Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA LÒNG NHÂN HẬU

(NCTG) Bà Göntér Mária Zsuzsanna, phu nhân của cố Tổng thống Göncz Árpád - vị nguyên thủ quốc gia trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của nước Hung dân chủ (1990-2000), chính khách được người dân Hungary yêu mến và kính trọng nhất của ba thập niên qua - vừa qua đời hôm nay, ngày 3-6-2020, thọ 97 tuổi
Bà Göntér Mária Zsuzsanna và chồng, Göncz Árpád trong buổi lễ mừng thọ 90 tuổi vị cựu tổng thống. Thư viện Thủ đô Szabó Ervin, Budapest năm 2012 - Ảnh: Cseke Csilla (MTI)
Chào đời ngày 16-11-1923 tại Győr trong một gia đình trí thức, cha là viên chức của Vương quốc Hungary, ông là nhà văn, nhà giáo, bà làm quen với người chồng tương lai, ông Göncz Árpád từ những năm trung học. Hai người đã trải qua nhiều gian khổ thời Đệ nhị Thế chiến, và kết hôn vào đầu năm 1947.

Trong 68 năm chung sống sau đó, một lần nữa, bà đã đồng cam cộng khổ cùng chồng khi Göncz Árpád bị kết án tù chung thân - và sau đó, bị giam cầm thời gian 1958-1963 - vì đã tham gia cuộc cách mạng 1956. Về sau, bà thuộc thế hệ những người đầu tiên làm công tác đào tạo các nhân viên xã hội tại nước Hung.

Sau khi Göncz Árpád trở thành Tổng thống đầu tiên của nền Đệ tam Cộng hòa Hungary (năm 1990), bà đã cùng ông thành lập Quỹ “Nắm tay nhau” và giữ cương vị người đứng đầu Quỹ trong nhiều năm để thực hiện hoạt động từ thiện cho trẻ khuyết tật và thiểu năng, với chuyên môn cao và tấm lòng rộng mở.

Bên cạnh đó, bà còn đích thân vận động để các cháu tật nguyền có được sự chăm sóc và môi trường phát triển tốt hơn. Bà đóng vai trò đáng kể trong sự ra đời của đạo luật thúc đẩy sự bình đẳng cơ hội của người khuyết tật, được quốc tế đánh giá cao. Cùng chồng, bà đã sống cuộc đời trọn vẹn và đầy ý nghĩa.

Đoản khúc “Về nhà” (Hazaérkezés) sau đây được Göncz Árpád viết tặng bà Göntér Mária Zsuzsanna, khi ông vừa bước chân khỏi chốn lao tù. Nếu coi Göncz Árpád là gạch nối và sự gắn kết giữa hai biến cố lịch sử trọng đại của Hungary thế kỷ 20 - 1956 và 1989 -, thì bà là chứng nhân của những sự kiện ấy.
 
Minh họa: Họa sĩ Lê Thương (2003)
Minh họa: Họa sĩ Lê Thương (2003)

VỀ NHÀ
 
(Tặng Zsuzsa)

- Rồi anh đừng có nhào vào quán rượu đầu tiên và say khướt nhé! - người trung sĩ nói, trong khi anh đeo chiếc đồng hồ, và xỏ chiếc nhẫn lên ngón tay. Lần đầu tiên sau 6 năm trời.

Người đàn ông không đáp.

Ngoài trời, mùa hạ rực rỡ với những sắc màu.

Bầu trời xanh thẳm, những lùm cây xanh biếc và những chiếc tàu điện màu vàng. Phụ nữ thì màu sắc như những chú chim cảnh.

Anh chăm chú nhìn mọi vật và mọi con người: thật lạ là không ai làm gì anh cả.

Có kẻ dạo trước, nếu thấy anh, liền lẩn sang phía bên kia đường ngay trước mặt anh, giờ thì lại từ bên kia đường chạy sang và nắm tay anh bắt thật lâu:

- Cậu à, tớ nghe cậu hơi bị rầy rà... hãy tin rằng, tớ cũng phải khó nhọc lắm...

Ở đây, anh không bị khó xử trước họ bởi sự trắng đen rõ rệt của nhà tù.

Một Chủ nhật, người vợ đưa anh và cháu nhỏ đi chơi dã ngoại. Đứa con trai, thời ấy mới nửa tuổi, giờ đã gần lên bảy.

Trong rừng, giữa đường, đứa trẻ bảo anh: - Bố ơi, dắt con đi - và nó nhắm nghiền mắt lại.

Anh chạm vào bàn tay đứa trẻ: hơn một phút, nó cứ nhắm mắt như thế và vòng vèo tránh những tảng đá, cành cây rụng, ổ gà và vết bánh xe.

Rồi đứa bé mở mắt và nói: - Bây giờ đến lượt bố!

Chiều con, anh cũng nhắm mắt và bước đi chừng mươi thước.

Anh cũng cầm tay con.

Rồi, người đàn ông mở mắt và từ khóe mắt, anh nhận thấy nụ cười mỉm trên miệng người vợ.

Người phụ nữ thấy rằng anh đã thấy cô.

Bầu trời xanh thẳm, những lùm cây xanh tươi, và xuyên qua những kẽ hở của bụi cây xanh, ánh mặt trời chiếu xuống tràn ngập mặt đường, nơi có những tảng đá, những cành cây rụng và những ổ gà.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh dịch theo nguyên bản tiếng Hungary