Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thư EURO 2020: BÓNG ĐÁ TRUNG ÂU, MỘT THỜI VANG BÓNG

Với thất bại của Cộng hòa Czech trước Đan Mạch và Ukraine trước Anh, các đại diện của bóng đá vùng Đông - Trung Âu đã không còn có mặt trong vòng bán kết EURO 2020. Tuy nhiên, chứng kiến những màn trình diễn của Áo, Cộng hòa Czech, Croatia, Hungary, Ukraine, Thụy Sĩ..., có thể thấy rằng các đội vốn được coi là “chiếu dưới” này đã có những trận xuất thần, chơi tự tin, ngang ngửa và không thua kém gì các “ông lớn”.
Cup Mitropa 1962, một quá khứ vang bóng của bóng đá Trung Âu
Nhưng thật ra, đây có phải là điều cần ngạc nhiên lắm không? Nếu nhìn lại lịch sử bóng đá từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, có thể thấy rằng Trung Âu chính là một trong những cái nôi quan trọng nhất của bóng đá Châu Âu. Đặc biệt, các dân tộc thuộc “đại gia đình” Đế chế Áo - Hung - gồm 14 dân tộc - như Áo, Hungary, Tiệp Khắc, Nam Tư… trong những thập niên đầu và giữa thế kỷ thứ 20 đã từng là cột trụ của túc cầu Châu Âu.

Giới nghiên cứu lịch sử thể thao thường nhắc tới Cup Trung Âu - còn được biết đến với tên Cup Mitropa - là tiền thân đầu tiên của các giải đấu tranh tài giữa các CLB bóng đá của “Lục địa già” về sau này. Cup Mitropa đặt trên cơ sở ý tưởng của Cup Challenge có từ năm 1887 tại Vienna (Áo) quy tụ tất cả các CLB của nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung, trong đó các CLB đến từ Vienna, Budapest và Praha là hùng hậu nhất.

Được ra đời bởi sáng kiến của của ông John Gramlick, Chủ tịch CLB Vienna Cricket and Football-Club, Cup Challenge được tổ chức ròng rã cho tới năm 1911, rồi đổi tên thành Cup Mitropa, chính là tiền thân của các cúp C1, C2 giữa các đội vô địch và đoạt cúp quốc gia Châu Âu sau này. Bị ngắt quãng do Thế chiến Thứ nhất (1914-1918), bóng đá Châu Âu phát triển mạnh khi hòa bình được lập lại, cũng chính bởi Trung Âu.

Bởi lẽ, Trung Âu chính là vùng đất đi đầu trong bóng đá thế giới thời gian đó, và họ mong muốn có những cuộc đua tài thường xuyên ở tầm Châu Âu. Lần lượt, các quốc gia Trung Âu tổ chức giải vô địch quốc gia: Áo (1924), Tiệp Khắc (1925), Hungary (1926)... và Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Áo (ÖFB) - ông Hugo Meisl đã đề xuất triệu tập cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo các liên đoàn, để đưa ra quyết định tổ chức chuỗi đua tài.

Cup Mitropa khởi đầu vào ngày 14/8/1927, với sự tham dự của các CLB xuất sắc nhất của vùng Trung Âu. Thỏa thuận ban đầu cho phép Áo, Hungary và Tiệp Khắc cử 2 đội (vô địch và đoạt cúp quốc gia), rồi Vương quốc Serbia - Croatia - Slovenia và Ý cũng nhập cuộc. Đội chiến thắng đầu tiên (1927) là AC Sparta Praha, và giải càng ngày càng thu hút sự chú ý của bóng đá Châu Âu, có thêm Thụy Sĩ và Romania đăng ký góp mặt.

Vì những biến động của lịch sử, thời kỳ trước Thế chiến thứ hai, Cup Mitropa gồm 8 đội, 2 CLB Hungary, 2 CLB Ý, 2 CLB Tiệp Khắc, 1 CLB Romania và 1 CLB Nam Tư tham dự giải. Đây là đại diện cho những quốc gia đỉnh cao của bóng đá thế giới đương thời: Ý (2 lần vô địch World Cup 1934, 1938), Tiệp Khắc (Á quân Thế giới 1934), Hungary (Á quân Thế giới 1938), Áo (lọt vào bán kết 1934) và Nam Tư (lọt vào bán kết 1930).

Điểm thú vị là giải bóng này vẫn được tổ chức trong 2 năm đầu của Thế chiến, nhưng rồi nó bị đình trong thời gian 1941-1950, và sau khi trở lại vào năm 1951 thì không còn giữ được vị thế nổi trội trước sự xuất hiện của một số cúp mới của Châu Âu. Dầu vậy, Cup Mitropa vẫn còn tồn tại tới năm 1992, và người chiến thắng cuối cùng là CLB FK Borac Banja Luka của Nam Tưm khép lại một trang vẻ vang của túc cầu Trung Âu.

Thập niên 50 cũng là lúc thế giới chứng kiến lần cuối những vũ điệu huyền diệu nhất của bóng đá Trung Âu, thông qua “Đội tuyển vàng” Hungary, đội bóng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Đúng vào ngày 4/7 cách đây 67 năm, những “chàng trai vàng” Hungary mặc dầu sở hữu chuỗi 32 trận đấu liên tục bất khả chiến bại trong 5 năm trước đó, đã bại trận trước CHLB Đức trong trận chung kết World Cup 1954 tại Bern, Thụy Sĩ.

Chơi rất thuyết phục ở vòng bảng với 2 trận thắng đậm Nam Hàn 9-0 và Tây Đức 8-3 - trong trận gặp Đức, tuyển Hung được coi là đã phô diễn mọi “chiêu thức” siêu đẳng của bóng đá hiện đại đương thời, Hungary tiếp tục vượt qua Brazil và Uruguay, những đỉnh cao của bóng đá Nam Mỹ thời ấy (mà trận nào Hungary cũng ghi tới bốn bàn thắng), và tràn đầy tự tin chờ thử thách cuối cùng để có được chiếc Cup vàng mong chờ.

Tuy nhiên, chung cuộc, ứng viên chính của ngôi vị vô địch với sự dẫn dắt của thủ quân Puskás Ferenc, một tượng đài kỳ vĩ của bóng đá thế giới, mặc dầu đã dẫn tới 2-0 sau 8 phút đầu của trận chung kết, vẫn phải chịu thua trước sức mạnh tinh thần bền bỉ của người Đức. Tuyển Hungary vĩnh viễn mất cơ hội nâng trên tay chiếc Cúp vàng mà họ hoàn toàn xứng đáng, với trình độ, đẳng cấp và những kết quả ngoạn mục thời ấy.

Có lẽ đây cũng là cột mốc đánh dấu sự đi xuống của bóng đá Trung Âu, đồng thời, sự thăng tiến vượt bậc các số “đại gia” khác trong nền bóng đá thế giới như Brazil, Đức... Đặc biệt, “kỳ tích ở Bern” (Das Wunder von Bern) là bước ngoặt thực sự trong nền túc cầu nước Đức: sau Thế chiến, đây là lần đầu tiên bản Quốc ca của nước Đức bại trận được cử tại một sự kiện thể thao, có tác động lớn đến tâm thức người dân nước này.

Thập niên 60 trở đi, bóng đá Trung Âu vẫn còn những cá nhân kiệt xuất như Josef Masopust (Tiệp Khắc, Quả bóng vàng Châu Âu 1962), Albert Flórián (Hungary, Quả bóng vàng Châu Âu 1967), tuyển Tiệp Khắc đoạt ngôi vị vô địch EURO 1976, Ba Lan chơi thuyết phục ở 2 kỳ Thế vận hội 1972, 1976 và 2 lần xếp thứ 3 World Cup 1974, 1982... nhưng thời kỳ “vàng son” của nền túc cầu Trung Âu thì dường như khó có thể trở lại như xưa.

Xuất hiện những “siêu cường” mới trong bóng đá Châu Âu và thế giới, như Đức, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Brazil, Argentina..., còn các “tượng đài” cũ như Ý và Anh thì thường vẫn giữ được phong độ. Sự đi xuống của túc cầu Trung Âu những thập niên qua, có thể có lý do chính trị, phần nào đó về tài chính và cách huấn luyện chưa theo kịp thời đại, nhưng sự phục hồi trở lại của họ thực chất không phải là điều bất khả.

Một số trận đấu của EURO 2020 có thể ghi nhận và cho thấy nỗ lực ngoạn mục đó...

(*) Bài viết đã đăng trên “Tiền Phong”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh