Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SÁU THÁNG ĐỒNG HÀNH CÙNG “TÔI VÀ SỨ QUÁN”

(NCTG) “Việc người dân tham gia giám sát, đóng góp ý kiến trong việc quản lý nhà nước chính là nền tảng căn bản của một xã hội pháp quyền, dân chủ và văn minh. Chính những kẻ đang ngày đêm kìm hãm sự tiến bộ này, làm xói mòn niềm tin của người dân vào chính quyền, mới là phản động”.
Trang mạng “Tôi và Sứ quán” - Ảnh chụp màn hình
Lời Toàn soạn: Chừng nửa năm trước, sau khi một số vụ việc lạm thu phí lãnh sự tại ĐSQ Việt Nam tại Bỉ bị phanh phui trên báo chí trong nước, hình thành trên mạng xã hội Facebook một trang mang tên “Tôi và Sứ quán” (TVSQ) với mục tiêu hàng đầu là “yêu cầu Sứ quán phải công khai, minh bạch việc thu phí và thời gian trả hồ sơ, thực hiện theo đúng quy định của nhà nước”.

Nhanh chóng, trang mạng TVSQ đã thu hút được sự chú ý và tham gia của rất nhiều “cư dân mạng” trong và ngoài nước. Trong thời gian ngắn, TVSQ đã thực hiện được một mục tiêu mà các quản trị viên khẳng định, là “chia sẻ thông tin lạm thu phí mà mình gặp phải để tất cả mọi người cùng biết, từ đó có hướng hành động thích hợp để giúp đỡ, bảo vệ nhau”.

Trong thời gian hơn sáu tháng, TVSQ đã “hoạt động như một cộng đồng độc lập để giám sát việc lạm phu phí lãnh sự của các ĐSQ Việt Nam tại nước ngoài” do “chưa có một kênh thông tin công khai để những người bị lạm thu phí lãnh sự lên tiếng”, cũng như chưa có cơ chế hay tổ chức nào giám sát hoạt động các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài một cách công khai.

Rất nhiều “quy định của nhà nước, các thông tư, nghị định và thông tin thiết yếu” đã được trang TVSQ phổ biến, để người dân “được biết và tự bảo vệ quyền lợi của mình khi làm việc với Sứ quán”. Nhờ đó, nhiều bà con xa xứ đã có được hiểu biết và trang bị được cho bản thân hành trang về pháp luật, trước khả năng bị lạm thu phí lãnh sự khá lan tràn trong thực tế.

Cuối tháng 7 vừa rồi, đại diện của TVSQ cũng đã trao tận tay kiến nghị cho Thanh tra Bộ Ngoại giao, phản ánh những bức xúc và tâm tư của nhiều người Việt xa xứ đối với công tác lãnh sự, kèm những đề xuất cụ thể nhằm cải thiện tình hình. Với một vài động thái “nhận lỗi” của cơ quan lãnh sự đây đó, không ít người đã có mong đợi lạc quan về một phản hồi xác đáng của cơ quan chức năng.

Rốt cục, câu trả lời của Thanh tra Bộ đã được gửi tới nhóm TVSQ vào trung tuần tháng 11, cùng thời gian với việc TVSQ có thành viên thứ mười ngàn.

Nỗ lực “chung tay giúp ngành Ngoại giao Việt Nam” trong công cuộc làm trong sạch hóa đội ngũ, minh bạch trong công tác trước nhân dân, đã thành công đến đâu trong những tháng qua, thông qua cố gắng của một nhóm dân sự? Sau đây là tâm tư và chia sẻ của một thành viên thuộc Ban điều hành nhóm TVSQ, chị Ngọc Anh, như một lời đáp cho câu hỏi trên. (NCTG)

 
*

Tham gia nhóm TVSQ từ những ngày đầu cùng các thành viên Ban quản trị, nhìn con số 10.000 thành viên hôm nay (*), tôi tự hỏi, chúng ta đã làm được gì, và chúng ta có hài lòng với kết quả (nếu có) đó không?

Hài lòng hay không?

Câu trả lời của cá nhân tôi là không, hay đúng hơn là chưa, chúng ta chưa làm được gì.

Nạn lạm thu ở các phòng lãnh sự vẫn tiếp diễn, biểu phí vẫn chưa được treo, hóa đơn vẫn chưa được cấp, và kiến nghị thì được trả lời như thế nào... Tôi có cảm giác chúng ta đang đứng trước một bức tường thành vững chắc, không gì có thể làm suy chuyển.

Dầu sao, mỗi ngày, TVSQ có thêm thành viên mới, mọi người đã bớt ngần ngại vào nhóm đặt câu hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức pháp luật, giúp đỡ nhau. Số người tham gia với số bài viết tăng lên mỗi ngày chứng minh TVSQ vẫn có lý do để tồn tại.

Nhìn những nụ cười, đọc những lời động viên giữa các thành viên, tôi cảm nhận được tình người ấm áp. Dường như một sợi dây vô hình đang gắn kết mỗi người ở đây, vượt qua những lợi ích cá nhân, mà hướng tới những gì có lợi cho cộng đồng.

Tuy nhiên, những điều rất đơn giản như đôi khi “được” trả lại vài chục đồng lạm thu, “được” nhân viên lãnh sự trả lời mail, điện thoại, “được” trả đúng giá biểu phí quy định, “được” nhận hồ sơ đúng hạn... bỗng nhiên trở thành những “chiến tích”.

Cũng như các bạn, mỗi dịp như thế tôi vui mừng và phấn khởi nhưng tôi cũng cảm thấy thật xót xa. Tại sao chúng ta lại vui mừng trước những điều đáng lẽ ra phải hiển nhiên như thế?

Cái “được” của nhóm

Với tôi, sự tin tưởng và tình cảm giữa những con người xa lạ sống ở khắp nơi hội tụ ở ngôi nhà TVSQ có lẽ là điều có ý nghĩa nhất mà chúng ta làm được đến giờ phút này.

Đôi khi không khí trong nhà cũng có phần căng thẳng.

Một số anh chị vì bị xóa bài, bình luận “lạc đề”, vi phạm nội quy, hay chỉ đơn giản là vì “không còn thấy hứng thú” đã rời ngôi nhà chung, âu cũng là điều tất yếu, không thể tránh khỏi.

Một diễn đàn tập hợp đông người thì việc khác biệt trong nhận thức, hành động dẫn đến xung đột là điều tất yếu. Và tôi không quá lo buồn về điều này. Mỗi người đều có quyền bày tỏ quan điểm trên tinh thần tôn trọng sự khác biệt của người khác, tìm cho mình hoạt động xã hội phù hợp với mình.
 
TVSQ không thể đáp ứng được nhu cầu giải tỏa bức xúc, cũng như không phải là nguồn cảm hứng bất tận, bởi mục đích và tôn chỉ của nhóm rất “hạn hẹp” - chia sẻ thông tin, giám sát độc lập, yêu cầu minh bạch các hoạt động lãnh sự trên tinh thần xây dựng, văn minh.

Các thành viên trong nhóm giúp đỡ nhau nâng cao kiến thức, hiểu biết về các quy định liên quan đến thủ tục lãnh sự và trên hết là thay đổi nhận thức về quyền công dân, từ đó mỗi người biết cách tự bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình khi làm việc với các phòng lãnh sự, vậy thôi.

Tôi chỉ còn biết mỉm cười khi nghe những lời nhắc nhở kiểu như, “cẩn thận, TVSQ là tổ chức phản động đấy”. Lên tiếng nói “không” với lạm thu, với các công chức ngoại giao đang vi phạm pháp luật, đóng góp ý kiến để có hoạt động công chính minh bạch là đi ngược lại tiến bộ, là phản động sao?

Dù sống xa quê hương, nhưng người Việt ở khắp nơi vẫn mong mỏi nhìn thấy một đất nước Việt Nam phát triển, tiến bộ và mong muốn đóng góp cho tiến trình này. Đó vừa là quyền vừa là nghĩa vụ công dân của mỗi người Việt vẫn mang trong mình lòng yêu nước.

Việc người dân tham gia giám sát, đóng góp ý kiến trong việc quản lý nhà nước chính là nền tảng căn bản của một xã hội pháp quyền, dân chủ và văn minh. Chính những kẻ đang ngày đêm kìm hãm sự tiến bộ này, làm xói mòn niềm tin của người dân vào chính quyền, mới là phản động.

Kiến nghị, và rồi làm gì?

Hàng trăm thành viên TVSQ đã ký Kiến nghị về các hoạt động lãnh sự gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam với tinh thần tôn trọng, đối thoại, xây dựng, dựa trên nền tảng pháp luật và tinh thần trách nhiệm công dân. Thanh tra Bộ cũng đã có buổi làm việc trên tinh thần cởi mở với đại diện của TVSQ.

Những tưởng thông điệp đã được chuyển tải, và chúng ta có thể tin tưởng và hy vọng một câu trả lời cũng mang tinh thần trách nhiệm và xây dựng từ phía Bộ Ngoại giao. Nhưng trong thực tế, sau nhiều ngày mong đợi, chúng ta đã nhận được câu trả lời như thế nào?

Bộ Ngoại giao “tiếp nhận kiến nghị, phản ánh đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền giải quyết của Bộ”, “chuyển thư kiến nghị và phản ánh tới các cơ quan đại diện ngoại giao để rà soát”, đồng thời cũng yêu cầu nếu có thắc mắc thì “liên hệ trực tiếp tới các cơ quan đại diện ngoại giao để được giải đáp”.

Với lá thư trả lời gây thất vọng này, Bộ Ngoại giao dường như vừa bỏ lỡ một cơ hội đối thoại văn hóa để giải quyết bức xúc của người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng, và tất cả những ai từng là nạn nhân của tệ lạm thu, hoặc quan tâm tới sự minh bạch trong hoạt động lãnh sự nói chung.

Tình trạng lạm thu, thái độ đùn đẩy trách nhiệm, thiếu vắng các giải pháp cụ thể của Bộ Ngoại giao sẽ nuôi bức xúc của các cộng đồng người Việt xa xứ, từng liên quan đến hoạt động lãnh sự và tiếp tục làm xói mòn niềm tin vào cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Phải chăng mong muốn có các hoạt động lãnh sự minh bạch - như một biểu hiện dân chủ, tôn trọng người dân của bộ máy chính quyền - là một đòi hỏi quá lớn?

Phải chăng các thành viên TVSQ đã sai lầm khi chọn đối thoại, hiểu biết, tôn trọng và xây dựng làm nền tảng cho các hoạt động của mình? Các thành viên TVSQ nên có, phải có động thái gì tiếp theo sau bức thư trả lời này của Bộ Ngoại giao?

(*) Cho đến tối 29-11-2015, nhóm TVSQ đã có hơn 10.500 thành viên.

Tác giả bài viết: Ngọc Anh, từ Lyon