Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LẦN THỨ HAI QUA BUDAPEST

(NCTG) “Mình ở Budapest hai ngày rưỡi, và rời đi trong tiếc nuối. Giá mà mình ở đây thêm ít nhất là một hôm nữa...”.
Tác giả và cha tại Budapest - Ảnh: Trần Lê
Từng có lần đến Budapest nhưng chuyến đi đấy nằm trong lần du lịch Châu Âu đầu tiên trong đời mình. Dù đọc bao nhiêu thì mình cũng không thể hình dung ra cần đi đâu, làm gì, thưởng thức gì? Một điều căn bản nữa là khi ấy mới ở Việt Nam sang, mình chưa có nhiều “chính kiến” lắm để lựa chọn thứ mà mình thực sự thích để đi. Bạn không thể quá tham lam khi đi du lịch, mà cần biết mình thích gì để lựa chọn. Mỗi nơi là cả một câu chuyện mà cần thời gian để “ngấm”. Sau bao kinh nghiệm du lịch thì mình chọn “chiến thuật” đi ít, nhưng ngấm nhiều.

Lần đi này nhân bố mình sang thăm, cũng là lần đầu tiên cụ đi du lịch Châu Âu, nên mình muốn chọn những địa điểm điển hình nhất, và đẹp nhất nữa. Budapest nằm trong danh sách ấy của mình.

Đi du lịch với bố mình rất vui, vì cụ rất hiếu kỳ. Cụ hỏi rất nhiều. Nhiều câu hỏi trong số đó thực lòng mình không bao giờ để ý đến. Vì thế, một lời khuyên đối với người đi du lịch là nên đi với người hay hỏi. Nhờ có mạng Internet nên mình đã cố gắng hết sức tra cứu để trả lời các câu hỏi của cụ, và đồng thời tìm hiểu thêm cho bản thân về những đề tài nảy sinh khi tìm kiếm câu trả lời cho cụ. Chuyến đi vì vậy rất thú vị, nó thực sự là du lịch - khám phá - hưởng thụ, chứ không đơn thuần chỉ là du lịch - hưởng thụ.

Thông tin đầu tiên mà mình tra cho bố mình là: Hungary diện tích bằng khoảng một phần ba của Việt Nam, dân số thì khoảng một phần chín; thu nhập đầu người tính theo trị tuyệt đối tầm 14.700 USD/năm (thứ 57 thế giới), nhưng tính theo sức mua tương đương thì cao hơn, 21.200 USD/năm (thứ 49); chỉ số bất bình đẳng thấp, chỉ số phát triển con người thuộc loại cao (thứ 37). Điều này có nghĩa là đối với du khách, đất nước Hung an toàn, và giá cả sẽ rẻ hơn rất nhiều so với mặt bằng chung ở Châu Âu.

Mình thuê nhà qua mạng airbnb của một cặp vợ chồng trẻ, và hai bạn ấy đã đề nghị ra đón mình ở sân bay. Mình đã đặt vé xe buýt từ phi trường về rồi nhưng vẫn rất cảm kích, và có cảm tình với người Hungary ngay lập tức. Giá nhà ở đây chỉ rẻ bằng nửa tại các thành phố du lịch tại Tây Âu. Nhà rộng rãi, thoải mái, vô cùng đầy đủ, rất sạch sẽ và cực kỳ ngăn nắp. Khi đến nhà này rồi thì quan niệm phụ nữ Việt Nam đảm đang hơn phụ nữ Châu Âu dường như tan biến ngay lập tức. (Dầu sao, phụ nữ Châu Âu có lẽ có chồng cùng dọn dẹp nhà cửa nên so sánh này hẳn là có phần thiệt thòi cho chị em Việt Nam).
 
Budapest vào đêm - Ảnh: index.hu
Budapest vào đêm - Ảnh: index.hu

Một thông tin thú vị là vừa xuống sân bay, mình gặp một bạn trẻ Thụy Điển cũng chờ xe buýt về thành phố giống mình. Bạn bảo có một người bạn ở Budapest, qua đây một tuần, vừa đi chơi vừa tham quan một nông trại để xem người Hung làm nông nghiệp như thế nào. Hóa ra trong các nước Châu Âu, Hungary là nước có tỉ lệ đất dành cho nông nghiệp cao vượt trội (xấp xỉ 50%). Ở Budapest có Bảo tàng Nông nghiệp là một trong những bảo tàng rất quan trọng nằm ngay trong trung tâm thành phố.

Ấn tượng tiếp theo là các bạn trẻ ở Hungary nói tiếng Anh rất hay, hay hơn hẳn ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha. Hỏi đường bạn nào mình cũng được nghe một tràng tiếng Anh lưu loát, và rất nhiệt tình. Khí hậu thì vô cùng dễ chịu (không biết có phải mình may mắn không, mà lần nào qua Hungary cũng gặp ngày mát mẻ). Hệ thống giao thông công cộng Budapest rất đầy đủ và không đến nỗi rối rắm như Paris, nên mình mua ngay hai vé cho hai bố con. Budapest tuy không quá lớn nhưng cũng phải mất tối thiểu ba ngày mới đi được hòm hòm, và giá vé cho một hay ba ngày ở đây là rẻ nhất trong số các nước mình đã từng đi qua, và còn rất hời so với mua vé lẻ.

Như thường lệ, các thành phố Châu Âu đều là những bảo tàng lớn gồm những ngôi nhà, những công trình kiến trúc và những con đường trăm, ngàn tuổi. Trong cái bảo tàng lớn ấy lại có hàng chục bảo tàng nhỏ theo các chủ đề khác nhau, khó nhất chính là lựa chọn được bảo tàng nào mình thích đi nhất. Vả lại, đi bảo tàng kiểu ngó qua thì nhanh lắm, nhưng nếu muốn tìm hiểu chút chút thôi cũng phải cả buổi. Mình đi bảo tàng lúc nào cũng lâu, nên dù tiếc nuối nhưng mỗi thành phố cũng chỉ chọn được một bảo tàng mà thôi. Lần này tại Budapest, mình chọn Bảo tàng Khủng bố, nơi mà theo mình bất cứ người Việt nào cũng nên ghé qua, bởi đó là một cách nhìn khác hoàn toàn những gì chúng ta đã được học trong nhà trường. Đi là để mở rộng tầm mắt mà.

Đối với bảo tàng lớn là toàn thành phố, thì việc đầu tiên mình làm là đi bộ dọc sông Danube, dòng sông chạy qua hàng chục nước ở Châu Âu và có tới bảy chiếc cầu bắc ngang qua sông chỉ trong nội thành Budapest để nối hai bờ Buda và Pest. Đến khi mỏi chân, mình tự cho bản thân thưởng thức những món ăn trong nhà hàng ngay cạnh cây cầu Tự Do màu xanh lá duyên dáng với giá cả rẻ bậc nhất Châu Âu. Mình cảm thấy ẩm thực Hungary nằm ở giữa Âu và Á, và món xúp cá ở đây thì quả là rất đặc biệt. Các món ăn Hung rất dễ ăn, đặc biệt với người mới chân ướt chân ráo từ Việt Nam sang chưa quen ăn đồ “Tây” như bố mình.

Mãi sau này, khi được một người bạn ở Budapest giới thiệu mình mới biết hóa ra người Hungary dường như có xuất xứ từ Châu Á, và rằng mảnh đất nằm ở trung tâm Châu Âu này lại do một dân tộc đến từ rất xa cai quản, vì thế thức ăn và nền ẩm thực ở đây mới đặc biệt như vậy. Điều này cũng giải thích tại sao người Hungary có dáng người hơi khác so với người ở các nước Châu Âu khác.
 
Xúp cá, món ăn truyền thống của nước Hung - Ảnh: femina.hu
Xúp cá, món ăn truyền thống của nước Hung - Ảnh: femina.hu

Sau khi lê la thêm mấy quán ăn ở Budapest nữa thì bố mình hoàn toàn bị thuyết phục bởi đồ ăn, bia và cả rượu mạnh của Hungary. Đừng quên vào ngôi chợ cổ mang tên Chợ Lớn ở trung tâm thành phố, được hoàn thành năm 1897 nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm nước Hung, và ăn thử đồ ăn trong đấy nhé. Đấy có lẽ là cái chợ đẹp nhất ở Châu Âu, và phảng phất phong cách chợ Việt Nam khi cùng một nơi vừa có buôn bán thực phẩm tươi, đồ đặc sản, hàng lưu niệm và có cả quán ăn tại chỗ.

Địa điểm thứ hai bố con mình tới thăm là khu quần thể bao gồm đại lộ chính Andrássy, đường tàu điện chạy ngầm dọc dưới đại lộ, Quảng trường Anh Hùng, Công viên Thành phố nằm phía sau quảng trường nơi có lâu đài Vajdahunyad với bốn phong cách kiến trúc khác nhau. Toàn bộ công trình này cũng được xây dựng nhân kỷ niệm một ngàn năm nước Hungary (1896).

Đại lộ Andrássy dài hơn 2,3 km, tuy được gọi là Champs Elysée của Hungary nhưng còn dài hơn Elysée của Paris và cá nhân mình thì thích con đường này hơn. Có thể vì nó yên tĩnh hơn, và đường tàu điện chạy ngầm dọc theo đại lộ - lâu đời nhất ở Lục địa Châu Âu - đẹp hơn, và với những trang trí như thời nó mới được xây, mình đánh giá là đẹp nhất trong các đường tàu điện ngầm mà mình từng qua.

Mình chọn đi tuyến tàu điện chạy ngầm này đến trước Quảng trường Anh Hùng hai bến thì lên đi bộ dọc đại lộ Andrássy, và thực sự yêu thích con đường này với làn cây xanh mướt và những ngôi nhà đẹp đẽ, cổ điển dọc hai bên đường. Tàu điện chạy ngầm ở Budapest chạy không êm như những tàu điện ngầm hiện đại (khi bắt đầu tăng tốc và khi dừng lại thì bị giật, những người già đứng thì hơi gặp khó khăn), nhưng nó làm mình cảm thấy không khí của hơn một trăm năm trước và thấy mình thật “cổ điển”, một cảm giác rất là thích thú (có lẽ không phải cái gì hiện đại cũng là nhất đâu nhỉ?).

Nhờ lọ mọ đọc về các địa danh (dù chỉ là sơ sơ qua bằng wikipedia), mình biết rằng Hungary có một lịch sử hào hùng và cũng đầy bi tráng. Nằm ở trung tâm Châu Âu, chiếm một vị trí vô cùng quan trọng của lục địa này, đồng thời lại do một dân tộc ngoại lai cai quản, Hungary trải qua chiến tranh liên miên từ ngày lập quốc (năm 896) cho đến Thế chiến thứ hai. Budapest, thành phố tấp nập bên bờ sông Danube, trở thành chiến trường của nhiều trận chiến, bị tàn phá, xây dựng lại, rồi lại bị tàn phá biết bao lần. Vậy mà Budapest bây giờ vẫn rất đẹp, mang nét cổ điển mà vẫn đáp ứng được các nhu cầu giao thông của thời kỳ hiện đại.
 
Quảng trường Anh Hùng - Ảnh: budapest.varosom.hu
Quảng trường Anh Hùng - Ảnh: budapest.varosom.hu

Mình và bố cứ thắc mắc (và trầm trồ) mãi là tại sao ở Budapest, những công trình xây dựng từ cả một hai trăm năm trước mà lại vẫn hài hòa đến thế cho đến tận ngày hôm nay. Hóa ra, với vị trí quan trọng đương thời của Budapest như một trong hai trung tâm của đế chế Áo-Hung hùng mạnh cuối thế kỷ 19, và với và tầm nhìn có tâm có tầm của những người con Hungary thời ấy, đô thị này đã được thiết kế như một tổng thể hài hòa để thế hệ sau nếu có muốn phát triển thêm thì chỉ việc mở rộng, chứ không phải phá đi những công trình cũ. Vì thế, những gì chúng ta thấy ở Budapest ngày nay có thể đã được phục chế, sửa chữa do bị chiến tranh tàn phá, nhưng đều trên nền tảng những công trình cũ mà cha ông để lại.

Thường thì đến một thành phố bao giờ mọi người cũng muốn có cái nhìn tổng thể từ trên cao xuống. Ở Budapest có hai địa điểm tự nhiên có thể nhìn toàn cảnh, đều ở bên bờ Buda: Cung điện Hoàng gia và Pháo đài Citadella. Đây là hai địa điểm quan trọng trong lịch sử của Budapest bởi từ đó có thể bao quát thành phố, có pháo đài bảo vệ, đồng thời là nơi đặt pháo để bắn xuống thành phố khi có chiến tranh. Lâu đài Buda có thể đến bằng xe buýt, nhưng Pháo đài Citadella thì phải tự mình trèo lên, tuy có hơi mất sức một chút, nhưng bù lại rất nhiều cây xanh, không khí trong lành, và ngắm toàn cảnh đẹp hơn.

Dưới chân đồi nơi tọa lạc của Pháo đài Citadella là bể tắm nước nóng và xông hơi Gellért, nơi bạn có thể ngâm mình thư giãn sau những giờ tản bộ tham quan thành phố. Mình nghe nói là bể tắm nước nóng ấy là kiểu hoàng gia, được thiết kế và trạm trổ đá đẹp lung linh, nhưng do không có đủ thời gian nên đã phải bỏ qua địa điểm này, dù rất lấy làm tiếc (âu cũng là đánh dấu khi có cơ hội là quay lại đây).

Tất nhiên không thể bỏ qua Tòa nhà Quốc hội, biểu tượng của dân tộc Hungary, tấm gương phản chiếu bao nhiêu sự kiện lịch sử của đất nước. Nơi mà, nếu không nhờ người bạn sống ngay ở Budapest thì mình đã bỏ qua rất nhiều điều thú vị xung quanh, thứ làm mình hiểu hơn và có tình cảm yêu mến với đất nước con người Hungary. Có thể vì tình yêu Hungary của người bạn ấy đã truyền một ít sang mình. Đó là một may mắn mà không phải người du lịch nào cũng có được. Và mình muốn được có lời khuyên cho những ai đi du lịch mỗi khi đặt chân tới một đất nước, một thành phố, là cố tìm được một người bạn yêu mảnh đất ấy.
 
Pháo đài Citadella - Ảnh: nol.hu
Pháo đài Citadella - Ảnh: nol.hu

Mình ở Budapest hai ngày rưỡi, và rời đi trong tiếc nuối. Giá mà mình ở đây thêm ít nhất là một hôm nữa...

Nếu lần tới đến Budapest, mình sẽ chỉ đi bảo tàng và tắm nước nóng mà thôi... Quên, còn đi ăn nữa chứ nhỉ? Chỉ riêng mấy việc này cũng mất ít nhất hai ngày theo mình nhẩm tính.

Hẹn gặp lại Budapest lần nữa!

Tác giả bài viết: Hà Linh, từ Toulouse (Pháp)