Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VẤN ĐỀ QUỐC TỊCH VÀ VIỆC HỘI NHẬP CỦA KIỀU BÀO

(NCTG) “Một mong ước có thể có phần xa xôi là trong tương lai, cộng đồng Việt tại Hung còn có thể vươn lên hội nhập cả về xã hội và chính trị, sẽ có những người gốc Việt thành công không chỉ trong kinh doanh và học vấn, mà còn cả trong đời sống văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là chính trị. Bởi lẽ, hội nhập về chính trị là cách tốt nhất khiến diện mạo cộng đồng được cải thiện, Việt Nam được để tâm và tôn trọng ở nước ngoài...”.
Niềm vui khi thành công trong kỳ thi sát hạch về kiến thức cơ bản Hiến pháp, điều kiện tiên quyết để nhập tịch Hungary - Ảnh tư liệu
Xem bản tin ở đây.

Lời Tòa soạn: Trong số 4,5 triệu người Việt sinh sống tại nước ngoài, trong quá trình hội nhập với xã hội nước sở tại, ngày càng có nhiều người nhập tịch bản địa và động thái đó sẽ có tác động trực tiếp tới những lợi ích của mỗi người trong đời sống, sinh hoạt và công việc.

Đối với người Việt tại Hungary nói riêng, những khó khăn và thuận lợi của việc nhập quốc tịch, bà con được và “mất” gì khi trở thành công dân chính thức của nước bạn, v.v... là một phần nội dung của chương trình “Góc nhìn” với đề tài “Vấn đề quốc tịch và việc hội nhập của Kiều bào”, được phát trên kênh truyền hình VTV4 hôm 19-1/-2019 vừa qua.

Sau đây là nội dung trao đổi của BTV kênh VTV4 và TBT báo điện tử “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) về những vấn đề có liên quan.
 
Một cảnh trong buổi tọa đàm - Ảnh chụp màn hình
Một cảnh trong buổi tọa đàm - Ảnh chụp màn hình

- Tại Hungary, nhu cầu nhập quốc tịch của bà con như thế nào thưa anh? Hiện có khoảng bao nhiêu người Việt đã có hai quốc tịch?

Nhu cầu nhập tịch của bà con thời gian gần đây lên rất cao, khi chính quyền Hungary dường như có sự ưu ái khi xét đơn xin quốc tịch của người Việt tại Hung: thay vì phải chờ hàng năm hoặc thường là lâu hơn nữa như dạo trước, nhiều bà con giờ đây chỉ phải chờ đợi 4-6 tháng kể từ khi nộp đơn. Đó là một khoảng thời gian rất ngắn, khi nói đến chuyện nhập tịch với công dân một quốc gia ngoài khối Liên Âu như Việt Nam.

Chưa có thống kê cụ thể về số người Việt đã có song tịch tại Hungary cho đến thời điểm hiện tại. Thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê mới có số liệu tới năm 2015, theo đó, trong khoảng thời gian 23 năm - từ năm 1993 tới 2015 - đã có chừng 735 người Việt được nhập tịch. Tuy nhiên, trong một hai năm trở lại đây, cộng đồng ghi nhận rằng con số các trường hợp nhập tịch tăng đáng kể so với thời gian trước đây.

Chẳng hạn, trong kỳ tuyên thệ nhập tịch tháng 11 vùa qua, chỉ tại một quận (trong số 23 quận) ở thủ đô Budapest, người Việt đã chiếm tới 14 trên tổng số 29 người ngoại quốc được nhận quốc tịch Hungary. Cần biết rằng tổng số người Việt sinh sống tại Hungary xấp xỉ 5-6 ngàn người, như vậy có thể ước đoán rằng số người Việt đã có hai quốc tịch hiện chiếm tỷ lệ chừng một phần năm, một phần sáu trong cộng đồng.

- Được biết nước Hung cũng đã từng có chính sách thắt chặt nhập cư, vậy điều đó có tác động hay ảnh hưởng gì tới việc nhập quốc tịch của bà con ta bên đó?

Tới giờ, Hungary vẫn duy trì chính sách rất khắt khe với di dân, tuy nhiên người nhập cư mà chính quyền nước này trong 4 năm nay tỏ ra bài trừ và luôn có cái nhìn khắc nghiệt, là di dân Hồi giáo, mà Budapest cho rằng hàm chứa những yếu tố nguy hiểm cho an ninh quốc gia và đe dọa nền văn hóa Thiên Chúa giáo cùng những phong tục tập quán ngàn đời của nước Hung, đi kèm với làn sóng khủng bố đang đe dọa Liên Âu.

Dưới góc độ và cách nhìn ấy, thì cộng đồng người Việt không phải là đối tượng của sự kỳ thị. Về mặt đối ngoại, nước Hung vẫn theo đường lối “Hướng Đông” được khởi thảo từ nhiều năm nay, Việt Nam vẫn là đối tác quan trọng và tin cậy, là cửa ngõ của Hungary trong nỗ lực mở rộng quan hệ ở khu vực Đông Nam Á. Chuyến thăm Việt Nam năm ngoái của Thủ tướng Hungary cũng đem lại những kết quả đáng kể.

Do đó, hiện thời cá nhân tôi không thấy chính sách thắt chặt nhập cư của Hungary có tác động hay ảnh hưởng gì trực tiếp tới việc nhập tịch của bà con ta bên này. Ngược lại, như đã nói, thời gian gần đây con số người Việt tại Hungary đã được chính quyền bên này cho phép nhập tịch còn tăng nhiều, khiến bà con trong cộng đồng tỏ ra vui mừng về khả năng mới này trong sự hội nhập với xã hội và đời sống của nước sở tại.

- Thưa anh, trở ngại lớn nhất của bà con ta khi tham gia thi Quốc tịch của Hungary là gì?

Trở ngại thì có rất nhiều! Trước hết, đa số bà con nếu không phải là những cựu DHS hay NCS trước đây, thì thường không có được căn bản về tiếng Hung do đa phần chỉ tập trung làm ăn, buôn bán tại các khu chợ hoặc trung tâm thương mại, khả năng giao tiếp hạn chế và dừng ở mức đơn giản. Với rất nhiều bà con, khi tham gia học và thi Quốc tịch là lần đầu tiên họ đọc hoặc viết bằng tiếng Hung nên mọi thứ rất khó khăn.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ trong việc học và thi là ngôn ngữ chính thống, hành chính và pháp luật, hoàn toàn khác so với nôn ngữ mà bà con dùng để giao tiếp trong công việc. Nội dung của kỳ thi lại hết sức rộng, bao hàm lịch sử 1.100 nước Hung cùng lịch sử văn học, nghệ thuật, khoa học... của Hungary, cho tới những kiến thức về cơ cấu chính trị, các nhánh quyền lực, hệ thống hành chính và pháp luật, quyền con người, v.v...

40 câu hỏi trong kỳ thi Quốc tịch được coi như chương trình được dạy trong 7-8 năm ở nhà trường, hàm chứa những kiến thức xa lạ mà bà con hầu như chưa bao giờ quan tâm và để ý tới, giờ lại phải tranh thủ học ngoài giờ làm việc vốn dĩ rất vất vả trong khoảng 6-8 tuần, đương nhiên là trở ngại rất lớn cho bà con. Nhiều bà con nói vui, đã mấy chục năm chỉ lo làm ăn, giờ mới phải “lên lớp” lại, để rồi “ngồi trên ghế nóng”.

- Được biết, tại Hung cũng có một số lớp luyện thi Quốc tịch cho bà con mình, vậy những lớp luyện thi đó đã phát huy công dụng và hỗ trợ bà con như thế nào thưa anh?

Nhiều bà con trước khi đi học, có hỏi là chúng tôi “mù chữ” thế này thì làm sao học được? Các khoa học tạm gọi là “luyện thi” ấy phải tìm ra được cách nào khiến bà con có thể tiếp cận được với lượng kiến thức khổng lồ và phức tạp, trong thời gian ngắn, từ một xuất phát điểm rất khiêm tốn, để bà con có thể qua kỳ sát hạch. Cá nhân tôi nghĩ rằng, việc rất nhiều bà con thành công trong kỳ thi, cho thấy các khóa học đã có ích.
 
