Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THEO CHÂN NGA, HUNGARY SIẾT CHẶT KIỂM SOÁT XÃ HỘI DÂN SỰ

Trưa 13-6, Quốc hội Hungary đã biểu quyết thông qua dự luật liên quan tới hoạt động của các tổ chức dân sự “có yếu tố nước ngoài” với 130 phiếu thuận, 44 phiếu chống và 24 phiếu trắng, khiến hồ sơ chống xã hội dân sự của chính quyền nước này lại dầy thêm.
Biểu tình phản đối sự đè nén của chính quyền nhằm vào xã hội dân sự, Budpest tháng 4-2017, với biểu ngữ “Chúng ta không im lặng!” - Ảnh: Ajpek Orsi (index.hu)
Khởi đầu từ mùa xuân năm 2014, cuộc chiến bài trừ các tổ chức dân sự độc lập hoặc mang tính đối lập do chính quyền Hungary tiến hành lên tới đỉnh điểm với việc thông qua đạo luật này, mặc dù bị phe đối lập, các tổ chức nhân quyền và các định chế Châu Âu, quốc tế phản đối dữ dội.

Làm gián điệp cho nước ngoài, phục vụ những mục đích ngoại bang, tay sai của tài phiệt Soros... là những lý do và ngôn từ mà giới lãnh đạo phe cánh hữu Hungary thường xuyên đưa ra một cách không giấu giếm, bỏ qua mọi phép tắc về sự “phải đạo”, chừng mực trong phát ngôn chính trị.

Nội dung của đạo luật mới này là gì?

Luật mới manh nha từ đầu năm 2017, khi ông Németh Szilárd, Phó Chủ tịch đảng cầm quyền FIDESZ tuyên bố cần “đẩy lùi” và “tống tiễn” khỏi đất nước “những tổ chức dân sự giả hiệu của cái vương quốc Soros” mà theo ông là “phục vụ những lợi ích chính trị hoặc lợi ích của ngoại bang”.

Khi đó, theo mô hình của Liên bang Nga, chính quyền Hung đề xuất một số biện pháp - sau được đưa vào dự thảo luật điều chỉnh hoạt động các tổ chức dân sự nhận sự ủng hộ tài chính từ nước ngoài từ đầu tháng 4 - nhằm vô hiệu hóa những tổ chức dân sự không khiến họ vừa lòng. 

Viện cớ chống rửa tiền và khủng bố, minh bạch hóa việc nhận tài trợ từ nước ngoài, đạo luật buộc những tổ chức dân sự nhận ủng hộ từ nước ngoài ở mức từ 7,2 triệu Forint (tương đương 24 ngàn Euro) trở lên, phải đăng ký và bị đưa vào một danh sách do nhà nước quản lý trong vòng năm năm.

Ngoài ra, ở mọi ấn phẩm của họ, họ đều phải để một ghi chú “tổ chức được ủng hộ từ nước ngoài”, kèm tên tuổi những đơn vị tài trợ. Những người điều hành các tổ chức đó phải công khai tài sản, và sự thành lập, cũng như hoạt động của những tổ chức này bị hạn chế một cách đáng kể.

Thêm vào đó, cái “nhãn” tổ chức được nước ngoài tài trợ không dễ mà bỏ đi được: dự luật đòi hỏi trong vòng ba năm liền (sau giảm xuống còn 1 năm), một tổ chức không được nhận kinh phí hoạt động từ ngoại quốc, thì mới có thể được ra khỏi “sổ đen” của nhà nước trong vấn đề này.

Vì sao chính quyền Hung muốn thông qua luật này? Chính quyền Hung muốn nhắm vào những tổ chức nào? Hệ quả ra sao nếu luật được thông qua?

Đạo luật bị phản đối gay gắt ngay từ khi mới chỉ là ý tưởng, vì các tổ chức dân sự độc lập nhận nay ra rằng, khi được phê chuẩn, luật có thể “giúp” chính quyền kỳ thị, chụp mũ và vô hiệu hóa giới dân sự, lâu nay vẫn bị nội các Hung thẳng thừng coi là kẻ thù, “gián điệp ngoại quốc”, v.v...

Phe đối lập Hung, và nhiều tổ chức dân sự khẳng định, luật không hề nhằm tới sự minh bạch như nó viện dẫn - vì trước nay các tổ chức dân sự ở Hungary vẫn hoạt động minh bạch theo luật định - mà nhằm “dán nhãn”, thông qua đó dần dần diệt trừ, triệt tiêu tiếng nói của xã hội dân sự.

Các tổ chức dân sự lớn mà luật nhắm tới, như Ủy ban Helsinki Hungary, Minh bạch Quốc tế (Transparency International) chi nhánh Hungary hay Hiệp hội vì các quyền tự do (TASZ) đều là những cơ sở bảo vệ nhân quyền, dân quyền từng nhiều lần khiến chính quyền Hung lâm vào thế khó xử.

Chính vì thế, để đổi lại, chính quyền tìm cách tạo dựng trước người dân hình ảnh nước Hung có một kẻ thù chung là tỷ phú Soros György: ông này thông qua các tổ chức dân sự mà ông rải tiền, muốn gây ảnh hưởng tới nội tình nước Hung, và cả sự ổn định và nền an ninh nước này.

Song song với việc tìm cách bài trừ những cơ sở dân sự có yếu tố ngoại, chính quyền cũng dùng thuế dân để tạo dựng cho những tổ chức “dân sự” trá hình của riêng mình, và cho phép họ tha hồ ca ngợi chính quyền trên thứ truyền thông công ích thân chính phủ do chính quyền bơm tiền.

Đạo luật mới đã gặp phải phản ứng như thế nào từ giới dân sự và đảng phái Hung?

Giới đối lập cho rằng luật mới đơn thuần là sự bôi nhọ và “dán nhãn” cho các tổ chức dân sự. Đảng Xã hội (MSZP) cho rằng Hung đang đi theo mô hình Putin độc đoán, mà các chính khách đảng cầm quyền chính là những kẻ nhận tiền, theo nhìn nhận của Đảng Chính trị có thể khác (LMP).

Đảng cực hữu JOBBIK thì đòi phải minh bạch hóa cả những tổ chức “dư luận viên” được nhận kinh phí vô tội vạ từ chính quyền và các doanh nghiệp nhà nước, đứng đầu là Quỹ Đoàn kết Dân sự (CÖF), một tập hợp chuyên tổ chức những cuộc tuần hành và xuống đường ủng hộ chính phủ.
 
Đồng chủ tịch đảng đối lập “Đối thoại vì Hungary” (PM), bà Szabó Tímea giơ danh sách bất tận của các tổ chức dân sự, phản đối đạo luật vừa được thông qua - Ảnh chụp màn hình
Đồng chủ tịch đảng đối lập “Đối thoại vì Hungary” (PM), bà Szabó Tímea giơ danh sách bất tận của các tổ chức dân sự, phản đối đạo luật vừa được thông qua - Ảnh chụp màn hình

Một ngày trước khi đạo luật sửa đổi được thông qua, Quỹ Xã hội Mở của Soros đưa ra phát ngôn cho rằng, luật là sự tấn công vào nền dân chủ, chính quyền Hungary thông qua đó muốn bóp nghẹt những tiếng nói dân chủ ở Hung, đúng vào lúc lẽ ra nước Hung cần đến hơn bao giờ hết.

Giám đốc chi nhánh Châu Âu của Quỹ Xã hội Mở, ông Goran Buldioski còn nói thêm rằng, đạo luật nhằm triệt hạ những công dân Hungary đang đấu tranh chống tham nhũng và cách hành xử độc đoán, và bảo vệ một nền truyền thông tự do, độc lập, bảo vệ văn hóa tranh luận công khai.

Quỹ Xã hội Mở cũng chỉ trích chính quyền Hung bỏ tiền thuế dân - và cả nguồn tiền ủng hộ của Liên Âu - để ủng hộ những tổ chức “dân sự” giả hiệu, “phò” chính phủ, và đây chính là “tiêu chuẩn kép”. Quỹ tuyên bố họ tự hào về công việc tại Hung, và sẽ vẫn ủng hộ xã hội dân sự nước này.

Châu Âu phản ứng ra sao trước đạo luật phi dân chủ này?

Cuối tháng 4 vừa rồi, trong phiên toàn thể tại Strasborg, Hội đồng Châu Âu, cơ quan bảo vệ dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền của Châu Âu đã biểu quyết thông qua một khuyến dụ kêu gọi Hungary cho dừng những tranh luận trong nghị trường xung quanh dự luật về các tổ chức dân sự.

Hội đồng Châu Âu cho rằng dự luật đã được khởi thảo mà không có sự tham dự của những bên có liên quan, công luận không có mặt, và hàm chứa những hình phạt quá ngặt nghèo đối với xã hội dân sự, yếu tố được coi như “hòn đá tảng của mọi xã hội dân chủ”.

Hội đồng cũng đề nghị chính quyền Hung nên đối thoại công khai với xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế, và chờ đợi ý kiến của Ủy ban Venice, cơ quan chuyên trách về luật và các vấn đề hiến pháp của Châu Âu. Và gần đây nhất, Ủy ban Venice cũng đã lên tiếng về quan điểm của họ.

Theo ủy ban, việc minh bạch hóa các tổ chức dân sự, ngặn chặn rửa tiền, sự ủng hộ, tài trợ tài chính cho chủ nghĩa khủng bố là những điều cần thiết, nhưng dự luật của Hungary quá hà khắc, thiếu cân đối, chiến dịch chống xã hội dân sự là thiếu thiện ý và “đặt cơ sở cho sự phân biệt đối xử”.

Một vài quan ngại của Ủy ban Venice đã được các nhà “làm luật” của Hung lưu ý, tuy nhiên về bản chất, đạo luật được thông qua vẫn giữ nguyên tính chất bêu riếu, chụp mũ và triệt hạ các tổ chức đối lập nhận kinh phí từ ngoại quốc, giống hệt một luật do nước Nga Putin thông qua năm 2012.

Để trả lời, Hiệp hội vì các quyền tự do, tổ chức bảo vệ nhân quyền nổi tiếng của Hungary đã tuyên bố sẽ “bất tuân dân sự” và không chấp nhận luật mới, cho rằng nó không có chỗ ở Hung và Châu Âu, và sẽ kiện lên tòa án các cấp của Hung, Tòa Bảo hiến và Tòa án Nhân quyền Châu Âu.

Giám đốc điều hành của Hiệp hội cho hay, họ sẽ liệt kê từng xu những ủng hộ, nhưng để giữ sự xác tín, không nhận kinh phí từ Nhà nước Hung vì Hiệp hội đối đầu với mọi chính quyền ở Hungary, chính vì thế mà trước đây họ đã từng bảo vệ ông Orbán Viktor khi ông này còn ở vị trí đối lập.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest