Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


15 năm ấy: “BẠN ĐỌC LẶNG LẼ VÀ RẤT THỦY CHUNG SONG HÀNH”

(NCTG) “Do ở xa Budapest trung tâm ánh sáng, Paris của Đông Âu, nên tôi đến với NCTG hơi muộn. “Nhịp cầu Thế giới”, thành công ngay từ cách đặt tên” - chia sẻ của TS. Trần Quốc Bình từ TP. Debrecen, Hungary.
TS. Trần Quốc Bình (ngoài cùng bên phải) trong cuộc gặp gỡ và giao lưu với GS. TS. Vũ Hà Văn do NCTG tổ chức (tháng 1-2014) - Ảnh: Trần Minh Tâm
Lời Tòa soạn: Nhân dịp NCTG tròn 15 tuổi, chúng tôi đã nhận được nhiều thư chúc mừng và chia vui của các bạn hữu của báo. NCTG chân thành cám ơn và xin đăng lại ở đây một số lá thư, như những lời khích lệ để chúng tôi biết rằng, chúng tôi còn phải cố gắng rất nhiều để xứng đáng với niềm tin của độc giả và các bạn hữu (NCTG).
 
*
 
Thân gửi NCTG,
 
Trước hết xin gửi tới NCTG lời chúc mừng sinh nhật tốt đẹp nhất nhân dịp tờ báo tròn 15 tuổi.
 
Có lẽ phải đến 2009 hoặc 2010 tôi mới được biết đến NCTG, rất tình cờ, khi GS. Phạm Ngọc Ánh hỏi: “Bình có đọc… trên NCTG?” nhân chuyến giáo sư đến Đại học Debrecen giảng bài. Và cũng từ đấy, mặc dù biết đến tờ báo có hơi muộn màng nhưng tôi đã trở thành một bạn đọc lặng lẽ và rất thủy chung đồng hành với NCTG. Bởi lẽ, tôi đã từng rất thích những bài tổng hợp, bình luận rất sắc sảo từ các vấn đề xã hội, kinh tế chính trị đến văn học nghệ thuật của các cây bút Trần Lê, Nguyễn Hoàng, Hoàng Nguyễn, H. Linh… Phải mất mấy năm, phải hỏi đến dăm ba người mới vỡ ra là những cái tên đáng trân trọng và ngưỡng mộ trên đều là bút danh của TBT Nguyễn Hoàng Linh. Và cũng từ đấy mình mới biết người thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết và tài ba Nguyễn Hoàng Linh là ai! Âu cũng là lỗi tại mình, chả nhẽ lại đổ cho cuộc sống tỉnh lẻ, suốt ngày lam lũ công việc, vợ con :).
 
Một kỷ niệm thật khó quên mà đến giờ nhiều khi tôi vẫn tự mỉm cười với chính mình mỗi lần nhâm nhi bài thơ “Không đề”: “Em nhớ lại chuyện ngày quá khứ/ Khúc hát thơ ngây của một thời thiếu nữ/ Ngôi sao cháy bùng trên sông Neva/ Và những tiếng chim kêu trong bóng chiều tà…”. Đây là bài thơ tôi rất thích hồi trai trẻ xưa và không hiểu sao tôi vẫn cứ đinh ninh là của Lermontov. Mãi đến khi đọc bài viết về Olga Berggoltz của Hoàng Linh trên NCTG tôi mới biết Olga Berggoltz là tác giả đích thực của bài thơ. Ấy là chưa nói đến mấy bài bình luận, phân tích liên quan đến Olga Berggoltz cũng đăng trên NCTG của Thụy Anh đã cho tôi vỡ lẽ thêm nhiều điều.
 
NCTG không chỉ là tờ báo truyền tải thông tin cho bà con mà còn là sân chơi cho nhiều cây bút, học giả, dịch giả mà người hưởng lợi trực tiếp là những độc giả như mình: nhớ lại một thời khó quên khi hồi hộp trong ngóng số báo tiếp theo để được đọc tiếp bản dịch “Những ngọn nến cháy tàn” rất Việt, rất tuyệt của anh Giáp Văn Chung, hay được đọc những bản dịch thơ Hungary rất thơ của Phan Anh Sơn.
 
Tôi rất tâm đắc với câu trả lời của Hoàng Linh trong bài phỏng vấn do đài RFI thực hiện: “Bên cạnh việc tồn tại trên mạng như một tờ báo trực tuyến, NCTG muốn được xuất bản những bài viết có giá trị trong các tập san riêng, mang tính chuyên đề, như một sự ghi nhận và lưu giữ sự đóng góp của các cộng tác viên (CTV). Bởi lẽ, hiện tại, hàng năm, NCTG có hàng ngàn bài của các CTV, trong đó có không ít bài phân tích, nhận định, quan điểm và khảo cứu chuyên môn với cách tiếp cận vấn đề có nhiều điểm mới mẻ, khác biệt và không trùng lặp”. Có một thời tôi rất thích đọc các bài nghiên cứu, phân tích đăng trên Talawas và sau này là Blog Procontra của Phạm Thị Hoài, nhưng đáng tiếc là cả hai “tờ” này đều không được tiếp tục. Hy vọng trong tương lai gần số bài mang tính chuyên đề về nhiều lĩnh vực từ kinh tế, chính trị đến lịch sử, văn học nghệ thuật của NCTG sẽ tăng lên để góp phần mở mang kiến thức, hiểu biết cho độc giả.
 
Tản mạn vài lời chia sẻ nhân dịp NCTG tròn 15 tuổi, cám ơn Hoàng Linh và NCTG rất nhiều! Chúc NCTG tiếp tục là nhịp cầu vững chãi của bà con Việt kiều xa xứ với quê hương, nhịp cầu hữu nghị của Việt Nam với thế giới. Và góp phần tích cực trong quá trình xây dựng xã hội dân sự ở Việt Nam (*).
 
(*) TS. Trần Quốc Bình làm việc tại Viện Toán, Đại học TP. Debrecen, thành phố lớn thứ nhì của Hungary sau thủ đô Budapest.

Tác giả bài viết: Trần Quốc Bình, từ Debrecen