Hồi hộp xem đáp án trong khi đợi kết quả thi - Ảnh tư liệu
Hồi hộp xem đáp án trong khi đợi kết quả thi - Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, là một người có tham gia hướng dẫn bà con trong những khóa học ấy, tôi có một mong muốn cao hơn là ngoài tấm chứng chỉ mà trước sau bà con cũng được nhận, bà con sẽ có thêm nhiều tri thức rất quan trọng trong quá trình hội nhập. Một số bà con thổ lộ rằng, qua khóa học bà con không chỉ nắm bắt được một cách đại thể chuyện của Hungary và thế giới, mà còn hiểu hơn tiếng Việt và chuyện Việt Nam.

Có thêm kiến thức, theo dõi và chia sẻ được với người bản xứ về những gì đang diễn ra xung quanh mình, thậm chí gần gũi được hơn với con cái vì có thể trò chuyện được với con về những điều xưa nay mình “mù tịt”, cá nhân tôi nghĩ là điểm “được” lớn nhất của các khóa học. Nhờ kiến thức, chúng ta gần gũi, gắn bó và có được nhiều tình cảm sắc sâu hơn với mảnh đất và con người mà chúng ta chọn làm quê hương thứ hai...

- Hungary là một trong những quốc gia chấp nhận công dân có song tịch. Vậy ở Hung, người Việt song tịch có thuận lợi gì hơn so với các kiều bào chưa được nhập quốc tịch Hung?

Thuận lợi dễ nhận ra là trong việc đi lại, bà con sẽ ít gặp rào cản về thị thực khi cuốn hộ chiếu Hungary cũng được xếp vào hàng “quyền lực” thứ 4 trên thế giới, có thể tới 162 nước mà không cần visa. Thêm nữa, có được quốc tịch bản địa cũng thuận lợi hơn cho bà con trong công việc và trong các giao dịch về chế độ chính sách với chính quyền Hungary, khiến mỗi người tự tin và chủ động hơn trong cuộc sống xa quê.

Hơn nữa, cho dù cộng đồng người gốc Việt ở Hungary chưa đủ điều kiện để trở thành cộng đồng sắc tộc thiểu số (do chưa hội tụ đủ điều kiện căn bản là cần có 100 năm tồn tại ở Hungary), nhưng nếu con số người Việt được quốc tịch bản địa tăng, cộng đồng hội nhập vững mạnh và đạt nhiều kết quả, thì có thể hy vọng sự công nhận sẽ đến nhanh hơn từ phía nhà nước Hungary, theo ý kiến chủ quan của cá nhân tôi.

- Như chúng ta đã thấy, việc nhập tịch đã thể hiện một bước tiến dài của bà con ta khi hội nhập với nước sở tại. Nhưng đằng sau đó cũng là những trách nhiệm, nghĩa vụ mà họ phải gánh vác. Anh có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Một trong số các câu hỏi mà bà con trong kỳ thi Quốc tịch cần phải thông suốt, ấy là những nghĩa vụ, bổn phận công dân được quy định trong bản Hiến pháp mà người ngoại quốc cần tuân thủ khi nhập tịch Hungary. Trong số đó, tôi nghĩ là không có trách nhiệm nào có thể trở thành gánh nặng đối với bà con, hay có gì mâu thuẫn, trái ngược với những nghĩa vụ, tình cảm dành cho quê hương bản quán là Tổ quốc Việt Nam.

Ngược lại, trong các lễ tuyên thệ quốc tịch, chính giới Hungary vẫn thường nhấn mạnh là người nhập tịch tuy trở thành một phần của đất nước Hung, có thể tự hào và chia sẻ ngọt bùi với quê hương mới, nhưng đừng bao giờ quên quê mẹ, cội nguồn trong sâu thẳm trái tim của mỗi người vì họ đã chào đời ở đó, ông cha yên nghỉ ở đó. Cá nhân tôi cho rằng, hội nhập thông qua con đường nhập tịch chỉ mang lại những điểm tích cực.

Một mong ước có thể có phần xa xôi của tôi, là trong tương lai, cộng đồng Việt tại Hung còn có thể vươn lên hội nhập cả về xã hội và chính trị, sẽ có những người gốc Việt thành công không chỉ trong kinh doanh và học vấn, mà còn cả trong đời sống văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là chính trị. Bởi lẽ, hội nhập về chính trị là cách tốt nhất khiến diện mạo cộng đồng được cải thiện, Việt Nam được để tâm và tôn trọng ở nước ngoài...

(*) Có thể xem toàn bộ chương trình trên kênh VTV4 tại đây.

Tác giả bài viết: NCTG