CTV Bích Ngọc: “VIẾT NHƯ MỘT SỰ… NHẶT RÁC!”
- Thứ bảy - 21/07/2012 21:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Không ai nhìn thấy rác trước mặt mình, kể cả tôi, nên tôi chỉ có mong muốn nhặt cái rác đó đặt sẵn trước mặt mọi người, để ai cũng nhìn thấy và… tránh, hoặc lựa chọn một giải pháp tốt hơn nếu chẳng may gặp tình huống đó”.
Cây bút Bích Ngọc trên đường tác nghiệp - Ảnh: Huy Minh
Lời tòa soạn:“Muôn mặt đời thường”, một chuyên mục được độc giả quan tâm và tìm đọc đặc biệt của NCTG, có rất nhiều bài viết của Bích Ngọc, một cây bút nữ hiện sinh sống tại Hà Nội. Với khả năng nắm bắt và quan sát hết sức sắc nét những khía cạnh của đời sống thường nhật, những tản văn của Bích Ngọc tạo dựng nên cả một bức tranh toàn cảnh về xã hội và nhân tình thế thái Việt Nam hiện tại.
Là một người viết không chuyên nên mặc dầu đã có một số truyện ngắn được đăng tải trên báo chí trong nước từ khi còn rất trẻ, nhưng Bích Ngọc không nhận là viết văn, mà đơn thuần chỉ coi mình là người quan sát và ghi chép lại những tình huống, những câu chuyện đời thường. “Tất cả đều là những mẩu chuyện có thực, tai nghe mắt thấy!” - chị thường nhấn mạnh với NCTG, bất chấp nhiều người cho rằng, người viết giỏi phải là người “bịa” những câu chuyện không có thật một cách “như thật”.
Có lẽ thế mạnh của Bích Ngọc chính là ở đấy: là người chứng kiến hàng ngày không biết bao nhiêu câu chuyện dở cười, dở khóc của xã hội và thuật lại một cách tự nhiên, tưng tửng như thể không mất chút sức lực nào, cái hay trong tản văn, đoản văn của Bích Ngọc là sự xác tín. Bản thân sự thật đã là chất liệu căn bản cho sự xác tín ấy, cộng với sự trải nghiệm, tấm lòng của người viết, Bích Ngọc đã khiến nhiều bạn đọc ngạc nhiên một cách thích thú: chuyện này chuyện nọ tôi đã thấy, đã nghe, mà sao tôi không thể viết lại một cách đơn giản và hiệu quả như thế?
Là một trong số những CTV thân thiết và nhiệt thành nhất của NCTG, tất nhiên người đọc cũng muốn biết, những câu chuyện thường ngày ấy được Bích Ngọc “thai nghén” ra sao, chị có tâm tình gì khi nhào nặn hiện thực cuộc sống vào những đoàn khúc nhỏ, xinh và thú vị như vậy, v.v... Một số chia sẻ mang tính cá nhân ấy sẽ được phản ánh qua cuộc trao đổi sau đây giữa một độc giả NCTG và Bích Ngọc, như một sự tương tác giữa tác giả và người đọc. Xin trân trọng giới thiệu! (NCTG)
Tác giả của nhiều tản văn được yêu thích trên NCTG - Ảnh: Huy Minh
- Chào Bích Ngọc. Xin mở đầu cuộc trò chuyện của Ngọc với độc giả NCTG bằng câu hỏi Ngọc bắt đầu viết cho NCTG khi nào?
Không, không gọi là bắt đầu viết từ khi nào, mà phải là được TBT NCTG để mắt đến khả năng viết từ khi nào chứ (cười tinh nghịch).
- Vậy TBT NCTG để mắt đến khả năng viết của bạn từ khi nào?
Câu này bạn phải hỏi anh TBT chứ sao lại hỏi tôi? (cười)
TBT NCTG: Rất đơn giản, khi đi tìm một thông tin gì đó, tôi vô tình “lạc” vào blog của Ngọc.
Đọc vài bài, tôi rất ngạc nhiên vì khả năng quan sát những khía cạnh của đời sống thường nhật qua những entry Ngọc viết trên blog. Ngọc viết blog, nhưng rất chỉn chu, câu chữ... đâu ra đấy và tôi hình dung nếu đăng trên báo có lẽ cũng không phải biên tập gì mấy (cười).
Thêm nữa, bài của Ngọc trên blog thường đi kèm với cả chùm minh họa “chính chủ” rất sát, rất hợp lý. Thế nên... máu tham nghề nghiệp nổi lên, tôi liền nhắn tin xin làm quen, đề đạt mong muốn được đăng bài, nhưng vẫn với điều kiện rất “kiêu” là bài phải chưa xuất hiện ở nơi khác (cười).
Nếu tôi nhớ không nhầm thì NCTG đã đăng chùm tản văn đầu tiên của Ngọc như thế, và vì ít nhiều các đoản khúc ấy đều có chung một đề tài, nên tôi tạm đặt tên cho chúng là "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay".
- Được biết có nhiều tờ báo trong nước đề nghị Ngọc viết bài nhưng Ngọc đã từ chối. Vì sao Ngọc lựa chọn NCTG để gửi bài?
Câu hỏi này đã được tôi trả lời trong một bài viết nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 của báo. Các bạn cùng tôi đọc lại nhé.
- Viết báo là một việc không dễ dàng. Ngọc mất bao nhiêu thời gian để viết được một bài báo?
Rất nhanh, thường khi gặp sự việc gì, sau đó ngồi được vào máy là tôi viết ngay, có khi 5 phút, có khi 10 phút là xong một bài. Và khi gặp nhiều sự việc cùng một lúc tôi cũng có thể ngồi viết liền mấy bài gửi để báo dùng dần.
- Điều gì thôi thúc bạn viết những bài báo ấy?
Không ai nhìn thấy rác trước mặt mình, kể cả tôi, nên tôi chỉ có mong muốn nhặt cái rác đó đặt sẵn trước mặt mọi người, để ai cũng nhìn thấy và… tránh, hoặc lựa chọn một giải pháp tốt hơn nếu chẳng may gặp tình huống đó.
- Đề tài nào thường gây được cảm hứng cho Ngọc?
Tất cả những cái xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, nhưng tôi để tâm nhiều hơn đến số phận con người và cách ứng xử của mọi người trong cuộc sống với nhau.
Cùng nhà văn, dịch giả Trang Hạ
- Ngọc phản ứng với ý kiến khen, chê của độc giả về các bài báo của mình ra sao?
Một sáng người bạn thân của tôi online, tôi “tra tấn” bạn bằng một bài tôi vừa viết. Rồi bạn im tịt không thấy nói năng gì với tôi nữa.
Mãi đến 2 giờ chiều thì bạn buzz tôi. Bạn bảo từ sáng cho đến giờ bạn ngồi đọc hết tất cả bài viết của tôi trên NCTG và đi ăn trưa về bạn sẽ nhận xét.
Tôi hồi hộp lắm, nghĩ lại được khen như mọi lần. Tôi được rất nhiều độc giả khen nên có phần cũng hơi kiêu kiêu một chút, ý là mình giỏi, hiếm có người giỏi như mình (cười hóm hỉnh).
Đến lúc bạn quay về, tôi hào hứng buzz bạn luôn. Khác với suy nghĩ của tôi, bạn không khen mà bảo là bạn rất lo lắng cho tôi bởi tôi có cái nhìn lệch lạc về cuộc sống, rằng nếu cứ đà này tôi “phản động” lúc nào không biết.
Tôi có hỏi bạn là những cái tôi viết phải chăng là sai? Bạn bảo không sai, nhưng cuộc sống của nó vốn là thế rồi, ai cũng biết, ai cũng chứng kiến hàng ngày, viết làm gì nữa cho mọi người mệt mỏi ra. “Ngọc hãy nhìn những cái tươi đẹp ấy, viết về những cái tươi đẹp ấy”. Có lẽ từ giờ trở đi tôi chỉ viết về người tốt việc tốt thôi nhỉ? (cười)
- Ngọc có kỷ niệm nào đặc biệt với các bài viết không?
Mỗi bài là một kỷ niệm rất riêng của tôi. Nếu mà kể hết thì nhiều lắm. Tôi kể một kỷ niệm về một bài viết thôi nhé.
Có một lần, lâu lắm rồi, khi mới có nghị định cấm bán hàng rong, tôi đi bộ trên phố thì thấy một người đàn ông gầy gò đen đủi, cũng phải gần bảy mươi ấy, đang đẩy một xe thồ chất đầy niêu đất, vại muối dưa cà.
Xe có vẻ khá nặng so với ông vì thấy ông cứ luôn phải choãi người ra để đẩy nó đi. Bỗng xe phường đến, các bạn tự quản lao đến xe ông, nhấc những niêu đất và vại muối dưa ra. Rất nhanh, ông để cái chạc ba chân xuống một bên đỡ cho xe khỏi đổ, còn ông thì nhoài cả người lên che đống đồ của mình và luôn mồm xin các bạn tự quản đừng lấy đồ.
Trời chiều màu xám, những niêu đất và vại muối dưa cà màu đất cũng xám…, ông già đen đủi, chân tay gầy guộc nằm trên đống màu đó… Tôi đã lặng đi một lúc rồi chạy đến và bảo với họ là ông già đang đi chứ có dừng lại bán đâu mà thu đồ của ông.
Các bạn quát đuổi tôi ra. Tôi đứng nói với họ rằng nếu ông già đứng lại bán thì mới được quyền thu đồ của ông chứ, còn ông đang đi, ông đang lưu thông trên đường cơ mà…
Kết quả cũng không làm gì được, ông già cùng xe đồ bị dẫn về phường để nộp phạt. Ngay sau đó tôi viết một bài, tả lại sự việc vừa thấy và gửi một tờ báo nọ. Ngay hôm sau, tôi được báo trả lời là bài của tôi chống lại nghị định xx nên không đăng được.
Tôi đã khóc! Và cho đến giờ hình ảnh ông già đen đủi, chân tay gày gò nằm xoài người trên chiếc xe thồ chở niêu đất và vại muối dưa cà màu xám vẫn cứ ám ảnh tôi mãi.
Cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh trong buổi ra mắt sách “Ngôi nhà xưa” do NXB Trẻ tổ chức- Ảnh: Trương Quý
Và còn một màu xám nữa, là người phụ nữ mới mất con mặc áo xám đang đi lẫn vào trời chạng vạng chiều giữa những chỉ chỏ và đàm tiếu của người đời trong bài "Sụt cát" của tôi…
- Đó là kỷ niệm về bài viết, còn kỷ niệm về độc giả thì sao?
Có lẽ đặc biệt và độc đáo nhất là một chị độc giả vô tình của tôi.
Sau khi báo đăng bài "Cái mũ", có một độc giả đã chủ động liên lạc với tôi. Chị ấy nói rằng chị đã lặng lẽ theo dõi các bài tôi viết và nhận thấy tôi viết rất hay, chị thích.
Và chị nói những cái tôi viết chị cũng gặp hàng ngày nhưng chị không biết cách viết như tôi. Nay chị đã biết năng lực của tôi rồi, nên chị chọn tôi và sẽ ưu tiên tôi đầu tiên. Tức là hàng ngày khi gặp sự việc gì, chị sẽ kể cho tôi nghe và tôi sẽ “chấp bút” thành bài gửi báo.
Tôi vui lắm, đồng ý liền, và bảo tôi sẵn sàng ngồi viết lại những sự việc chị kể. “Vậy hôm nay chị có việc gì hay thì kể để em viết luôn?”.
Chị ấy bảo chưa nói hết ý. Chị ấy đồng ý sẽ kể hết cho tôi để tôi viết nhưng với điều kiện nhuận bút chia đôi. Chị nói chị cũng không biết thường như thế nhuận bút sẽ chia thế nào nhưng sự kiện không phải ai cũng gặp, còn người viết có thể nhờ người này người kia, nhưng thôi, cứ chia đôi cho tôi đỡ thiệt.
Tôi im lặng mất một lúc mới dám giải thích với chị rằng báo tôi viết là một sân chơi cho tất cả mọi người thích viết nên không có nhuận bút. Chị bảo vậy tôi cứ viết xong đưa bài chị rồi chị gửi báo nào là quyền của chị, tôi cứ yên tâm, khi có nhuận bút chị sẽ chia đôi cho tôi.
- Nếu được nhận một món quà từ độc giả thì Ngọc thích món quà gì?
Cái để đeo vào chìa khóa xe máy (cười).
- Ngọc nghĩ gì về Hà Nội hiện tại?
Tôi đang sống ở Hà Nội, hàng ngày chứng kiến bao nhiêu chuyện vui buồn ở đây, dù rằng nhiều cái khó chịu nhưng không hiểu sao tôi vẫn yêu Hà Nội vô cùng. Tôi không thể nghĩ rằng có một ngày nào đó tôi xa Hà Nội. Tôi không thể đi đâu xa được, đi chơi đâu cũng nhớ Hà Nội ghê gớm và khi trở về thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng như được trở về nhà mình vậy...
- Ngọc có bao giờ hoài cổ với Hà Nội của “những ngày xưa”?
Tôi sống hàng ngày với Hà Nội nên tôi hầu như không nhận ra sự khác biệt của Hà Nội xưa với Hà Nội nay. Chỉ đến khi có các bạn ở nước ngoài về, những người hàng chục năm, hai chục năm mới trở lại Hà Nội, mọi người ồ, à và kêu lên về những thay đổi của Hà Nội thì lúc đó tôi mới nhận ra là có khác. Nhưng tôi thích sống với những đổi thay hàng ngày của Hà Nội hiện tại hơn là quay trở lại với Hà Nội của “những ngày xưa” ấy.
- Riêng tư một chút nhé, Ngọc thích món ăn nào ở Hà Nội?
Bún thang là món tôi cực thích, tôi có thể ngày nào cũng ăn bún thang được nhưng giờ tìm một hàng bún thang ngon giống ngày xưa thật khó. Đấy, hoài cổ về Hà Nội xưa đấy... (cười).
- Ngọc có đặc biệt thích góc nào của Hà Nội không?
Tôi thích đi bộ lang thang trên các con phố bụi và ồn, thích ngắm những hàng cây, thích đi ra giữa đường để nhìn phía trước là tít tắp, và thích lắm khi mùa thay lá, đang đi bỗng có cơn gió, cả cây rùng mình rụng lá, đẹp lắm!
Những lúc đó, tôi thường dừng hẳn xe lại thảng thốt kêu lên và lặng người ngắm những chiếc lá khẽ rơi xoay xoay trong gió.... Rồi mùa cây ra lá mới, trên những con đường hàng ngày tôi đi, mỗi ngày tôi chứng kiến sự đổi màu của lá, từ màu non mới nhú, đến màu xanh mướt, rồi xanh thẫm và màu vàng để rụng xuống...
Đặc biệt những lá sấu rụng, đi ở đường Trần Hưng Đạo chỗ Đại sứ quán Pháp ấy, sẽ thấy những lá sấu vàng rơi, cả thảm, đẹp lắm....
Cùng nhà văn, dịch giả Thụy Anh - Ảnh: Trương Quý
- Nếu có bạn ở nước ngoài về, Ngọc thường dẫn bạn đi đâu, cho bạn thưởng thức món ăn gì ở Hà nội?
Tôi thường chiêu đãi các bạn một vòng đi bộ bờ hồ Hoàn Kiếm và kết thúc là ăn kem ở Tràng Tiền. Sau đó, tùy theo sở thích từng bạn mà tôi sẽ dẫn đi tiếp bảo tàng hay Văn Miếu. Tôi hay dẫn các bạn đi ăn trưa món bún chả Hàng Mành. Cũng nhờ dẫn các bạn đi chơi mà tôi viết được khá nhiều bài cho báo đấy.
- Vậy Ngọc giải thích thế nào với các bạn về những hiện tượng tiêu cực vẫn đang diễn ra ở Hà Nội?
Không, sao lại gọi là tiêu cực, đó là “linh động”... Đôi khi phải cảm ơn sự linh động đó mà mình đỡ mất thời gian hơn đấy (cười lém lỉnh).
- Ngọc nghĩ gì về một Hà Nội “ngày mai”?
Sẽ vẫn như hôm nay thôi, vẫn có những hàng quán dọc vỉa hè, vẫn có rất nhiều câu chuyện tại đó, sẽ vẫn có những người vừa phi xe máy vừa quay đầu nhổ nước bọt xuống đường mà không cần biết đi sau mình là ai. Và sẽ vẫn có những mùa lá sấu rụng, những mùa cây thay lá...
- Để kết thúc cuộc trò chuyện thú vị này, xin hỏi Ngọc một số câu hỏi ngắn. Bạn hãy nói ý nghĩ đến ngay lập tức trong đầu nhé. Tên một bài hát:
“Hoài cảm” (Cung Tiến)
- Một câu thơ:
“Lạnh quá ánh trăng không sáng mấy
Cho nên muôn dặm ở ngoài kia”.
(“Thao thức”, Hàn Mặc Tử)
- Một tác giả yêu thích:
Phan Thị Vàng Anh.
- Một cuốn sách:
“Những gặp gỡ không ngờ” (Lê Minh Hà).
- Một địa điểm muốn đến:
Budapest.
- Một mùi hương:
Nước hoa mùi hoa quất.
- Cám ơn Bích Ngọc, hy vọng cuộc trao đổi nhỏ này với bạn có thể giúp độc giả NCTG hiểu hơn về một CTV thân thiết của báo!
(*) Có thể theo dõi một số tản văn của Bích Ngọc tại đây.