Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Sổ tay NCTG: TRẦN VI

(NCTG) “Việt Nam cần biết bao những con người dấn thân như thế, cho hiện tại và tương lai...”.
Trần Quỳnh Vi - Ảnh: Facebook của nhân vật
Cách đây chừng ba năm rưỡi, làn sóng di dân và tỵ nạn lên tới đỉnh điểm ở Châu Âu và chính quyền cánh hữu Hungary, một mặt sửa luật để thắt chặt ở mức hà khắc chính sách dành cho người xin tỵ nạn, mặt khác đã cho khởi xây “bức màn sắt” dọc toàn tuyến biên giới phía Nam với Serbia nhằm “ngoại bất nhập” trước những con người mà chính giới nước này đánh đồng với khái niệm “khủng bố”, “hủy diệt nền văn minh Ki-tô giáo”, v.v...

Vào lúc ấy, xuất hiện trong các cộng đồng Việt xa xứ những quan điểm tương đồng, vừa mang tính kỳ thị, bài xích sắc tộc, vừa chỉ trích một cách “cạn tàu ráo máng” và cay nghiệt trước nỗ lực nhân đạo của một số quốc gia và chính khách chủ trương tiếp nhận người tỵ nạn, mà đứng đầu là nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel. Dường như, chủ nhân của những ý kiến ấy đã quên nguồn gốc của mình, cũng từng là di dân hay tỵ nạn...

Trong bối cảnh đó, những dòng mang tính tự sự của Trần Vi trên Facebook khẳng định: “Trước khi nói đến xuất thân và tôn giáo, tất cả chúng ta đều là những con người như nhau. Cũng có gia đình, người thân. Cũng biết yêu thương, giận hờn, oán ghét” như một làn gió mát với mình, trước những tin dữ dồn dập liên quan tới dòng người nhập cư và xin tỵ nạn, mà hàng ngày mình cố gắng truyền tải trên NCTG trong một “hồ sơ” riêng.

Không ngần ngại, mình nhắn tin cho Vi, hỏi xin bài. Rất nhanh chóng, mình được ngay lời chấp nhận và cho phép cứ biên tập, đặt tựa tùy thích. “Đều là những con người” là chia sẻ đầu tiên của Vi mà mình được vinh dự đăng trên NCTG, và sau đó còn một số bài khác, bài nào cũng đau đáu một hồn Việt, tình yêu nước Việt đến cuồng nhiệt, để “khi tôi đến bất cứ nơi đâu, khi được hỏi tôi từ đâu đến, tôi vẫn nói, tôi là người Việt Nam...”.

Ở người cùng độ tuổi và hoàn cảnh như Vi, tình cảm đó hoàn toàn không đương nhiên. Như lời Vi nói, hơn 20 năm ở Mỹ, Vi “có thể dễ dàng xóa bỏ quá khứ tỵ nạn của bản thân và gia đình”, “có thể dễ dàng quên tiếng Việt”, “có thể dễ dàng coi bản thân là “người bản xứ”, nhất là khi Vi đã hội nhập rất tốt, với “một công việc thu nhập rất tốt, một sự nghiệp rất sáng, một cuộc sống bình yên và đầy đủ ở Mỹ” như lời một bạn thân của Vi.

Vào cảnh ấy, nước Việt Nam xa xăm và khổ đau còn gì để thương nhớ, còn gì để phải quan tâm và dằn vặt, đối với một người đã rời xa nó? Lý giải làm sao việc Vi, từ 5 năm nay, đã từ bỏ tất cả những điều kiện thuận lợi để dấn thân trên một mảnh đất lạ, theo đuổi “một con đường đầy gian khó, rủi ro và bất trắc” cùng những người bạn, người cộng sự? Hy vọng rằng, trong tương lai sẽ có dịp mình còn được đặt câu hỏi ấy cho chính Vi!

Trong con mắt một người ở xa như mình, chỉ có thể theo dõi - mà cũng không thật đều đặn - những gì Vi làm qua các bài viết trên báo, những sẻ chia trên mạng Facebook, Vi là hiện thân đẹp nhất và hết sức đáng ngưỡng mộ của một thế hệ, vừa có lý tưởng và nhiệt huyết không thua kém gì những thế hệ tranh đấu trong quá khứ, nhưng được trang bị tri thức, học vấn và tầm nhìn rộng mở, đầy tính nhân bản, trên tinh thần khai phóng.

Bởi lẽ, đọc những gì Vi viết, mình không chỉ cảm nhận được một tình yêu và sự gắn bó mãnh liệt với Việt Nam. Mà bên cạnh đó, Vi còn là người có nhãn quan thế giới sâu sắc khi dùng hệ quy chiếu nhân loại để rọi sáng những vấn đề của Việt Nam và của sâu thẳm lương tâm, tránh được những thái cực dễ gặp trong tranh đấu, và cả những khó khăn chất chồng cũng được Vi nhìn nhận với con mắt hài hước, không một lời kêu than.

Việt Nam cần biết bao những con người dấn thân như thế, cho hiện tại và tương lai, để thực hiện những gì mà thế hệ cha chú, hay anh chị dường như đã bó tay, trên con đường dài, khúc khuỷu đầy chông gai! Căn bệnh quái ác đến với Vi đúng vào lúc Vi đang có được khả năng cống hiến ở mức cao nhất, nhưng hy vọng nó chỉ có thể ngăn được bước chân Vi một cách tạm thời. Cầu mong Vi lành bệnh, và thành tâm cầu nguyện cho em...

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh