KHI TRÁI BANH TỚI CHÂN TỔNG THỐNG…
- Thứ năm - 20/12/2018 05:52
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Ngày 17-12-2018, 5 ngày sau khi Quốc hội Hungary thông qua “luật nô lệ”, Chủ tịch Quốc hội Kövér László đã ký rồi gửi lên Tổng thống Áder János để chờ ban hành. Giờ, trái banh đang nằm ở chân vị nguyên thủ quốc gia Hung…
Những ngày qua, công luận và đời sống nghị trường Hungary nóng lên một cách hiếm có khi Đạo luật Lao động được Quốc hội (mà các dân biểu thuộc liên minh cầm quyền chiếm đa số hai phần ba) sửa đổi theo hướng được cho có lợi cho các doanh nghiệp lớn và bất lợi cho người lao động.
Trong đó, điều khoản bị chỉ trích nhiều nhất - cho phép chủ lao động có thể nâng số giờ làm thêm của người lao động từ lên mức tối đa 400 giờ hàng năm (dưới vỏ bọc “tự nguyện”) - đã khiến những cuộc biểu tình lớn nhỏ đã diễn ra liên miên và quyết liệt trên toàn quốc và cả ở nước ngoài.
Cần nói thêm, lần đầu tiên sau nhiều năm, các nghĩ sĩ đối lập vốn rất chia rẽ đã đồng lòng gây náo loạn chưa từng có trong Quốc hội trong phiên họp biểu quyết đạo luật này, và cũng chính họ đã cùng các đoàn biểu tình tuần hành tới đêm, hoặc thâu đêm trong tiết trời giá lạnh để bày tỏ sự phản đối.
Trong đó, điều khoản bị chỉ trích nhiều nhất - cho phép chủ lao động có thể nâng số giờ làm thêm của người lao động từ lên mức tối đa 400 giờ hàng năm (dưới vỏ bọc “tự nguyện”) - đã khiến những cuộc biểu tình lớn nhỏ đã diễn ra liên miên và quyết liệt trên toàn quốc và cả ở nước ngoài.
Cần nói thêm, lần đầu tiên sau nhiều năm, các nghĩ sĩ đối lập vốn rất chia rẽ đã đồng lòng gây náo loạn chưa từng có trong Quốc hội trong phiên họp biểu quyết đạo luật này, và cũng chính họ đã cùng các đoàn biểu tình tuần hành tới đêm, hoặc thâu đêm trong tiết trời giá lạnh để bày tỏ sự phản đối.
Giờ, khi đạo luật đang nằm trong tay Tổng thống Áder János, nhiều nghiệp đoàn và các cá nhân đã dấy lên một phong trào phản đối lan rộng. Với tên “Đừng ký, János!”, một nhóm hoạt động trên mạng xã hội Facebook đang tổ chức biểu tình lớn trước Tòa nhà Nghị viện Hungary vào tối thứ Sáu tới.
Mang tên “Giới dân sự chống lại “luật nô lệ”, nhóm này muốn dùng sức mạnh của công luận để thuyết phục Tổng thống Hungary hãy dùng quyền phủ quyết của mình. Bên cạnh đó, một số nghiệp đoàn cho hay, không chỉ biểu tình, họ sẽ tổ chức tổng đình công đầu năm mới nếu luật được ban hành.
Hãy xem trong hệ thống luật của Hungary, vị nguyên thủ quốc gia có khả năng gì trong trường hợp này? Theo những điều khoản liên quan tới thẩm quyền của Tổng thống liên quan tới hoạt động soạn thảo và ban hành luật, hẳn nhiên, Tổng thống Áder János có vài khả năng nếu ông muốn.
Sau khi một đạo luật được Quốc hội Hung thông qua, Chủ tịch Quốc hội sẽ ký và chuyển lên Tổng thống. Tối đa trong vòng 5 ngày kể từ khi nhận được, tổng thống cần ban hành bằng cách ký phê chuẩn và gửi lên tờ báo chính thức “Công báo Hungary” (Magyar Közlöny) của nước Hung.
Đó là trong trường hợp bình thường, khi tổng thống không thấy có vấn đề gì với đạo luật (và đây là thói quen “cố hữu” của ông Áder János, người bị phe đối lập coi là “lính của FIDESZ”). Tuy nhiên, luật định cho phép tổng thống dùng quyền phủ quyết của mình trong hai trường hợp sau đây:
1. Nếu tổng thống không đồng ý với đạo luật hoặc một số điều khoản của nó (chẳng hạn do “lòng dân không yên”, “luật dường như có bất cập”...), trước khi ký phê chuẩn, trong thời hạn kể trên, tổng thống có quyền gửi lại đạo luật cho Quốc hội để cân nhắc, cùng những ý kiến góp ý của mình.
2. Nếu tổng thống cảm thấy một số điều khoản nào đó của đạo luật có thể vi hiến, hoặc mâu thuẫn, vi phạm các hiệp định quốc tế, thì tổng thống có quyền gửi cho Tòa án Hiến pháp để xin ý kiến của Tòa, vốn là cơ quan tối cao có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp.
Đương nhiên, nếu Quốc hội bàn thảo lại về đạo luật và lại thông qua một lần nữa, hoặc Tòa án Hiến pháp nhận định rằng đạo luật không có nội dung vi hiến, thì tổng thống buộc phải ký phê chuẩn và ban hành trong vòng 5 ngày. Trong trường hợp ngược lại, nhiều kịch bản khác sẽ được đặt ra.
Trong lịch sử gần 30 năm của nước Hung dân chủ sau biến cố 1989, các tổng thống Hungary đã nhiều lần tận dụng khả năng phủ quyết này, mà người sử dụng nhiều nhất có lẽ là Giáo sư Tiến sĩ, Viện sĩ Sólyom László, Tổng thống thứ ba của Đệ tam Cộng hòa Hungary (nhiệm kỳ 2005-2010).
Là một nhà luật học xuất chúng, từng là một trong 5 thẩm phán đầu tiên của Tòa án Hiến pháp Hungary, rồi giữ cương vị Chánh án đầu tiên của Tòa Bảo hiến Hungary (1990-1998), hẳn ông hiểu rõ hơn ai hết trách nhiệm của mình trên cương vị nguyên thủ quốc gia khi dùng quyền phủ quyết.
Bởi lẽ, Hiến pháp Hungary định nghĩa tổng thống là người biểu thị sự thống nhất của dân tộc và giám sát sự hoạt động dân chủ của bộ máy nhà nước. Những vị tổng thống chỉ biết nhắm mắt ký phê chuẩn bất cứ thứ gì được đưa đến tay, thì không đáng được tôn trọng như đại diện đất nước.
Dầu sao đi nữa, cánh cửa mà nhiều người đặt chút hy vọng vào Tổng thống Áder János không có gì rộng mở. Quốc hội Hungary, nếu có được nhận lại “luật nô lệ” đi nữa, với hai phần ba số ghế thuộc về phe cầm quyền, có thể thông qua một lần nữa mà không cần tới sự ủng hộ của ai khác.
Bên cạnh đó, Tòa Bảo hiến Hungary trong những năm nay quy tụ nhiều thẩm phán được coi là thân cận với phe cầm quyền, và phạm vi nhiệm vụ cũng như thẩm quyền của cơ quan này cũng bị thu nhỏ đáng kể, không còn là một cơ quan cầm cân nảy mực có sức mạnh về mặt pháp lý như xưa.
Phải chăng, chỉ còn lại con đường đấu tranh trực diện và dùng sức ép với chính quyền như trong những ngày qua? Để đạt được kết quả khả dĩ, cần sự lớn mạnh đáng kể của các nghiệp đoàn, và sự đoàn kết chung tay và phối hợp theo hướng đi mới của toàn thể phe đối lập. Chúng ta hãy chờ xem!