Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“KHÔNG CẦN ĐẾN NỮA ĐÂU, CHỒNG TÔI CHẾT RỒI!”

(NCTG) Một bệnh nhân bị “đuổi” về nhà trước ngày phẫu thuật một hôm, đã tử vong tại gia! Câu chuyện buồn này được vợ của nạn nhân, bà Terike, một phụ nữ sinh sống tại Óbuda (Quận 3, Budapest) kể lại cho nữ dân biểu Szabó Tímea, trưởng nhóm ĐBQH của Đảng Đối thoại (Párbeszéd).
“Không cần, không cần đến nữa đâu, nhà tôi chết rồi” - Ảnh chụp màn hình
Theo clip được đăng tải trên tài khoản cá nhân của bà Szabó Tímea trên mạng xã hội Facebook, chồng bà Terike phải vào viện ba lần và luôn nhận được lời khuyên là hãy về nhà và tự uống vitamin-K để cải thiện trạng thái sức khỏe, nhưng ở Hung thì không mua được nên gia đình phải đặt từ Đức.

Ngày 3-3, chồng bà nhập viện (tên của bệnh viện không được nhắc đến trong clip), và được chỉ định mổ ngày 17-3. Trước đó một ngày, 16-3, bà Terike nhận được một cú điện thoại cho hay ca phẫu thuật bị hoãn, 1h chiều hôm đó chồng bà phải vác val-li về nhà và ông kể là cả khoa bị “giải tán”.

Lý do là vì ngày 14-3, một thông tư của Bộ trưởng Bộ Các nguồn Nhân lực Kásler Miklós buộc các cơ sở y tế phải hoãn tất cả các ca mổ được coi là không ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Ba tuần sau, ngày 7-4, bệnh nhân lên cơn đau bụng và cả đêm không ngủ được, sức khỏe suy giảm.

Bà Terike gọi trực ban nhưng được bảo là hãy xem lại hồ sơ xuất viện. Đang gọi, chồng bà qua đời. “Không cần, không cần đến nữa đâu, nhà tôi chết rồi”, bà Terike khóc khi kể lại. “Tôi gửi lời nhắn đến “bên kia”, là bây giờ họ có thể vỗ tay được rồi đấy!”, bà nói, ám chỉ các chính khách cầm quyền.

Dân biểu Szabó Tímea cho rằng, câu chuyện của bà Terike hãy là điều khiến tất cả những ai đưa ra quyết định phải suy nghĩ, đặc biệt là Bộ trưởng Kásler Miklós, người đã đưa ra chỉ thị hoãn các ca mổ ảnh hưởng trầm trọng đến tính mạng nhiều con người, theo vị ĐBQH thuộc chính đảng đối lập.

Kế hoạch giải phóng” giường bệnh để có tối thiểu 60% giường bệnh trống dành cho bệnh nhân Covid-19 chỉ trong vòng dăm ngày, được xem như biện pháp đề phòng “kịch bản xấu nhất” mà chính quyền Hungary chủ trương, đã gặp phải rất nhiều lời chỉ trích đến từ các đảng đối lập và người dân.

Có trường hợp, bệnh nhân liệt nửa người cũng bị “tống” về nhà, và qua đời ngày hôm sau. Trong phiên họp Quốc hội gần đây nhất, đảng đối lập MSZP đã chất vấn Bộ trưởng Kásler Miklós, có bao nhiêu người tử vong do phải xuất viện và không nhận được sự chăm sóc, điều trị thích hợp?

Ông Kásler Miklós trả lời ngắn gọn: “Tôi không thể nói được là có bao nhiêu bệnh nhân đã tử vong, vì không ai phản ánh với tôi cả!”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh