Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHÍNH SÁCH BẮT BUỘC ĐÓNG CỬA HIỆU NGÀY CHỦ NHẬT THẤT BẠI

(NCTG) Quốc hội Hungary vừa thông qua việc rút lại đạo luật cấm mở cửa hàng, cửa hiệu vào ngày Chủ nhật với 163 phiếu thuận, 11 phiếu trắng và 2 phiếu chống. Một quyết sách được coi là mất lòng dân nhất của liên minh cầm quyền cánh hữu từ 6 năm nay, như vậy, đã bị thu hồi sau hơn 1 năm đi vào thực thi.
Minh họa: nepszava.hu
Như NCTG đã đưa tin, “sáng kiến” bắt buộc đóng cửa hàng, cửa hiệu vào Chủ nhật được Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (KDNP) đề xuất với lý do người dân cần được nghỉ ngơi, thư giãn để có sức “tái sản xuất” và đi lễ nhà thờ theo truyền thống Ki-tô giáo trong ngày “Chúa nhựt”.

Đồng tình với ý tưởng này của chính đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) mà đứng đầu là Chủ tịch - Thủ tướng Orbán Viktor đã sửa đổi ở nhiều điểm trong quá trình bàn thảo, và dễ dàng thông qua tại Quốc hội mà họ chiếm đa số áp đảo.

Tuy nhiên, trước khả năng cầm chắc là sẽ chịu thất bại trong kỳ trưng cầu dân ý về vấn đề này do phe đối lập - cụ thể là Đảng Xã hội Hungary (MSZP) đứng ra đề xuất, FIDESZ đã triệu tập một phiên họp nội bộ cuối tuần trước, và dường như đơn phương thông báo quyết định lùi bước.

Bất ngờ trước động thái này của chính đảng chủ đạo thuộc phe cầm quyền, lãnh đạo KDNP khẳng định vào hôm qua rằng họ hiểu tình thế và cách hành xử của chính phủ, nhưng vẫn giữ quan điểm mang tính nguyên tắc là cần đóng cửa vào Chủ nhật, và sẽ bỏ phiếu trắng hôm nay.

Chung cuộc, chỉ có ông Harrach Péter, người đứng đầu nhóm dân biểu KDNP trong Quốc hội là bỏ phiếu chống (cùng một dân biểu FIDESZ đã trở nên rất quen thuộc với cộng đồng Việt Nam tại Hungary là ông Szatmáry Kristóf). Thậm chí, còn có hai nghị sĩ KDNP bỏ phiếu tán thành.

Ngoài ra, tất cả các dân biểu thuộc phe đối lập - các đảng MSZP, JOBBIK và Chính trị có thể khác (LMP), cùng các nghị sĩ độc lập (chỉ trừ một người là bà Szelényi Zsuzsanna) đều bấm nút đồng ý thông qua việc Quốc hội rút lại đạo luật cấm mở cửa hàng, cửa hiệu vào ngày Chủ nhật.

Một đề tài mà báo chí Hung nói nhiều trong buổi chiều tối hôm qua, là khả năng Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ Lázár János, một yếu nhân của FIDESZ, sẽ lựa chọn khả năng bị mất ghế thành viên chính phủ khi bỏ phiếu chống, đi ngược lại “kỷ luật thép” mà ông Orbán đề ra.

Bởi lẽ, ông Lázár bảo lưu tới cùng quan điểm cho rằng đóng cửa hàng ngày Chủ nhật là một việc tốt, và cho đến cuối tuần trước ông vẫn khẳng định chính phủ không hề có ý thay đổi. Rốt cục, ông cùng Bộ trưởng Bộ Nguồn nhân lực Quốc gia Balogh Zoltán đã không tham gia biểu quyết.

Hai lãnh đạo này của phe cầm quyền đã ra một thông cáo, theo đó họ tuyên bố tất cả mọi người đều có quyền nghỉ làm việc ngày Chủ nhật, do đó họ không ủng hộ dự luật của chính phủ xóa bỏ việc cấm mở cửa hàng vào Chủ nhật, và sự vắng mặt của họ có thể coi là hai phiếu chống.

Tuy nhiên, do trung thành với chính phủ và theo đề nghị của Thủ tướng Orbán Viktor, hai vị bổ trưởng trên đã không hiện diện trong phiên biểu quyết để ấn nút bất tán thành, mà chọn cách vắng mặt và đưa ra tuyên bố với công luận thông qua giới truyền thông để nêu rõ quan điểm.

Trong một diễn biến có liên quan, đảng đối lập MSZP cho hay họ sẽ vẫn thu thập chữ ký ủng hộ để tiến hành trưng cầu dân ý vì theo họ, chính quyền Hung vội vã “lùi” chỉ để sau này lại “tiến” khi có cơ hội. MSZP cho rằng cử tri Hung sau này sẽ vẫn đi bỏ phiếu để thể hiện quan điểm.

Ngược lại, đảng cầm quyền FIDESZ cho rằng việc đóng cửa hàng ngày Chủ nhật là một quyết sách tốt đẹp, thiện ý và thành công, tạo ra hiệu quả tích cực, nhưng chưa thuyết phục được xã hội, và đây không chỉ là lỗi của chính quyền, mà còn là sai sót của các nghiệp đoàn và Giáo hội.

Đảng cực đoan JOBBIK thì vạch ra rằng hoàn toàn không phải như lời FIDESZ nói, rằng bây giờ họ nghe theo ý dân, vì ngay từ ban đầu đã có thể thấy rõ ràng là vấn đề đóng cửa hiệu ngày Chủ nhật bị đa số cư dân phản đối. Chính phủ phải biết rõ điều này vì họ đã trả cả núi tiền cho các hãng thăm dò dư luận, nhưng vẫn cứ muốn “quy định người dân phải sống như thế nào”.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp