởi nghiệp văn chương, Solzhenitsyn đã có dịp gặp gỡ lãnh tụ cộng sản Nikita Khrushchev vào tháng Chạp năm 1962. Trước đó ít lâu, sau khi thi sĩ Aleksandr Tvardovsky, TBT tờ tạp chí “Novy Mir” (Thế giới mới), cho đăng tải “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich” trên tờ tạp chí của ông, chỉ trong vòng một tháng ngắn ngủi, Solzhenitsyn đã nổi danh như cồn ở Liên Xô và trên thế giới.

Trong cuộc hội ngộ nói trên, chính Tvardovsky đã giới thiệu nhà văn với vị chính khách, người đích thân cho phép công bố cuốn tiểu thuyết. Cuộc gặp gỡ chỉ kéo dài vài phút, hai người bắt tay nhau và Solzhenitsyn nói vỏn vẹn: “Cám ơn Nikita Sergeyevich, không phải nhân danh cá nhân, mà nhân danh hàng triệu nạn nhân...”. Vào dịp khác, nhà văn đã nhận xét như sau về Khrushchev: “Nikita là một Nga hoàng đã chẳng hiểu bản thân thì chớ, mà còn không hiểu tầm quan trọng lịch sử của mình”.

Cố nhiên, các hậu duệ của Khrushchev đều biết đến Solzhenitsyn. Ý kiến của họ về nhà văn, dù dưới hình thức “nhẹ nhõm” nhất, cũng phù hợp với hình ảnh một kẻ thù sừng sỏ nhất của thể chế Xô-viết. Về sau, chỉ có Boris Yeltsin tìm cách sử dụng nhà văn vào mục đích chính trị của ông. Tuy vậy, cho dù người ta đã trao tặng phần thưởng quốc gia cao quý nhất cho nhà văn, Solzhenitsyn vẫn từ chối đến nhận nó từ tay Yeltsin.

Như ông nói, ông không muốn nhận phần thưởng từ tay một kẻ đã ký chỉ thị phá hủy ngôi nhà Ipatiev ở Yekaterinburg (tại đây, toàn thể Hoàng gia của vị Nga hoàng cuối cùng đã bị thảm sát vào mùa hạ 1918). Và trong cuốn sách nhỏ “Nước Nga trên bờ vực thẳm”, Solzhenitsyn đã tuyên bố thẳng thừng: “Chính quyền này không lựa chọn lý tưởng quốc gia!”.

Nghĩa là, theo nhà văn, Yeltsin và ê-kíp của ông ta vẫn chưa phục vụ đúng mức lợi ích của người Nga. Solzhenitsyn còn phân tích: trong khi tại các nước Đông Âu, “các chính phủ theo xu hướng dân tộc hiện diện công khai” thì chính quyền Nga còn không buồn quan tâm đến 25 triệu người Nga đã ngẫu nhiên trở thành công dân các nước khác khi Liên Xô tan rã.

Tuy nhiên, ngày 20 tháng Chín năm ngoái, Solzhenitsyn không chỉ đồng ý gặp gỡ Vladimitr Putin, hậu duệ của Yeltsin, mà ông còn tiếp đãi tân tổng thống Nga tại nhà riêng trong vòng 2 tiếng rưỡi. Hãy thử nghĩ coi: Solzhenitsyn đã tiếp đón vị đại tá ngoài quân ngũ của cơ quan KGB, con người mà vào thời điểm 1974, khi nhà văn bị trục xuất khỏi Liên Xô, đã có thể là tên gác ngục của ông!

Putin, người mà trong cuốn hồi ký ấn hành trước kỳ tranh cử năm 2000, đã không hề nhắc đến tên tuổi Solzhenitsyn! Chắc hẳn vì ông ta chưa hề đọc một dòng nào của nhà văn. Kỳ thực, trong số các nhà văn Nga đương đại, Putin cũng không hề đọc ai... (Putin từng thú nhận rằng thời trẻ, ông chỉ đọc sách trinh thám kiểu “Thanh kiếm và lá chắn”, cuốn tiểu thuyết tụng ca cơ quan mật vụ chính trị Liên Xô!).
 
ukr2

Cuộc gặp gỡ mà ai cũng thấy là chỉ quan trọng đối với Putin, chứ không hề có ý nghĩa gì đối với Solzhenitsyn, đã diễn ra như thế nào? Tại sao? Biết bản tính của Solzhenitsyn, dễ nhận ra rằng không một bộ máy chính quyền nào, dù khéo léo hay độc đoán đến mấy, có thể tổ chức cuộc hội ngộ đó nếu không được sự chấp thuận của nhà văn. Thậm chí, sau buổi gặp mặt, Solzhenitsyn còn phấn khích tuyên bố: “Tôi thấy thích Putin”, “ông ta không bị quyền hành làm mê mẩn”. Rằng thông qua Putin, nhà văn tìm thấy một người “biết rõ những vấn đề trong và ngoài nước mà ông ta cần giải quyết”.

Điều cơ bản: Solzhenitsyn thấy thích Putin. Bởi lẽ ông cho rằng Putin chính là một nguyên thủ mà ông đã từng mơ tưởng trong cuốn “Nước Nga trên bờ vực thẳm” (khi đó, nhà văn chưa hề biết tới ông trùm mật vụ này!): một con người rất hiếm trên chính trường Nga “tin tưởng rằng quyền lực không phải là một đặc quyền mà là một bổn phận nặng nề, một công việc đòi hỏi sự hi sinh và kiềm chế”.

Và dường như Solzhenitsyn có thể cũng thích Putin vì vị tân tổng thống không phải là người ưa đọc sách. Bởi lẽ, nhà văn luôn quở trách không mệt mỏi sự “xa rời dân chúng” của những kẻ theo chủ nghĩa tự do, những nhà dân chủ cấp tiến và giới tinh hoa văn hóa, ông không chấp nhận tư tưởng dân chủ của họ. Vì, theo Solzhenitsyn, nước Nga cần ý tưởng quốc gia chứ không cần dân chủ. Như ông viết: “Phải phục vụ Tổ quốc chứ không phải phục vụ nhà nước hiện tại. Và Tổ quốc đứng cao hơn mọi hiến pháp tạm thời”.
 
*

Solzhenitsyn, gần đây, đã cảm thấy cần thiết phải đưa ra trước công luận ý kiến rất tồi tệ của ông về thi nghiệp của Joseph Brodsky. Bề ngoài, sự việc này có vẻ không phụ thuộc vào những sự kiện chính trị cấp thời.

Thái độ châm biếm của Brodsky đã khiến Solzhenitsyn không hài lòng, nhà văn coi lý do của chuyện đó là bản tính “lãnh đạm” của thi sĩ. “Những thi phẩm của Brodsky không đến được trái tim quần chúng”. Hơn nữa: “Những vần thơ của ông ta đã biến thi ca thành một thứ thể dục tri thức hào nhoáng, rỗng tuếch”.

Theo Solzhenitsyn, Borodsky không nắm được luật thi ca Nga và trong một dịp trao đổi thư tín (duy nhất) giữa 2 người vào năm 1978, ông cũng nhắc đến điều này với người bạn văn. Solzhenitsyn cho rằng các thi phẩm của Brodsky vô nhạc điệu và Brodsky “hoàn toàn không sử dụng được những khả năng tiềm ẩn của ngôn ngữ Nga”. Gần đây, Solzhenitsyn đã nhắc lại điều này: “Khó lòng gọi Brodsky là bậc thày của ngôn ngữ”.

Đặc biệt, Solzhenitsyn phê phán gay gắt Brodsky ở chỗ thi ca Brodsky xa lạ với tính xã hội; ngay cả nguồn gốc Do Thái của thi sĩ cũng không được thể hiện trong đó. Với giọng điệu phê phán, Solzhenitsyn trích dẫn vần thơ về Moscow của Brodsky: “Có thể ngắm quang cảnh đẹp nhất của thành phố này - Từ một chiếc máy bay tiềm kích”. Cuối cùng: “Những tư tưởng của Brodsky không hề dân chủ, mà là của riêng của giới tinh hoa...”.
 
*

Có thể nhận thấy điều Solzhenitsyn viết về Brodsky lại đặc trưng cho chính ông, chứ không phải cho nhà thơ. Hai người xa cách nhau, cho dù Brodsky từng có ý kiến khen ngợi về “Gulag - Quần đảo ngục tù”, ông cho rằng Solzhenitsyn đã có một sự “can đảm mỹ học” khi nhà văn đảm đương một trong những lý tưởng quan trọng nhất của nền văn học Nga thế kỷ 19: tư tưởng về sứ mệnh hòa bình của con người.

Người ta thường bảo Solzhenitsyn là kẻ bài Do Thái, vì thế ông không ưa, không chấp nhận Brodsky, một kẻ gốc Do Thái, tuy không nhấn mạnh xuất xứ Do Thái của mình. Có lẽ không phải vậy. Simon Markis, một nhà nghiên cứu văn học Nga - Do Thái nổi tiếng (con trai thi sĩ Do Thái lừng danh Peretz Markish) đã chứng tỏ một cách đáng tin cậy rằng huyền thoại về bản tính bài xích Do Thái của Solzhenitsyn là không có cơ sở. Theo Shimon Markish, đơn thuần, Solzhenyisyn không ưa những kẻ xa lạ, và đây cũng là một truyền thống của nền văn học cổ điển Nga.

Thực vậy, Solzhenyitsyn coi Brodsky là kẻ xa lạ. Cũng như ông coi lý tưởng dân chủ là xa lạ đối với nước Nga. Trong những trang hồi ký, Solzhenitsyn đã ghi lại cuộc tranh luận nảy lửa giữa ông với các đại diện xuất chúng nhất của phe đối lập Liên Xô đầu thập niên 70, như viện sĩ Andrei Sakharov, người đứng đầu nhóm đối lập dân chủ-tự do, và cặp anh em song sinh Medvedev, những người chủ trương “trở về với những giá trị cánh tả, mác-xít chân chính”.

Nhà văn tuyên bố: “Họ cảm thấy đau đớn hơn cả vì tôi đã không trở thành kẻ theo chân Phương Tây một cách nhiệt thành, vì tôi không phải là “nhà dân chủ”. [Kỳ thực] tôi là người dân chủ trước sau như một, hơn những kẻ lưu vong của chúng ta và hơn giới tinh hoa ở New York. Theo tôi, dân chủ là một nền tự quản thực tiễn - từ dưới lên - của nhân dân, chứ không phải là sự thống trị của một giai tầng có học thức, như họ quan niệm...”.

Ngược lại, rõ ràng là những người như Brodsky thuộc về cái gọi là “giới trí thức tinh hoa Nga ở New York”. Hẳn Solzhenitsyn đã nghe chuyện Brodsky và nhóm của ông ở New York đã gọi cuốn sách tập hợp những bài viết về cuộc đấu tranh của ông với chính quyền Nga, là một thứ “tiểu sử các vị thánh”, một “huyền thoại của một vị thánh do chính ông ta viết ra”. Một sự mỉa mai khó tha thứ!

Ngay sau cái chết của Brodsky vào năm 1996, Solzhenitsyn đã cho thấy một cách rõ ràng: tồn tại hai thế giới trong đời sống tinh thần nước Nga. Và cuộc gặp gỡ mới đây của ông với Putin khiến ta thấy rõ ông đứng ở phía nào. Đối với Solzhenitsyn, văn học hoàn toàn không phải chỉ là văn học, mà là một phần trong cuộc chiến nhằm thay đổi hiện thực. Brodsky không bao giờ chấp nhận điều này.

Vào những ngày cuối của cuộc đời và của sự nghiệp văn chương, một lần nữa, Solzhenitsyn lại nhấn mạnh: nước Nga không cần đi theo con đường dân chủ theo cách diễn giải của phương Tây! Putin hãy là một người ái quốc có bàn tay sắt. Hoặc một nhà độc tài. Và lũ Brodsky vẫn cứ là những kẻ xa lạ, ngoại nhân... trong mắt dân Nga.

Những người hiểu rõ quan niệm và bản tính của Solzhenitsyn, hẳn sẽ không thật bất ngờ trước sự kiện này. Tuy nhiên, đối với chúng ta, những kẻ thường chỉ biết đến nhà văn thông qua “Gulag - quần đảo ngục tù”, “Khu ung thư”, “Vòng đầu địa ngục”..., không khỏi có chút bùi ngùi cho một nhà văn lớn. Thân thế và sự nghiệp của Solzhenitsyn hẳn đảm bảo cho ông vị trí hàng đầu trong bảng vàng danh dự của các văn hào Nga thế kỷ 19. Nhưng phải chi, giá ông đừng có bước sa lầy cuối đời kể trên...